7 ngày qua: Hạ lãi suất huy động vẫn chưa gỡ khó cho DN

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại miền Trung; chưa tăng giá bán lẻ xăng dầu; đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột… là những sự kiện nổi bật trong tuần

Việt Nam và Indonesia hướng tới quan hệ đối tác chiến lược

Chuyến thăm Indonesia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mang lại kết quả nổi bật là hai bên đã đạt nhận thức chung về nhiều vấn đề quan trọng, đồng thời, hai bên đã ký 2 văn kiện: Chương trình Hành động Việt Nam - Indonesia giai đoạn 2012-2015 triển khai Tuyên bố chung về Khuôn khổ Hợp tác Hữu nghị và Toàn diện giữa hai nước và Bản ghi nhớ giữa hai Bộ Ngoại giao về các hoạt động chung nhằm tăng cường trao đổi thông tin và tham khảo song phương.

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại miền Trung

Trong những ngày từ ngày 9-12/9, tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh mưa to, đến rất to và xảy ra lũ, sạt lở đất, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân địa phương.

Đã có 6 người thiệt mạng, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập, đổ và tốc mái; hàng chục ngàn héc-ta lúa và hoa màu bị ngập úng; cùng hơn 3.400ha nuôi trồng thủy sản bị ngập.

Hạ lãi suất huy động xuống 14%: Chưa tháo gỡ được khó khăn cho DN

Quyết định hạ lãi suất huy động xuống mức 14% của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được nhiều chuyên gia kinh tế và cộng đồng DN đánh giá là tích cực. Tuy nhiên, theo họ, quyết định này mới chỉ dừng ở mức “thử phản ứng”. Chuyên gia kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành khẳng định: “Khi huy động với lãi suất 14% thì DN phải vay các NHTM ở mức 16-18%. Đó là một mức lãi suất “chết”, không thể sản xuất, kinh doanh được”.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành đưa ra quan điểm về việc hạ lãi suất: NHNN cần nhanh chóng chấm dứt tình trạng hỗn loạn, chạy đua lãi suất bằng cách cung ứng lượng tiền cần thiết, cho NHTM vay vốn với lãi suất hợp lý để NHTM không còn nhu cầu tranh đua huy động vốn. Lãi suất trên thị trường sẽ tức khắc hạ nhiệt.

Mất thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vào tay DN Trung Quốc

Giới kinh doanh xuất khẩu cà phê Việt Nam đang đứng ngồi không yên khi thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đăk Lăk đã bị đăng ký bảo hộ độc quyền trong vòng 10 năm tại Trung Quốc.

Cụ thể, hai nhãn hiệu "BUON MA THUOT & chữ Hoa" và "BUON MA THUOT COFFEE 1896 & logo" gắn liền với nhiều sản phẩm trong đó có cà phê, đã được Trung Quốc cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền cho Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd. Hai nhãn hiệu này được đăng ký lần lượt vào ngày 14/11/2010 và 14/6/2011, tại tỉnh Quảng Đông.

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có cuộc họp với Công ty Bross và Partners để bàn cách đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.

Luật sư Lê Quang Vinh, Giám đốc Bộ phận Sở hữu trí tuệ Công ty Bross và Partners cho biết: Nếu dùng biện pháp khởi kiện, kinh phí sẽ mất khoảng 9.000 - 10.000 USD và khả năng chắc thắng sẽ rất lớn. Trước mắt, UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ dùng biện pháp ngoại giao và nếu dùng biện pháp này không thành công, tỉnh sẽ đứng ra khởi kiện công ty đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột tại Trung Quốc.

Chưa tăng giá bán lẻ xăng dầu

Bộ Tài chính vừa có trả lời chính thức với các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu về việc điều hành giá xăng dầu. Theo đó, căn cứ vào diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế-xã hội trong nước, đề nghị doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chưa tăng giá bán lẻ xăng dầu và tiếp tục thực hiện trích lập quỹ bình ổn xăng dầu (hiện ở mức 300 đồng/lít). Bộ Tài chính cũng yêu cầu doanh nghiệp đầu mối đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, hoạt động kinh doanh tiến hành bình thường.

Trước đó, từ đầu tháng 9, do giá xăng dầu thành phẩm có một số phiên tăng (trong đó có phiên ngày 2/9, giá xăng A92 tại Singapore lên trên 127,88 USD/thùng) nên đã có 3 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu gửi công văn lên Bộ Tài chính đề nghị được tăng giá bán lẻ.

Sẽ tăng viện phí và giá nhiều dịch vụ y tế

Tới đây, viện phí và giá nhiều dịch vụ y tế như khám chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe, giường bệnh, dịch vụ kỹ thuật… có thể đồng loạt tăng, nhiều dịch vụ có mức tăng gấp nhiều lần.

Bộ Y tế đang chuẩn bị điều chỉnh giá của 350 dịch vụ y tế. Dự kiến, 220 dịch vụ, kỹ thuật sẽ tăng 2 - 2,5 lần, đó là các dịch vụ không thường xuyên và thường rơi vào nhóm các dịch vụ y học dân tộc, châm cứu... khoảng 70 dịch vụ có mức tăng từ 7 - 10 lần.

Theo Bộ Y tế, việc tăng viện phí lần này không ảnh hưởng nhiều tới 53 triệu người đã có thẻ bảo hiểm y tế vì chi phí khám chữa bệnh của những người có thẻ bảo hiểm y tế về cơ bản đã được bảo hiểm y tế chi trả, kể cả một số dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn. Phần tăng thêm cũng được bảo hiểm y tế thanh toán theo tỷ lệ quy định tại Luật Bảo hiểm y tế.

Thế giới không rơi vào một cuộc suy thoái kép

Đây là nhận định của nhiều đại biểu tham dự Diễn đàn Davos lần thứ 5 diễn ra tại Trung Quốc khi thảo luận về chủ đề “Triển vọng châu Á”.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh Mỹ và một số nước thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng nợ công, thậm chí một số chuyên gia còn đang dự báo về một cuộc suy thoái kép xuất phát từ Mỹ và châu Âu nên mọi con mắt đang hướng về và đặt nhiều kỳ vọng vào châu Á. Nhưng do lượng cầu giảm tại Mỹ và châu Âu nên tăng trưởng các nền kinh tế châu Á, kể cả Trung Quốc, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sẽ thực sự sụt giảm.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Diễn đàn, GS kinh tế Victor Halberstadt (Trường đại học Leiden, Hà Lan) cho rằng: “Chúng ta đã được chứng kiến những dấu hiệu tích cực trên các thị trường trong 2 năm 2009 và 2010, và đó là lý do cho phép chúng ta tin tưởng thế giới không rơi vào một cuộc suy thoái kép”.

Tiếp diễn đánh bom, giao tranh ở Iraq, Afghanistan, Yemen

Ít nhất 15 người đã thiệt mạng và 36 người khác bị thương khi 1 chiếc ôtô phát nổ bên cạnh một nhà hàng ở thị trấn Al Hazam của Iraq ngày 14/9. Vụ tấn công xảy ra bên ngoài nhà hàng Esan, một điểm dừng nổi tiếng trên đường cao tốc cho những người du lịch qua Al Hazam, cách thủ đô Baghdad 100 km về phía Nam.

Cùng ngày, 15 binh sỹ Iraq đã bị sát hại và 20 người khác bị thương khi 1 quả bom cài trong một xe quân sự phát nổ tại trụ sở quân sự ở Habania, cách Baghdad 85 km về phía Tây.

Trong khi đó, ít nhất 20 người thiệt mạng trong vụ tấn công của các tay súng Taliban vừa nhằm vào tòa Đại sứ Mỹ và tổng hành dinh của Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) tại thủ đô Kabul của Afghanistan.

Còn tại Yemen, ít nhất 230 binh sĩ nước này và 50 dân quân tại các bộ lạc ủng hộ chính phủ đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh với các tay súng có liên hệ với tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda tại Zinjibar, thủ phủ tỉnh Abyan, miền Nam Yemen.

Tai nạn tại nhiều nơi trên thế giới

Trong tuần đã xảy ra nhiều vụ tai nạn trên thế giới như rơi máy bay quân sự, nổ hầm mỏ, tai nạn giao thông… khiến nhiều người chết.

Ít nhất 26 người thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay quân sự ngày 14/9 ở sân bay tỉnh Huambo, miền Trung Angola. Chỉ có 6 người sống sót trong vụ tai nạn này. Quân đội Angola xác nhận trong số những người thiệt mạng có 4 Trung tướng.

Tại Colombia, 1 vụ nổ hầm mỏ đã xảy ra ngày 14/9 tại miền Đông Bắc nước này, khiến 7 người thiệt mạng và 2 người bị thương. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, trong hầm lò có khoảng 18 thợ mỏ đang làm việc.

Cùng ngày, 1 phần mái che phía Bắc của cửa khẩu Dan Ysidro giữa Mỹ và Mexico đã bất ngờ bị sập, làm ít nhất 17 người bị thương. Cửa khẩu này đang trong quá trình nâng cấp để tăng gấp đôi công suất phục vụ.

Trong khi đó, ít nhất có 10 người chết, 14 người bị thương sau khi 1 chiếc xe chở đầy cán bộ nhân viên trên đường đi làm về bị lật tối 14/9 tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc).

Còn tại Ấn Độ, ít nhất 8 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương trong vụ tai nạn tàu hỏa tại bang Tamil Nadu vào đêm 13/9. Nguyên nhân chính xác dẫn đến vụ tai nạn đang được tích cực điều tra, song một số chuyên gia cho rằng có thể sự cố tín hiệu là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc này.

Một vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng cũng đã xảy ra tại ngoại ô thủ đô Buenos Aires (Argentina), khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và 100 người bị thương, trong đó có 7 người trong tình trạng nguy kịch. Nguyên nhân vụ tai nạn đang được điều tra, song theo thông tin ban đầu, có thể người lái xe buýt không để ý tới tín hiệu báo có tàu khi chuẩn bị băng qua đoạn đường giao nhau với đường sắt.

Thảm sát tại một nhà trẻ ở Trung Quốc

Một người đàn ông đã dùng rìu tấn công 2 trẻ em và 4 người lớn gần một nhà trẻ ở thành phố Gongyi, thuộc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Giới chức địa phương xác nhận 1 em nhỏ cùng 3 người lớn đã chết, 2 nạn nhân còn lại bị thương rất nặng. Thủ phạm đã bị bắt giữ tên là Wang Hongbin, 30 tuổi, một nông dân địa phương, bị nghi là mắc bệnh tâm thần.

Sự việc nói trên tiếp tục làm dấy lên mối lo ngại về việc gia tăng các vụ tấn công trẻ em xảy ra ở nhiều nơi tại Trung Quốc.

Tháng trước, một người đàn ông thất nghiệp đã dùng dao tấn công vào một trung tâm chăm sóc trẻ em dành cho lao động nhập cư ở Thượng Hải, khiến 8 em nhỏ bị thương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên