7 ngày qua: “Cơn bão” giá vàng hoành hành

Giá vàng tăng kỷ lục, phản ứng dư luận về tín dụng Mỹ tụt hạng… là những sự kiện được quan tâm trong tuần qua

Dư luận tin tưởng vào Quốc hội khóa XIII

Ngày 6/8, sau nửa tháng làm việc khẩn trương, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIII đã thành công, để lại nhiều dư âm và ấn tượng  tốt đẹp.

Không chỉ kỳ vọng vào đội ngũ lãnh đạo mới của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; dư luận cũng trong đợi những quyết sách của Quốc hội nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt nhằm kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước.

Một loạt hãng tin khu vực và quốc tế như: BBC, Reuters, AP, Asia Times, Boston Globe, Tân Hoa Xã, Prenxa Latina … đều đăng tin và ảnh các vị lãnh đạo mới được bầu của Việt Nam và bình luận: Lãnh đạo của Việt Nam được Quốc hội tín nhiệm với số phiếu cao.

“Cơn bão” giá vàng hoành hành

Giá vàng trong tuần qua cũng là một trong những mối quan tâm lớn nhất của dư luận. Giá vàng đang từ mốc 40 triệu đồng/lượng vào đầu tuần đã tăng lên trên 45 triệu đồng/lượng, thậm chí có lúc tăng vọt lên 46,3 triệu đồng/lượng.

Trưa 9/8, để hạ nhiệt trận sốt giá vàng lịch sử, Ngân hàng Nhà nước đã công báo chính thức cho phép các đầu mối nhập khẩu 5 tấn kim loại quý này. Quyết định này đã phần nào làm dịu thị trường vàng ở cả 2 TP lớn là Hà Nội và TP HCM.

Chen lấm mua bán vàng sáng 11/8 tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu (ảnh: VNE)

Qua diễn biến thị trường vàng trong thời gian qua có thể thấy giá vàng tăng đột biến đã xảy ra theo đúng kịch bản mà giới chuyên gia tài chính cảnh báo khi để nhiều doanh nghiệp trong nước lách luật, xuất khẩu hàng chục tấn vàng trang sức kiếm lời do chênh lệch giá thì nay lại quay trở lại nhập khẩu vàng với giá cao.

Một lần nữa điểm yếu cố hữu về quản lý thị trường vàng vốn nhạy cảm lại lộ ra khi giá vàng bị nhiều đối tượng đầu cơ làm giá, lợi dụng tâm lý của người dân để trục lợi, thậm chí làm loạn thị trường. Giá vàng trong nước quy đổi so với giá vàng thế giới đã có lúc chênh lệch lên đến 2 triệu đồng/lượng.

Trước diễn biến rất phức tạp, khó lường của giá vàng thế giới, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân thận trọng khi quyết định mua vàng để tránh thiệt hại không đáng có.

Công bố điểm sàn ĐH - CĐ 2011

Sáng 8/8, Hội đồng điểm sàn quốc gia đã xác định điểm sàn xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng của thí sinh năm nay.

Điểm sàn xét tuyển hệ đại học khối A và D là 13 điểm, khối B và C là 14 điểm; điểm sàn xét tuyển hệ Cao đẳng khối A và D là 10 điểm, khối B và C là 11 điểm. Như vậy, mức điểm sàn xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm nay của Bộ GD-ĐT tương đương mức điểm sàn năm 2010.

Câu chuyện điểm sàn đại học trong thời gian qua cũng đã thu hút khá nhiều sự quan tâm của dư luận. Cũng có luồng ý kiến cho rằng vấn đề điểm sàn của Bộ GD-ĐT đưa ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tuyển sinh của các trường. Vì thế nên để các trường tự chủ trong việc tuyển sinh.

Tuy nhiên, có luồng ý kiến khác lại cho rằng, chưa thể bỏ được quy chế về điểm sàn. Nếu vì lo sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu mà coi thường hoặc bỏ đi điểm sàn, dư luận xã hội sẽ lo ngại chất lượng đào tạo của các trường ĐH, CĐ khi điểm đầu vào thấp. 

Nhưng dù cách thức tuyển sinh như thế nào thì vấn đề chất lượng giáo dục cũng phải được ngành GD-ĐT quan tâm hàng đầu. Có như thế mới tạo ra nguồn nhân lực thực sự cho phát triển đất nước.

50 năm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam

Sáng 10/8, tại Hà Nội, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) phối hợp với Hội nạn nhân da cam/dioxin Hà Nội tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2011).

Ngày 10/8/1961, máy bay của quân đội Mỹ bắt đầu chiến dịch rải chất khai quang ở miền Nam Việt Nam, dọc theo đường 14 từ Bắc Kon Tum đến Đắk Tô. Trong suốt 10 năm, từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít chất độc hoá học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin, xuống gần 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam, bao gồm hầu hết các hệ sinh thái từ vùng đồi núi cao đến vùng thấp ven biển.

Nhiều nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã ngã xuống giữa đường
khi công lý chưa được thực thi

50 năm qua, không chỉ môi trường và hệ sinh thái của Việt Nam bị huỷ hoại nghiêm trọng, mà hàng triệu người dân Việt Nam đã phải sống trong đau đớn, bệnh tật do chất độc dioxin gây ra.

50 năm là quá đủ và quá dài đối với nỗi đau của các nạn nhân da cam Việt Nam. Không thể chậm trễ hơn nữa, Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ hãy một lần nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm nhận trách nhiệm của mình. Có như vậy, nỗi đau mà hàng triệu nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới mới phần nào được xoa dịu.

Phê chuẩn bà Yingluck Shinawatra làm Thủ tướng

Ngày 8/8, tại trụ sở đảng Vì nước Thái đã diễn ra lễ nhận phê chuẩn của Nhà Vua Bhumibol Adulyadej chính thức công nhận bà Yingluck Shinawatra làm Thủ tướng Thái Lan.

Bà Yingluck Shinawatra

Nhiều nhà phân tích cho rằng, xu hướng người dân Thái Lan đang thay đổi. Đại đa số không muốn thấy kinh tế đất nước sa sút, hình ảnh đất nước bị suy yếu vì các cuộc biểu tình, đình công. Việc lựa chọn một doanh nhân thành đạt cho vị trí người đứng đầu quốc gia đã cho thấy điều đó.

Nhưng cho dù có lạc quan bao nhiêu đi chăng nữa, cũng phải thừa nhận rằng chiến thắng của bà Yingluck trong cuộc bầu cử mới chỉ là bước khởi đầu của một quá trình đầy thử thách. Trong nhiệm kỳ 4 năm tới, để tránh đi vào “vết xe đổ” của những người tiền nhiệm, bà Yingluck sẽ phải chứng tỏ được bản lĩnh của nhà lãnh đạo đất nước. Bài toán làm thế nào để thực hiện những cam kết về chính sách dân túy khi tranh cử mà không làm tổn hại đến sự phát triển kinh tế chắc chắn sẽ không dễ dàng.

Phản ứng dư luận về tín dụng Mỹ tụt hạng

Ngày 6/8, Mỹ bị cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P), một trong những cơ quan xếp hạng tín nhiệm tín dụng hàng đầu thế giới hạ mức xếp hạng tín dụng “vàng” AAA xuống mức AA+. Đây là lần đầu tiên Mỹ bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm kể từ khi nước này lần đầu tiên được Moody's xếp hạng AAA năm 1917.

Nguyên nhân khiến S&P phải có hành động này là vì kế hoạch giảm nợ công mà Quốc hội Mỹ thông qua ngày 2/8 là "chưa đủ xa". Ngay sau khi S&P hạ mức xếp hạng tín dụng của Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ đã có phản bác cho rằng, hãng này đã đánh giá sai sót 2.000 tỷ USD.

Sự việc gây tâm lý hoang mang tại nhiều nền kinh tế, Chính phủ một số nước trên thế giới đã lên tiếng trấn an dư luận trong nước mình.  

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Mukherjee cho rằng, việc hạ thấp mức xếp hạng tín dụng của Mỹ cho thấy, tình hình tài chính của nước này là nghiêm trọng.

Philippines đã hối thúc Mỹ giải quyết các vấn đề cơ bản của nền kinh tế sau quyết định của S&P. Bộ trưởng Tài chính nước này, ông Cesar Purisima, cho rằng thế giới có thể rơi vào một kỷ nguyên mà trong đó các thị trường tài chính toàn cầu trở nên khó dự đoán và bất ổn hơn nếu nền kinh tế đầu tàu Mỹ không giải quyết được những vấn đề lớn là thâm hụt ngân sách và nợ công khổng lồ.

Tuy nhiên, Nhật Bản, Pháp và một số nước khác lại khẳng định quyết định trên của S&P không ảnh hưởng tới lòng tin của các nước này vào sự vững mạnh và các nền tảng của nền kinh tế Mỹ cũng như quyết tâm của Washington thực hiện kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách vừa được thông qua.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN 43

Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị có liên quan khai mạc chiều 10/08 tại thành phố Manado của Indonesia.

Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng  bởi đây là sự chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Đông Á vào cuối năm cũng như thúc đẩy sự phát triển, hợp tác và hội nhập kinh tế của ASEAN trong năm 2011.

Tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị có liên quan, các bộ trưởng và đại diện các nước ASEAN thảo luận về khung thời gian cho việc xây dựng một cộng đồng ASEAN vào năm 2015, các giải pháp nhằm đạt lộ trình chung cho hoạt động của các nước ASEAN sau năm 2015 cũng như các biện pháp nhằm tăng cường cam kết của các đối tác liên quan của ASEAN vào tiến trình này thông qua một loạt các cuộc thảo luận tại Hội nghị.

Bạo loạn lan rộng khắp nước Anh

Bạo động bùng phát từ đêm 6/8 khi khoảng 300 người biểu tình bên ngoài một đồn cảnh sát ở Tottenham, một trong những khu nghèo ở ngoại ô thủ đô London của Anh, phản đối vụ một thanh niên 29 tuổi, bị thiệt mạng trước đó ít ngày khi va chạm với cảnh sát. Cuộc biểu tình sau đó đã biến thành vụ bạo động lớn. Đây là đợt bạo loạn nghiêm trọng nhất xảy ra ở London kể từ nhiều thập kỷ qua.

Nhóm thanh niên đốt phá xe cảnh sát tại Tottenham, châm ngòi bạo loạn. (Ảnh: Telegraph)

Bạo lực đã nhanh chóng lan ra nhiều thành phố khác của Anh và trở thành vấn đề xã hội nghiêm trọng, khiến Thủ tướng David Cameron phải cắt ngắn kỳ nghỉ và trở về London để triệu tập cuộc họp khẩn cấp nhằm bàn biện pháp giải quyết khủng hoảng. Theo báo chí Anh, hiện nay ở nhiều thành phố lớn và ngay tại thủ đô, người dân vẫn rất hoảng loạn. Chỉ mấy ngày bạo lực vừa qua đã gây thiệt hại cho Anh hơn 16 triệu USD, hơn 500 người bị giam giữ.

Trong bối cảnh chỉ còn gần một năm nữa diễn ra Thế vận hội Olympic tại thủ đô London, làn sóng bạo lực này sẽ khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về tình hình an ninh. Hiện nay, nợ công của Anh đã lên tới gần 960 tỷ bảng, bằng 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tỷ lệ thất nghiệp 8% - mức cao nhất từ hơn 15 năm nay. Khó khăn này sẽ nghiêm trọng hơn khi hoạt động sản xuất, kinh tế bị ngưng trệ do bất ổn và bạo động.

Hàng ngàn người đập phá xe cảnh sát ở Quý Châu (Trung Quốc)

Hàng ngàn cư dân thị trấn Kiềm Tây, tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc xuống đường ngày 11/8 và xung đột với cảnh sát. Đây là cuộc bạo loạn mới nhất sau vụ một người bán hàng rong bị đánh chết tại thành phố An Thuận, tỉnh Quý Châu ngày 26/7.

Trước cuộc bạo loạn này, hàng trăm người tại thành phố An Thuận, tỉnh Quý Châu đã xung đột với cảnh sát sau khi một người bán hàng rong tật nguyền bị lực lượng quản lý đô thị thành phố này đánh chết chiều 26/7.(Ảnh: China Digital Times)

Theo trang web của đài phát thanh Quốc gia Trung Quốc ngày 12/8, sự việc bắt đầu từ vụ va chạm giữa lực lượng quản lý đô thị thị trấn Kiềm Tây và chủ một chiếc xe đậu bất hợp pháp chiều 11/8, lôi kéo hàng nghìn người xem. Sau đó, đám đông kích động đập phá xe cảnh sát và làm tắc nghẽn các trục đường giao thông chính bằng xe nâng và xe tải. Bạo loạn làm hư hại 10 chiếc xe, trong đó có 5 xe cảnh sát.

Sáng 12/8, đám đông gây bạo loạn đã thưa dần khi cảnh sát khẳng định đã kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, 10 cảnh sát bị thương sau khi cố trấn áp những người biểu tình.

Viên nang làm từ thịt hài nhi gây chấn động

Mấy ngày nay, dư luận Hàn Quốc và Trung Quốc sôi lên trước thông tin một loại thực phẩm chức năng dạng viên nang của Trung Quốc được chế từ thi thể thai nhi rồi đưa sang Hàn Quốc tiêu thụ.

Tối 6/8, chương trình Chuyện cần biết của Đài Truyền hình SBS Hàn Quốc nói về việc viên nang nhân nhục (thịt người), được xem là thuốc bổ sản xuất tại tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc), đang được bán ở Hàn Quốc.

Đài SBS cho chiếu các hình ảnh về viên nang, có hình ảnh cho thấy trong viên nang có cả tóc và mảnh vụn móng tay trẻ sơ sinh. SBS dẫn lời người cung cấp thông tin nói rằng, viên nang này là thứ thuốc đại bổ, được người dân tộc Triều Tiên ở Trung Quốc đưa sang Hàn Quốc tiêu thụ với giá 800.000 won/hộp 100 viên (748 USD), cao gấp hàng chục lần giá gốc.

Tóc vụn và mẩu móng tay được tìm thấy trong bột “thuốc”

Báo Seoul Sport (Hàn Quốc) số ra ngày 7/8 đưa tin, nhiều người Hàn Quốc khiếp sợ trước thông tin này. Họ kịch liệt lên án việc dùng thi thể hài nhi bào chế thành thuốc bổ, coi đây là hành động phi nhân tính và kêu gọi chấm dứt cơn sốt tẩm bổ hiện nay.

Bộ Y tế Trung Quốc tổ chức họp báo về vụ việc. Người phát ngôn Đặng Hải Hoa nói rằng, Bộ Y tế Trung Quốc rất coi trọng thông tin mà Đài SBS đưa và đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh Cát Lâm làm rõ vụ việc, nếu phát hiện có hành vi mua bán bộ phận cơ thể người hoặc thi thể bệnh nhân thì sẽ nghiêm trị./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên