Tiếng rừng
Tản văn của Chu Thị Thơm
Đó là vào một đêm trăng, gió xào xạc. Chưa bao giờ cái vẻ huyền bí ấy lại hấp dẫn con người nao lòng đến mức ấy! Hình như trong đêm, tôi nghe cả tiếng thở của trăng. Ấy là lúc mặt nước nghiêng mình cho cơn gió đi qua. Mặt hồ ven núi lao xao gợn ánh vàng, huyền ảo như mơ. Chưa bao giờ, đêm rừng lại thanh tĩnh bí ẩn và mông lung đến thế.
Anh hái cho tôi, đúng hơn là anh nhặt cho tôi một chiếc lá vừa bị gió dứt lìa khỏi cành, và thả chơi vơi trên cỏ. Chiếc lá khô mỏng manh như số phận cây cỏ, mỏng manh như số phận người. Gân lá nổi lên, ráp cứng nhưng nhẹ bỗng trên tay tôi. Tôi dự cảm được nỗi đau của lá, của phận cây trong bão táp và gió sương. Từng hàng cây, chen nhau nép bên những cơn bão và mưa rừng. Chưa ở đâu, sự sinh tồn được khẳng định quyết liệt như ở nơi này. Nếu ai đã đi qua những cơn lũ rừng, quét đi biết bao ngôi nhà và sinh vật trên đường nó đi qua, mới hiểu và thương từng thân cây nương bám vào nhau, ken vào vách đá. Lúc đó mới biết thương hơn nhành lá khô khốc vụt chao nghiêng bởi những cơn gió dữ dằn.
Trong giấc mơ về một điều xa vắng - nơi huyền ảo và những điều phi lý mới cho phép con người lãng du tới bến của mộng mơ, anh kể cho tôi nghe về những âm thanh kỳ diệu của rừng. Đó là âm thanh của đá vọng, của mưa, của gió, của những tiếng chim chao chác trong đêm và những nhành cây khô khốc vụt rơi.
Nhưng đêm nay là đêm trăng. Trăng yên bình. Rừng cũng yên bình. Tất cả yên bình, và không gian nhẹ bỗng, tưởng chừng rừng núi như được nâng lên trong giấc mơ cổ tích, khi mặt đất bảng lảng mờ ảo trong khói và sương.
Trong những câu chuyện cổ, tôi thường thấy xuất hiện những hơi ấm nhân duyên. Chuyện kể về hai anh em yêu một người con gái, về sau nhận ra điều oái oăm của số phận - họ đành phải đi vào rừng để tìm nơi ẩn tích. Họ đã đến với nhau - trong sự vấn vít của kiếp trầu cau trong khu rừng hoang vắng. Câu chuyện huyền diệu về cau trầu và vôi có khởi nguyên từ những con người như thế. Đó không chỉ là câu chuyện của rừng, của tình yêu, nó còn là câu chuyện về một khát vọng hướng tới cái đẹp vĩnh hằng.
Tôi đã từng làm một cuộc hành trình trong những khu rừng kỳ ảo, đầy phép nhiệm màu của cổ tích. Có một nàng công chúa ngủ trong chiếc hòm trong suốt bằng pha lê. Cỏ cây, muông thú, suối reo quanh nàng. Ban ngày mặt trời sưởi ấm nàng. Tối đến, vầng trăng đi qua. Nàng nằm ngủ với giấc mơ triền miên về một chàng hoàng tử đến bên, hôn nụ hôn tình yêu để cho nàng tỉnh thức. Rừng đã bao bọc chở che và yêu thương nàng. Và cũng chính tiếng rừng đã gọi tình yêu về để giấc mơ hạnh phúc của nàng biến thành hiện thực. Cái ác đã bị bất lực, vô hiệu hoá bởi tình yêu.
Lại có một ngọn thác trong khu rừng rậm, sâu thẳm và xa xôi, có một người con gái vì tình yêu trắc trở, đã quyên sinh xuống dòng thác cao vút. Dòng nước đã ôm lấy cô gái, mang cô đi, trả lại cho khu rừng cái tên bất tử: Thác Thiêng. Thiêng bởi những điều tưởng như không có thật lại hiển hiện trong cuộc đời rất thật này. Bởi cũng từ đó, khu rừng huyền bí và dòng thác thiêng kia đã là nơi nguyện cầu hạnh phúc cho những đôi lứa yêu nhau trắc trở. Dòng thác sẽ vĩnh viễn là nơi minh chứng cho những lời thề nguyền cho tình yêu bất tử. Sẽ không còn những cô gái quyên sinh, những chàng trai bỏ buôn làng đi biệt xứ trước tình yêu bất hạnh của mình nữa.
Câu chuyện về việc kén rể của Vua Hùng cũng khởi nguồn từ sự bền vững, mạnh mẽ của núi rừng. Trong cuộc khoe tài, thần Tản Viên Sơn đã minh chứng cho con người sức mạnh đặc biệt của núi rừng. Sản vật mà chàng dâng cho vua cha: “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” là ân tình của núi rừng, nhưng chỉ có tình yêu mới tìm thấy sự độc đáo, linh diệu của nó. Rừng đã trao sự màu nhiệm cho ai, phải cất giữ cẩn thận. Nếu không, khi vật thiêng không còn nguyên giá trị như đúng nghĩa của nó, mọi điều khác cũng chỉ như mây khói mà thôi.
Đi trên những nẻo đường Việt Bắc, tôi đã gặp rừng trong dáng đi liêu xiêu của những người mẹ áo chàm. Rừng dịu dàng bé nhỏ trong ánh mắt của những sơn nữ. Rừng oai linh, hùng vĩ trong bước đi rầm rập của từng đàn thú dữ. Rừng đón bình minh trong tiếng lá xạc xào cho không gian bớt vẻ hoang vắng cô liêu...
Rừng, đó là sự trong suốt, mộng mơ và lãng mạn, đó là ngôn ngữ của tình yêu, nỗi nhớ và sự vĩnh hằng. Tất cả sự huyền diệu ấy được đặt trong sắc màu của lá, của suối thác, của mây...
Rừng, nơi ẩn những giấc mơ bền vững của con người. Nơi mà mưa nắng đi qua, niềm vui hạnh phúc về sự hoàn nguyên cùng tình yêu ở lại. Hoàn nguyên trong tia chớp, trong ánh ban mai, trong tiếng suối thác chảy ầm ầm, trong những tán lá sắc màu rực rỡ. Và, hoàn nguyên cả những điều còn dang dở, với những khát vọng của con người về những điều kỳ diệu, ngổn ngang, chắp nối và rời rạc, chưa kịp gọi thành tên.
Chiếc lá của rừng, chỉ cất tiếng xạc xào khi cả anh và tôi cảm nhận được sự huyền diệu, linh thiêng của núi rừng âm thầm ban tặng. Có tiếng chim chao chác, có tiếng linh động của lòng đất và rừng thiêng, mơ hồ mà hiển hiện. Âm thanh tĩnh lặng và xao xuyến như tận cõi vô cùng...
Đó chính là tiếng rừng.