2011: Mới và thúc giục Đổi mới

Năm nay là một năm quan trọng đối với đất nước ta. Sự kiện quan trọng nhất trong năm sẽ đến trong tháng 1- đó là Đại Hội Đảng toàn quốc lần thứ XI chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Đại hội sẽ bàn bạc, thảo luận để thông qua một bản thiết kế tổng thể về kinh tế-chính trị-văn hóa-xã hội-quốc phòng-an ninh-ngoại giao của quốc gia trong 5-10 năm tới. Đặc biệt, sau Đại hội này, một dàn lãnh đạo mới của Ban chấp hành TƯ Đảng sẽ được lựa chọn. Sau đại hội Đảng, cả nước sẽ bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân, và chúng ta sẽ có một Chính phủ mới.

Nói cách khác, năm 2011, cả nước, từ TƯ đến dịa phương, một dàn lãnh đạo mới sẽ được kiện toàn. Việc này rất hệ trọng, cho nên nó trở thành chủ đề thời sự chính trị được cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Điều đó cũng dễ hiểu, cái gốc của mọi vấn đề nằm ở nhân tố con người. Trong đó, nhân sự, đặc biệt là nhân sự lãnh đạo sẽ đóng vai trò gần như quyết định tiến trình đổi mới sẽ tiến nhanh hay chậm, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được xây dựng phù hợp hay không phù hợp với tực tiễn và có được nghiêm túc triển khai thực hiện hay không.

Chính bởi vậy, thành công của Hội nghị TƯ 14 khóa X, thể hiện qua bài phát biểu bế mạc của Tổng bí thư và Thông báo kết quả hội nghị, là một bước chuẩn bị rất cơ bản và trách nhiệm trước vận mệnh quốc gia, đảm bảo để Đại hội XI sẽ đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân.

Nhân dân kỳ vọng vào một thế hệ lãnh đạo mới của quốc gia sẽ kế tục xứng đáng thế hệ đi trước, nhận thức rõ thời cơ và thách thức đang đặt ra và đưa ra được các quyết định quản lý điều hành có thể hóa giải được mọi thách thức lớn, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, làm cho nhân dân ngày càng hài lòng, phấn khởi và tin tưởng vào tiền đồ của dân tộc. Đó thực sự là một trọng trách lịch sử.

Nhìn lại chặng đường gần ¼ thế kỷ đổi mới, mở cửa, bước vào năm 2011, chúng ta đã có một nền kinh tế đạt qui mô hơn 100 tỷ đô la. Đất nước đã hội nhập gần như toàn diện vào đời sống kinh tế- chính trị quốc tế. Khả năng xử lý các vấn đề đối nội và đối ngoại trong một thế giới luôn luôn biến động nhìn chung là ngày càng linh hoạt và phù hợp. Nhờ vậy, vị thế quốc gia được khẳng định, mức sống nhân dân được cải thiện, từ một nước nghèo, nay Việt Nam đã gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình.

Tuy vậy, thách thức đặt ra khi đã ở một trình độ phát triển mới cũng khác xa so với những gì ta phải đối diện cách đây 25 năm. Đó là tính thiếu ổn định của đời sống kinh tế; nguy cơ ô nhiễm mỗi trường như một mặt trái của quá trình phát triển đã ở mức đáng lo ngại; tài nguyên quốc gia chưa được sử dụng hiệu quả và đang cạn kiệt dần; cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ tăng trưởng chung và đặc biệt là nguồn nhân lực ngày càng thiếu hụt so với nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp; nạn tham nhũng ngày càng biến hóa tinh vi và gây ra bức xúc trong xã hội… Đó là những thách thức thực sự cho công tác quản trị quốc gia. Hóa giải được những thách thức này sẽ thúc đẩy đất nước tiến lên.

Bên cạnh đó, nếu so sánh với các đối tác phát triển trên thế giới, Việt Nam vẫn ở một trình độ thấp trên nhiều phương diện. So với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia…, họ cũng đang tăng trưởng với tốc độ khá cao. Nói như vậy để thấy rằng nguy cơ tụt hậu của đất nước vẫn hiển hiện.

Những vấn đề nêu trên và khát vọng đưa đất nước bứt phá đi lên là một thôi thúc lớn. Thôi thúc này chuyển thành kỳ vọng của cả dân tộc vào bản lĩnh và tư duy lãnh đạo của Đảng.

Bởi vậy, trọng trách và vinh dự đặt ra cho Đại hội XI và từng đại biểu chính là cần phát huy dân chủ thảo luận, phát huy một vũ khí sắc bén của Đảng là tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình, tập trung được trí tuệ, hào khí của cả dân tộc để vạch ra được một lộ trình phát triển khoa học, khả thi, chọn ra được những người có tâm, có tài và xứng tầm vào ban chấp hành TƯ Đảng.

Một năm mới đến và một mùa xuân mới đang đến. Sự tươi mới sẽ tạo ra năng lượng mới, nhiệt huyết mới giúp cho sự nghiệp đổi mới tiếp tục đơm hoa, kết trái./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên