7 ngày qua: Đoàn TTVN vượt xa chỉ tiêu giành HCV
Kỳ vọng của hàng triệu người hâm mộ dành cho Đoàn TTVN ở SEA Games 26 đã thành hiện thực
Tính đến 22h tối 19/11, đoàn thể thao Việt Nam đã có 80 HCV và hiện chúng ta chỉ còn cách Thái Lan ở vị trí thứ hai 3 HCV.
Đúng ra, thành tích của Đoàn TTVN có thể còn cao hơn rất nhiều nếu như trong mấy ngày qua không bị trọng tài xử ép ở một số môn: Karatedo, Taekwondo và một số niềm hy vọng đã bỏ lỡ cơ hội vàng.
Nguyễn Đình Cương đã có trong tay 5 HCV SEA Games ở các cự ly chạy trung bình |
Tuy nhiên, phía trước vẫn là quãng thời gian khá dài, chắc chắn thành tích của Đoàn TTVN sẽ còn được nhân lên trong những ngày tới khi hàng loạt các môn thế mạnh khác vào cuộc.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc
Cách đây 81 năm, ngay sau khi Đảng ra đời chưa tròn 1 năm, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh – hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao giải A cho nhóm tác giả cuộc thi "Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc" lần thứ 9/2011 |
Những năm qua, dịp kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11) hàng năm trở thành “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”, cùng nhau ôn lại truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc, truyền thống vẻ vang của mặt trận… Buổi Lễ kỷ niệm 81 năm ngày thành lập MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2011) vừa được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức trong thể sáng 17/11.
Nhân dịp này, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng tổ chức trao Giải báo chí "Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc" lần thứ 9/2011. Đài Tiếng nói Việt Nam là một trong những cơ quan báo chí giành nhiều giải nhất, với 4 giải: 3 thuộc thể loại phát thanh và 1 thuộc thể loại báo điện tử.
Nhiều tranh cãi về Luật Biểu tình
Luật Biểu tình là một chủ đề làm “nóng” phiên thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện chưa phải thời điểm thích hợp để có Luật Biểu tình. Để bảo vệ quan điểm của mình, các đại biểu đưa ra dẫn chứng việc những nơi có biểu tình đã xâm hại quyền tự do mưu cầu hạnh phúc của người dân, ở những cuộc tập hợp đông người gần đây ở TP HCM chỉ nghe những người bị kẹt xe lớn tiếng thóa mạ, văng tục, đe dọa những người đang tập hợp.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước (trái) và Dương Trung Quốc trả lời phỏng vấn |
Tuy nhiên, một số đại biểu khác ủng hộ việc ban hành luật này và cho đây là quyền lợi chính đáng của người dân. Vì thế, phải nhìn cả hai mặt của biểu tình, đó là một quyền cơ bản của người dân, đồng thời đó là một công cụ để thực thi quyền hành pháp.
9 nước tham gia TTP đạt thoả thuận khung của Hiệp định
Tại Hội cấp cao APEC 19 diễn ra trong 2 ngày (12 - 13/11) tại Hawaii (Mỹ), chủ đề đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận chính là việc hiện thực hoá Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP được coi là cơ sở cho việc xây dựng Khu vực Tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).
Lãnh đạo các nền kinh tế APEC chụp ảnh kỷ niệm chung (Ảnh: AFP) |
Tại Hội nghị cấp cao APEC 19 này, lãnh đạo của 9 nước tham gia đàm phán về TPP gồm: Australia, Brunei, Chile, New Zealand, Malaysia, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đã công bố việc đạt được thoả thuận về khung tổng thể của Hiệp định.
Sức hấp dẫn của TPP chính ở chỗ nó có tiềm năng trở thành một hình mẫu cho các Hiệp định thương mại tự do trong tương lai. Trong đó giải quyết được rất nhiều vấn đề như tự do hoá thương mại và đầu tư, các vấn đề thương mại mới và truyền thống. Khi tham gia TPP không phải không có thách thức đối với các nước, đặc biệt trong những lĩnh vực kinh tế đang được bảo hộ. Dù vậy, các nước đều cho rằng, TPP là một thoả thuận chiến lược, đảm bảo cho họ trở thành một phần trong tiến trình ra quyết sách trong khu vực.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 19
Ngày 17/11, tại Bali (Indonesia) khai mạcHội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 19 với chủ đề “Cộng đồng ASEAN trong một cộng đồng các quốc gia toàn cầu” và các Hội nghị liên quan (gồm Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Trung Quốc; Cấp cao ASEAN + 1 với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ; Cấp cap ASEAN +3 lần thứ 14; Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ lần thứ 3; Cấp cap ASEAN - LHQ lần thứ 4; Cấp cao Đông Á lần thứ 6; Cấp cao Mekong - Nhật Bản).
Các nhà lãnh đạo ASEAN |
Các hội nghị cấp cao tập trung kiểm điểm và định hướng tương lai quan hệ hợp tác giữa ASEAN với từng đối tác. Các đối tác khẳng định coi trọng quan hệ với ASEAN, tiếp tục ủng hộ vàhỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, kết nối và giữ vững vai trò chủ đạo ở khu vực.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thách thức, việc tăng cường liên kết nội khối và hợp tác đa phương là nhiệm vụ quan trọng mà ASEAN ý thức rõ.
Cựu Tổng thống bị bắt chỉ ít giờ sau khi một tòa án Philippines phát lệnh bắt đối với bà Arroyo vì các cáo buộc gian lận phiếu bầu quy mô lớn.
Bà Arroyo tới sân bay Manila ngày 15/11 nhưng không được phép xuất cảnh. |
Động thái bắt giữ bà Arroyo là diễn biến cao điểm của một tuần biến động trên chính trường Philippines. Bà Arroyo, 64 tuổi, bị chính quyền cấm xuất cảnh cho dù đã đến sân bay Manila trong một bộ dạng bệnh tật nặng phải ngồi trên xe lăn và phải nẹp cổ.
Mặc dù Tòa án Tối cao Philippines đã cho phép bà Arroyo ra nước ngoài chữa bệnh, nhưng chính quyền đã yêu cầu cơ quan xuất nhập cảnh ngăn cựu lãnh đạo này rời khỏi đất nước, đồng thời đẩy nhanh tiến trình cáo buộc bà Arroyo vi phạm luật bầu cử.
Bà Arroyo là cựu Tổng thống thứ 2 của Philippines sẽ phải ra tòa, sau khi người tiền nhiệm của bà là ông Joseph Estrada bị kết án tù chung thân vì tội tham nhũng, nhưng sau đó được bà Arroyo ân xá.
Sắc lệnh ân xá liên quan đến ông Thaksin gây tranh cãi
Chính phủ Thái Lan vừa thông qua sắc lệnh ân xá, có thể mở đường để cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra về nước. Sắc lệnh ân xá còn phải được Nhà Vua Bhumibol Adulyadej phê chuẩn vào dịp kỷ niệm sinh nhật của Nhà vua ngày 5/12 như thông lệ hàng năm.
Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra |
Tuy nhiên, sắc lệnh này lại gây nhiều tranh cãi ở Thái Lan. Đảng Dân chủ đối lập và phe Áo vàng Thái Lan cho rằng sắc lệnh này được soạn thảo thực chất để ân xá cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người đang sống lưu vong trốn tránh bản án 2 năm tù về tội lạm dụng quyền lực. Phòng Thương mại Thái Lan cũng phản đối dự thảo sắc lệnh ân xá, cho rằng đây là mầm mống tạo bất ổn chính trị trong thời gian tới.
Trang mới trong lịch sử Italy?
Tối 13/11, Tổng thống Italy đã bổ nhiệm cựu ủy viên châu Âu Mario Monti, 68 tuổi, vào vị trí đứng đầu Chính phủ mới, thay thế cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi.
Nhà lãnh đạo mới của Italy tuyên bố, quốc gia từng tham gia sáng lập Liên minh châu Âu này phải là một thành viên mạnh, chứ không phải là một nhân tố gây suy yếu trong liên minh. Tuy nhiên, có lẽ đây là tuyên bố lạc quan của một nhà lãnh đạo mới bắt đầu bước vào trận chiến.
Tân Thủ tướng Mario Monti là chuyên gia kinh tế không đảng phái. Ảnh: Getty Images/CNN
|
Tuyên bố của ông Monti, cùng những tiếng reo hò không ngớt ngoài đường phố Italy, tạo cảm giác rõ rệt về một trang mới trong lịch sử Italy. Đông đảo người dân Italy hài lòng khi chấm dứt triều đại lãnh đạo đầy tai tiếng kéo dài đến 17 năm qua của ông Berlusconi – người bị chỉ trích sử dụng những khoản tiền kếch xù trong ngân sách chính phủ để chi cho các cuộc ăn chơi.
Tuy nhiên, tình hình nguy kịch hiện nay của nền kinh tế Italy khiến người dân hiểu rằng, dù đã thay đổi người đứng đầu Chính phủ, cũng khó có thể kỳ vọng nhiều.
Biểu tình quy mô lớn ở Ai Cập
Hàng chục nghìn người dân Ai Cập ngày 18/11 đã xuống đường biểu tình hoà bình tại quảng trường trung tâm một số thành phố lớn như Cairo, Alexandria và Suez.
Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất tại Ai Cập trong mấy tháng qua. Phần lớn người biểu tình là người theo đạo Hồi, tập trung chủ yếu tại Quảng trường Tự do ở thủ đô Cairo, phản đối các kế hoạch của các lãnh đạo quân sự nước này nhằm tăng thêm quyền lực cho quân đội.
Hàng nghìn người tập trung tại Quảng trường Tự do ở Cairo (Ảnh:Reuters) |
Những người biểu tình hô khẩu hiệu yêu cầu Hội đồng Quân sự cầm quyền đẩy nhanh quá trình chuyển giao dân chủ tại Ai Cập. Họ nhấn mạnh, hai yêu cầu chính: Ngăn không cho chính phủ tạm quyền thông qua văn bản quy định về các nguyên tắc của Hiến pháp - do Phó Thủ tướng Ali Silmi đưa ra hồi đầu tháng 11 vừa qua và yêu cầu Hội đồng Quân sự cầm quyền ấn định thời hạn bầu cử Tổng thống, chậm nhất là vào tháng 4/2012, sau khi kết thúc bầu cử Quốc hội.
Nhiều người biểu tình đã dựng lều trại tại Quảng trường Tự do ở thủ đô của Ai Cập và cho biết họ sẽ tiếp tục kéo dài cuộc biểu tình nhằm gây sức ép đối với chính quyền trong việc thực thi các yêu cầu của người dân.
Gia đình Angelina Jolie ghé Việt Nam lần 2
Ghé Việt Nam lần 2 này, đại gia đình “ông bà Smith” thuê một máy bay của Vietnam Airlines để đi thăm, nghỉ dưỡng ở Côn Đảo. Chuyến thăm dải đất hình chữ S lần này của Angelina Jolie và Brad Pitt cũng được giữ kín như chuyến tới Việt Nam lần đầu vào năm 2006.
Mẹ con Jolie - Pax Thiên ôm nhau tình cảm trước ống kính phóng viên tại sân bay Côn Đảo (Ảnh: Reuters) |
Đây là lần đầu tiên cả đại gia đình Brad Pitt - Angelina Jolie cùng tới Việt Nam.
Rất có thể chuyến đến Việt Nam lần này là để Pax Thiên trở về thăm quê hương như họ từng hứa./.