29.000 tỷ và trách nhiệm của ngân hàng

Trong khi giới ngân hàng đang hoan hỉ ăn mừng vì tăng trưởng lợi nhuận cao ngất ngưởng, thì các Bộ, ngành của Chính phủ lại phải tìm cách “giải cứu” doanh nghiệp.

Chính phủ vừa công bố một gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trị giá gần 29.000 tỷ đồng, nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp “chết” hàng loạt. Trong khi đó, cũng thời điểm này, báo cáo tài chính của một loạt ngân hàng lớn vừa được công bố cho thấy nhiều ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận rất cao.

Điều này khiến dư luận băn khoăn và đặt câu hỏi rằng: “Liệu tình trạng doanh nghiệp chết hàng loạt có liên quan gì tới việc ngân hàng thu lợi lớn không trong cảnh “nước sôi lửa bỏng” của năm qua?”.

Ngân hàng Á Châu ACB công bố tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng này trong năm 2011 đạt 71%; Ngân hàng Vietinbank công bố tăng trưởng lợi nhuận đạt 64%; một số ngân hàng khác như Vietcombank, BIDV cũng đạt hơn 45%… Tuy nhiên các ngân hàng này cũng thừa nhận tỷ lệ nợ xấu đang gia tăng với tốc độ đáng lo ngại.

Một thông tin khác từ người có trách nhiệm của Tổng cục Thuế, thì trong năm 2011 cả nước có gần 200.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, ngừng kinh doanh, giải thể, phá sản… trong khi số doanh nghiệp thành lập mới đang chậm hơn rất nhiều.

Trước tình hình ấy, Chính phủ buộc phải xây dựng một gói hỗ trợ gồm hàng loạt giải pháp “cứu” doanh nghiệp, như miễn, giảm, hoãn, giãn thuế, hạ lãi suất ngân hàng, giúp doanh nghiệp cơ cấu lại nợ, cải thiện tình hình tài chính, khuyến khích tiêu thụ hàng hoá, đẩy nhanh tiêu thụ hàng tồn kho… Dự kiến gói hỗ trợ này sẽ làm thâm hụt ngân sách khoảng 9.000 tỷ; và Chính phủ cũng phải chi khoảng 200.000 tỷ cho các giải pháp cứu doanh nghiệp.

Vậy, có liên quan gì giữa thông tin đáng mừng của giới ngân hàng và thông tin đáng buồn về giới doanh nghiệp, trong bối cảnh nền kinh tế nước đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay? Dư luận đặt câu hỏi: Liệu doanh nghiệp “chết hàng loạt” có phải là do không được “tiếp máu” từ hoạt động tín dụng ngân hàng?

Một số liệu đáng tin cậy của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ công bố trong một cuộc hội thảo cho rằng: có tới 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng; nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó được vay với mức lãi suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu… Số còn lại đành chấp nhận lãi suất thoả thuận, mà có lúc đã lên tới 28%/năm.

Và bất cứ ai đã từng tham gia kinh doanh, sản xuất đều biết rằng không có mức lợi nhuận nào đủ để bù đắp mức lãi suất cao như vậy. Do đó, chi phí vốn quá cao đã làm đội giá thành tất cả các loại sản phẩm. Giá tăng cao khiến sức mua giảm; doanh nghiệp không quay vòng được vốn lại càng ngập sâu trong nợ nần. Vậy là hàng chục nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào tình trạng, đã “trót” vay vốn ngân hàng, thì chỉ biết “quanh năm kéo cày trả nợ”, mà không biết làm sao để thoát ra khỏi cái “ách kim cô” của lãi suất ngân hàng.

Có người đã ví việc doanh nghiệp vay vốn ngân hàng với lãi suất cao giống như “ăn phải đồ khó tiêu”, nhè ra thì không được, mà để trong bụng thì sinh bệnh! Và bệnh lâu ngày không được cứu chữa kịp thời ắt phải chết. Vậy nên, khó có thể nói rằng ngân hàng “vô can” trong cái chết của doanh nghiệp. Tất nhiên, công bằng mà nói, có không ít doanh nghiệp do quản trị kém, không có khả năng hấp thụ vốn ngân hàng khiến nợ nần không trả được. Nhưng số này không nhiều, bởi trước khi xuất vốn cho vay, ngân hàng hẳn đã phải thẩm định kỹ về tính hiệu quả và khả năng sinh lời của đồng vốn.

Đến đây nảy sinh câu hỏi là: Tại sao phần lớn các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận rất cao đều là doanh nghiệp Nhà nước nắm cổ phần chi phối, có vai trò dẫn dắt thị trường, điều tiết thị trường? Tại sao họ lại không hành xử như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp từ trước bằng những chính sách tín dụng hợp lý, thoả đáng, giúp doanh nghiệp vượt qua cơn sóng gió của thị trường, thay vì để Nhà nước phải bỏ vốn “cấp cứu” khi doanh nghiệp đã sắp “chết hẳn”?

Phải chăng họ biết rằng trước sau gì Nhà nước cũng phải “cứu” doanh nghiệp bằng tiền từ ngân sách, nên họ cứ làm ngơ mà “vắt kiệt” doanh nghiệp để phục vụ “lợi ích nhóm” của mình?

Và giờ đây, trong khi giới ngân hàng đang hoan hỉ ăn mừng vì tăng trưởng lợi nhuận cao ngất ngưởng, thì các Bộ, ngành của Chính phủ lại phải “sấp ngửa” với hàng loạt cuộc bàn bạc, thảo luận, tìm cách tháo gỡ, giải cứu, hỗ trợ… Mà gói giải pháp dự kiến sẽ tiêu tốn của quốc gia 29.000 tỷ ấy sẽ còn phải trình Quốc hội rồi mới được thực thi thì liệu có kịp “cấp cứu” các doanh nghiệp đang bên “cửa tử”!

Đến đây, lại nảy sinh một câu hỏi nữa là: Với tình cảnh ấy thì lợi nhuận mà giới ngân hàng thu được có đáng so với số tiền lớn mà ngân sách Nhà nước phải bỏ ra để cứu doanh nghiệp không?

Và như vậy thì ngân hàng cần phải chịu trách nhiệm thế nào về “sự tồn vong” của các doanh nghiệp? Câu hỏi ấy vẫn đang để ngỏ và rất cần câu trả lời thoả đáng nhất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên