Giúp việc gia đình ký hợp đồng, được nghỉ 4 ngày 1 tháng có khả thi?

VOV.VN - Nhiều người băn khoăn và đặt câu hỏi liệu quy định giúp việc gia đình ký hợp đồng, được nghỉ 4 ngày 1 tháng này có khả thi?

Người giúp việc gia đình được ký hợp đồng, được nghỉ ngơi ít nhất 6 giờ liên tục trong 24 giờ và bình quân nghỉ ít nhất 4 ngày/tháng… Đây là những đề xuất đáng chú ý của Bộ Lao động Thương binh và xã hội đưa ra trong Dự thảo Nghị định quy định về lao động là người giúp việc gia đình theo Khoản 2, Điều 161 của Bộ luật Lao động năm 2019. Nhiều người băn khoăn và đặt câu hỏi liệu quy định này có khả thi khi đi vào thực tiễn cuộc sống?

Bà Nguyễn Thị Nga, quê ở Nam Định giúp việc cho một gia đình tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ vài năm nay. Công việc hàng ngày của bà là dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, đưa đón trẻ đi học cho gia chủ. Nay hay tin nhà nước quy định, những người người giúp việc lao động như bà cũng được ký hợp đồng lao động và được phép nghỉ ít nhất 4 ngày trong một tháng bà rất vui. Rồi đây, những người giúp việc như bà Nga sẽ được pháp luật bảo vệ nếu chủ nhà đối xử không tốt hoặc không đúng như hợp đồng đã ký.

Người giúp việc gia đình được ký hợp đồng, được nghỉ ngơi ít nhất 6 giờ liên tục trong 24 giờ và bình quân nghỉ ít nhất 4 ngày/tháng… 

"Tôi cảm thấy rất vui và phấn khởi vì công việc của mình được coi trọng cũng giống như những lao động trong công việc khác được ký hợp đồng, để khi có vấn đề gì thì được pháp luật bảo vệ. Và chúng tôi cũng có được ngày nghỉ như những lao động động khác", bà Nga chia sẻ.

Với đề xuất nghỉ 4 ngày trong 1 tháng, nhiều chủ nhà đang thuê người giúp việc băn khoăn, bởi để thuê được người giúp việc ưng ý, đa phần chủ nhà thường trả lương cao, tiền lương thưởng cuối năm hậu hĩnh. Hiện mức lương của người giúp việc ở thành phố dao động từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản sinh hoạt ăn uống, điện nước… hàng ngày đều được nhà chủ “bao trọn”.

Anh Nguyễn Văn Trọng, quận Hoàng Mai chia sẻ, công việc của người giúp việc đơn giản nấu cơm, chăm sóc con trẻ. Các con đi học thì người giúp việc cũng nghỉ ngơi ở nhà. Thời gian làm việc thực tế cũng chỉ từ 4 đến 5 tiếng trong một ngày, lại không liên tục.

Anh Trọng băn khoăn chưa hiểu quy định trong dự thảo Nghị định về việc người lao động giúp việc được  nghỉ liên tục 6 giờ trong 24 giờ là như thế nào và nếu nghỉ 4 ngày trong tháng thì người giúp việc ở đâu khi họ không về quê?

Anh Nguyễn Văn Trọng nói: "Về việc nghỉ ngày theo tháng, theo tuần tôi thấy bất cập, không hợp lý. Thứ nhất những ngày đấy chúng tôi vẫn đi làm mà giúp việc nghỉ sẽ xáo trộn công việc gia đình, dẫn đến mình không bố trí được công việc. Thứ hai về khía cạnh của người giúp việc hầu như tất cả người giúp việc kinh tế đều khó khăn, ở xa quê. Nếu cho họ nghỉ 1 ngày một tuần, 2 hoặc 3 ngày 1 tháng thì những ngày họ không thể đi đâu được nếu về quê thì sẽ tốn kém cho họ còn người thân ở gần để đến chơi một vài ngày cũng không có cho nên tôi thấy bất cập cho cả hai bên".

Nhiều ý kiến của các chuyên gia lao động việc làm nhận định, quy định mới sẽ mang lại nhiều lợi ích chính đáng cho người lao động giúp việc, tạo sự bình đẳng trong việc thiết lập mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định vào trong thực tế có thể có nhiều trở ngại. Chẳng hạn như việc cơ quan nào sẽ giám sát việc thực hiện hợp đồng giữa hai bên. Mức lương tối thiểu cho lao động giúp việc là bao nhiêu khi dịch vụ thuê người giúp việc rất đa dạng dưới nhiều hình thức?

Bà  Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội cho rằng: "Việc yêu cầu ký hợp đồng bằng văn bản giữa chủ thuê và người giúp việc cũng đã được gợi ý từ rất lâu rồi. Nhưng hiện nay theo như tôi biết thì cũng không hẳn nhiều người ký việc đấy, có thể thỏa thuận. Nếu ký hợp đồng thì cũng tốt bảo vệ được quyền lợi cho cả người lao động, giá phí cho người thuê lao động thế nhưng tôi không hiểu là sẽ giao cho cơ quan quản lý nào giám sát việc này và đôn đốc cũng như là có những hình phạt hoặc xử phạt về hành chính nếu như là hai bên không ký, không thực hiện hợp đồng lao động đấy chẳng hạn. Nếu như có những cơ chế quản lý thì sẽ sát hơn, thực hiện việc này thì sẽ tốt hơn".

Theo ông Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, việc ban hành các quy định chi tiết về lao động giúp việc gia đình là điều cần thiết. Song để các quy định sát với thực tế và khi ban hành đi vào cuộc sống thì cơ quan chức năng phải có những khảo sát thực tế nhu cầu, cũng như tâm tư, nguyện vọng của người lao động và người sử dụng lao động. Bên cạnh đó cũng cần có những thông tư hướng dẫn cụ thể để để dễ dàng thực hiện.

Ông Vũ Quang Thọ phân tích, đa phần người giúp việc đều là lao động lớn tuổi nếu ký hợp đồng không hiểu và không đọc kỹ sẽ dễ rơi vào trường hợp bất lợi.

"Tôi hoàn toàn ủng hộ. Nhưng nếu bây giờ chúng ta đưa ra văn bản hai bên phải ngồi lại với nhau đọc văn bản kỹ rồi mới ký. Nếu như làm như thế, tất cả người có trình độ thì rất thuận lợi, nhưng sợ phần lớn người giúp việc gia đình là những người lớn tuổi mà hiểu biết pháp luật cơ bản còn yếu thì chưa chắc được. Công việc giúp việc gia đình không thể làm được như thế, vì công việc hoàn toàn linh hoạt, hợp đồng bằng miệng cũng là hợp đồng linh hoạt và cách điều hành công việc có việc thì thôi không làm nữa. Khi nghỉ thì người chủ sử dụng lao động trả lương hay không trả lương?".

Nghị định 27/2014 của Chính phủ đã Quy định về lao động giúp việc gia đình được ký hợp đồng. Hiện, Bộ lao động và thương binh và Xã hội bổ sung thêm giờ nghỉ, ngày nghỉ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động giúp việc. Theo các chuyên gia lao động việc làm, đây là bước tiến nhằm đưa giúp việc gia đình trở thành một nghề chính thức trong xã hội được pháp luật thừa nhận; đồng thời  là cơ sở để bảo vệ người giúp việc trước pháp luật nếu xảy ra tranh chấp.

Theo ý kiến của nhiều người thì khi đưa ra những quy định mới cần phải giải đáp được những băn khoăn như: Chủ sử dụng lao động có phải đóng bảo hiểm cho người giúp việc? Ai sẽ giám sát việc thực hiện hợp đồng giữa hai bên? Chế tài nào để “xử” khi các bên không chấp hành quy định?.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên