5 dự án quan trọng, 73.000 căn nhà và câu chuyện Vinalines
Nếu so sánh số tiền đầu tư cho các dự án Chính phủ trình bổ sung và hỗ trợ nhà cho người có công với cách mạng với khoản lỗ của Vinalines, có gì đó gờn gợn.
- Vinalines làm nóng chuyện giám sát việc dùng tiền vốn nhà nước
- Hỗ trợ nhà ở cho người có công: Phải nhanh và nghiêm túc
Câu chuyện “đau lòng” diễn ra ở Vinalines đang là một trong những chủ đề “nóng” gây bức xúc dư luận thời gian qua. Nó được đề cập hầu như ở mọi nơi, từ nghị trường cho đến các góc phố. Đất nước còn nghèo (mà cho dù có là nước giàu đi chăng nữa), khi nghe tin hàng nghìn tỷ bị nhấn chìm chỉ vì sự yếu kém của một tập đoàn, không ai có thể bình tâm. Và nếu đem ra so sánh, cho dù là khập khiểng, nhiều điều khiến chúng ta phải ngậm ngùi.
Chỉ đầu tháng 5 vừa rồi, tại phiên làm việc thứ 8 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, khi xem xét phân bổ nguồn vốn trái phiếu cho một số dự án quan trọng, các ý kiến đều “nâng lên đặt xuống” vì ngoài việc không nằm trong danh mục Nghị quyết số 12/NQ- QH 13 của Quốc hội, thì việc bổ sung dự án đồng nghĩa với bổ sung tiền, trong khi ngân sách có hạn.
Sau những vụ việc như Vinalines, người dân có quyền đặt câu hỏi về cách sử dụng vốn và tài sản nhà nước |
Chia sẻ với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc, người vốn sắc sảo với những ý kiến thẳng thắn trên Hội trường, lại khá trầm ngâm bày tỏ: “Các dự án Chính phủ trình bổ sung, sau khi nghe giải trình, các ý kiến nêu lên, đều thấy rất quan trọng. Số tiền cho các dự án đó, tổng cộng cũng chỉ hơn vài nghìn tỷ, ấy vậy mà một mình ông Vinalines đã thua lỗ nhiều nghìn tỷ. Thật không biết nói gì hơn!”.
Đúng như đại biểu Dương Trung Quốc đã nói, 5 dự án sau khi qua Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, rồi được Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trình bày trước Quốc hội, đều hội tụ rất nhiều yếu tố cần xem xét đầu tư.
Nếu như dự án cầu Năm Căn là chiếc cầu cuối cùng tạo nên sự thông suốt của tuyến đường Hồ Chí Minh, đồng thời góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thì dự án cầu Kim Xuyên, tỉnh Tuyên Quang là dự án đặc biệt giảm tải cho tuyến quốc lộ 2, đồng thời sẽ kết nối hệ thống giao thông khu vực.
Với dự án nhà ở sinh viên của Trường đại học Trà Vinh, đây là tỉnh khó khăn với trên 30% dân số là người Khmer. Và nếu được xây dựng, dự án sẽ góp phần ổn định xã hội, giải quyết khó khăn cho sinh viên dân tộc nội trú với khoảng 10.500 chỗ ở.
Đối với Dự án bệnh viện ung thư TP Đà Nẵng, đây là dự án quan trọng trong việc phòng, chống, phát hiện sớm và điều trị ung thư cho nhân dân TP Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh và hậu quả chất độc hoá học, góp phần giảm tải cho các tuyến trung ương.
Ngoài ra, đối với 5 dự án thành phần thuộc dự án đường ven biển tỉnh Ninh Thuận bổ sung với hơn 935 tỷ đồng, là các dự án quan trọng để hoàn thành tuyến đường ven biển Ninh Thuận, góp phần triển khai xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân, tăng khả năng quốc phòng an ninh biển đảo.
Quan trọng là vậy, tính đúng đắn cũng đã được giải trình, nhưng trải qua nhiều lần lấy ý kiến, cắt bớt dự án chưa thực sự cần thiết, số dự án còn lại, cũng đang phải chờ Quốc hội thảo luận, xem xét. Còn với số tiền Vinalines thua lỗ, giờ có nói thế nào, cũng đã tan biến rồi.
Cũng tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, khi thảo luận về việc bố trí nguồn vốn trái phiếu chính phủ để hỗ trợ xây nhà cho trên 73.000 hộ gia đình có công với cách mạng đang gặp khó khăn về nhà ở, không ít ý kiến còn “trách” Bộ trưởng Vương Đình Huệ bố trí vốn trước mắt ít quá, chỉ 300 tỷ đồng trong tổng số khoảng 2.900 tỷ đồng.
Khi đó, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã phải giải thích rõ, rằng nếu muốn tăng phân bổ cho chương trình này, phải giảm những khoản khác. Nhưng nhìn đi nhìn lại, thấy cắt khoản nào cũng khó, như khoản đối ứng ODA.
Từ các ý kiến của các thành viên Ủy ban thường vụ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh, phải tìm cách tăng phân bổ ngân sách xây nhà cho người có công với cách mạng và phải làm nhanh. Và sau khi cân nhắc, số tiền mới được tăng thêm 700 tỷ đồng để trình Quốc hội quyết.
Ấy vậy mà chỉ thời gian ngắn sau, thông tin hàng nghìn tỷ đồng thua lỗ ở Vinalines do yếu kém trong đầu tư cứ lần lượt được nêu ra. Đến nỗi, như tâm sự của đại biểu Nguyễn Bá Thanh, Bí thư thành ủy Đà Nẵng, “đi tiếp xúc, cử tri kêu lắm, mỗi chuyện tàu thủy lỗ. Trong khi các gia đình chính sách, tiền hỗ trợ chẳng đáng bao nhiêu mà mãi chưa quyết được, đằng này hàng nghìn tỷ đồng đổ sông đổ biển, xót hết cả ruột!”
5 dự án quan trọng cần được đầu tư, 73.000 hộ có công với cách mạng cần được quan tâm hỗ trợ nhà ở và hàng nghìn tỷ thua lỗ của Vinalines- khi nhắc đến cứ thấy gờn gợn./.