30/4 - nghĩ về hàn gắn và hòa giải

Hòa giải phải là quá trình tự hàn gắn, tự tha thứ, tự tìm về bình an trong tâm hồn mỗi người. Và quá trình tự hòa giải của những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến sẽ đóng vai trò dẫn dắt vô cùng quan trọng.

Càng gần đến ngày 30/4, cả đất nước lại càng rạo rực hồi ức của ngày chiến thắng cách đây 35 năm, từ đó Bắc - Nam liền một dải, non sông trọn vẹn một mối thu về sau bao nhiêu khát khao, hy vọng, chờ đợi, hy sinh và mất mát. Dù đã 35 năm, nhưng di sản cuộc chiến có một không hai trong lịch sử dân tộc vẫn còn in đậm ở mọi vùng miền, trong đời sống và tâm tưởng của nhiều người, nhiều gia đình.

Chiến thắng 30/4/1975 đã thỏa mãn khát vọng độc lập, thống nhất cháy bỏng của cả dân tộc. Nhưng cũng ngay sau chiến thắng này, có một công việc mà cả dân tộc ta đang gắng sức thực hiện, đó là hàn gắn và hóa giải những vết thương, thù hận và định kiến do cuộc chiến khốc liệt này gây ra.

Mấy ngày trước đây, 16 triệu cư dân Đồng bằng sông Cửu Long cùng nhân dân cả nước hân hoan chào đón sự kiện khánh thành cầu Cần Thơ, cây cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á, cây cầu là mạch nối cuối cùng của quốc lộ 1, con đường huyết mạch chạy dọc đất nước, mở ra tương lai phát triển về kinh tế, văn hoá, xã hội của cả vùng sông nước Cửu Long phì nhiêu mà rất hiền hòa. Cũng trùng thời gian ấy, nhân dân xứ dừa Bến Tre, vùng căn cứ kháng chiến anh dũng nổi tiếng của miền Nam, cũng náo nức đón chào cầu mới Hàm Luông, cây cầu lớn thứ 4 trong vùng, nối thành phố Bến Tre với huyện Mỏ Cày Bắc.

Cầu Cần Thơ nhìn từ khu đô thị Nam Cần Thơ

Trở ra miền Đông Nam bộ, tỉnh Bình Dương cũng vừa khởi công một thành phố mới với số vốn đầu tư khoảng 150.000 tỷ đồng, với hy vọng sẽ tạo ra một đô thị hiện đại, điểm kết nối với vùng trọng điểm kinh tế phía Nam Tây Nguyên, miền Tây Nam bộ và TP.HCM. Còn ở miền Trung, ngoài Đà Nẵng năng động và bứt phá, xuôi vào Quảng Ngãi, khó ai có thể hình dung là giờ đây ở khu công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất đã hình thành một đô thị mới, thành phố Vạn Tường, điểm hẹn cho nhưng ai muốn cùng nhau tạo ra một diện mạo mới cho miền Trung khắc nghiệt...

Không hẹn mà gặp, những sự kiện như vậy đang diễn ra dồn dập, ở khắp mọi nơi, từ Bắc đến Nam, đúng vào dịp cả nước hướng đến ngày lễ lớn 30/4. Tự những công trình ấy đã nói lên phần nào nỗ lực hàn gắn những hậu quả nặng nề của chiến tranh, quyết tâm dựng xây một nước Việt Nam thống nhất, độc lập và thực sự hùng mạnh. Bên cạnh đó, hàng loạt chủ trương chính sách đãi ngộ những người có công với nước, những vùng căn cứ kháng chiến, vùng nghèo… chính là sự tri ân thiết thực và cụ thể, bù đắp phần nào hy sinh, mất mát của những người đã đóng góp công sức, máu xương cho lý tưởng cao cả của cuộc chiến: lý tưởng thống nhất và độc lập dân tộc.

Đấy là những điều dễ thấy nhất và có thể nói là cũng dễ làm hơn so với việc hàn gắn vết thương mà chiến tranh gây ra cho những người, những gia đình từng ở bên kia chiến tuyến. Ở đấy, ngoài những cái chết, những ly tán, những đau đớn, đổ vỡ, còn có mặc cảm về quá khứ vô cùng khó xóa. Chia rẽ, đối đầu, đấy là một éo le  lịch sử mà dù muốn hay không chúng ta cũng phải chấp nhận.

Chủ trương hòa giải dân tộc là tinh thần nhất quán được thể hiện trong nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước. Và chúng ta đã chứng kiến sự trở về tự nguyện của ông Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó Tổng thống chế độ cũ. Chúng ta cũng đã thấy sự lựa chọn ở lại đất nước sau khi thất trận của tướng Nguyễn Hữu Có và nhiều sĩ quan, quân nhân chế độ cũ, mặc dù nhiều người trong số họ có cơ hội di tản ra nước ngoài… Chúng ta còn đang thấy sự hội nhập thành công và tự tin của nhiều thân nhân, con em những người này vào xã hội mới. Nhiều người trong số họ còn được kết nạp vào Đảng Cộng sản VIệt Nam, giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan Nhà nước. Và còn có sự trở về của hàng triệu kiều bào từng phải xa quê vì chiến tranh.

Không còn tâm lý hằn thù, phân biệt đối xử, đấy là cảm xúc nổi trội đang lan tỏa trong xã hội mà mọi người đều cảm nhận rất rõ. Cho dù quan điểm có khác biệt nhưng mọi người Việt Nam đều có chung nguồn cội con Lạc, cháu Hồng, đều mong muốn cho đất nước hưng thịnh, có vị thế xứng đáng trên thế giới, độc lập, không bị thao túng hay nô dịch bởi bất kỳ quốc gia hay thế lực nào. Đây là điểm tựa vững chắc nhất cho hội tụ và hòa giải.

Tuy vậy, hàn gắn và hòa giải đã và sẽ là một quá trình không bao giờ dễ dàng. Không chỉ là sự chủ động và nhất quán của Nhà nước Việt Nam và những cá nhân, cơ quan thực thi chính sách, muốn hòa giải thành công còn cần sự chủ động và cởi mở của những người tự đặt mình ở phía bên kia. Nếu ai đó còn tâm trạng cay cú, phục thù, phủ nhận sạch trơn thực tế đất nước thì tự họ khó mà tham gia vào xu hướng hòa giải dân tộc.

Hòa giải phải là quá trình tự hàn gắn, tự tha thứ, tự tìm về bình an trong tâm hồn mỗi người. Và quá trình tự hòa giải của những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến sẽ đóng vai trò dẫn dắt vô cùng quan trọng.

Hòa giải cũng không có nghĩa là đồng nhất mọi mất mát, đau thương, xóa nhòa lịch sử. Tinh thần của cuộc chiến đấu chống lại đế quốc Mỹ và tay sai giành độc lập, thống nhất đất nước vẫn luôn luôn ngời sáng. Đó là chính nghĩa của cuộc chiến tranh mà quân và dân ta đã anh dũng hy sinh vì nó.

Thực tế cho thấy, không ít quốc gia, dân tộc đã mất nhiều thế hệ, nhiều trăm năm để hóa giải hận thù có từ lịch sử. Vì thế, để hòa giải thành công, chúng ta luôn luôn cần thời gian. Với tinh thần hòa giải, cả xã hội và các thế hệ tương lai sẽ còn phải tiếp tục bàn bạc, chia sẻ, cảm thông, hợp tác với nhau để chữa lành mọi vết thương mà chiến tranh đã gây ra./.  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên