20.000 đồng và 3.000 tỷ đồng

Câu chuyện nông dân ở xã Thanh Văn (Thanh Oai, Hà Nội) nhận được tiền “hưu nông dân” và khoản thua lỗ trên 3.000 tỷ đồng của ALC II làm dư luận không khỏi chạnh lòng

Đài TNVN và một số phương tiện thông tin đại chúng khác vừa phản ánh chuyện xã Thanh Văn, một xã thuần nông của huyện Thanh Oai (Hà Nội), đã vận động xây dựng được Quỹ Bảo hiểm-Phúc lợi nông dân nhằm mục đích trợ cấp và chăm lo cho những nông dân ở đây khi về già, hết tuổi lao động. Đây là một việc làm thiết thực, giàu tính nhân văn và cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ về những chính sách an sinh xã hội, hướng về nông dân và nông thôn.

Hội trường xã Thanh Văn hôm ấy chật cứng người. Điều đặc biệt là tất cả những người có mặt đều già nua, lam lũ, người nhiều tuổi nhất là 97 tuổi, ít nhất cũng 60. Họ là những nông dân đặc sệt, suốt cả cuộc đời chỉ gắn bó với đồng ruộng, lam lũ với nghề nông. Không ai trong số họ nghĩ có một ngày lại được cầm tấm giấy chứng nhận “hưu trí” do xã cấp và được hưởng những khoản bảo hiểm và chế độ phúc lợi mà chỉ những ai làm cho Nhà nước hoặc đi “thoát li” mới có. Thế nên trước giờ nhận được khoản trợ cấp đầu tiên, ai cũng hồi hộp, phấn chấn và xúc động.

Quỹ Bảo hiểm-Phúc lợi nông dân xã Thanh Văn là một mô hình tự phát, do Đảng ủy và UBND xã này tổ chức vận động xây dựng nên từ những ý tưởng ấp ủ cách đây gần 20 năm. Để được tham gia quỹ này, mỗi nông dân từ 16 tuổi trở lên sẽ tự nguyện góp vào quỹ mỗi tháng 20.000 đồng, sau 20 năm, với tổng mức đóng góp là 4.800.000 đồng/người, họ sẽ bắt đầu được hưởng chế độ trợ cấp và phúc lợi cho đến lúc chết. Mức trợ cấp ban đầu là 100.000 đồng/tháng, ngoài ra hàng năm họ còn được đi tham quan, du lịch, chăm sóc sức khỏe, cho vay vốn làm ăn khi khó khăn, khi chết còn được hưởng chế độ tiền tuất là 1.000.000 đồng/người…

Trong đợt chi trả đầu tiên, 196 người đã được nhận “chế độ” mà họ phấn khởi gọi là “hưu nông dân”. Quỹ này được quản lý tự chủ, độc lập, dân chủ và minh bạch dưới sự giám sát của chính quyền và các thành viên. Tiền chăm lo cho  nông dân hưu trí chính là lãi suất tiết kiệm từ việc gửi quỹ vào các ngân hàng và tổ chức tín dụng.

Thanh Văn chỉ là một xã thuần nông của ngoại thành Hà Nội, thu nhập không có gì ngoài nông nghiệp, để có được một nguồn vốn có thể chi trả ngay cho 1.000 người hàng tháng, chính quyền xã không chỉ trông vào khoản tiền ít ỏi do nông dân đóng góp, mà họ phải “xoay sở” nhiều cách, với một cam kết đã hứa trước dân là không bao giờ có tham nhũng, lãng phí, trộm cắp liên quan đến quỹ này. Số tiền trợ cấp hàng tháng sẽ tăng dần lên và họ đặt mục tiêu sẽ nâng cấp lên thành quỹ hưu trí thục thụ cho nông dân.

Niềm vui được nhận tấm giấy chứng nhận hưu trí của nông dân xã Thanh Văn
(Thanh Oai, Hà Nội)

Từ quỹ bảo hiểm phúc lợi nông dân tự phát này, có nhiều điều rất đáng suy ngẫm.

Thứ nhất là ý nghĩa nhân văn của nó. Những người nông dân không còn khả năng lao động mong nhất là không phải lệ thuộc vào con cháu, có một nguồn tài chính nhỏ hàng tháng làm chỗ dựa, có tổ chức để sinh hoạt, nương tựa vào nhau. Khi Đảng và chính quyền cơ sở bước đầu lo được việc này, từ giá trị tinh thần, nó còn mang ý nghĩa chính trị là an dân.

Thứ hai là, khi thực sự quan tâm đến nông dân, vì lợi ích của nông dân, dám nghĩ dám làm, dù có khó khăn đến đâu vẫn có thể hóa giải và được bà con ủng hộ.

Mô hình quỹ này cũng là một ví dụ về tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy dân chủ, khơi dậy sự sáng tạo của người dân nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Một trong những trăn trở lớn nhất hiện nay ở tầm quốc gia là làm sao đảm bảo được an sinh xã hội cho nông dân, tầng lớp phần lớn còn nghèo, chịu nhiều thua thiệt trong xã hội. Nông nghiệp là ngành chứa đựng nhiều rủi ro nhưng từ lâu, các hình thức bảo hiểm nông nghiệp chưa đi được vào cuộc sống và không mấy doanh nghiệp mặn mà. Giấc mơ nông dân cả nước khi hết tuổi lao động có lương hưu như những người lao động khác, dù ấp ủ đã lâu nhưng cũng chưa thành hiện thực.

Trong bối cảnh đó, những mô hình tự phát như trên có thể là một ví dụ sinh động để các nhà làm chính sách, tổ chức Hội Nông dân và những người có tâm huyết với giai cấp nông dân nghiên cứu. 

Đóng góp vừa sức, chỉ với 100.000 đồng trợ cấp mỗi tháng, mà người nông dân nào nhận nó cũng hân hoan, xúc động. Chạnh nghĩ, nếu khoản tiền thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng của một đơn vị thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam được thu hồi lại, mang đầu tư vào một quỹ bảo hiểm-phúc lợi cho nông dân, thì cảm xúc ấy chắc chắn sẽ được nhân lên gấp nhiều lần./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên