7 ngày qua: Dư âm của Quốc hội khóa XII sẽ còn đọng mãi
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII thành công tốt đẹp; giá xăng dầu, gas tăng kèm theo sự lo lắng của người dân; tình hình khủng hoảng chính trị tại một số nước…
Kết thúc kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XII
Sau 8 ngày làm việc, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XII đã thành công tốt đẹp. Khác với nhiều kỳ họp trước, đây là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XII, nên dù thời gian ngắn nhưng những nội dung của kỳ họp lại mang tính tổng kết cả một nhiệm kỳ hoạt động.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng |
Bên cạnh những thành công to lớn, trong nhiệm kỳ khoá XII cử tri và chính Quốc hội cũng nhìn nhận được những hạn chế cần khắc phục. Đó là quy trình lập pháp tuy được cải tiến, nhưng vẫn chưa đồng bộ và có điểm còn chưa hợp lý. Trách nhiệm cơ quan trình dự án, cơ quan tham gia soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý cần tiếp tục được phân định rõ ràng hơn…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Chúng ta đập nhịp đập của cuộc sống, của trái tim nhân dân, thì hoạt động của Quốc hội sinh động và hiệu quả” đã nói lên tất cả.
Giá xăng dầu, gas tăng – nỗi lo của người lao động
Do ảnh hưởng của giá gas thế giới tăng cao (tăng thêm 45 USD/tấn), cộng với các chi phí đầu vào, đặc biệt là giá xăng dầu tăng, nên các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Gas Việt Nam thống nhất tăng giá bán gas thêm 19.000 đồng/bình 12kg so với giá hiện hành. Theo đó, kể từ 0 giờ ngày 1/4/2011, giá một bình gas 12kg đến tay người tiêu dùng có mức dao động từ 350.000 - 355.000 đồng/bình tùy thương hiệu.
Trước đó, giá bán lẻ các loại xăng dầu trong nước tăng từ 2.000-2.800 đồng/lít, bắt đầu từ 22h ngày 29/3, theo quyết định của Bộ Tài chính. Xăng tăng 2.000 đồng/lít (xăng RON 92 từ 19.300 đồng/lít lên 21.300 đồng/lít); Diezen tăng 2.800 đồng/lít (Diezen 0,05S từ 18.300 đồng/lít lên 21.100 đồng/lít); Dầu hoả tăng 2.600 đồng/lít (từ 18.200 đồng/lít lên 20.800 đồng/lít); Mazut tăng 2.000 đồng/kg (từ 14.800 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg).
Giá xăng dầu bất ngờ tăng đã khiến cuộc sống đa phần của người lao động vốn đã khó, nay còn khó hơn. Nỗi lo này có cơ sở bởi mỗi khi xăng dầu tăng thì sớm muộn các mặt hàng khác sẽ rục rịch lên theo. Cuộc chiến với giá cả tăng, với lạm phát vốn đã nặng nay còn nặng thêm trên đôi vai của cả Nhà nước và người dân, nhất là người lao động nghèo.
Khắc phục sự cố hạt nhân ở Nhật Bản còn rất phức tạp
Công tác khắc phục sự cố hạt nhân ở nhà máy Fukushima vẫn diễn biến vô cùng phức tạp. Ngày 31/3, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho rằng nhà máy điện hạt nhân Fukushima sẽ phải ngừng hoạt động, đồng thời khẳng định sẽ nghiên cứu lại các kế hoạch xây dựng thêm ít nhất 14 lò phản ứng hạt nhân cho tới năm 2030, trong đó dự kiến hoàn thành 9 lò phản ứng vào năm 2020.
Khủng hoảng hạt nhân Fukushima sẽ còn kéo dài là lời cảnh báo của Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano.
Cận cảnh nhà máy điện hạt nhân Fukushima chụp từ trên cao (ảnh: AFP) |
Trong khi đó, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết sẽ loại bỏ 4 lò phản ứng tại nhà máy Fukushima . Thảm họa động đất và sóng thần vừa qua đã làm hỏng hệ thống làm mát của 5 trong số 6 lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân nằm ở phía Đông Bắc của Nhật Bản này. Các chất phóng xạ đã rò rỉ từ các lò phản ứng số 1, 2, 3 và 4.
Nhật Bản cho biết, mức độ nhiễm xạ trong nước biển gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã tăng lên tới gấp 3.355 lần so với mức bình thường.
Các chuyên gia cho rằng, Nhật Bản sẽ phải mất tới hơn 30 năm để phá hủy hoàn toàn những lò phản ứng. Chi phí cho quá trình này ước tính lên tới 12 tỷ USD.
Khủng hoảng chính trị trầm trọng ở Libya và Bờ Biển Ngà
Khủng hoảng chính trị kéo dài hơn 4 tháng qua tại Bờ Biển Ngà, kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống gây tranh cãi đang ngày càng trầm trọng. Cuộc khủng hoảng xảy ra khi các vụ giao tranh đẫm máu giữa phe ủng hộ Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo và lực lượng ủng hộ Tổng thống đắc cử được cộng đồng quốc tế công nhận, ông Alassane Ouatarra bùng phát mạnh, khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Ít nhất 462 đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương trong các cuộc giao tranh ở Bờ Biển Ngà từ đầu tháng 12/2010 đến nay.
Quân nổi dậy ở Bin Jawad - Libya (ảnh: Getty Images) |
Trong khi đó, Hội nghị của hơn 40 nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp tại Anh để bàn về cuộc khủng hoảng chính trị ở Libya nhằm chấm dứt chính quyền Gaddafi mà không có bước đột phá nào. Ngoại trưởng Mỹ Hilary nói rằng, Mỹ mong muốn thế giới có hành động thống nhất buộc ông Gaddafi từ chức.
Bộ chỉ huy Châu Phi của quân đội Mỹ (USAC) cho biết các máy bay và một tàu khu trục của Mỹ đã tấn công các tàu của Libya sau khi có tin tàu của Libya bắn bừa bãi vào các tàu buôn ở cảng Misrata, Tây Bắc nước này.
Hiện ngày càng có nhiều quốc gia lên tiếng phản đối việc tấn công quân sự vào Libya, trong đó có Nga, các nước ở châu Á, Mỹ La tinh.
VFF kỷ luật các cá nhân và đội bóng vi phạm
Ngày 31/3, Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã đưa một loạt quyết định kỷ luật các cá nhân và đội bóng có vi phạm ở lượt trận thứ 8 Giải vô địch quốc gia – Cúp Eximbank và hạng Nhất quốc gia – Cúp Tôn hoa sen diễn ra cuối tuần qua.
Đáng chú ý nhất là quyết định đình chỉ thi đấu tới hết mùa giải và phạt tiền 30 triệu đồng đối với Đặng Ngọc Tùng – cầu thủ của CLB TP HCM do hành vi vi phạm Điều 38 (xâm phạm thân thể) và Điều 39 (hành vi xúc phạm danh dự, hành vi thiếu văn hóa) trong trận đấu với CLB Hà Nội trên sân Hàng Đẫy ở giải hạng Nhất quốc gia. Ở trận đấu này, Đặng Ngọc Tùng đã có lối đá thô bạo cũng như phản ứng thái quá, cùng lời lẽ rất khó nghe với trọng tài chính Nguyễn Văn Kiên.
Hình ảnh xấu xí trên sân Nha Trang sau trận K.Khánh Hòa-Hà Nội.ACB. (Ảnh: TTVH) |
Trong khi đó, cầu thủ Đức Tuấn của CLB Hà Nội ACB đã phải nhận án phạt 10 triệu đồng và phải nghỉ thi đấu 4 trận kế tiếp vì đã có hành vi thiếu văn hóa được quy định tại Điều 39 Quy định về Kỷ luật của VFF khi ném băng đội trưởng vào trọng tài Nguyễn Quốc Hùng và kêu gọi đồng đội phản ứng trong trận đấu giữa Khatoco Khánh Hòa và Hà Nội ACB tại lượt trận thứ 8, ngày 27/3 trên sân Nha Trang.
Ngoài ra, Ban kỷ luật cũng phạt tiền từ 3 – 4 triệu đồng đối với ba CLB Sổ xố kiến thiết Cần Thơ, Hà Nội – ACB và Navibank – Sài Gòn do có nhiều cầu thủ phải nhận thẻ phạt ở vòng đấu vừa qua./.