Văn học về chiến tranh biên giới phải kết nối với ngày hôm nay
Chủ Nhật, 10:53, 17/02/2019
Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật VN sẽ tổ chức cuộc hội thảo văn học, mời các nhà văn viết về chiến tranh biên giới phía Bắc để có những sáng tác sâu sắc.
Thời gian tới, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật VN sẽ tổ chức một cuộc hội thảo văn học, một trại sáng tác, mời các nhà văn viết về chiến tranh biên giới phía bắc về dự hội thảo để có những sáng tác sâu sắc.
Thanh Niên trao đổi với nhà nghiên cứu TS Trần Ngọc Hiếu (ĐH Sư phạm Hà Nội), về văn học viết về chiến tranh biên giới.
Một số tác phẩm văn học viết về chiến tranh biên giới
Mang màu sắc huyền ảo, tượng trưng để nói về điều nhức nhối
Ông đánh giá như thế nào về các tác phẩm văn học viết về chiến tranh biên giới từ trước tới nay?
Sau 1975 chúng ta có 2 cuộc chiến tranh biên giới. Chiến tranh biên giới phía bắc và chiến tranh biên giới Tây Nam. Cũng có mạch sáng tác, kể cả trong âm nhạc, điện ảnh, văn học xoay quanh hai cuộc chiến này. Ở thời điểm này hai cuộc chiến tranh biên giới đó hiện diện trong văn học với hai khuynh hướng khác nhau.
Chiến tranh biên giới Tây Nam, với những cuốn như Chuyện lính Tây Nam (Trung Sĩ), Về từ hành tinh ký ức (Võ Diệu Thanh), nghiêng về phía giai thoại, ghi lại những câu chuyện, trải nghiệm. Các tác phẩm mang màu sắc ký sự. Kể cả ở văn tiểu thuyết, tính ký sự cũng rất đậm. Thậm chí đọc một số cuốn tiểu thuyết về chiến tranh biên giới Tây Nam mới được sáng tác gần đây, nếu có gì hấp dẫn lại không phải ở chủ đề vì chúng chưa thoát khỏi văn chương minh họa nhiều lắm.
Với tôi, điểm đặc biệt ở những tiểu thuyết này không nằm ở việc họ mô tả chiến tranh như thế nào mà nằm ở chỗ họ miêu tả phong tục. Đó là những tiểu thuyết hơi hướng sử thi còn đậm.
Ở cực kia, văn chương viết về chiến tranh biên giới phía bắc lại theo ngả khác. Nó không theo hướng giai thoại mà theo hướng ngụ ngôn. Chẳng hạn, Mình và họ (Nguyễn Bình Phương) và Bóng anh hùng (Doãn Dũng), nó mang màu sắc ngụ ngôn hoặc người ta mượn câu chuyện mang màu sắc huyền ảo, màu sắc tượng trưng để nói về điều nhức nhối.
Tất nhiên, cũng có những tiểu thuyết viết về chiến tranh biên giới Tây Nam ngả theo hướng ngụ ngôn, như Miền hoang của Sương Nguyệt Minh chẳng hạn. Nhưng nhìn chung, trong quan sát của tôi thì có vẻ như có hai loại hình văn chương viết về chiến tranh: một bên càng đi về giai thoại càng tốt; một bên cứ lách vào ẩn dụ, tượng trưng, ngụ ngôn để có cảm giác xuyên qua cái đó nói về thực tại mà không thể nói bằng ngôn ngữ trực tiếp.
TS Trần Ngọc Hiếu - ẢNH: NVCC.
Ông có thể lý giải khuynh hướng này không?
Chiến tranh biên giới Tây Nam được phủ lên đó nhiều diễn ngôn: cuộc chiến tranh bảo vệ CNXH, cuộc chiến tranh với nghĩa vụ quốc tế, cuộc chiến vì chính nghĩa, mang tình nhân loại. Trong khi đó cuộc chiến tranh biên giới phía bắc nhạy cảm hơn nhiều, vì thế người ta buộc phải nói về mối quan hệ đó một cách ẩn ý hơn, tượng trưng hơn.
Cả hai cuộc chiến tranh đều có những mảng nhức nhối nhưng trong văn chương viết về chiến tranh biên giới phía bắc dù ít, song lại có những vệt tương đối sâu sắc. Chẳng hạn như Mình và họ của Nguyễn Bình Phương, Xác phàm của Nguyễn Đình Tú hay Bóng anh hùng của Doãn Dũng. Còn ở mảng đề tài biên giới Tây Nam thì các tiểu thuyết vẫn đang rơi vào vùng văn chương minh họa, miêu tả ta - địch trắng đen, rạch ròi... Ngoại trừ một số trường hợp cá biệt như Chuyện lính Tây Nam hay Hành tinh ký ức. Ở đó, văn chương bắt đầu quan tâm đến tiếng nói của những người trong cuộc nhỏ bé, những chấn thương, những khía cạnh phi nhân của chiến tranh.
Sự ẩn dụ đó do người viết hay có cấm đoán, thưa ông?
Người lính đi chiến tranh biên giới Tây Nam cũng được tạo hình khác biệt một chút so với người lính đi chiến tranh biên giới phía bắc. Nghe những bài hát gắn với biên giới Tây Nam như Nhánh lan rừng, Đồng đội, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ hay xem phim Vị đắng tình yêu..., tôi có ấn tượng ngữ cảnh thời đại phủ cho cuộc chiến tranh này còn một chút gì đó lãng mạn. Người lính ít nhiều còn là hình tượng sử thi, đại diện cho những tình cảm quốc tế. Nhưng chiến tranh biên giới phía bắc lại là những hồi ức buồn, khốc liệt, bi trầm.
Thu hút độc giả trẻ còn tùy vào khả năng người viết
Ông có nghĩ tác phẩm về chiến tranh biên giới phía bắc sẽ thu hút độc giả trẻ không?
Tôi nghĩ nó phụ thuộc vào khả năng của người viết. Thực ra câu hỏi rộng hơn là văn học viết về chiến tranh có thu hút được độc giả trẻ không, bởi vẫn có những cây bút trực tiếp tham gia chiến tranh viết về thời đó. Nhưng dần dần mình sẽ nhận ra quá khứ đó không là độc quyền của bất cứ ai cả. Tuổi trẻ luôn luôn có quyền nhìn về quá khứ, chất vấn những gì thuộc về quá khứ. Cho nên câu hỏi người trẻ có còn là độc giả cho văn chương chiến tranh hay không còn phụ thuộc cách viết của tác giả. Phụ thuộc vào việc làm thế nào để kết nối câu chuyện không chỉ là hồi ức của những anh đi qua trận mạc.
Nói như trong truyện ngắn Mưa rơi của Phan Thị Vàng Anh, người nào kể chuyện hay về chiến tranh thì bọn con sẽ đọc. Điều đó sẽ phụ thuộc vào việc người viết làm thế nào để viết câu chuyện quá khứ mà kết nối với hôm nay. Với tôi, nhiều tiểu thuyết viết về chiến tranh đang thiếu cảm giác kết nối với chính cái hôm nay. Mà tất cả các cuộc chiến đều tiềm tàng những ý nghĩa cho ngày hôm nay.
Có xu hướng văn học là người trẻ xem lại những quan điểm cũ. Ông có nghĩ một tác phẩm về chiến tranh nói chung, chiến tranh biên giới nói riêng có sự lật lại sẽ thu hút độc giả?
Có chứ. Vì thực ra lịch sử không là một cái gì hoàn kết. Nó luôn có những điểm mù, những chỗ đáng bị chất vấn vì xét cho đến cùng nó là chuyện kể. Lịch sử là các sự thật được làm ra chứ không phải tự nhiên, do đó nó luôn có sự chất vấn. Và bây giờ người ta luôn thích cái nhìn lịch sử có tính chất vấn như vậy.
Đến lúc nào đó người trẻ cũng sẽ nhìn lại chiến tranh. Điều này không có nghĩa là bội tín lịch sử đâu. Không nên nghĩ thế, vì thực ra điều đó cởi trói lịch sử ra khỏi những tự sự mang tính đơn nhất. Nó sẽ làm người ta thấy lịch sử có nhiều góc nhìn, lịch sử gợi ra nhiều cách nghĩ và đó mới thực sự là cái người ta mong đợi khi đọc tiểu thuyết, đọc văn học. Chứ văn học mà chỉ minh họa những tự sự có sẵn, những sự thật đã được chấp nhận từ trước rồi thì rất chán. Cuốn Đọc Lolita ở Tehran (Azar Nafisi) có một câu rất hay: “Văn học hay khi nó chất vấn những lẽ thường”. Tôi nghĩ những thứ lịch sử trong sách giáo khoa đó là những lẽ thường. Mình học nó thế nào để vừa nhận thức được nó, đồng thời được quyền chất vấn về nó. Tôi luôn nghĩ hiện chúng ta chưa có những cây bút có thể say mê viết về quá khứ.
Ông có nói về điểm mù. Ông có nghĩ là việc giải mật một số tài liệu và công bố một số tư liệu lịch sử từ Viện Nghiên cứu lịch sử quân sự chẳng hạn sẽ giúp xóa được điểm mù đó, để văn học về chiến tranh biên giới được thúc đẩy tốt hơn không?
Đó cũng là cái quan trọng vì sẽ tạo cho chúng ta một không khí cởi mở hơn về nhận thức quá khứ. Nhưng nhiệm vụ của văn chương, quan trọng nhất là cảm thức về những điểm mù của con người trong lịch sử.
Khi viết về chiến tranh, chúng ta cũng không nên ve vuốt quá khứ. Chẳng hạn, giờ có những chương trình thi vị hóa thời bao cấp, trong khi đối với tôi thời đó là thời đáng chất vấn. Tôi không quên mẹ tôi thời đó phải đi bán thuốc lá, chị tôi đi học về buổi chiều phải đi bán rau. Hay xóm nhà tôi cả xóm có chung một nhà vệ sinh. Nhưng giờ khi các cụ già rồi, thì họ lại cảm giác đó là thời họ sống cùng được với nhau. Quá khứ được lãng mạn hóa. Làm thế nào để nhìn lại quá khứ mà không ve vuốt bản thân, vì nó sẽ biến quá khứ thành huyền thoại? Mà huyền thoại lại làm người ta không nhìn thấy cốt lõi của đời sống cũng như cốt lõi của chính mình. Đấy là điều tôi băn khoăn.
Sáng tạo là câu chuyện thôi thúc tự thân
Hội nhà văn gần như có “đơn hàng” sáng tác về chiến tranh biên giới. Liệu nó có thể biến thành phong trào viết về chiến tranh biên giới không?
Nếu có đặt hàng, đây không phải lần đầu tiên đề tài viết về chiến tranh được nhà nước đặt hàng. Sáng tạo là câu chuyện thôi thúc tự thân. Còn có phong trào viết hay không, thì đấy, đang có xu hướng quay về quá khứ rồi biến nó thành cái gì lãng mạn. Tiểu thuyết viết theo đơn đặt hàng cũng được thôi, nhưng tôi hồ nghi liệu chúng ta sẽ lại chỉ có tiếp những tác phẩm nghiêng về tính chất giai thoại, hoặc thành khúc anh hùng ca? Mà cuộc chiến thì cần những cách tiếp cận gai góc hơn, cá nhân hơn.
Đương nhiên, văn chương viết về chiến tranh mang chiều kích sử thi thì vẫn có sức hấp dẫn. Song cái cốt lõi của văn chương vẫn là câu chuyện của những con người cá nhân, riêng tư, độc đáo, chân thực. Thiếu cái đó thì không thể thu hút được công chúng. Vì thế nếu văn chương không mang yếu tố con người, trở lại với những gì rất cá nhân, đặc biệt riêng tư của con người thì có đặt hàng đến mấy công chúng cũng không đón nhận.
Những người nghệ sĩ đích thực bao giờ cũng xuất phát từ thôi thúc tự thân của họ hết. Và cũng nhớ rằng, sự hấp dẫn của văn chương không thể là sự ve vuốt quá khứ.
Vậy độc giả có thể làm gì?
Có một kiểu độc giả hiện giờ sẽ hờ hững nhiều với văn chương viết về chiến tranh nói chung, chiến tranh biên giới nói riêng. Lý do có thể thấy ngay là bởi ở họ có một khoảng trống nhận thức về lịch sử. Đến bây giờ chúng ta mới nói đến chuyện cần đưa chiến tranh biên giới vào thành một mục trong lịch sử lớp 12. Sau 30 năm chúng ta mới dám đưa việc Trường Sa - Hoàng Sa năm 1988 vào. Có nghĩa đã có một thời kỳ không nhắc gì đến nó. Nó làm độc giả có cảm giác ờ, lịch sử của chúng ta, quá khứ gần nhất là năm 1975. Phần còn lại bị mờ đi. Ngày trước học sinh lớp 9 còn được học truyện Mặt trời bé con của tôi của Thùy Linh, bây giờ tác phẩm đó cũng đi khỏi chương trình. Ngày trước chúng ta còn được học thơ Chiều biên giới của Lò Ngân Sủn, nhưng giờ cũng ra rồi. Sách giáo khoa chả còn bài nào nhắc đến điều đó nữa. Thế thì tôi nghĩ trước khi bảo độc giả làm gì, chúng ta cũng cần phải lấp khoảng trống nhận thức lịch sử trong họ đã. Để họ biết sau 1975 chiến tranh của chúng ta chưa kết thúc mà còn có những cuộc chiến tranh khác nữa.
Nếu có nhãn quan rộng rãi, độc giả bây giờ có thể tra cứu nhiều nguồn. Họ có thể thấy lịch sử phức tạp hơn thế. Thế thì họ có một quyền là đòi hỏi văn chương viết về lịch sử phải trở nên phức tạp hơn. Còn nếu như nó vẫn là thứ tự sự đơn nhất, thứ văn chương minh họa thôi thì đừng bao giờ nghĩ đến việc hấp dẫn công chúng trẻ. Công chúng trẻ khi đã tìm đến văn học về quá khứ, đó là những công chúng đã có gout rồi. Văn chương từ chối việc trở nên phức tạp không hấp dẫn được ai. Và tôi vẫn nghĩ viết về quá khứ cách tốt nhất không phải ve vuốt nó, phải biến quá khứ thành cái gì đó cho hôm nay./.
Không phải chỉ những người trải qua chiến tranh mới được viết về nó
Có những người không trải qua Thế chiến 2 nhưng họ vẫn viết về nó rất hay. Ví như Jonathan Littell viết Những kẻ thiện tâm. Ông là người Mỹ, nhưng vẫn có thể viết về Thế chiến 2. Phải thấy quá khứ không phải độc quyền của những người đã trải qua nó mà còn là đối tượng của những người ngày hôm nay khi họ muốn chất vấn quá khứ để hiểu hơn hiện tại của họ. Đó là quyền của con người nói chung, không quá quan trọng việc phải đi qua nó.
Nhưng điều đó cũng có một cái khó là nếu mình không đi qua nó thì mình buộc phải tìm hiểu nó một cách kỹ lưỡng, chứ không chỉ ngồi tưởng tượng được. Nó cũng giống như Tolstoy viết Chiến tranh và hòa bình cũng phải đi thăm thực địa chiến trường. Viết về quá khứ không chỉ là trò chơi của trí tưởng tượng đâu. Nó vẫn đòi hỏi người ta phải thâm nhập, có những trải nghiệm, tìm hiểu phục dựng tư liệu... TS Trần Ngọc Hiếu
VOV.VN - Sau hơn 1 tháng chiến đấu (17/2 đến 18/3/1979), quân và dân ta đã đẩy lùi quân Trung Quốc trên 6 mặt trận lớn trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới.
VOV.VN - Mảnh đạn pháo nằm trong người cựu binh Tao Văn Nó gần 40 năm như một chứng tích lịch sử về sự khốc liệt của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.
VOV.VN - Là tác giả của 6 ca khúc viết về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn còn xúc động khi nhớ về những tháng ngày khốc liệt đó.
VOV.VN - Là tác giả của 6 ca khúc viết về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn còn xúc động khi nhớ về những tháng ngày khốc liệt đó.
VOV.VN - Làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn để xứng đáng với cái giá của chiến tranh có lẽ là lời nhắn nhủ của những người đã hóa thành thành lũy bất tử cho tổ quốc.
VOV.VN - Làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn để xứng đáng với cái giá của chiến tranh có lẽ là lời nhắn nhủ của những người đã hóa thành thành lũy bất tử cho tổ quốc.