Xu hướng lười đọc sách
VOV.VN - Công nghệ số ngày càng phát triển khiến giới trẻ có nhiều kênh thông tin để giải trí. Việc lạm dụng mạng internet khiến cho văn hóa đọc bị ảnh hưởng không nhỏ.
Có thể dễ dàng nhận thấy hiện nay tỷ lệ nghịch với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thì ngày càng có ít người giữ được thói quen đọc sách. Anh Nguyễn Văn Hải ở thành phố Hà Nội cho rằng: Internet ngày càng phát triển và tiện lợi hơn so với việc mang bên mình một quyển sách rất nhiều, người dùng có thể truy cập bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu để đọc tin tức mà không phải vướng bận.
Còn chị Nguyễn Thu Hoài thì cho rằng: Các thông tin trên mạng rất rộng, chỉ cần gỡ thông tin cần tìm kiếm là có thể ra một loại các tư liệu. Hơn nữa giới trẻ ngày nay thường quan tâm đến những cái mới nhất, giật gân, nổi trội nhất, đọc sách chỉ chiếm một vị trí nhỏ trong cuộc sống của người trẻ. Cùng suy nghĩ với chị Hoài, với bạn Hoàng Yến, giới trẻ giờ quan tâm tới smartphone nhiều hơn, việc tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội như zalo, Facebook cũng trở nên khá phổ biến. Đọc tin qua các thiết bị công nghệ số cũng nhanh và dễ dàng hơn đọc sách.
Những suy nghĩ này của giới trẻ đã loại bỏ dần thói quen đọc sách. Sau gần 7 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 284 năm 2014 lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam, cho dù số sách xuất bản hàng năm đều tăng cao, nhưng số đầu sách người Việt đọc trung bình hàng năm vẫn gói gọn trong 1 cuốn. Điều này cho thấy văn hóa đọc của người Việt đang còn quá thấp.
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nguyên nhân chính của thực trạng này là do người Việt chúng ta không có thói quen đọc sách từ nhỏ và bị thu hút bởi những thông tin trên các trang mạng xã hội. Theo ông Chức, dù là đọc trên mạng hay đọc sách giấy đều tốt nếu chúng ta biết vận dụng nó để mở mang thêm tri thức: Công nghệ phát triển là một điều rất là tốt, có nhiều người lại đọc một cách hơn hẳn trước. Đọc sách là thú vui không ai bắt buộc được.
"Tôi ấn tượng nhất là khi tiếp thủ tướng Nhật Koizumi. Đứng tại Văn miếu Quốc Tử Giám, ông Koizumi có nói rằng lúc bé ông đọc Khổng Tử cảm thấy khác, giờ đọc lại càng thấy khác. Mỗi thời điểm đọc sách sẽ cảm thấy có những sự khác biệt và cảm thấy thấm hơn. Nếu không đọc sách thì hạn chế nhiều thứ. Đọc sách cho chúng ta niềm vui trong cuộc sống" - tiến sĩ Nguyễn Viết Chức chia sẻ.
Để có thể khuyến khích nhân viên trong công ty đọc sách, chị Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc điều hành trường học công nghệ MindX đã phải áp dụng nhiều hình thức khác nhau. Thực tế cuộc sống hiện đại bận rộn nên không ít người ngại đọc sách và thiếu kiên nhẫn. Khi đọc sách online, người đọc dễ bị sa đà, phân tâm vào những việc khác, chỉ đọc sách giấy mới có thể chuyên tâm vào việc đọc.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đọc sách/ năm rất thấp, trong khi đó, khối Đông Nam Á có 3 nước là Singapore, Malaysia và Indonesia lại có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới. Tại ba quốc gia nói trên, tiết đọc sách đã trở thành chương trình đào tạo chính khóa và được đầu tư rất công phu. Riêng tại Malaysia, đất nước rất gần với Việt Nam, số đầu sách trung bình của người dân mỗi năm là 12 quyển.
Sách là nguồn tri thức quý giá và phong phú. Tùy theo nhu cầu công việc của mỗi người, chúng ta hãy lựa chọn cách đọc và khai thác thông tin phù hợp, không vì quá lệ thuộc công nghệ thông tin mà xa rời văn hóa đọc truyền thống. Với giới trẻ, cần biết tranh thủ lợi ích của công nghệ, kết hợp hài hòa với đọc sách truyền thống để có thể mang lại những phương pháp thu nạp kiến thức hiệu quả, thiết thực không chỉ cho việc học tập mà còn cả cho cuộc sống và sự nghiệp./.