60 năm - một chặng đường đầy ý nghĩa
Sự kiện Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Liên Xô và một loạt các nước XHCN cho thấy rõ hơn tầm vóc của đột phá ngoại giao này
Cách đây 60 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành lại độc lập dân tộc của nhân dân ta đã chuyển sang một cục diện mới, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nay là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước trong phe xã hội chủ nghĩa, trong đó có Trung Quốc, Liên Xô, CHDCND Triều Tiên. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử của Nhà nước ta và trong quá trình chiến đấu giành độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc.
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chỉ sau 1 năm, cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ sau những nỗ lực và “nhân nhượng” nhằm tránh một cuộc chiến tranh. Đến năm 1950, cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ to lớn của nhân dân tiến bộ và chính phủ nhiều nước trên thế giới. Ngày 18/1/1950, Trung Quốc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tiếp đó, ngày 30/1/1950, Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với CHDCND Triều Tiên (31/1/1950), Tiệp Khắc, Hungari, Rumani, CHDC Đức, Ba Lan, Bungari, Albani…Việc các nước công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào đầu năm 1950 đã tạo cho Việt Nam một vị thế mới trên trường quốc tế. Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ cực kỳ quan trọng để giành thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng duyệt đội danh dự ở thủ đô Bắc Kinh ngày 22/10/2008 (Ảnh:Tân Hoa xã) |
PGS-TS Trình Mưu, nguyên Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá về sự kiện này như sau: “Việc công nhận Việt Nam vào năm 1950 có ý nghĩa rất to lớn. Nó khẳng định hai điều. Thứ nhất, chúng ta đã chiến đấu, trưởng thành trong một bối cảnh rất khó khăn như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là “Ngàn cân treo sợi tóc” nhưng chúng ta đã trụ được. Và thứ hai là, kể từ đây, chúng ta chiến đấu không đơn độc. Các nước trong phe XHCN, trong đó có Trung Quốc, Liên Xô và CHDCND Triều Tiên đã giúp đỡ chúng ta về mặt tinh thần, vật chất; ủng hộ chúng ta trên trường quốc tế. Chúng ta bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới trong cuộc kháng chiến chống Pháp, không phải phòng ngự chiến lược như trước nữa”.
Sự kiện Trung Quốc, Liên Xô và nhiều nước khác thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam là một bước đột phá ngoại giao quan trọng, tạo ra thế và lực mới để ta đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến đích thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi này là kết tinh tài năng ngoại giao kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một mặt khẳng định quyết tâm “Đem sức ta ra mà giải phóng cho ta” thể hiện tinh thần độc lập tự chủ, không trông chờ, ỷ lại ở bên ngoài, đồng thời rất coi trọng tình đoàn kết ủng hộ quốc tế. Đây là điểm cốt lõi của bài học kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Nhân dân Việt Nam sẽ mãi ghi nhớ và biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, hiệu quả về chính trị, kinh tế và quân sự mà Trung Quốc, Liên Xô trước đây cùng nhiều nước anh em đã dành cho Việt Nam trong những năm tháng đấu tranh gian khổ giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng hoà bình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng V.Putin ký bản ghi nhớ về kết quả hội đàm |
Việt Nam vẫn duy trì được mối quan hệ hữu nghị, tốt đẹp với Trung Quốc, Liên Xô trước đây, nay là LB Nga. Sau những thay đổi và biến động khiến Liên Xô tan rã, Liên bang Nga đã kế thừa và tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực trong giai đoạn mới. Cơ sở của mối quan hệ này là Tuyên bố chung về đối tác chiến lược ký tháng 3/2001 trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống LB Nga Vladimir Putin.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khi trả lời phỏng vấn phóng viên VOV thường trú tại Moscow nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã khẳng định: “Đối với nước Nga, quan hệ với Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đặc biệt. 60 năm qua, chúng ta đã cùng nhau trải qua nhiều thử thách, giữ được độ tin cậy và tình hữu nghị trong các mối quan hệ. Ngày nay, nhân dân hai nước chúng ta tiếp tục cảm nhận những tình cảm, sự thiện cảm, tôn trọng lẫn nhau vốn có. Không khí này thể hiện trong toàn bộ các quan hệ Nga - Việt và đây là một trong những thành tựu chính”
Quan hệ giữa hai nước láng giềng Việt - Trung cũng đang phát triển mạnh mẽ sau nhiều thăng trầm, thử thách. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đều xác định: đây là quan hệ truyền thống, vận mệnh của hai nước phụ thuộc vào nhau, tương quan với nhau và cố gắng thu hẹp những bất đồng, giữ được vị thế của hai nước XHCN đang có những cải cách, mở cửa và đổi mới thành công trên thế giới. Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ cho rằng: “Kể từ khi bình thường hoá quan hệ vào năm 1991, đến nay, quan hệ hai nước đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hoá, an ninh, quốc phòng. Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc tháng 5/2008 của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí xây dựng Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong thế kỷ 21 trên cơ sở phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Mùa xuân này vừa tròn 60 năm sự kiện Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Liên Xô và một loạt các nước xã hội chủ nghĩa. Thời gian trôi qua, chúng ta càng thấy rõ hơn tầm vóc của đột phá ngoại giao này, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc trước kia, cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay, góp phần củng cố hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới./.