"Việt Nam giang sơn gấm vóc” - Giấc mơ yêu thương của con cháu Lạc Hồng
VOV.VN - Đồng lòng hướng về vùng bão lũ với tình cảm và sự sẻ chia mất mát của đồng bào phải gánh chịu hậu quả do bão Yagi. Đài PTTH Hà Nội thực hiện chương trình nghệ thuật chính luận đặc biệt với chủ đề “Việt Nam giang sơn gấm vóc” – Thương lắm đất Mẹ ơi! Chương trình không chỉ ngợi ca vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam mà còn thể hiện giấc mơ yêu thương của con cháu Lạc Hồng.
Tự hào về giang sơn gấm vóc của chúng ta càng quyết tâm đồng lòng chung sức hàn gắn vết thương do bão lũ gây ra, tỏa sáng tình người trong gian khó, xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Đó chính là thông điệp của chương trình “Việt Nam giang sơn gấm vóc”.
Chúng ta đang sống trong những ngày Thu tháng 9, vang vọng đâu đây những thanh âm hào hùng của mùa Thu lịch sử, mùa Thu Cách mạng, cùng lắng hồn mình vào hồn thiêng sông núi để tự cảm nhận niềm xúc động, tự hào khi được là người con đất Việt.
Và cũng trong những ngày này một phần giang sơn gấm vóc Việt Nam ta đang mang trên mình những vết thương do siêu bão Yagi gây ra. Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc và Trung Bộ, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa phải hứng chịu những đợt gió giật mạnh, sóng lớn, làm hư hại nặng nề nhà cửa, cơ sở hạ tầng và gây ra thiệt hại vô cùng nặng nề cả về người và của. Hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy, cây cối đổ ngã, đường sá bị hư hỏng nặng nề. Không những vậy, siêu bão số 3 còn gây ra lũ lụt, sạt lở đất, cướp đi sinh mạng của nhiều người và khiến hàng nghìn người khác phải sơ tán.
Trước đau thương mất mát, người Việt Nam lại tỏa sáng tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, bởi trong quá khứ tinh thần tương thân, tương ái luôn là truyền thống tốt đẹp, giúp chúng ta vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách.
Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc đang trải qua những thời khắc cam go khi đối mặt với siêu bão Yagi. Trong gió thét mưa gào, niềm tin và hy vọng vẫn tỏa sáng ngay giữa tâm bão bởi tình người, bởi trách nhiệm của cả cộng đồng, bởi sự sẻ chia của mỗi trái tim nhân hậu. Vì trên tất cả, đó chính là truyền thống cao đẹp của con người Việt Nam, được hình thành và hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử và rực sáng trong thời khắc khó khăn nhất.
Hình ảnh những người dân tương trợ lẫn nhau trong bão lũ, những tấm gương hy sinh vì tính mạng và sự bình yên của nhân dân đã lay động trái tim mỗi người. Đài PTTH Hà Nội thực hiện chương trình nghệ thuật chính luận “Việt Nam giang sơn gấm vóc” xin tri ân các lực lượng nơi tuyến đầu đang xả thân giúp đỡ nhân dân vượt qua sự tàn phá kinh hoàng của thiên tai, ngợi ca sự quên mình của những người lính cụ Hồ, can trường xông vào nơi hiểm nguy nhất, giữa thiên tai bão lũ để giúp đỡ người dân. Tự hào về giang sơn gấm vóc, chúng ta càng quyết tâm đồng lòng chung sức hàn gắn vết thương do bão lũ gây ra, tỏa sáng tình người trong gian khó.
“Việt Nam giang sơn gấm vóc” thể hiện giấc mơ yêu thương của con cháu Lạc Hồng”, Nhà báo Nguyễn Kim Khiêm – TGĐ Đài PTTH Hà Nội chia sẻ.
Kịch bản được viết bởi nhà báo Ngô Thanh. Nhạc sĩ Thành Vương là giám đốc âm nhạc.Với sự hội tụ của các ca sĩ: Quách Mai Thy, Tiến Hưng, Hữu Trung, Trần Vân Anh, Minh Vương, Bảo Yến, Hồng Duyên, Tuấn Ngọc, Phạm Tuân, Minh Quân, Trần Trang cùng dàn nhạc thính phòng Thăng Long, vũ đoàn Hà Nội trẻ, học viện quốc tế võ thuật Việt Nam.
Xuyên suốt chương trình là các phóng sự tài liệu quý giá, các tiết mục nghệ thuật đề cao truyền thống của lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, những thế hệ đã sản sinh ra “văn hóa giữ nước ” góp phần quyết định tạo nên một “dòng chảy” liên tục từ quá khứ tới hiện tại và tương lai, giúp cho dân tộc Việt Nam mãi trường tồn.
Vừa là người viết kịch bản đồng thời là đạo diễn của chương trình, nhà báo Ngô Thanh chia sẻ: “Bằng tất cả những nỗ lực, trân trọng những trang sử vàng của dân tộc, ekip thực hiện chương trình “Việt Nam giang sơn gấm vóc” mong muốn mang lại cho khán giả những hình ảnh chân thực, xúc động nhất để mỗi người Việt đều có thể tự hào và kiêu hãnh khi nghĩ về đất nước mình. Điều khiến tôi và nhạc sĩ – giám đốc âm nhạc Thành Vương rất tâm huyết khi lần đầu tiên dàn dựng hoạt cảnh từ trường ca “Con đường cái quan” của nhạc sĩ Phạm Duy – tác phẩm đồ sộ nhất trong nền âm nhạc Việt Nam lên sân khấu và lên sóng đài Hà Nội. Trong lúc này chúng ta đang gặp những khó khăn mà thiên tai địch họa gây ra thì bản Trường ca thể hiện sứ mệnh nối liền lòng người, tình người với quê hương đất nước càng trở nên ý nghĩa”.