7 ngày qua: Những nỗi lo xuyên biên giới

Tuần qua là tuần có nhiều sự kiện nóng được báo chí và dư luận đặc biệt quan tâm.

Việt - Mỹ đối thoại Chính trị - An ninh - Quốc phòng

Cuộc đối thoại kết thúc sáng 18/6 (theo giờ Việt Nam), tại thủ đô Washington (Mỹ).

Việt Nam và Mỹ khẳng định rằng hợp tác giữa hai bên trong giải quyết những thách thức an ninh quốc tế và khu vực là sự phát triển tự nhiên của mối quan hệ song phương.

Hai bên nhất trí rằng việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông là phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế; mọi tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua con đường ngoại giao và hợp tác, không gây sức ép hay sử dụng vũ lực. Hai bên cho rằng các tuyên bố lãnh thổ và lãnh hải cần phải phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982.

Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố 2002 về Ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc và khuyến khích các bên đạt được thỏa thuận về bộ quy tắc ứng xử đầy đủ. Phía Mỹ tái khẳng định những sự kiện bất ổn trong những tháng gần đây không thúc đẩy hoà bình và ổn định trong khu vực, gây quan ngại về an ninh hàng hải, đặc biệt về tự do hàng hải, phát triển kinh tế, thương mại hợp pháp và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Trung Quốc “đói” nguyên liệu và nghịch lý nhập khẩu than

Sự kiện kinh tế đáng lưu tâm trong tuần là thông tin các thương nhân Trung Quốc đang “ra sức” tận thu các loại nguyên liệu nông, lâm thủy sản thô, khiến doanh nghiệp trong nước lo lắng, đứng ngồi không yên.

Thương nhân Trung Quốc dùng xe du lịch nhỏ, xe con đến tận vườn thu mua thanh long, rồi cà phê, hồ tiêu, trước đó là cao su, thủy sản, thịt lợn, thịt gia cầm, rồi sắn, thậm chí có lúc họ muốn  mua cả đỉa, cả rùa… Đó là chưa kể nhiều loại quặng thô khác mà báo chí thông tin là xuất khẩu “lậu” sang Trung Quốc.

Trong khi không ít doanh nghiệp Việt  trong tình trạng “đói” nguyên liệu thì chúng ta lại thấy nguyên liệu thô “ùn ùn” chảy sang Trung Quốc. Hiện tượng này xét về ngắn hạn, có thể là đã  đem lại lợi ích đáng kể, giúp bà con nông dân bán được giá cao, cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, dài hạn, việc xuất khẩu nhiều đến mức các nhà máy trong nước bị tranh mua dẫn đến nguyên liệu sản xuất lúc đủ, lúc thiếu thì rất tai hại.

Sự kiện khác cũng không kém thu hút sự chú ý đó là cũng trong tuần, tầu than nhập khẩu đầu tiên từ Inddonesia của Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV) chở hơn 9.570 tấn than đã cập bến về tới Việt Nam. Như vậy, ngành than đang vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu than.

Mặc dù TKV giải thích, khai thác ở Quảng Ninh chủ yếu là than có chất lượng tốt, được dùng nhiều trong ngành công nghiệp luyện kim và hóa chất và có giá trị xuất khẩu cao. Do đó, Chính phủ đã cho phép TKV thí điểm thực hiện việc nhập khẩu than có giá thành rẻ hơn để phục vụ các nhà máy nhiệt điện trong nước. Tuy vậy, dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi: Tại sao lại để xảy ra tình trạng: từ địa vị một nước xuất khẩu, như vậy, Việt Nam chính thức trở thành nước nhập khẩu than? Từ một nước xuất khẩu than giờ thành một nước nhập khẩu than, thì cũng nên đặt câu hỏi về tầm nhìn, về điều hành, quản lý  trong việc khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn vàng đen của đất nước? Hay khi TKV dự kiến số lượng than nhập khẩu từ nay đến năm 2012 khoảng 10 triệu tấn/năm và sẽ tăng dần từng năm. Vậy tại sao tại sao TKV không tính đến chuyện cần sớm dừng xuất than?

Nỗi lo xuyên biên giới

Các cơ quan chức năng thông báo thạch Taro cùng 19 loại nước uống nhập khẩu từ Đài Loan bị nhiễm độc tố DEHP. Việc kiểm tra này dựa trên thông tin cảnh báo của Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm từ mạng cảnh báo toàn cầu INFOSAN và cơ quan Y tế Đài Loan cung cấp.

Sản phẩm thạch không rõ nguồn gốc bị thu giữ

Thực tế này cho thấy, người tiêu dùng không chỉ lo lắng về nhiều loại hàng hoá sản xuất trong nước chưa đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, mà là nỗi lo xuyên biên giới với các hàng nhập khẩu.

Thực tế trên cho thấy, rõ ràng người tiêu dùng đang ở thế bị động bởi không thể bằng mắt thường có thể phát hiện những độc tố công nghiệp.

Cũng liên quan đến thực phẩm, tại châu Âu, vi khuẩn E.coli vẫn đang tiếp tục de dọa cuộc sống người tiêu dùng. Ba tuần kể từ sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên, khuẩn E.coli này đã giết chết ít nhất 39 người và khiến 3.100 người mắc bệnh, trong đó có nhiều người bị suy thận nghiêm trọng.

E.coli còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho nghành nông nghiệp châu Âu

Theo thống kê, hầu hết bệnh nhân nhiễm khuẩn E.coli ở Đức, những người còn lại đến từ 13 nước châu Âu và Mỹ, phần lớn từng đến Đức.

Ai sẽ là Tổng Giám đốc IMF?

Cuộc chạy đua vào chức vụ Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã bước vào giai đoạn quyết định. Ngày 13/6, IMF chính thức công bố hai ứng cử viên chức Tổng Giám đốc thể chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới này. Đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp - bà Christine Lagarde, và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico Agustin Carstens.

Bà Christine Lagarde (phải) hay ông Agustin Carstens (trái) sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua?

Cả 2 ứng cử viên đều được đánh giá cao với những lợi thế riêng của mình. Bà Lagarde được đánh giá là có nhiều triển vọng nhất để trở thành Tổng Giám đốc của IMF bởi bà nhận được sự ủng hộ của các nền kinh tế lớn của Liên minh châu Âu, nơi bà đã có những đóng góp không nhỏ trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Euro zone).

Càng gần ngày diễn ra cuộc bỏ phiếu, bà Lagarde tiếp tục nhận được thêm nhiều sự ủng hộ từ Ai Cập, Indonesia và một số quốc gia châu Phi. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico Carstens mới chỉ nhận được sự ủng hộ khá dè dặt của một số nước khu vực Mỹ Latin, trong đó không có hai nền kinh tế lớn nhất khu vực này là Brazil và Argentina. Còn các cường quốc khác như Mỹ, Nhật Bản chưa bày tỏ quan điểm nào đối với các ứng cử viên IMF.

Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Đông Á- chưa có được 1 cam kết cụ thể

Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Đông Á vừa diễn ra đầu tuần này tại Jakarta (Indonesia), nhằm thảo luận những thách thức “nóng” đặt ra đối với khu vực Đông Á nói riêng và rộng hơn là châu Á nói chung.

 

Đã có nhiều nội dung được thảo luận và không ít gợi ý đưa ra về cơ chế hợp tác giữa các nước Đông Á cùng phối hợp giải quyết những thách thức chung. Thế nhưng, diễn đàn Kinh tế Đông Á lần này chưa đạt được một cam kết cụ thể. Thứ nhất, không giống với các nước châu Âu, Đông Á không phải là một thực thể thống nhất, mà bao gồm các quốc gia hoàn toàn khác biệt về diện tích, về trình độ phát triển, và về cả các hệ thống chính trị-kinh tế. Thứ hai, nếu xây dựng được một cơ chế phối hợp thì ai sẽ là người “đứng mũi chịu sào”?...

Giá của giọt máu cứu người

Từ năm 2005, ngày 14/6 hàng năm được chọn làm Ngày Thế giới tôn vinh những người hiến máu.

Năm 2011 là năm thứ năm, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phối hợp với Ban chỉ đạo Quốc gia về vận động hiến máu tình nguyện và Hội chữ thập Đỏ Việt Nam tổ chức tôn vinh người hiến máu. 100 người hiến máu tiêu biểu từ 63 tỉnh thành của cả nước đã được lựa chọn để được tôn vinh. Trong số 100 người được tôn vinh, người ít nhất cũng đã hiến máu 2 lần, người nhiều nhất hiến máu 63 lần.

Ở Việt Nam, năm 2010 thu được 675.000 đơn vị máu. Tỉ lệ tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện là 84%. Tuy nhiên, lượng máu thu được vẫn tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, nơi có đông dân cư, và trên tổng thể chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Bởi theo tính toán, để đảm bảo an toàn điều trị cần có 2% dân số hiến máu, trong khi tỉ lệ này hiện nay ở nước ta mới là 0,78%.

“Lò luyện” ở Hà Nội ra nhiều “chiêu độc”

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, các “lò” luyện thi ở Hà Nội lại bắt đầu “nóng” bởi lượng thí sinh dồn dập từ các tỉnh đổ về luyện thi cấp tốc. Để “câu” thí sinh, các “lò” luyện thi có tiếng ở khu vực Bách Khoa, Cầu Giấy, Thanh Xuân… thi nhau đưa ra nhiều chiêu quảng cáo “có cánh”.

Một “độc chiêu” quảng cáo đang thịnh ở các lò luyện thi ĐH là “không đậu không lấy tiền”. Các trung tâm còn tự tin khẳng định thí sinh sẽ đậu 100%, với giá gần 100 triệu đồng cho trường “top”.

Học phí năm nay ở các "lò" luyện cũng tăng. Nếu như năm ngoái chưa đến 20.000 đồng/buổi/HS thì năm nay học phí của các trung tâm tăng lên chóng mặt, từ 30.000 - 40.000 đồng/buổi/HS, khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/3 môn/khóa cấp tốc.

Nóng cuộc đua vào Quốc hội Thái Lan

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tại Thái Lan. Cuộc bầu cử lần này được dự báo là cuộc đua tranh quyết liệt giữa hai đảng lớn là Đảng Dân chủ cầm quyền và Đảng Puea Thai đối lập. Qua thăm dò dư luận, đến nay khó có khả năng một chính đảng nào giành được đa số để tự đứng ra thành lập chính phủ. Điều này đồng nghĩa với việc bài toán ổn định Thái Lan sau bầu cử vẫn chưa có lời giải.

Bà Yingluck Shinawatra - nhân tố mới trong cuộc đua vào "ghế nóng" tại Thái Lan

Chiến dịch vận động tranh cử bắt đầu nóng lên kể từ khi trên chính trường Thái Lan xuất hiện một nhân tố mới, một đối thủ tiềm năng của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Đó là bà Yingluck Shinawatra - em gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và là ứng cử viên số 1 của đảng đối lập Puea Thai.

Sự chia rẽ chính trị sâu sắc trong nước đang là sự cản trở lớn cho việc liên kết giữa các đảng. Và vấn đề hoà giải dân tộc để đưa đất nước Thái Lan ổn định và phát triển vẫn là bài toán khó sau bầu cử.

Italy- Bằng chứng về một cuộc khủng hoảng chính trị

Một cuộc trưng cầu ý dân vừa diễn ra ở Italy, mặc dù đề cập nhiều vấn đề, nhưng thu hút sự chú ý của dư luận nhiều nhất tới dự luật cho phép thủ tướng và các bộ trưởng không phải hầu tòa. Lý do là bởi, chỉ khi dự luật này bị bãi bỏ, người ta mới có thể truy tố “vị Thủ tướng nhiều tật” và nhiều quan chức có “bàn tay nhúng chàm”.

Chưa bao giờ chính quyền của Thủ tướng Silvio Berlusconi và bản thân ông phải đối mặt với nhiều khó khăn như vậy khi chỉ trong vòng 2 tuần lễ mà ông đã phải hứng chịu tới 2 thất bại nặng nề. Đó là việc liên minh cầm quyền đã thất cử trong cuộc bầu cử địa phương diễn ra trong  2 ngày cuối tháng 5 vừa qua. Và nay, Thủ tướng cùng các Bộ trưởng trong nội các của ông lại thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân về những vấn đề thiết thân của đất nước, của chính quyền..

Nếu như kết quả của cuộc bầu cử địa phương đe doạ “sinh mạng” chính trị của Thủ tướng Berlusconi thì cuộc trưng cầu ý dân lại đang đe doạ sinh mạng pháp lý của ông.

Phía trước Chính phủ Berlusconi đang đầy rẫy khó khăn nếu không muốn nói là một nguy cơ sụp đổ đang đến rất gần. Theo nhà lãnh đạo đảng Dân chủ trung tả đối lập, kết quả trưng cầu ý dân là bằng chứng rõ ràng cho thấy đang có một “cuộc khủng hoảng chính trị”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên