7 ngày qua: Ngày hội của những người làm báo

Cùng với sự kiện trong nước kỷ niệm 86 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), trên thế giới cũng diễn ra nhiều sự kiện quan trọng: Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tái đắc cử, kỷ niệm 70 năm ngày Phát xít Đức tấn công Liên Xô…

Trao giải báo chí quốc gia lần thứ V

Lễ trao giải báo chí quốc gia lần thứ V-năm 2010 vừa được tổ chức trọng thể tại Hà Nội, nhân ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6).

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Thông tin- Truyền thông Lê Doãn Hợp
trao giải cho các tác giả nhận giải B

So với 4 mùa giải đã qua, Giải báo chí Quốc gia năm 2010 có số lượng tác phẩm dự giải cao nhất (1.321 tác phẩm tham dự ở 8 loại giải).  Theo nhận xét của ông Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí quốc gia: “Các tác phẩm vào chung kết đều là những tác phẩm xuất sắc, có tính phát hiện; phản ánh đúng tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, có định hướng dư luận xã hội; có chất lượng tốt về hình thức thể hiện. Tuy về mặt bằng chất lượng các tác phẩm dự giải đồng đều hơn các năm trước nhưng còn thiếu tác phẩm thật sự xuất sắc, thực sự làm lay động lòng người”.

Việt Nam nêu vấn đề Biển Đông tại LHQ

Hội nghị lần thứ 21 các quốc gia thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 đã diễn ra từ ngày 13-17/6, tại New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đại diện gần 200 quốc gia thành viên Công ước, các nước thành viên Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Lê Lương Minh dẫn đầu.

Trong bài phát biểu, Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định lại ý nghĩa và tầm quan trọng của Công ước Luật Biển 1982.

Tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 84 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đại sứ Lê Lương Minh cũng lên án Trung Quốc cho phép các tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc cắt và gây rối dây cáp của hai tàu thăm dò địa chấn thuộc Công ty PetroVietnam đang hoạt động trong khu vực chủ quyền lãnh hải Việt Nam ở Biển Đông.

Đồng thời Đại sứ lên án và bác bỏ cái gọi là bản đồ "đường lưỡi bò" 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đại sứ Lê Lương Minh yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động vi phạm chủ quyền biển của Việt Nam và thực hiện nghiêm chỉnh Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.

Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định lại quyết tâm và lập trường của Việt Nam thực hiện nghiêm túc các quy định của Công ước Luật Biển UNCLOS 1982 cũng như Tuyên bố về các ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm xây dựng khu vực Biển Đông thành khu vực hòa bình, hợp tác, hữu nghị và ổn định.

Việt Nam kiên trì giải quyết bất đồng Biển Đông bằng giải pháp hòa bình, thông qua đối thoại giữa các bên liên quan trên cơ sở UNCLOS 1982, DOC và các Công ước quốc tế khác liên quan.

Thế giới phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam

Chia sẻ quan điểm của Việt Nam, cũng tại Hội nghị lần thứ 21 các quốc gia thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, nhiều nước ASEAN đã phát biểu nhấn mạnh cần phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của Công ước Luật Biển khi tiến hành các hoạt động trên biển; đề cao sự cần thiết của việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực Biển Đông, thực hiện đầy đủ DOC và tiến tới sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC.

Cũng tại Hội nghị này, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào, Philippines và Singapore đã thống nhất kêu gọi cần phải duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực.

Tổng Thư ký Ủy ban Thư ký các vấn đề về biển và hàng hải Henry Bensurto kêu gọi tất cả các bên tham gia Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về ứng xử của các bên trên biển Đông phải tuân theo các điều khoản của tuyên bố này.

Sáng 21/6, cuộc hội thảo về an ninh Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, Giáo sư Peter Dutton của Đại học Hải quân Mỹ cho rằng hiện có hai cơ chế là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).

"UNCLOS nói rõ rằng tuyên bố về quyền tài phán của một quốc gia đối với tài nguyên phải dựa trên yếu tố địa lý của đường bờ biển. Việc Trung Quốc tuyên bố quyền tài phán trong đường chữ U, hay đường 9 khúc, mà không đề cập dù là gián tiếp đến các đặc điểm địa lý từ bờ biển hay đường cơ sở là một vi phạm căn bản luật quốc tế"- GS Peter Dutton nhấn mạnh.

Thượng nghị sỹ Mỹ Jim Webb (Ảnh: Internet)

Cũng liên quan đến tình hình căng thẳng ở Biển Đông, ông Len Aldis, Chủ tịch Hội Hữu nghị Anh-Việt ngày 20/6 đã ra tuyên bố nói rằng những người bạn của Việt Nam và Trung Quốc quan ngại trước những sự việc gần đây ở Biển Đông.

Ông Len Aldis nêu rõ: "Chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của các nước láng giềng, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)".

Mới đây, Thượng nghị sỹ Mỹ Jim Webb-Chủ tịch Tiểu ban các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ và Thượng nghị sỹ James Inhofe cũng thuộc Tiểu ban này đã giới thiệu một Nghị quyết lên án việc Trung Quốc liên tiếp sử dụng vũ lực ở Biển Đông và kêu gọi cần có một giải pháp đa phương và hòa bình đối với những tranh chấp lãnh thổ trên biển tại khu vực Đông Nam Á.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tái đắc cử

Ngày 21/6, Đại hội đồng LHQ gồm 192 quốc gia thành viên đã nhất trí bầu lại ông Ban Ki-moon 67 tuổi, cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc vào chức Tổng Thư ký LHQ nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 2.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon

Phát biểu khi nhậm chức, ông Ban Ki-moon hứa rằng, trên cương vị Tổng Thư ký LHQ, ông sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình, phối hợp chặt chẽ với các thành viên LHQ để thúc đẩy tiến bộ trong các vấn đề toàn cầu quan trọng như: Biến đổi khí hậu, giải trừ vũ khí hạt nhân, phát triển quyền con người, giải quyết xung đột ở Bắc Phi và Trung Đông… nhằm đem lại hòa bình, an ninh trên toàn thế giới.

Nhưng với thực lực và cách thức tổ chức hiện nay, khó mà hy vọng ông Ban Ki-moon cũng như LHQ có những bước đột phá trong các vấn đề kể trên. Trong khi đó, việc cải tổ HĐBA - cơ quan quyền lực cao nhất của LHQ, đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, chưa có được một giải pháp thoả hiệp, ít nhất là tạm thời.

Kỷ niệm 70 năm ngày Phát xít Đức tấn công Liên Xô

Ngày 22/6, nhân dân các nước cộng hoà thuộc Liên Xô (trước đây), trong đó có nhân dân Nga tổ chức nhiều hoạt động để kỷ niệm tròn 70 năm ngày phát xít Đức bất ngờ tấn công Liên Xô (22/6/1941-22/6/2011), mở màn cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, cũng là cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại nhất trong lịch sử của những người Xô Viết.

Rạng sáng 22/6/1941, Hitler đã huy động một lực lượng vũ trang khổng lồ đánh đồng loạt trên toàn tuyến biên giới phía Tây Liên Xô với 190 sư đoàn, hơn 4.000 máy bay cùng hơn 4.000 xe tăng. Từ giờ phút lịch sử ấy, toàn thể nhân dân Liên Xô đứng lên bảo vệ Tổ quốc, chống lại chủ nghĩa Phát xít.

Chiến sĩ Hồng quân Xô Viết giương cao cờ chiến thắng tại trận đánh lịch sử Stalingrad
bên bờ sông Volga (Nga) năm 1943 (ảnh: Internet)

Cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại của nhân dân Liên Xô kết thúc thắng lợi vào ngày 9/5/1945 với tổn thất nặng nề: hơn 26,6 triệu người thiệt mạng, trong đó có hơn 9 triệu chiến sĩ Hồng quân.

Những ngày này ở LB Nga, ở các nước Cộng hoà thuộc Liên Xô (trước đây) và nhiều quốc gia châu Âu khác, kể cả Đức, người dân mọi lứa tuổi tổ chức rất nhiều hoạt động kỷ niệm. Hơn bao giờ hết, chúng ta càng phải nhấn mạnh rằng: “Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô nhằm loại bỏ con quái vật Phát xít Đức vẫn còn nguyên giá trị lịch sử”.

Mì, thạch chứa DEHP vẫn bán tràn lan

Sau khi báo, đài đưa tin về thạch rau câu hương vị khoai môn Taro, 2 nhãn hiệu mì gói của Hàn Quốc là Shin Ramyun và Shin Ramen (sản xuất tại Đài Loan, Trung Quốc) bị nhiễm DEHP, nhiều siêu thị lớn đã lập tức thu hồi sản phẩm nhãn hiệu này theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.

Mì Shin Ramyun và Shin Ramen bày bán ở rộng rãi ở Việt Nam

Tuy nhiên, hiện ở các chợ, cửa hàng tạp hoá, 2 loại mì Shin Ramyun và Shin Ramen sản xuất tại Trung Quốc vẫn bày bán rộng rãi. Tại siêu thị Big C Nam Định, loại thạch nói trên vẫn được bày bán công khai…

Mong rằng các cơ quan chức năng vào cuộc “mạnh tay” hơn nữa để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên