Xuất bản tập I bộ sách “Họa sĩ kháng chiến chống Mỹ cứu nước“
VOV.VN -Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh vừa biên soạn và xuất bản tập I bộ sách "Họa sĩ kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Như lời giới thiệu của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, tập sách tập hợp nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu Mỹ thuật, của các Họa sĩ, Nhà điêu khắc đã trải nghiệm trong thời kỳ kháng chiến, của các cây bút trẻ đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu sưu tầm… Nhiều bài viết ghi lại hồi ức, kỷ niệm của bản thân của những họa sĩ đàn anh, đồng đội đã ra đi trước và sau ngày thống nhất đất nước (30/4/12975).
Những họa sĩ được nhắc đến trong tập sách này, đều có một đoạn tóm tắt tiểu sử, ảnh chân dung và một vài bức ký họa, một vài bức tranh… Thật là đáng quý và đáng trân trọng tấm lòng của Hội đồng biên tập và cán bộ nhân viên Bảo táng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đối với một “binh chủng” đặc biệt trong cuộc chiến đấu của nhân dân ta nửa cuối thế kỷ 20.
Theo như phân định của những người làm sách, thì tập I bộ sách nói về “lực lượng làm công tác Mỹ thuật kháng chiến” từ khu V đến Đất Mũi Cà Mau. Và cũng là tất nhiên, những họa sĩ, những tác phẩm hội họa của những họa sĩ thuộc Phòng hội họa giải phóng (Ban tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam-thành lập 1963) được nói nhiều hơn cả.
Có nhiều nguồn đổ về tạo nên sức mạnh của Phòng Hội họa Giải phóng: một số họa sĩ đã học tại trường Mỹ Thuật Gia Định, tham gia cách mạng rồi thoát ly ra vùng Giải phóng; các Họa sĩ từ miền Bắc được điều vào Nam chiến đấu (trong đó có nhiều người là cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, được học tại Trừơng Mỹ thuật Yết Kiêu –Hà Nội, hoặc cử đi Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa học tập (Đáng quý trong số này có những họa sĩ đã theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, dù không còn trẻ nữa vẫn hăng hái vượt Trường Sơn tham gia kháng chiến); một số lượng khá lớn là lực lượng trẻ được đào tạo tại chỗ trong các lớp học 3 tháng – 6 tháng… và phần lớn bám trụ ở chiến trường…
Vào giữa những năm 1960, ở miền Bắc liên tiếp có những triển lãm, tập tranh của các họa sĩ từ miền Nam gửi ra như Thái Hà, Huỳnh Phương Đông, Cổ tấn Long Châu, Lê Lam, Trang Phượng, Thanh Châu…
Những tên tuổi khác không nhiều. Sau này vào Nam, tôi mới hiểu thêm cái khó của việc tìm chọn những tác phẩm gửi ra miền Bắc. Chiến trường thì xa, cuộc chiến ác liệt… Việc một tập ký họa về được đến R (mật danh của Trung ương Cục miền Nam) khó khăn biết bao. Cho nên, những họa sĩ hoạt động ở R là những người có nhiều cơ hội hơn cả. Đồng bào miền Bắc hồ hởi chào đón sự xuất hiện của những bức ký họa ghi lại sinh động cuộc chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ miền Nam thân yêu. Giới Mỹ thuật miền Bắc thì mừng vui nhận ra sau những bút danh kia…những người bạn của mình “về Nam sớm”. Và có thêm nhiều họa sĩ lên đường vào Nam theo đủ các con đường: được điều đi B, đi bộ đội…
Do hoàn cảnh gia đình và do điều kiện công việc nên tôi sớm được biết và tiếp xúc với một số họa sĩ của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ: Lê Lam, Phạm Minh Chánh, Phạm Thanh Tâm, Nguyễn Ngoãn, Hồng Châu (tức Minh Hải)…
Nhớ mãi sau ngày miền Nam giải phóng, từ thành phố Hồ Chí Minh xuống Đồng Tâm, nơi Bộ tư lệnh quân khu 8 đóng quân, gặp các họa sĩ Trương Hiếu, Quang Bộ, Chu Thảo, Phan Phương Trực. Bộ tứ này có thể được coi là tiêu biểu cho Hội họa Giải phóng lúc đó. Họa sĩ Trương Hiếu người Hà Nội, tốt nghiệp khóa Tô Ngọc Vân (khóa 1 của Mỹ thuật Yết Kiêu sau 1954), cùng với Huỳnh Phương Đông, Quang Thọ. Họa sĩ Trần Quang Bộ, người Phú Thọ, được đào tạo tại lớp đồ họa ngắn hạn trước khi nhập vào đoàn 719 (Lữ đoàn 338 Quân đội nhân dân Việt Nam) lên đường vào Nam năm 1965. Họa sĩ Chu Thảo học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Còn anh Phan Phương Trực thuộc lớp họa sĩ học ngắn hạn ở R. Từ bốn phương trời, những năm cuối của cuộc chiến đấu, bốn an hem cùng làm việc ở Cục Chính trị Quân khu 8 (miền Trung Nam Bộ).
Trong số 4 người này, riêng có họa sĩ Trương Hiếu vào Nam với cương vị người lính công binh trung đoàn 88 (trung đoàn Tu Vũ) sư đoàn 308: phá bom nổ chậm, gỡ mìn, làm cầu,làm đường chuẩn bị chiến trường, đánh bộc phá gỡ hàng rào dây thép gai khi công đồn. Hết Tây Nguyên thì vào miền Đông Nam Bộ, sang Cam-pu-chia, về đồng bằng sông Cửu Long… cương vị chỉ huy cuối cùng của ông là Chính trị viên phó đại đội. Gần mười năm, ông làm lính chiến và dấu không cho ai biết mình là họa sĩ, năm 1959 đã có tác phẩm tranh khắc gỗ”Cây gạo đầu bản” được đặt ở Bào tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông âm thầm vẽ ký họa, những”nhật ký chiến trường bằng tranh” nhằm lưu lại cho mình và con cháu cả một quãng đời.
Sau này, tôi có nhiều dịp gặp lại các anh Trương Hiếu, Quang Bộ, Chu Thảo. Còn anh Phan Phương Trực sau đó được đi học Đại học Mỹ thuật Gia Định. Những kỷ niệm đẹp về khu 8 với các anh còn mãi.
Đọc những trang viết của các họa sĩ Huỳnh Phương Đông, Trang Phượng, những bài viết về họa sĩ Lê Lam, Trần Quang Bộ và nhiều người nữa trong tập sách này, tôi bồi hồi nhớ về một người anh họa sĩ mà chắc nhiều người có tên trong sách này còn nhớ: Họa sĩ Hồng Châu – người mà bố mẹ chúng tôi coi như người con, còn chúng tôi coi như người anh trong gia đình. Anh học khóa Tô Ngọc Vân, nổi tiếng trong khóa vì giữa mùa đông dám cởi trần mặc quần cộc để cho mọi người trát đất sét vào, đóng “nhân vật pho tượng” trong vở kịch”Con nai đen” của Nguyễn Đình Thi. Anh đi Nam rất sớm, vào hoạt động ở chiến trường gian khổ nhất miền Nam lúc ấy: cực Nam Trung Bộ (khu 6).
Vào khoảng đầu những năm 1970, báo chí miền Bắc nói rất nhiều về họa sĩ Minh Hải, người họa sĩ đã sáng tác và phục vụ tuyên truyền cách mạng trong những điều kiện cơ cực nhất, từng được các cô gái cắt tóc tặng họa sĩ làm bút vẽ. Họa sĩ Minh Hải chính là bút danh của họa sĩ Hồng Châu. Tháng 11/1975, từ thành phố Hồ Chí Minh, tôi nhảy xe đò lên Đà Lạt, nơi Bộ tư lệnh Quân khu 6, tìm họa sĩ Hồng Châu, lúc đó đang công tác tại Cục chính trị Quân khu.
Hơn 10 năm mới gặp, tôi từ xa đã nhận ra anh. Còn anh, phải sững người ra một lúc mới ào lên ôm lấy tôi. Mừng nhất là anh vừa xây dựng gia đình. Chị Sáu-vợ anh, cũng là một chiến sĩ. Bẵng đi một năm sau, tôi bàng hoàng khi nghe tin anh lâm bệnh nặng, điều trị ở Quân y viện 175 (thành phố Hồ Chí Minh)…Bác sĩ điều trị cho anh nói với tôi: anh bị nhiễm chất độc hóa học…Tôi lặng đi.
bức ành vợ chồng họa sĩ Hồng Châu- Minh Hải trong ngày cưới |
Tôi tìm đọc cuốn sách này với hy vọng có ai đó viết về họa sĩ của cực Nam Trung Bộ: Hồng Châu tức Minh Hải, nhưng không thấy. Cũng không thể trách Hội đồng biên tập được vì chiến tranh đã lùi xa 40 năm rồi, hiếm còn ai nhớ được một đồng nghiệp đã sớm qua đời trong những ngày đầu hòa bình. Chỉ hy vọng là nếu có tập 2 của cuốn sách này, trong sách có tên họa sĩ Hồng Châu –Minh Hải. Cũng xin gửi cùng bài viết này bức ành vợ chồng họa sĩ Hồng Châu- Minh Hải trong ngày cưới để bạn bè của Hồng Châu – Minh Hải nhận ra./.