7 ngày qua: Cháy, nổ và nỗi lo về sự an toàn

Cháy tòa tháp 33 tầng của EVN, xe Lead bốc cháy đùng đùng khi đang tham gia giao thông… cộng với các vụ cháy nổ trước đó khiến dư luận thêm lo lắng

Cháy tòa nhà EVN

Gần 300 người thuộc lực lượng PCCC Hà Nội đã được huy động để cứu cháy tại tòa nhà công trình xây dựng tháp Trung tâm điều hành và thông tin viễn thông điện lực Việt Nam 33 tầng (tại 11 Cửa Bắc, P.Trúc Bạch, Q.Ba Đình, TP.Hà Nội). Đó là chưa kể lực lượng tăng cường của Cục PCCC, Bộ Công an, lực lượng của Bộ Tư lệnh thủ đô, cùng công an địa phương.

Một nạn nhân được đưa ra khỏi vụ cháy (ảnh Thu Thủy)

Thời điểm xảy ra cháy (16h15, ngày 15/12) có khoảng 40 công nhân đang làm việc từ tầng 11 đến tầng 34. Do khói bốc cao gây ngạt khiến nhiều công nhân hoảng loạn chạy tìm chỗ thoát thân, dẫn đến bị thương nhưng không nguy hiểm tính mạng.

Các vụ cháy nhà cao tầng ở Hà Nội trong năm 2011

Ngày 2/6/2011, tòa nhà 28 tầng ở phố 57 Láng Hạ phát cháy, bốc khói khét lẹt khiến hàng trăm cư dân đang sinh sống và làm việc tại đây tháo chạy theo thang bộ xuống đất.

Ngày 16/7/2011, tòa nhà Toserco số 273 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội bị chập điện phát cháy khiến hàng chục nhân viên đang làm việc tại tòa nhà tháo chạy ra ngoài.

Ngày 27/8/2011, tại tầng 6, tổ hợp tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam xảy ra cháy do công nhân bất cẩn gây chập điện khiến toàn bộ công trường phải tạm dừng thi công.

Nhiều người bảo, trong cái rủi có cái may. Rủi vì tòa nhà chưa đưa vào sử dụng đã bị cháy. May vì chưa đưa vào sử dụng nên có ít người trong tòa nhà thời điểm xảy cháy nên hậu quả nghiêm trọng về người đã không xảy ra. Tuy nhiên, sau vụ cháy này, vấn đề an toàn cháy nổ, cứu hộ trong các nhà cao tầng lại một lần nữa được đặt ra. Xin nhắc lại, đây không phải là lần đầu tiên chúng ta đề cập chuyện này mà sau một vài vụ cháy nhà cao tầng ở Hà Nội câu chuyện này được khơi ra, rồi rơi vào quên lãng và nó lại được thổi bùng lên sau mỗi lần xảy ra sự cố.

Chỉ trong vòng 1 tháng qua, ở khu vực phía Bắc đã liên tiếp xảy ra các vụ cháy, nổ xe máy, điều này khiến người dân thực sự lo lắng và mong sớm có lời giải thích từ phía nhà sản xuất và nhà khoa học.

Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại

Một sự kiện quan trọng diễn ra trong tuần này là Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Hội nghị.

Hội nghị Ngoại giao 27 tập trung đánh giá tình hình thế giới và kiểm điểm việc thực hiện chương trình hành động được thông qua tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 26 đến nay; quán triệt đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ XI; đề ra phương hướng, biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế trong những năm tới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cán bộ ngành Ngoại giao: “Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, kiên định lập trường giai cấp, tuyệt đối trung thành với lợi ích dân tộc, chủ động tiến công, giữ vững nguyên tắc, linh hoạt khôn khéo về sách lược, nắm vững hai mặt hợp tác và đấu tranh, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, có lợi cho đất nước, tạo vị thế vững chắc và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”.

Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 27 đã diễn ra Hội nghị Tham tán thương mại và Hội nghị ngoại vụ toàn quốc lần thứ 16.

Quốc hội chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3

Trong tuần, Ủy ban thường vụ Quốc hội họp phiên họp thứ 4 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Phiên họp nhằm đánh giá lại kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII vừa kết thúc hôm 25/11 vừa qua và thông qua chương trình của kỳ họp tới.

Dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 14 dự án Luật, 1 Nghị quyết và cho ý kiến 7 dự án Luật khác, đồng thời xem xét các vấn đề kinh tế- xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các cơ quan của Quốc hội cần chuẩn bị cho kỳ họp kỹ lưỡng, khoa học, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ quốc hội cũng thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự án luật tài nguyên nước (sửa đổi), Dự án Bộ luật lao động (sửa đổi), Dự án luật giá và Dự án Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Ngày hội của điện ảnh Việt Nam, không có Bông sen vàng

Một sự kiện văn hóa lớn của đất nước cũng thu hút sự chú ý trong tuần này là Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 khai mạc tại thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên.

Khoảng 1.000 đại biểu gồm các nghệ sĩ, diễn viên điện ảnh của nhiều thế hệ cùng đông đảo người hâm mộ điện ảnh đã đến tham dự khai mạc. Theo đánh giá của ban tổ chức, Liên hoan phim năm nay với 108 phim tham dự đã vượt trội về số lượng, đa dạng về đề tài và phong cách thể hiện so với những kỳ Liên hoan phim trước. Đặc biệt, Liên hoan phim năm nay còn có sự góp mặt của các hãng phim tư nhân.

Nhân dịp này, những nghệ sĩ đầu tiên của nền điện ảnh nước nhà cũng như những gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu cho điện ảnh Việt Nam thời kỳ hội nhập đã được tôn vinh.

Mỹ quyết định rút hết quân khỏi Iraq

Tổng thống Barack Obama nói rằng, những binh sĩ Mỹ cuối cùng sẽ rời Iraq vào ngày 31/12 tới và đây là “thời khắc lịch sử” đối với quân đội Mỹ.

Tổng thống Obama tuyên bố kết thúc cuộc chiến Iraq (ảnh KT)

Tổng thống Obama ngày 14/12 đã chào đón các binh sĩ Mỹ trở về từ Iraq và tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài trong 9 năm. Quốc kỳ của Mỹ cũng đã được hạ xuống ở thủ đô Baghdad của Iraq.

Cuộc chiến bắt đầu từ tháng 3/2003 nhằm lật đổ Tổng thống Saddam Hussein, tính đến nay đã cướp đi sinh mạng của gần 4.500 binh sĩ Mỹ và hơn 100.000 người Iraq cùng 30.000 người Mỹ bị thương trong tổng số 1,5 triệu người Mỹ chiến đấu, làm việc tại xứ sở giàu dầu mỏ này. Song, dù cho rằng những con số không phản ánh toàn bộ câu chuyện về Iraq, nhưng ông Obama cũng đề cập đến “cái giá to lớn” của cuộc chiến. Qua đó, Mỹ phải rút ra những bài học từ cuộc xung đột vốn gây bất đồng sâu sắc trên chính trường Washington và thế giới.

Theo giới phân tích về Trung Đông, phải mất nhiều năm nữa mới có thể rút ra những bài học lịch sử rõ ràng về cuộc chiến tranh Iraq, vốn được khơi mào dưới thời người tiền nhiệm của ông Obama, cựu Tổng thống G.W.Bush, với mục tiêu chống khủng bố. Nhưng với kế hoạch kết thúc sứ mệnh chiến đấu và rút quân vào cuối năm nay, Mỹ đang chấp nhận “tay trắng”.

Sau 9 năm kể từ khi Tổng thống Hussein bị lật đổ, Iraq vẫn đối mặt với nhiều trở ngại, trong đó có vấn đề bạo lực và một nền kinh tế bấp bênh cần được sự đầu tư từ bên ngoài ở hầu hết mọi lĩnh vực. Bạo lực tuy đã giảm nhiều so với giai đoạn cao điểm vào năm 2006-2007, nhưng các vụ đánh bom hằng ngày, các vụ tấn công, ám sát vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với người dân Iraq và phủ bóng đen lên triển vọng thu hút đầu tư. Các công ty dầu lớn nước ngoài đang hỗ trợ Iraq phát triển nguồn dự trữ dầu lớn thứ tư thế giới. Các nhà chức trách Iraq đã bắt đầu đề cập đến mục tiêu 8 triệu thùng dầu/ngày.

Nga cáo buộc Mỹ chủ tâm hãm hại Gaddafi

Thủ tướng Nga Putin cáo buộc lực lượng đặc nhiệm Mỹ tham gia vào vụ giết hại nhà lãnh đạo bị lật đổ của Libya Gaddafi vào tháng 10 vừa qua.

Hình ảnh ông Gaddafi lúc bị bắt

Cáo buộc này được đưa ra trong cuộc đối thoại trực tiếp với người dân Nga qua điện thoại và được phát trên truyền hình.

Đây là lần đầu tiên Nga cho rằng chính quyền Mỹ có liên quan tới cái chết của ông Gaddafi.

Ngoài ra, trong buổi đối thoại, ông Putin cũng chỉ trích thượng nghị sỹ Mỹ John McCain, người đã ra cảnh báo trên trang Twitter vào tháng này rằng một cuộc biểu tình “mùa xuân Arab” có thể sẽ sớm tới Nga.

Ngay sau những bình luận của ông Putin về cái chết của Gaddafi, Washington đã “phản pháo”. Mỹ cho rằng thật “nực cười” khi cáo buộc nước này giết chết Gaddafi.

Thêm nhiều ứng viên tranh cử Tổng thống Nga

Tỷ phú Mikhail Prokhorov và cựu Chủ tịch thượng Viện Nga, Minorov là những người mới nhất tuyên bố tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào tháng 3 năm tới.

Tỷ phú Mikhail Prokhorov

Mikhail Prokhorov là một trong những người giàu nhất nước Nga với tổng giá trị tài sản theo định giá của tạp chí Forbes lên tới 18 tỷ USD.

Trong một diễn biến khác, đảng "Nước Nga Công bằng" cũng vừa đề ông Minorov, cựu Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga và hiện là chủ tịch đảng này ra ứng cử.

Trước đó, Thủ tướng kiêm Chủ tịch Đảng "Nước Nga Thống nhất" (UR) cầm quyền Vladimir Putin nộp đơn tranh cử Tổng thống mới.

Hai chính khách khác tuyên bố tranh cử gồm Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga Ghennady Ziuganov và Chủ tịch Đảng Tự do-Dân chủ (LDPR) Vladimir Girinovsky.

Thế giới tuần qua còn chứng kiến biết bao sự kiện nóng bỏng khác, đặc biệt là việc giải quyết các vấn đề kinh tế trong eurozone, tình hình Libya..../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên