Văn học nghệ thuật làm gì khi đạo đức xã hội xuống cấp?
VOV.VN - "Tôi nghĩ cái lõi của vấn đề là văn học nghệ thuật của chúng ta làm gì cho sự phát triển của dân tộc?", ông Vũ Ngọc Hoàng nêu rõ.
Sáng 15/3, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức họp kỳ thứ 9. Cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác từ sau kỳ họp thứ 8 đến nay, bàn phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đến hết năm 2014.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã được nghe báo cáo do ông Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trình bày về những hoạt động chính giữa hai kỳ họp. Theo đó, việc thực hiện Đề án khoa học cấp Nhà nước: “Lý luận văn nghệ ở Việt Nam – thực tiễn và định hướng phát triển” được coi là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng đang bị chậm 1 năm so với dự kiến ban đầu.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức tọa đàm “Báo chí tuyên truyền về văn học, nghệ thuật qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)” vào tháng 1/2014, nhằm tăng cường phối hợp giữa Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương với các cơ quan báo chí để nâng cao chất lượng, hiệu quả báo chí tuyên truyền về văn học, nghệ thuật.
Toàn cảnh kỳ họp (ảnh: Phương Thúy) |
Về công tác khảo sát, Hội đồng đã tiến hành khảo sát tình hình nghiên cứu, giảng dạy văn học tại 4 trường Đại học: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Huế, Đại học Sư phạm Huế.
Đóng góp ý kiến tại kỳ họp, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh: Trong thời gian tới, cần chú trọng việc dạy và học văn trong nhà trường một cách chủ động và thực chất hơn, trong đó ưu tiên các tác phẩm văn học có giá trị, góp phần bồi dưỡng tâm hồn các thế hệ người Việt.
"Khoa học nhân văn trước hết là khoa học giúp người ta trở thành một con người theo đúng nghĩa. Cần lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu của dân tộc qua các thời kì lịch sử, đặc biệt là văn học thời kì kháng chiến. Theo tôi, vẫn phải lấy văn học dân tộc là chính." - Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tại kỳ họp cũng nhấn mạnh việc ưu tiên hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là đội ngũ kế thừa trong mảng sáng tác, phê bình và biểu diễn nghệ thuật.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nói: "Tôi nghĩ cái lõi của vấn đề là văn học nghệ thuật của chúng ta làm gì cho sự phát triển của dân tộc? Tôi nghĩ đây là mục tiêu của nền văn hóa Việt Nam. Đạo đức xã hội tại sao xuống cấp nghiêm trọng như vậy, văn học nghệ thuật làm gì cho câu chuyện đó. Mặc dù các lĩnh vực nghệ thuật khác đều quan trọng nhưng văn học, điện ảnh và sân khấu cũng cần phải có những giải pháp để thúc đẩy."
Từ nay đến cuối năm 2014, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện các công việc của Đề án khoa học toàn quốc cấp Nhà nước: “Lý luận văn nghệ ở Việt Nam – thực tiễn và định hướng phát triển”; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị báo chí văn nghệ toàn quốc năm 2014. Bên cạnh đó, năm 2014, Hội đồng sẽ tiếp tục xét tặng thưởng, hỗ trợ các tác phẩm, công trình lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, trong đó sẽ đặc biệt chú trọng đến những tác phẩm đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật./.