Vĩnh biệt nhà văn Anh Đức: Ký ức một thời khói lửa
VOV.VN - Khi cuộc kháng chiến đã lùi xa, sống giữa thành phố mang tên Bác, nhà văn vẫn không nguôi nhớ về những miền đất khói lửa ông đi qua, về những con người ông từng gặp…
"Tôi vẫn luôn nghĩ mình thật may mắn, được sinh ra, sống và viết một thời đẹp đẽ dù có lắm thương đau, mất mát, ly biệt. Tôi không chút hối tiếc về những năm tháng ấy..."
Đó là những lời tự bạch chân thành và xúc động của nhà văn Anh Đức khi nói về hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc và sự "dấn thân" của thế hệ mình trên con đường chung của dân tộc. Ông là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng được viết trong kháng chiến chống Mỹ như: " Lão anh hùng dưới hầm bí mật", "Một chuyện chép ở bệnh viện", "Bức thư Cà Mau", "Hòn Đất", "Giấc mơ ông lão vườn chim".v.v...
Nhà văn Anh Đức tên thật là Bùi Đức Ái, sinh ra ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Khi Cách mạng tháng 8 thành công và tiếp đến là ngày độc lập 2/9, nhà văn mới 10 tuổi. Sau đó chỉ 21 ngày, giặc Pháp bắt đầu trở lại xâm lấn ở An Giang quê ông và toàn bộ Nam Bộ đều sục sôi quyết tâm đánh giặc, dù phải hy sinh tới giọt máu cuối cùng, dù trong tay chủ yếu chỉ có giáo mác, súng ống còn ít ỏi thô sơ.
Chân dung nhà văn Anh Đức trong thời kỳ kháng chiến (ảnh tư liệu)
Lớn lên trong cái nôi kháng chiến của Miền Nam, cậu bé Bùi Đức Ái đã đi theo người lớn cùng ra vườn đốn những cây tầm vông mang về vạt nhọn, rồi hơ lên lửa nóng làm vũ khí. Một tháng sau kể từ ngày Nam Bộ kháng chiến, người anh trai cả của nhà văn đã hy sinh ở tuổi đời còn rất trẻ trong một trận công đồn. Hai năm sau, Đức Ái tạm biệt gia đình, tạm biệt mái trường thơ ấu, lên đường tham gia kháng chiến chống pháp, ông còn làm liên lạc cho các đơn vị tuyên truyền, văn nghệ, báo chí, thường xuyên đi xuống các vùng quê chằng chịt kênh rạch, các bưng biền, các căn cứ địa của du kích.
Thế rồi nhà văn bắt đầu tập viết truyện ngắn kể lại cuộc chiến đấu ngoan cường của quân dân ta đang diễn ra. nhà văn Anh Đức có lần kể lại trong một bài báo: "Khi viết những dòng đầu, tôi có cảm giác vừa lo sợ, vừa thích thú, hồi đó tôi viết thật hăng hái nhưng cũng thật non nớt". Tập truyện ngắn đầu tay mang tên "Biển động" của nhà văn ra đời năm 1952 với ngôn ngữ rất mộc mạc, chân chất như lời ăn tiếng nói hàng ngày của bà con Nam Bộ. Sau đó, nhà văn Anh Đức chuyển về chi hội văn nghệ Nam Bộ, làm biên tập viên báo "Cứu quốc Nam Bộ". Trong thời gian này, ông có dịp được gần gũi với nhà văn Nguyễn Bính, nhà văn Đoàn Giỏi và nhận được sự động viên, khích lệ lớn lao từ hai tác giả, hai người đồng chí thân thiết.
Từ cuộc kháng chiến chống pháp ở Nam Bộ, nhà văn Anh Đức ra Hà Nội vào năm 21 tuổi. Đây là một bước chuyển quan trọng đối với một người viết trẻ. Giữa lòng Thủ đô, nhà văn có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với sách vở, được sống và công tác cùng các tác giả lớn như: Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Kim Lân, Chế Lan Viên, Nguyên Hồng, Xuân Diệu... ở Hội nhà văn Việt Nam. Nhà văn Anh Đức đã có lần hồi tưởng lại, sau đó nhờ sống chung mà biết được phẩm cách của họ: luôn đứng về phía nhân dân, với kháng chiến...
Năm 1958, Anh Đức theo nhà văn Nguyên Hồng về Hải Phòng, tận mắt nhìn những ngõ phố một thời lầm than khi Nguyên Hồng viết "Bỉ vỏ", "Những ngày thơ ấu". Rồi hai tác giả lênh đênh nhiều trên biển cả, cùng nhau thâm sự bao điều về nghề viết. Dường như những nhiệt huyết hừng hực của tác giả "Bỉ vỏ" đã truyền thêm cho người bạn vong nhiên nguồn nhiên liệu để tiếp tục thắp sáng niềm đam mê sáng tạo.
Sau đó, tập truyện "Một chuyện chép ở Bệnh viện" ra đời và trở thành một trong số những tác phẩm tiêu biểu của nền văn xuôi cách mạng giai đoạn chống Mỹ. Câu chuyện đã được dựng thành bộ phim "Chị Tư Hậu" với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam kiên trung, bất khuất. Bộ phim cũng là một niềm tự hào của nền điện ảnh nước nhà giữa thời kỳ gian khổ.
Sống giữa lòng Hà Nội, giữa Miền Bắc thân thương, cuối thập kỷ 50 - thập kỷ 60. Nhà văn Anh Đức đã có những ngày tháng thật đặc biệt, đáng nhớ về tình bạn ấm áp nơi đây, những ngày trong ngọn đèn để viết miệt mài với một niềm hối thúc: "Tất cả vì miền Nam thân yêu". Thật ra, miền Bắc ngày ấy tạm gọi là có hoà bình, nhưng đó là sự hoà bình không bình yên vì trong mỗi bữa ăn, trong từng giấc ngủ của mỗi người đều trăn trở, thiết tha nỗi niềm thống nhất đất nước.
Nhà văn Anh Đức sống trong những ngày miền Bắc tạm yên lành, đạm bạc, chắt chiu, dè sẻn bởi bao lo toan đêm ngày cho một nửa đất nước đau thương bên kia vĩ tuyến 17. Sau truyện "Một chuyện chép ở bệnh viện", Anh Đức ra mắt độc giả tập truyện "Đảo xa" in năm 1960, ghi dấu những ngày lênh đênh ngoài biển khơi với Nguyên Hồng, giữa lồng lộng mây trời, trùng điệp lớp sóng của Tổ quốc nhìn từ phía Đại dương.
Ông gắn bó sâu nặng với Hà Nội không chỉ trong tình cảm của một thế hệ trưởng thành từ khói lửa chiến tranh mà cũng mang tình cảm da diết của một người con rể trong một gia đình Hà Nội gốc, ở phố Hàng Gà. Ông từng viết: “Tôi lặng nhìn Hồ Gươm và Tháp Rùa. Đây không phải là vẻ đẹp lộng lẫy mà là vẻ đẹp của niềm an tĩnh, sự dịu dàng, nơi đường phố những cây xanh, hồ biếc và Tháp cổ trông tự nhiên, tự tại, và làn nước hồ se se gợn gợn, nghĩ đó là những nếp nhăn suy tư của lịch sử bao đời cứ không ngớt... Tôi quen đi từ tiếng chuông kêu leng keng hôm sớm của con tàu điện màu đỏ, quen từ mùa đông gió lạnh cho đến mùa hè oi ả, từ các món ăn, cảnh và người... thích các động tác khẽ khàng của bà bán bún riêu áp nhẹ chiếc muôi nhiều gạch cua, và biết tôi là dân miền Nam xa xứ...”.
Năm 1962, nhà văn để lại sau lưng miền Bắc - hậu phương thân yêu, gửi lại màu xanh cổ tích Hồ Gươm những kỷ niệm đẹp đẽ, để một lần nữa lên đường, đối diện với những con đường rừng vúi ngút ngàn nơi Trường Sơn hùng vĩ.
Đầu năm 1965, nhà văn tham gia chiến đấu ở mặt trận Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau. Một hôm giữa rừng đước còn vương mùi khói súng, Anh Đức tình cờ đọc được bài tuỳ bút nhan đề "Khi nào đất nước thống nhất, tôi sẽ vô đâu trước hết" của nhà văn Nguyễn Tuân in trên báo Văn nghệ từ miền Bắc gửi vào. Tờ báo nằm cùng súng đạn trong hòm được trở vào Nam theo đường mòn bí mật trên biển Đông. Đọc những dòng, những câu trong bài tuỳ bút, Anh Đức vô cùng xúc động trước tình yêu tha thiết của nhà văn lớn Nguyễn Tuân dành cho đất mũi Cà Mau, nơi ông ví "Như ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm" với những tên làng, tên xóm, tên kênh rạch rất chính xác và cả bầu trời Cà Mau mùa mưa "ong ong tai tái”. Nhà văn Nguyễn Tuân chưa một lần tới mỏm đất cuối cùng của Tổ quốc mà viết bài tuỳ bút mang đậm chất Cà Mau.
Ngay đêm đó, giữa rừng đước, Anh Đức đã viết bài bút ký gửi nhà văn Nguyễn Tuân với cái tên "Bức thư Cà Mau". Sáng hôm sau, bài bút ký này đã được đọc trên đài phát thanh Giải phóng. Trong khi đó, Đài Tiếng nói Việt Nam ở ngoài Bắc đã tiếp âm được làn sóng của Đài Giải Phóng và in băng lại. Một phóng viên ngay lập tức mời nhà văn Nguyễn Tuân nghe băng và cũng ngay lập tức Nguyễn Tuân viết luôn một bài bút ký gửi lại cho Anh Đức.
Cứ như thế, hai tác giả, một ở miền Bắc, một ở miền Nam liên tục viết bút ký gửi cho nhau theo hình thức lá thư. Mỗi người viết tới gần chục bài và được phát sóng đều đặn trên Đài phát thanh. Đồng bào, đồng chí ta khắp nơi được nghe lời tâm tình xúc động giữa mỏm đất cuối cùng của Tổ quốc với Hà Nội - trái tim của cả nước.
Sau khi viết những "Bức thư Cà Mau" gửi ra miền Bắc thân thương, nhà văn Anh Đức bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết "Hòn đất" với những câu chuyện, những nguyên mẫu rút ra cuộc đời thực, từ cuộc chiến đấu quyết liệt của quân dân ta ở miền Nam. Tác phẩm với hình ảnh chị Sứ kiên trung đã trở thành một trong những cuốn tiểu thuyết tiêu biểu của nền văn học cách mạng Việt Nam.
Khi cuộc kháng chiến đã lùi xa, sống giữa lòng thành phố mang tên Bác, nhà văn Anh Đức vẫn không nguôi nhớ về những miền đất khói lửa ông đi qua, nhớ về những con người mà ông từng lấy nguyên mẫu để xây dựng thành nhân vật như ông già ở Xẻo Đước, chị Tư Hậu, bà cả Xợi, ông lão ở vườn chim, chị Sứ…./.