7 ngày qua: Bầu cử sớm ở Trường Sa
Mỹ công bố hồ sơ về chiến tranh Việt Nam, tranh cãi xung quanh cái chết của Bin Laden, cuộc chạy đua lãi suất ngầm… là những sự kiện thu hút sự quan tâm trong tuần qua
Nhiều nhà giàn DK1 hoàn thành công tác bầu cử
Theo quy định, các điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa được Hội đồng Bầu cử cho phép bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 vào ngày 15/5, sớm 7 ngày so với ngày bầu cử của cả nước. Còn đối với các điểm nhà giàn DK tại thềm lục địa phía Nam, công tác bầu cử được thực hiện trước 20 ngày.
Ngoài số phiếu bầu cho cử tri tại huyện đảo, nhà giàn, các tàu thuộc tổ bầu cử lưu động trên biển còn mang thêm các phiếu bầu dành cho các cử tri vãng lai là các ngư dân đang đánh bắt trên biển vào bầu cử tại các điểm bầu cử trên các đảo, nhà giàn.
Chiến sĩ nhà giàn DK 1/19 tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và HĐND nhiệm kỳ 2011-2016 |
Trả lời câu hỏi của phóng viên AFP liên quan đến phản ứng của Việt Nam trước tuyên bố của Trung Quốc về việc Việt Nam tổ chức bầu cử tại quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Nguyễn Phương Nga khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc Việt Nam tổ chức bầu cử ở Trường Sa là công việc nội bộ của Việt Nam, đảm bảo quyền lợi của công dân Việt Nam, đã được tiến hành lâu nay phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam”.
Cho đến nay, nhiều địa phương trên cả nước cũng đã hoàn thành công tác tổ chức cho các ứng cử viên tiếp xúc với cử tri để thực hiện quyền vận động bầu cử.
Nóng bỏng cuộc chạy đua “lãi suất ngầm”
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định trần lãi suất huy động ở mức 14%, song những ngày gần đây, lãi suất huy động vốn có kỳ hạn tại một số ngân hàng thương mại lại lên tới 17-19%/năm; cộng thêm các chi phí khác, buộc lãi suất cho vay cũng phải tăng theo, dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải vay ngân hàng với lãi suất lên đến từ 22 - 23% một năm.
Cuộc chạy đua “lãi suất ngầm” đang làm méo mó thị trường lãi suất, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu không có biện pháp ngăn chặn sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế.
Cuộc chạy đua “lãi suất ngầm” đang làm méo mó thị trường lãi suất, tiềm ẩn nhiều rủi ro |
Không công khai, nhưng để tăng nguồn vốn, một số ngân hàng nhỏ sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất huy động từ 17%, thậm chí lên đến 19 - 22%; dẫn đến tình trạng, người dân sẵn sàng rút tiền từ ngân hàng đang gửi chuyển sang ngân hàng có mức lãi suất huy động cao hơn. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng lớn dù không thiếu vốn, cũng buộc phải điều chỉnh tăng lãi suất để giữ khách.
Các chuyên gia kinh tế lo ngại, với lãi suất cao như thế, doanh nghiệp cần tiền thực sự sẽ khó tiếp cận vốn vay. Trong khi đó, giới đầu cơ lại vay được lượng lớn nguồn tiền gửi. Đây là mối nguy tổng dư nợ khó đòi sẽ tăng cao, gây khó khăn cho thanh khoản của ngân hàng.
Đã đến lúc phải lập lại trật tự thị trường, minh bạch hóa hoạt động tài chính kế toán cũng như hạn chế rủi ro trong quản trị nguồn và sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng. Từ đó, ổn định thị trường tiền tệ, lãi suất, đưa nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả vào nền kinh tế.
Mỹ công bố “Hồ sơ Lầu Năm Góc” về chiến tranh Việt Nam
Từ tháng tới, công chúng có thể tiếp cận "Hồ sơ Lầu Năm Góc" liên quan tới chiến tranh Việt Nam tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon ở Yorba Linda, bang California.
Chính phủ Mỹ ngày 12/5 thông báo tập tài liệu nổi tiếng "Hồ sơ Lầu Năm Góc" liên quan tới chiến tranh Việt Nam không còn được xếp vào loại tài liệu mật nữa.
Một lính Mỹ tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam |
Như vậy, 40 năm sau khi tài liệu tối mật của Lầu Năm Góc về cuộc chiến tranh Việt Nam bị tiết lộ và gây nhiều tranh cãi, Chính phủ Mỹ đã quyết định đưa ra công khai những tài liệu và sách lịch sử liên quan tới cuộc chiến này.
Với tên gọi chính thức "Quan hệ Mỹ - Việt giai đoạn 1945-1967: Nghiên cứu do Bộ Quốc phòng thực hiện", tài liệu tối mật này nêu chi tiết hành động can dự quân sự và chính trị của Mỹ tại Việt Nam trong giai đoạn 1945-1967.
Tài liệu do Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Robert McNamara đặt làm vào tháng 6/1967. Tài liệu này đã tiết lộ mức độ can dự quân sự của Mỹ ở Việt Nam lớn hơn nhiều so với những gì đã được công bố.
Bin Laden chết trước hay sau cuộc đột kích của Mỹ?
Bất chấp những tranh cãi về chiến dịch tiêu diệt Bin Laden đang diễn ra, một quan chức tình báo Afghanistan và Iran sẵn sàng đưa ra bằng chứng chứng thực: Thủ lĩnh Hồi giáo này chết trước khi quân đội Mỹ tiến hành cuộc đột kích hôm 30/4.
“Osama đã tự sát để tránh bị bắt”, người này khẳng định nhưng từ chối đưa ra bằng chứng. Bộ trưởng Tình báo Iran Heydar Moslehi cũng tiết lộ trùm khủng bố Osama Bin Laden chết từ lâu trước cuộc đột kích của Mỹ tại dinh thự của y ở Abbottabad (Pakistan) vừa qua.
Ông Heydar Moslehi lập luận: “Nếu bộ máy tình báo và quân đội Mỹ đã thực sự bắt giữ hoặc giết chết Bin Laden, tại sao họ không công bố hình ảnh thi thể của Bin Laden mà lại ném xuống biển?”.
Lập tức thông tin trên khiến nhiều người đưa ra giả định về tính xác thực của những bức ảnh được công bố. Liệu rằng, cuộc đột kích của Mỹ tại Abbottabad có thực chỉ là một “chiến dịch quảng cáo” để đánh lạc hướng dư luận Mỹ vốn đang tập trung vào các vấn đề nội bộ như tình trạng “dễ vỡ” của nền kinh tế? Hay “sự thật về cái chết mới được phơi bày của Bin Laden” chỉ là công cụ để trấn an các phần tử al Qaeda và cổ vũ tinh thần thế giới Hồi giáo?
Trong lúc này, Mỹ lại đang phải đương đầu với những chỉ trích rằng, họ đã thất bại trong việc bảo vệ những bí mật về vụ đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden, việc rò rỉ những thông tin này có thể gây nguy hiểm cho các hoạt động của lực lượng Mỹ trong tương lai.
Vụ đơn phương tiêu diệt Bin Laden cũng dẫn đến sự rạn nứt trong liên minh chống khủng bố Mỹ - Pakistan. Ngày 13/5, Quốc hội Pakistan đã nhóm họp và ra nghị quyết yêu cầu có một cuộc điều tra độc lập về cuộc đột kích tiêu diệt Osama bin Laden, nhằm đảm bảo rằng những điệp vụ đơn phương của Mỹ sẽ không tái diễn. Nghị quyết này đồng thời chỉ trích điệp vụ đơn phương của Mỹ và khẳng định những hành động như vậy không thể giúp gì cho cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trên toàn cầu. Các nghị sĩ Pakistan cũng kêu gọi chính phủ nước này xem xét lại các điều kiện hợp tác với Mỹ, để đảm bảo rằng các lợi ích quốc gia của Pakistan được tôn trọng một cách trọn vẹn.
Quan hệ Mỹ - Trung: Vẫn kiềm chế lẫn nhau
Cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 3 vừa kết thúc sau 2 ngày họp. Hai bên đã thể hiện tinh thần hợp tác nổi bật nhưng vẫn chưa vượt qua được ngưỡng cửa “kiềm chế lẫn nhau” để tạo kết quả đột phá cho cuộc gặp.
Hợp tác - kiềm chế là hai phạm trù luôn song hành trong quan hệ Mỹ - Trung |
Bắt tay để cùng phát triển kinh tế, nhưng tiếp tục kiềm chế nhau trong những vấn đề kinh niên như nhân quyền, tỷ giá đồng nhân dân tệ, xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ… bức tranh quan hệ Mỹ - Trung nay đã được định hình với hai mảng màu sáng tối rõ nét. Quan trọng là cả Washington và Bắc Kinh đều đang chấp nhận thực tế quan hệ đầy nghịch lý như vậy.
Không chỉ cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế lần này, xâu chuỗi lại những động thái của Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây, dễ thấy quan điểm thúc đẩy hợp tác đi kèm kiềm chế là khá nhất quán giữa hai bên. Dẫu vẫn có độ “lệch pha” không nhỏ giữa hai bên trong chuyện hợp tác và mức độ kiềm chế.
Ngày Quốc tế về gia đình: Cần thông qua nhiều chính sách thân thiện hơn
Tháng 9/1993, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết công nhận 15/5 hàng năm là Ngày Quốc tế về gia đình. Đây là dịp để cộng đồng quốc tế tăng cường nhận thức về những vấn đề liên quan đến gia đình, đơn vị cơ bản nhất của xã hội, cũng như nhằm động viên và đề cao vai trò quan trọng của gia đình.
Chủ đề của Ngày quốc tế về gia đình năm nay là “Đương đầu với đói nghèo gia đình và loại trừ xã hội”. Ngày Quốc tế về gia đình năm 2011 được tổ chức tại nhiều nơi trên thế giới nhằm nêu bật tầm quan trọng của gia đình. Mục đích của hoạt động này là thúc đẩy sự bình đẳng, mang đến một sự chia sẻ đầy đủ hơn về trách nhiệm trong gia đình và các cơ hội việc làm. Các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế gia đình được tổ chức theo hướng hỗ trợ các gia đình hoàn thành các chức năng của mình; phát huy những thế mạnh vốn có của gia đình.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon cho rằng, sự phân biệt đối xử và sự tiếp cận không công bằng đối với các dịch vụ xã hội đang ngăn cản hàng triệu gia đình trên thế giới mang lại cuộc sống tốt đẹp cho con cái họ. Ông nhấn mạnh, nếu chính phủ các nước trên thế giới phát triển các chính sách thân thiện với gia đình thì có thể chấm dứt vòng luẩn quẩn của tình trạng đói nghèo./.