Vì sao người Dao lại chọn người xông nhà vào mùng 1 Tết?
VOV.VN - Người xông nhà có ảnh hưởng nhiều đến sự thành công hay thất bại của gia chủ trong năm, bởi vậy nhiều gia đình chọn rất kỹ người xông nhà cho mình.
Trong đời sống thường nhật của đồng bào Dao ẩn chứa nhiều điều thú vị về văn hóa, phong tục tập quán... Một trong số đó là tục xông nhà đầu năm; đây là một trong những nghi thức quan trọng với đồng bào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Những lời chúc phúc thường được bà con người Dao dành cho nhau mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Với nội dung chúc nhau 1 năm mới ai cũng mạnh khỏe, sống thọ hơn, mùa màng tươi tốt, gia súc đầy đàn, gia cầm đầy chuồng, gia đình hòa thuận, bản làng yên vui…
Theo cụ Bàn Phúc Sương, 80 tuổi, ở thôn Bó Mi, xã Tân Phượng (Lục Yên, Yên Bái), không ai biết rõ tục xông nhà vào mùng 1 Tết có từ khi nào, nhưng từ khi cụ còn là 1 đứa trẻ đã thấy ông bà, bố mẹ của mình hàng năm đều chọn người đến xông nhà vào đúng ngày đầu năm mới.
Theo truyền thống của bà con, người nào vào nhà đầu tiên trong sáng mùng 1 Tết (kể cả thành viên trong gia đình, nhưng không ngủ ở nhà đêm 30 Tết) đó là người xông nhà, xông đất. Người xông nhà có ảnh hưởng nhiều đến sự thành công hay thất bại của gia chủ trong năm, bởi vậy nhiều gia đình chọn rất kỹ người xông nhà cho mình và đó thường là những người sống lành mạnh, sống hòa đồng trong làng, trong xã, nếu cộng thêm kinh tế gia đình khá giả, con cái chăm ngoan càng tốt.
“Cổ nhân đã có quy định tìm người xông nhà đầu năm phải chọn theo mệnh. Ví dụ, người mệnh Kim phải chọn người mệnh Mộc, mệnh Thủy; người mệnh Mộc phải chọn người mệnh Thổ; người mệnh Thổ phải chọn người mệnh Kim, mệnh Mộc… cứ đảo đi đảo lại như vậy để tránh bị tương khắc. Người xưa đã có quy định như vậy, nếu mình không chọn kỹ trong năm nếu không may xảy ra chuyện gì không tốt lại khó nghĩ”, cụ Sương cho biết.
Tục xông đất đầu năm mới xuất phát từ mong ước có 1 năm mới nhiều may mắn và hạnh phúc, tránh những điều xui xẻo của mọi nhà. Ông Trịnh Hữu Đình - một trong những người được nhiều hộ chọn xông nhà cho biết, thông thường mỗi người sẽ nhận lời giúp xông nhà khoảng 4 - 6 hộ vào sáng mùng 1. Lời chúc trong tiếng Dao cũng rất hay và ý nghĩa, thường ví von và có vần, có điệu.
“Thông thường sẽ chúc sẽ có nội dung như hôm nay ngày mới, năm mới, kính chúc đại gia đình họa trên trời rơi xuống gặp gió thổi qua đầu, phiền phức dưới đất tới gặp nước cuốn trôi đi (tức không tới được mình). Chúc mọi người tứ quý bình an, phúc lộc đầy nhà, lợn gà đầy đàn, có trồng cấy có thu hoạch...”, ông Đình cho biết.
Để tránh những phiền phức, những điều phải nghĩ ngợi không đáng có trong ngày Xuân và trong năm liên quan đến việc xông nhà, khi nhà chưa có người đến xông “tạp - pịa ploái” bà con thường không mở toang cửa. Và như một thói quen, trong ngày mùng 1 Tết khi mọi người đến nhà nhau chơi, chúc Tết thường hỏi to từ ngoài cổng xem gia đình đã có người xông nhà hay chưa, nếu chưa có mọi người sẽ sang chơi ở nhà khác...
Tuy vậy, trong cuộc sống thường ngày cũng không tránh khỏi việc vào nhầm nhà, hoặc trẻ con hàng xóm chạy vào nhà khi người được chọn xông đất chưa đến, vì vậy bà con cũng luôn chủ động, sẵn sàng cách hóa giải. Cụ Bàn Phúc Sương cho biết, trong trường hợp người không được chọn nhưng hợp mệnh, không xung khắc vào nhà đầu tiên hôm mùng 1 Tết sẽ là điều may mắn, tốt lành.
“Trường hợp người không hợp mệnh xông nhà tất nhiên gia chủ sẽ không được vui. Tuy nhiên, người đó vẫn sẽ đón tiếp như người chọn xông nhà chính thức. Gia chủ cũng sẽ vẫn dọn mâm, cũng mời rượu, dùng những lời chúc tốt đẹp cho đôi bên, tuyệt đối không dùng những lời không hay cho nhau…”, cụ Sương giải thích.
Người xưa quan niệm rằng, việc xông đất hay xông nhà có ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh, tài lộc của gia chủ trong năm đó. Nếu tìm được người xông đất tốt, hợp tuổi thì làm ăn nên làm ra, mọi chuyện tốt lành. Nếu gặp người xông đất không hợp với gia chủ thì cả năm đó sẽ khó khăn, không may mắn.
Tuy nhiên, theo thời gian, tục xông đất bây giờ đã không còn đặt nặng về sự may mắn, hậu vận, cũng không còn nhiều quy tắc như trước. Mặc dù vậy, những nét đẹp của tục lệ này vẫn được người Dao đỏ ở xã Tân Phượng, huyện Lục Yên (Yên Bái) gìn giữ cho đến ngày nay./.