7 ngày qua: Một Kỳ họp Quốc hội với tinh thần đổi mới
Với nhiều nội dung quan trọng được bàn thảo tại Nghị trường, Kỳ họp thứ 2 được đông đảo cử tri cả nước quan tâm theo dõi và đánh giá cao.
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII thành công tốt đẹp
Sau hơn 1 tháng làm việc, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII vừa khép lại. Thời gian và chương trình nghị sự có lẽ cũng không khác với các kỳ họp trước, nhưng kỳ họp này đã để lại trong tâm trí của cử tri và nhân dân cả nước những ấn tượng riêng.
Cũng như nhiều kỳ họp trước, hoạt động chất vấn trực tiếp tại Hội trường được đông đảo cử tri cả nước quan tâm. Những vấn đề “nóng” nhất đã được các đại biểu đặt ra như: chống lạm phát, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, quản lý giá, nợ công; chống ùn tắc và tai nạn giao thông; chính sách đầu tư cho nông nghiệp nông dân hay nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo...
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII |
Trước những vấn đề bức xúc của đại biểu và cử tri nêu ra, nhiều vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã nghiêm túc thừa nhận hạn chế, yếu kém của ngành mình, thấy rõ trách nhiệm cá nhân và đề xuất biện pháp cụ thể để khắc phục trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tại phiên chất vấn của Kỳ họp này, vẫn có không ít những cuộc trao đổi trong quá trình chất vấn vẫn hỏi và trà lời chung chung, hay theo kiểu “hỏi một đàng - trả lời một nẻo”. Thậm chí, vẫn còn một số câu trả lời thể hiện tư tưởng đối phó cho qua chuyện nhiều hơn là hợp tác để làm rõ và giải toả những băn khoăn, trăn trở của cử tri.
Kết thúc kỳ họp, điều đọng lại ở cử tri là đã được nghe những lời hứa của những người quản lý, điều hành đất nước trong việc giải quyết những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong đời sống kinh tế- xã hội hiện nay. Chắc chắn, cử tri sẽ lấy đó làm căn cứ để đánh giá năng lực điều hành của bộ máy hành pháp trong giai đoạn khó khăn của đất nước.
Thủ tướng tuyên bố về chủ quyền biển Đông
Đây là lần đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố trước quốc dân đồng bào qua phát thanh, truyền hình trực tiếp về vấn đề lớn đang được dư luận xã hội quan tâm là chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Một lần nữa, Thủ tướng nêu rõ lập trường nhất quán của chúng ta: Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hoà bình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Tại Diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh: Chủ trương của Việt Nam là nghiêm túc thực hiện Công ước Luật Biển, nghiêm túc thực hiện DOC và các nguyên tắc thỏa thuận mới ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo đó, yêu cầu các bên giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm có ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực này.
Lập trường này của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ủng hộ, điều đó được thể hiện gần đây nhất là tại Hội nghị Cấp cao ASEAN và Cấp cao ASEAN với các đối tác.
Ngân hàng Nhà nước độc quyền vàng miếng
Theo Nghị định vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình Chính phủ và sẽ được ban hành trong thời gian tới, theo đó, Nhà nước sẽ giữ độc quyền về kinh doanh vàng miếng.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, mục đích của Nghị định này nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý về hoạt động sản xuất kinh doanh vàng. Khuyến khích hoạt động sản xuất, chế tác vàng trang sức để tạo ra hàng hóa cho xã hội, nhưng sẽ siết chặt lại một bước việc quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng.
Vàng miếng SJC sẽ trở thành thương hiệu vàng của NHNN |
Theo nhận định của giới chuyên môn, với cách làm này, Nhà nước thực hiện được hai mục tiêu: Độc quyền sản xuất kinh doanh vàng miếng và tiết giảm chi phí, vì đã có hàng trăm tấn vàng được dập ra vàng SJC và nhãn hiệu này đã được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận.
Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng
Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại hiện đang được xem là một nhiệm vụ cấp bách đối với hệ thống ngân hàng. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn Thống đốc NHNN tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII.
Việc tái cấu trúc sẽ theo hướng giảm bớt các ngân hàng thương mại |
Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là cần thiết, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, tái cấu trúc từ đâu và như thế nào để tránh gây sốc cho nền kinh tế, cho hệ thống ngân hàng là vấn đề cần được đánh giá, nghiên cứu cẩn trọng.
Hát Xoan được công nhận Di sản phi vật thể của nhân loại
Ngày 24/1, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali (Indonesia), Hồ sơ hát Xoan - Phú Thọ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Hát Xoan - Phú Thọ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể |
Bên cạnh việc đầu tư công sức, tiền bạc yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến tương lai của di sản chính là sự ủng hộ của cộng đồng. Nếu các thế hệ đương đại, đặc biệt là giới trẻ thờ ơ không quan tâm thì không thể nói đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của những tài sản vô giá này.
Phật tử cả nước thương tiếc Hòa thượng Thích Thanh Tứ
Hòa thượng Thích Thanh Tứ - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã viên tịch vào 08h15 ngày 26/11 (2/11 âm lịch). Hòa thượng Thích Thanh Tứ trụ thế 85 năm, hạ lạp 65 năm. Lễ nhập kim quan chính thức cử hành vào lúc 8h ngày 28/11/2011 tại Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Lễ viếng bắt đầu vào lúc 9h ngày 28/11 đến hết ngày 29/11. Lễ truy điệu được cử hành lúc 8h ngày 30/11. Sau đó, lễ cung tiễn kim quan nhập Bảo tháp tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn) lúc 13h cùng ngày.
Hòa thượng Thích Thanh Tứ nhận hoa từ Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại Lễ đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh mới đây |
Tương lai vẫn đầy bất ổn tại Trung Đông
Ngày 23/11, nhà lãnh đạo Yemen A.Saleh đã đồng ý từ chức khi ký vào bản thỏa thuận chuyển giao quyền lực để đổi lấy quyền miễn trừ truy tố. Ông Saleh là nhà lãnh đạo thứ 4 từ bỏ quyền lực sau làn sóng bạo động ở Trung Đông, sau nhà lãnh đạo Tunisia, Ai Cập, Lybia.
Tuy nhiên, sự ra đi của ông Saleh không đồng nghĩa với việc bình yên đã trở lại với đất nước này. Các cuộc biểu tình vẫn diễn ra tại nhiều nơi phản đối các điều khoản trong thỏa thuận chuyển giao quyền lực, trong đó có điều khoản cho phép Tổng thống Saleh và người thân được quyền miễn truy tố. Theo những người biểu tình, đây là vấn đề không thể chấp nhận và đó cũng là lý do vì sao họ sẽ tiếp tục phản đối cho đến khi đạt được mục đích.
Làn sóng biểu tình vẫn gia tăng tại Yemen |
Một chính phủ mới do Thủ tướng Kamal el-Ganzouri đã được Hội đồng Tối cao Các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) - hiện đang nắm quyền điều hành đất nước chỉ định. Tuy nhiên, không vì thế mà các cuộc biểu tình tại “đất nước của các Pharaoh” chấm dứt.
Các cuộc biểu tình bùng phát tại nhiều thành phố của Ai Cập từ cuối tuần trước đã làm ít nhất 36 người thiệt mạng, khoảng 2.000 người bị thương, đã buộc nội các của Thủ tướng Essam Sharaf phải đệ đơn từ chức.
Còn tại Syria, tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng. Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình tiếp tục nổ ra tại nhiều khu vực như al-Ghab Plain, khu vực nông nghiệp của Syria, tỉnh Tây Bắc Idlib, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ và thành phố phía Đông Deir al Zor làm ít nhất 25 người thiệt mạng.
Chưa rõ những sự chuyển giao quyền lực tại các quốc gia Trung Đông sẽ mang lại điều gì. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, bình yên sẽ không sớm trở lại với các quốc gia này.
Nga khởi động chiến dịch bầu cử tổng thống
Hiện đã có 3 đảng chính trị đã xác định được ứng cử viên vào chức tổng thống là Đảng nước Nga Thống nhất với ứng cử viên là đương kim Thủ tướng Putin; Đảng Cộng sản Nga thì chủ trương đề xuất Chủ tịch Đảng Zyuganov ra ứng cử. Trong khi đó, Đảng Dân chủ tự do cũng xác định ông Zhirinovski, lãnh đạo Đảng ra ứng cử tổng thống lần này.
"Cặp đôi hoàn hảo" Putin - Medvedev |
Theo giới quan sát, cho dù Putin - Medvedev có thể đổi ngôi cho nhau, thì lòng tin của người dân Nga và các nhà đầu tư quốc tế vào nước Nga vẫn không thay đổi. Có lý do để tin tưởng rằng “cặp đôi quyền lực” Putin - Medvedev hoàn toàn có thể đáp ứng kỳ vọng của người dân Nga và giới đầu tư, đúng như tuyên bố của ông Putin: “Điều quan trọng không phải là ai sẽ làm gì, mà là làm như thế nào và làm được gì cho đất nước”.
Quốc tế tiếp tục bất đồng về vấn đề hạt nhân Iran
Trong khi các nước phương Tây, đi đầu là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada cùng với Israel đang tìm cách gia tăng sức ép và đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Iran, nhiều nước trên thế giới trong đó có Trung Quốc và Nga đã lên tiếng phản đối các biện pháp này.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran |
Những động thái của phương Tây và tuyên bố cứng rắn của Iran khiến một số hãng thông tấn cho rằng, một cuộc chiến tranh mới có thể xảy ra ở Trung Đông nếu như Israel và Mỹ quyết định sử dụng các biện pháp quân sự đối với Iran./.