“Văn hóa khăn rằn” – Mộc mạc nét đẹp phương Nam

VOV.VN - Sinh quán ở miền Tây, thời nhỏ, tác giả Nhâm Hùng đã biết sử dụng khăn rằn. Những họa tiết ô màu trắng đen quen thuộc, cùng mồ hôi của ông bà, cha mẹ gắn liền với đời sống, sinh hoạt thường nhật và công việc làm ăn của gia đình như khắc sâu trong lòng ông. Khi lớn lên, ông tìm tòi, nghiên cứu và gửi lòng mình vào cuốn sách “Văn hóa khăn rằn”.

Trong không gian ấm cúng tại Nhà sách Phương Nam, quận Ninh Kiều, tác giả Nhâm Hùng thông tin, từ thuở mở đất phương Nam, chiếc khăn rằn đã được bà con bốn dân tộc Việt, Hoa, Khmer, Chăm ở ĐBSCL yêu thích và sử dụng thường nhật, lâu dần trở thành nét văn hóa riêng, gọi là văn hoá khăn rằn ở vùng đất này.

Vì lẽ đó, tác giả đã tạo mạch cho cuốn sách gồm 3 phần. Phần 1 “Khái quát hành trình văn hóa khăn rằn”, ông lần lượt điểm qua hình ảnh chiếc khăn rằn từ vẻ đẹp lao động nông nghiệp đến trên chợ, phố và đời sống thương hồ, vẻ đẹp trong gia đình, ngoài cộng đồng, đồng hành với người cán bộ, chiến sĩ, cho thấy hình ảnh chiếc khăn đa dụng, thân thuộc. Ở phần 2 “Khăn rằn trong hoạt động văn hóa - du lịch”, ông miêu tả hình ảnh khăn rằn dưới ánh đèn sân khấu - điện ảnh, sân chơi thời trang, cuộc thi nhan sắc, rồi cả những chiếc áo dài, áo bà ba từ chất liệu khăn rằn, là quà tặng du lịch… đặc biệt, điêu khắc sâu mối duyên giữa áo bà ba - khăn rằn - nón lá. Phần 3 “Báo chí và tình yêu khăn rằn”, ông giới thiệu những bài báo viết về khăn rằn như minh chứng nét đẹp dân dã trường tồn với thời gian.

Cầm trên tay cuốn sách “Văn hóa khăn rằn”, TS Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL nhận định: "Qua chia sẻ của anh Nhâm Hùng, chiếc khăn rằng gắn bó với sự phát triển của vùng đất này. Từ thời khai phá của cha ông, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đặc biệt bây giờ khi những trang phục hội nhập được giới trẻ dùng giao lưu rất là nhiều. Nhưng những sắc thái vùng miền văn hóa này bắt đầu được khơi gợi. Tôi thấy nhiều du khách quốc tế rất vui khi được choàng chiếc khăn rằn lên cổ, lên vai".

Như TS Trần Hữu Hiệp đã nói, trong nhịp sống hiện đại, cứ ngỡ khăn rằn đã không còn phổ biến, nhưng không ngờ, cùng chiếc áo bà ba, khăn rằn bỗng phục hồi, tiếp bước trên chặng đường mới phục vụ văn hóa – văn nghệ, quà lưu niệm tặng bạn bè gần xa. Đáng kể, khăn rằn đã tạo được vị thế vững vàng, hòa nhập vào không gian du lịch miệt vườn, sông nước Cửu Long.

Về khía cạnh này, ở góc nhìn chuyên gia thông qua cuốn sách “Văn hóa khăn rằn”, ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế Xã hội TP. Cần Thơ khẳng định, Việt Nam nói chung, Cần Thơ nói riêng cần tập trung cho việc xây dựng thương hiệu khăn rằn như cách mà nước bạn Campuchia đang làm khá tốt với khăn krama để phát triển du lịch: "Có những điều khi nhắc đến thì người ta sẽ biết đến ĐBSCL đó là áo bà ba, nón lá, khăn rằn, chợ nổi, đờn ca tài tử… thì tác phẩm của ông cũng nhằm giúp cho thế hệ trẻ, bạn đọc tìm hiểu thêm về một vật dụng phổ biến hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Qua cuốn sách này, tôi nghĩ rằng sắp tới Nhà nước, chính quyền cũng cần có chính sách bảo tồn việc sản xuất khăn rằn, bảo tồn làng nghề. Nhà nước nên có chế độ chính sách cho thế hệ trẻ là những người dệt để có thể theo nghề tìm kiếm công ty thời trang, thiết kế đối với khăn rằn ra công chúng. Những việc kết nối như vậy sẽ giúp chiếc khăn rằn đến gần với mọi người nhiều hơn".

Trước khi ra mắt cuốn sách “Văn hóa khăn rằn”, tác giả Nhâm Hùng làm cố vấn cho nhóm sinh viên Trường Đại học FPT Cần Thơ tổ chức chương trình triển lãm và trình diễn thời trang “Rằn”. Câu chuyện một nhóm sinh viên tôn vinh chiếc khăn rằn đầy sáng tạo và hiện đại cũng cho thấy sức sống của loại khăn này trong đời sống đương đại. Đó cũng là sự uyển chuyển vốn có của khăn rằn. Qua ngôn ngữ thời trang, chiếc khăn rằn không chỉ là vật dụng dùng để “choàng” hay quấn cổ, đội đầu, mà trở nên đa dụng và hiện đại. Hoạt động này cũng tạo chất liệu để tác giả Nhâm Hùng hoàn thành tác phẩm của mình, khuyến khích người trẻ học nghề có ứng dụng công nghệ mới để cải thiện chất lượng sản phẩm.

Bạn Diệu Mỹ, trưởng nhóm sinh viên Trường Đại học FPT Cần Thơ tổ chức triển lãm “Rằn” bày tỏ khi đọc tác phẩm “Văn hóa khăn rằn”: "Rất cám ơn vì bác luôn luôn viết về những truyền thống văn hóa của miền Tây. Sau một khoảng thời gian tìm hiểu về khăn rằn cùng sự đồng hành, giúp đỡ từ bác để thực hiện dự án “Rằn” thì chúng tôi thấy yêu quý khăn rằn. Đối với tôi khăn rằn mang một giá trị bền bỉ, mang tính lịch sử và không dừng lại ở giá trị thường ngày".

Trong sách của tác giả Nhâm Hùng, ông tự hào nhìn nhận người Nam Bộ đã kiến tạo nên văn hóa khăn rằn. Điều này được thể hiện trong cách dệt, công dụng, cách dùng và cả những biến tấu đầy sáng tạo. Cùng với áo bà ba và nón lá, chiếc khăn rằn kết nên mối duyên lành gắn bó với người phương Nam hàng trăm năm qua.

Sau nhiều năm đi tìm lời đáp cho câu hỏi “Vì sao khăn rằn trở thành “nguời bạn” đường thân thiết của các dân tộc bản địa, từ xa xưa và cả hôm nay?”, giờ đã dùng ngòi bút chắp hồn yêu văn hóa dân tộc vào tác phẩm, tác giả Nhâm Hùng vui mừng bộc bạch: "Đây là một chiếc khăn độc đáo mà cho tới giờ tuổi đời của nó đã hàng trăm năm. Rất mừng vì khăn rằn đang chuyển từ giá trị truyền thống kết hợp với những giá trị hiện đai. Tôi tin sức sống của khăn rằn mãi còn, trường tồn với dân tộc bản địa vùng ĐBSCL. Qua cuốn sách này, tôi gửi gắm tấm lòng, niềm tin với giới trẻ. Giới trẻ mà còn yêu văn hóa dân tộc, đặc biệt là yêu chiếc khăn rằn thì chúng ta còn đủ tự tin khẳng định rằng bước tiến chung của ĐBSCL cũng như dân tộc của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển và mở ra những chương mới, trong đó gốc vẫn bảo tồn là văn hóa dân tộc phải có chiếc khăn rằn".

Cuốn sách “Văn hoá khăn rằn” là tác phẩm thứ 31 của soạn giả Nhâm Hùng, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô, người chuyên nghiên cứu văn hoá dân gian Nam bộ. Thông qua ấn phẩm “Văn hóa khăn rằn” lần nữa khẳng định hình ảnh chiếc khăn thân thuộc và bình dị này mãi là một phần trong bức tranh văn hóa rực rỡ của vùng đất phương Nam.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Á hậu Bảo Ngọc đội khăn rằn đến thăm Kim Tự Tháp, Ai Cập
Á hậu Bảo Ngọc đội khăn rằn đến thăm Kim Tự Tháp, Ai Cập

VOV.VN - Á hậu Bảo Ngọc vừa thực hiện loạt ảnh đội khăn rằn tạo dáng bên Kim Tự Tháp ở Ai Cập, thu hút sự quan tâm của công chúng.

Á hậu Bảo Ngọc đội khăn rằn đến thăm Kim Tự Tháp, Ai Cập

Á hậu Bảo Ngọc đội khăn rằn đến thăm Kim Tự Tháp, Ai Cập

VOV.VN - Á hậu Bảo Ngọc vừa thực hiện loạt ảnh đội khăn rằn tạo dáng bên Kim Tự Tháp ở Ai Cập, thu hút sự quan tâm của công chúng.

Á hậu Phương Nga mang khăn rằn tặng các thí sinh Miss Grand 2018
Á hậu Phương Nga mang khăn rằn tặng các thí sinh Miss Grand 2018

VOV.VN - Á hậu Phương Nga đã tặng cho toàn bộ thí sinh một vật phẩm mang đậm tinh thần Việt Nam, đó là chiếc khăn rằn Nam Bộ.

Á hậu Phương Nga mang khăn rằn tặng các thí sinh Miss Grand 2018

Á hậu Phương Nga mang khăn rằn tặng các thí sinh Miss Grand 2018

VOV.VN - Á hậu Phương Nga đã tặng cho toàn bộ thí sinh một vật phẩm mang đậm tinh thần Việt Nam, đó là chiếc khăn rằn Nam Bộ.

Tường Linh tặng khăn rằn cho thí sinh Hoa hậu Liên lục địa 2017
Tường Linh tặng khăn rằn cho thí sinh Hoa hậu Liên lục địa 2017

VOV.VN - Tường Linh cũng đã gửi đến các người đẹp quốc tế món quà từ Việt Nam – những chiếc khăn rằn quen thuộc của người phụ nữ Nam Bộ.

Tường Linh tặng khăn rằn cho thí sinh Hoa hậu Liên lục địa 2017

Tường Linh tặng khăn rằn cho thí sinh Hoa hậu Liên lục địa 2017

VOV.VN - Tường Linh cũng đã gửi đến các người đẹp quốc tế món quà từ Việt Nam – những chiếc khăn rằn quen thuộc của người phụ nữ Nam Bộ.