Viết văn cũng cần “tỉnh” như kinh doanh

(VOV) - Doãn Dũng, Chủ tịch hãng thời trang Ivy Moda, ở tuổi 42 vừa cho ra mắt hai cuốn sách "Không lạ" và "Bóng anh hùng".

Doãn Dũng, còn có tên là Vũ Anh - Chủ tịch hãng thời trang Ivy Moda, vừa cho ra mắt hai cuốn sách ở tuổi 42: Tạp văn “Không lạ” và tập truyện ngắn “Bóng anh hùng”. Anh tâm đắc câu nói của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Sống đi rồi hãy viết.

Viết văn và kinh doanh đều khổ và cô đơn…

PV: - Đang vai trò chủ tịch một hãng thời trang hàng đầu trong nước, bỗng dưng Doãn Dũng lại xuất hiện với vai trò một nhà văn, có vẻ anh đặt cho mình những trọng trách ghê gớm?

Doãn Dũng: - Trong văn chương tôi không đặt cho mình một sứ mệnh nào cả. Viết văn là nhu cầu, một đam mê thôi.

PV: - Chứ không phải để “củng cố” thương hiệu trong việc làm kinh doanh hiệu quả hơn?

Doãn Dũng: -Thực ra từ bé đã thích viết, đến giờ tự dưng có nhu cầu một cách tự nhiên thôi chứ không có mục tiêu gì cả. Nếu tôi viết dở sẽ ảnh hưởng xấu đến thương hiệu ấy chứ.

PV: - Việc viết lách đến với anh muộn, do con đường anh đã vạch ra từ trước hay… bỗng dưng thích viết?

Doãn Dũng: - Từ bé tôi đã rất thích viết và nghĩ rằng lớn lên sẽ viết lách. Năm 2005, tôi bắt đầu viết những thứ lặt vặt, khi đó đã 34-35 tuổi. Đó cũng là khi điều kiện kinh tế đã khá ổn định. Tôi có quan điểm về việc viết: Thứ nhất, giống như Nguyễn Huy Thiệp khuyên các bạn trẻ rằng sống đi rồi hãy viết. Với tôi phải có sự trải nghiệm thì viết mới chín được. Còn việc có đủ tài để viết chín hay không lại là một chuyện khác. Thứ 2, tôi là người tương đối rạch ròi: vợ con mà đói thì mình không thể ngồi viết được.

Nhà văn Doãn Dũng

PV: - Viết văn và kinh doanh, anh có thấy đó là sự đối lập trong con người mình?

Doãn Dũng: - Thực ra viết văn cũng phải tỉnh táo không kém gì kinh doanh. Nếu viết văn một cách nghiêm túc thì đó là sự lao động khổ sai. Chỉ có trẻ con khi mới bắt đầu làm thơ mới cần sự lãng đãng, thăng hoa. Cả viết văn và kinh doanh đều khổ và cô đơn như nhau…

Kinh doanh là làm sao bán được sản phẩm khách hàng thích chứ không phải bắt khách hàng thích cái mình bán. Kinh doanh là phải thỏa hiệp. Và “Không lạ” cũng là cuốn tạp văn tôi thỏa hiệp, vừa mang tính giải trí không chỉ với người đọc mà còn với cả người viết. Tôi có thuận lợi là được viết cái mình thích chứ không đặt cho mình cái sứ mệnh gì.

Nói gì thì nói nhà văn có nổi tiếng hay không thì tác phẩm của nó phải sống được với bạn đọc. Kể cả bây giờ sách bán chạy đi chăng nữa có thể là do mình làm PR tốt. Tôi rành mạch trong cả văn chương. Đó cũng là thế yếu của tôi khi không thể biến ảo để viết ở nhiều thể loại. Các câu chuyện của tôi cũng có tình tiết, số phận quyết liệt như người làm kinh doanh.

PV: - Điều gì khiến anh có đủ tự tin để viết?

Doãn Dũng: - Truyện ngắn đầu tiên của tôi được đăng trên báo quân đội là “Bạn chiến đấu”. Trước đó, tôi có viết một số truyện ngắn theo kiểu rất tự do, rồi đưa cho bố đọc. Cụ đã gửi một truyện cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tất nhiên không được đăng vì tôi viết rất cẩu thả.

Nhưng nhà văn Nguyễn Đình Tú lúc đó đang là biên tập viên của tạp chí đã gọi điện cho tôi gợi ý viết một truyện khác, có lẽ do anh đã nhìn thấy “tiềm năng” ở tôi chăng?(cười). Từ bé tôi đã ngưỡng mộ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, coi như một chuẩn mực của văn chương. Nếu được đăng trên tạp chí này thì đó là một vinh dự. Và tôi đã viết “Bạn chiến đấu” năm 2007. Sau đó tôi thành cộng tác viên ở đó, như một trại sáng tác rèn giũa cho mình.

PV: - Có vẻ như thời gian đi nghĩa vụ quân sự đã cho anh nhiều thứ?

Doãn Dũng: - Tôi nghĩ rằng giai đoạn nào trong cuộc đời của tôi đều quan trọng cả. Tôi là người chịu khó quan sát. Quãng đời nào tôi cũng đặt cho mình một mục tiêu là phải làm được gì. Giai đoạn trong quân đội 3 năm tôi hoàn thành 2 mục tiêu là biết đánh máy chữ (vì hồi đó chưa có máy tính) và lái xe.

PV: - Anh đặt tiêu chí nào cho mình khi viết?

Doãn Dũng: - Tất cả tạp văn đều nhắm đền đối tượng văn phòng nên tính văn chương thấp, tính giải trí cao, chủ yếu vui vẻ là chính. Nhưng sang tập truyện ngắn “Bóng anh hùng”, tôi hướng đến đối tượng bạn đọc văn chương. Người đọc văn phòng giờ chỉ muốn giải trí, cười với nhau để xả stress nên ít người đọc “Bóng anh hùng”, nếu có đọc thì chủ yếu là tò mò xem tôi còn có gì hay ho nữa không.

Người giơ vai gánh thất bại là… vợ

PV: - Việc không bị sức ép về mặt tiền bạc như anh cũng là điều thuận lợi?

Doãn Dũng: - Ở Việt Nam, những người sống được với văn chương rất ít. Cho nên các nhà văn trẻ muốn sống bằng nghề viết lách phải vừa viết văn vừa viết báo. Tôi có thuận lợi hơn các bạn viết khác là không bị vợ gào réo tiền học cho con … Ít ra tôi được thảnh thơi để đắm mình vào nhân vật.

PV: - Vũ Anh khi kinh doanh thời trang, Doãn Dũng khi viết văn, Cao Sơn khi phượt - Lý do gì mà anh đặt cho mình nhiều cái tên như vậy?

Doãn Dũng: - Tôi cũng là người lắm trò, nên muốn chọn một cái tên phù hợp với lĩnh vực. Doãn Dũng tôi thích dùng khi viết văn và cũng để tiện… khi ghi tên vào gia phả.

PV: - Gần đây thấy anh chia sẻ trên báo chí rằng, ngoài 50 tuổi anh sẽ sắm du thuyền để đi chơi, anh không sợ mang tiếng “chém gió”?

Doãn Dũng: - 10 năm đầu tiên của người đàn ông từ 20-30, tôi xác định làm gì cũng được để kiếm tiền miễn không phải là phạm pháp. Đây là mục tiêu phù hợp với tôi. Chứ người có điều kiện thì 25 tuổi đã có sự nghiệp rất tốt rồi. Từ 30-39 xây móng sau khi đã có “vật liệu”. Nếu có móng rõ ràng từ 40 mới có thể lên tầng được. Sau 50 tuổi đang về già nhưng chưa đến mức nằm một chỗ, sẽ bàn giao việc cho các con rồi làm điều mình mong ước là du thuyền vòng quanh thế giới. Tôi đặt cho mình một mục tiêu có thể phấn đấu được chứ không phải là vô chừng.

PV: - Anh có thường thất bại với mục tiêu và anh chọn cách đối mặt như thế nào?

Doãn Dũng: - Mục tiêu thì hoàn thành, nhưng trong từng sự vụ thì thất bại là thường xuyên. Nhưng tôi chưa bao giờ bi quan cả. Không vấp ngã mới là lạ. Tôi có thuận lợi là vợ tôi chưa bao giờ ca thán về sự thất bại của tôi cả và mỗi khi tôi thất bại thì người đưa vai ra gánh là vợ tôi. Tôi quan niệm trong rủi có may, trong nguy có cơ và ngược lại…  nên việc thất bại không có gì là ghê gớm lắm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Người viết văn giống con thú đào hang”
“Người viết văn giống con thú đào hang”

Nhà văn trẻ người Nhật Bản Masatsugu Ono chia sẻ, người viết văn cứ cần mẫn đào xới để tìm ra một con đường mới dẫn tới độc giả để tìm sự đồng cảm, sẻ chia.

“Người viết văn giống con thú đào hang”

“Người viết văn giống con thú đào hang”

Nhà văn trẻ người Nhật Bản Masatsugu Ono chia sẻ, người viết văn cứ cần mẫn đào xới để tìm ra một con đường mới dẫn tới độc giả để tìm sự đồng cảm, sẻ chia.

Lớp đào tạo viết văn
Lớp đào tạo viết văn

Các học viên sẽ được nâng cao ý thức chuyên nghiệp của người cầm bút, kỹ thuật cần có của người viết truyện ngắn…

Lớp đào tạo viết văn

Lớp đào tạo viết văn

Các học viên sẽ được nâng cao ý thức chuyên nghiệp của người cầm bút, kỹ thuật cần có của người viết truyện ngắn…

Sách hướng dẫn trẻ em viết văn
Sách hướng dẫn trẻ em viết văn

(VOV) -"Ước mơ viết văn: Viết truyện" là tên cuốn sách của nhà văn Phong Thu do NXB Kim Đồng phát hành

Sách hướng dẫn trẻ em viết văn

Sách hướng dẫn trẻ em viết văn

(VOV) -"Ước mơ viết văn: Viết truyện" là tên cuốn sách của nhà văn Phong Thu do NXB Kim Đồng phát hành

Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8
Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8

Hoạt động này sẽ diễn ra từ ngày 7-12/9 tại 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang và Thái Nguyên.  

Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8

Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8

Hoạt động này sẽ diễn ra từ ngày 7-12/9 tại 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang và Thái Nguyên.