Xử lý nghệ sĩ vi phạm đạo đức: Có nên "cấm sóng" vĩnh viễn?
VOV.VN - Theo NSND Vương Duy Biên, việc "cấm sóng" vĩnh viễn ít khi sử dụng trừ trường hợp sai phạm nghiêm trọng, thay vào đó nên đặt ra thời hạn cụ thể để nghệ sĩ nhận ra được sai lầm và sửa sai.
NSND Vương Duy Biên - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chia sẻ quan điểm với VOV.VN về việc xử lý nghệ sĩ dính đến những bê bối thuộc phạm trù đạo đức khiến dư luận xôn xao thời gian qua
PV: Thời gian qua, một số nghệ sĩ dính đến những bê bối thuộc phạm trù đạo đức, trong đó hành vi và thái độ đi ngược lại chuẩn mực đạo đức xã hội. Điều này có ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
NSND Vương Duy Biên: Nghệ sĩ luôn là tâm điểm của công chúng, là thần tượng của không ít người hâm mộ. Công chúng mong muốn và đòi hỏi người nghệ sĩ phải có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội từ chính những phát ngôn, những hành động của mình, vậy nên nghệ sĩ cần quản lý hình ảnh một cách nghiêm khắc. Với những người đã có thương hiệu, tiếng tăm thì càng phải khắt khe hơn, càng phải giữ gìn hơn để không ảnh hưởng đến hình ảnh của cá nhân và không truyền đi những hình ảnh, thông điệp xấu. Bởi vì chỉ một hành động, cử chỉ của nghệ sĩ sai lệch đều ảnh hưởng đến công chúng. Nếu sự lệch chuẩn của một người bình thường, của một nhóm nào đó của xã hội có thể chỉ gây tác hại không lớn thì những phát ngôn, ứng xử lệch chuẩn của người nghệ sĩ sẽ gây tác hại lớn, thậm chí rất lớn. Họ là những người nổi tiếng, phát ngôn, hành động của họ sẽ có tác động lớn tới nhiều người, nhất là giới trẻ. Với vai trò của mình, nghệ sĩ mỗi khi xuất hiện trên sân khấu, trên màn ảnh hoặc bất cứ đâu phải truyền tải được thông điệp tốt đẹp.
PV: Ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nơi có nền giải trí phát triển mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, chỉ cần một bê bối dù nhỏ cũng có thể khiến nghệ sĩ chịu hình phạt “phong sát”. Còn ở Việt Nam, bất chấp sự phản đối của dư luận, họ nhanh chóng quay trở lại hoạt động. Ông suy nghĩ như thế nào về sự nghiêm khắc của ngành giải trí các nước này đối với các ngôi sao của mình?
NSND Vương Duy Biên: Đã là nghệ sĩ thì việc giữ gìn hình ảnh là điều đương nhiên, dù ở quốc gia nào cũng vậy. Tuy nhiên, xử lý sai phạm của nghệ sĩ thì không nước nào giống nước nào. Mỗi nước có cách xử lý khác nhau, tùy thuộc vào luật và truyền thống văn hóa. Tôi lấy ví dụ, có những nước người ta duy trì án tử hình, còn có những nước lại không. Nhưng cũng không có nghĩa là họ bênh vực những kẻ phạm tội mà tư duy xã hội của họ như thế. Chúng ta theo không gian sống của mình chứ không áp đặt máy móc nên hay không nên xử lý theo mô hình nước khác.
PV: Với những nghệ sĩ dính đến những bê bối thuộc phạm trù đạo đức, chúng ta cần có biện pháp xử lý như thế nào, thưa ông?
NSND Vương Duy Biên: Vi phạm đạo đức không rõ ràng rành mạch như tiền án tiền sự. Những bê bối của nghệ sĩ thời gian qua chủ yếu được lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều khi hiệu ứng trên mạng chưa chắc đã đúng hoàn toàn như chúng ta thấy. Thông tin trên mạng chỉ là một kênh thôi. Những sự việc cần xử lý mà chỉ căn cứ thông tin trên mạng thôi thì cũng chưa đủ mà phải cần nhiều chứng cứ củng cố cho sai phạm chắc chắn thì xử lý mới thuyết phục.
Đối với những nghệ sĩ vi phạm pháp luật thì cũng đã có quy định cụ thể, rõ ràng về hình thức xử phạt. Tuy nhiên, đối với những vi phạm dưới mức pháp luật xử lý thì tùy theo tính chất, lĩnh vực hoạt động.
PV: Ông suy nghĩ như thế nào về hình thức kỷ luật bằng cách “cấm sóng”?
NSND Vương Duy Biên: Việc “cấm sóng” là một hình thức kỷ luật rất nặng. Với mỗi sai phạm của nghệ sĩ cần có cách xử phạt khác nhau, đặc biệt là trường hợp cố tình vi phạm và vi phạm lặp đi lặp lại. Việc cấm sóng vĩnh viễn ít khi sử dụng trừ trường hợp sai phạm nghiêm trọng, thay vào đó nên đặt ra thời hạn cụ thể để nghệ sĩ nhận ra được sai lầm và sửa sai.
Xử phạt và xử lý kỷ luật là cần thiết. Nhưng kỷ luật nào cũng có thời hạn. Cấm hoàn toàn là hình thức xử phạt rất nặng đối với mỗi người nghệ sĩ. Chúng ta phải nhân văn, đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Nghệ sĩ cũng là người bình thường, cũng có lúc sa ngã, không làm chủ được mình. Thế nên, chúng ta cần xét tổng thể cả quãng đời người ta hoạt động, những bước sa ngã đấy có phải tất cả hay không, hay là họ có thể làm được nhiều việc tốt khác cho xã hội. Thực tế, nhiều trường hợp đi tù, khi mãn hạn, họ vẫn có cống hiến cho xã hội.
Tôi nghĩ rằng, kỷ luật phải mang tính giáo dục chứ không phải triệt tiêu. Cho nên khi người ta đã hết thời hạn kỷ luật thì phải cho người ta trở lại chứ không nên hẹp hòi. Quản lý văn hóa vừa phải nghiêm khắc, có biện pháp chặt chẽ nhưng cũng cần nhân văn bởi mục đích cao nhất của quản lý là phát triển không phải cấm đoán. Cấm thì dễ nhưng làm thế nào để quản lý vẫn chặt chẽ mà vẫn phát triển, văn nghệ sĩ tuân thủ mà vẫn cảm nhận được sự tự do khi hoạt động đó mới là điều khó.
Với người nghệ sĩ, có lẽ hình phạt lớn nhất là sự quay lưng của công chúng. Bị khán giả quay lưng là thất bại của nghệ sĩ.
PV: Chúng ta đã bàn nhiều về Bộ quy tắc ứng xử do Bộ VHTT&DL ban hành hồi tháng 12/2021 không đủ sức răn đe, không đủ căn cứ pháp lý để xử phạt những trường hợp vi phạm. Ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải có tiêu chí rõ ràng, chi tiết trong các văn bản quản lý nghệ thuật biểu diễn để chấn chỉnh hành vi lệch chuẩn của một số nghệ sĩ?
NSND Vương Duy Biên: Bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động nghệ thuật do Bộ VHTT&DL ban hành không phải văn bản quy phạm pháp luật, chỉ là văn bản hướng dẫn hành vi, mang tính chất khuyến cáo và định hướng. Việc không có chế tài xử lý khiến các nghệ sĩ nghĩ rằng không có nghĩa vụ phải tuân theo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc ban hành là cần thiết. Hình ảnh nghệ sĩ trong sáng, chuẩn mực sẽ góp phần định hướng đạo đức cho chính người hâm mộ của nghệ sĩ ấy.
Tôi nghĩ rằng đại đa số nghệ sĩ đều đồng tình với Bộ quy tắc ứng xử. Một vài trường hợp vi phạm không phải số nhiều. Chúng ta không thể căn cứ vào một vài trường hợp để đánh giá toàn bộ đội ngũ văn nghệ sĩ.
Việc phải có tiêu chí rõ ràng, chi tiết trong các văn bản quản lý nghệ thuật biểu diễn, để có những chế tài cụ thể, hoàn thiện hơn nữa các quy định mang tính pháp lý là điều cần thiết. Quy định càng chi tiết càng tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ. Như thế sẽ dễ cho người quản lý, cũng như cho các đối tượng thực hiện. Chúng ta cũng đã có Nghị định 144 hay Nghị định 38 xử lý những sai phạm trong nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, xã hội vẫn tiếp tục phát triển với nhiều cái mới nên việc sửa đổi, bổ sung luật là cần thiết để đi vào cuộc sống, theo kịp diễn biến thực tế trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
PV: Xin cảm ơn ông!./.