7 ngày qua: Quốc hội và yêu cầu đổi mới
Cái chết gây chấn động của ông Gaddafi, phong trào "Chiếm phố Wall" lan rộng trên 4 châu lục, biểu tình phản đối chính sách chi tiêu của Hy Lạp... là những tin tức thu hút sự chú ý của thế giới tuần qua.
Quốc hội và yêu cầu đổi mới
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc tại Hà Nội hôm 20/10. Sau khi hoàn thiện tổ chức bộ máy Nhà nước và Quốc hội ở kỳ họp thứ nhất, có thể nói tại kỳ họp này Quốc hội sẽ thực sự tập trung vào thực hiện các chức năng cơ bản có tính chất nhiệm kỳ. Với nhiệm vụ quan trọng là đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006- 2010 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011- 2015.
Dự kiến, kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua 5 dự án luật, 01 Nghị quyết và cho ý kiến đối với 13 dự án luật. Số dự án Luật đưa ra không nhiều bởi thông thường, kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ giành nhiều thời gian để xem xét thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của đất nước.
Trong những nhiệm kỳ qua, dù có nhiều đổi mới nhưng công tác lập pháp của Quốc hội vẫn còn nhiều hạn chế cần kịp thời khắc phục. Biểu hiện rõ nét nhất là luật ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống, có những luật sau khi áp dụng một thời gian ngắn đã bộc lộ những bất hợp lý. Chính vì vậy, hệ thống pháp luật của ta cần được xem xét một cách tổng thể, nâng cao khả năng dự báo và tác động của luật, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách có chất lượng, bắt kịp với yêu cầu phát triển và hội nhập.
50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển
Ngày 23/10, quân và dân Việt Nam long trọng kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 – 23/10/2011).
Con đường được đánh giá là độc đáo, sáng tạo nhất của thế kỷ XX. Trên con đường, có những con người đã đi vào lịch sử như những huyền thoại. Họ không chỉ là những người “đứng mũi chịu sào”, giữ vững tinh thần chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ, mà còn là những tấm gương ngời sáng của thời đại Hồ Chí Minh để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau noi gương, học tập về đức hy sinh quên mình vì Tổ quốc.
Phát biểu tại lễ mít tinh kỷ niệm sự kiện này hôm 21/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Năm tháng sẽ qua đi nhưng đường Hồ Chí Minh trên biển mãi mãi là niềm tự hào của quân đội ta, nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của trí thông minh, lòng dũng cảm, ý chí sắt đá, quyết tâm dành độc lập tự do, thống nhất đất nước của dân tộc ta”.
Như một sự tiếp nối truyền thống chiến đấu ngoan cường anh dũng của các chiến sĩ Đoàn tàu không số năm xưa, thế hệ trẻ hôm nay và cả những chiến sĩ tàu không số còn sống, hiểu hơn về giá trị và công lao to lớn của những con tàu huyền thoại.
Các thành viên tham gia đoàn hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển |
Đức hy sinh cao cả của các chiến sĩ Đoàn tàu không số là tấm gương về lòng yêu nước, để thế hệ trẻ hôm nay học tập, phấn đấu, chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Trong một hoạt động khác, ngày 23/10, tàu HQ-996 thuộc vùng 4, Quân chủng Hải quân đã cập cảng TP HCM, kết thúc chuyến hành trình 18 ngày theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển.
Ông Gaddafi chết, Libya đối mặt với nhiều thách thức
Muammar Gaddafi, cựu lãnh đạo của Libya đã bị giết chết vào ngày 20/10 sau nhiều tháng trốn chạy sự truy đuổi của lực lượng nổi dậy lật đổ chế độ Gaddafi.
Là nhà lãnh đạo lập dị và khó đoán nhất trên hành tinh, để lại dấu ấn riêng trên chính trường thế giới, Gaddafi kết thúc 42 năm cầm quyền ở Libya với một cái chết thảm. Ông bị thương, suy kiệt với thân thể bẩn thỉu, đẫm máu và bị các chiến binh nổi dậy thuộc lực lượng Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya (NTC) lôi đi bắn chết một cách không thương tiếc.
Việc chôn cất Gadhafi vẫn bị trì hoãn bởi chính quyền mới của Libya đang bàn bạc hình thức thực hiện.
Thông tin mới nhất trên tờ Newkerala đưa tin, Saif - cậu con trai cả và cũng là đứa con cưng nhất của ông Gaddafi vừa bị bắt sống ở gần Tripoli trong tình trạng bị thương nghiêm trọng vào ngày 21/10 và đang phải đối mặt giữa sự sống và cái chết trong bệnh viện.
Cái chết của ông Gadhafi đặt dấu chấm hết cho chế độ cũ tại Libya, song nó không hề làm giảm những thách thức khổng lồ đang đặt ra cho chính quyền mới.
Libya sau cái chết của ông Gaddafi |
Các nhà phân tích cho rằng, Libya thời hậu Gaddafi sẽ rất phức tạp vì ở NTC đang tồn tại nhiều lập trường khác nhau, kể cả sự có mặt của Al Qaeda.
Thách thức lớn nhất sẽ là làm sao để tạo được sự đoàn kết giữa các lực lượng, phe phái khác nhau cùng vì lợi ích của đất nước Libya và trước tiên và bảo vệ ngành dầu mỏ của nước này khỏi sự thao túng của nước ngoài.
"Chiếm phố Wall" trên 4 châu lục
"Chiếm phố Wall" nhanh chóng lan rộng khắp các thành phố lớn của nước Mỹ rồi trở thành một phong trào toàn cầu từ hôm 15/10.
Tại Mỹ, nơi khởi nguồn của "Chiếm phố Wall", các cuộc biểu tình diễn ra rộng khắp ở thời điểm tròn một tháng kể từ khi phong trào bắt đầu tại New York hôm 17/9. Những người biểu tình dần nhận được nhiều sự ủng hộ hơn, và thậm chí đã huy động được khoản tiền gần 300.000 USD, trong khi còn rất nhiều khoản quyên góp nữa hứa hẹn sẽ được trao.
Ở Anh, những người biểu tình tụ tập bên ngoài nhà thờ St. Paul ở trung tâm thủ đô London. Cảnh sát Anh cho biết có khoảng 3.000 người tới đây và ít nhất 250 lán trại được dựng lên quanh quảng trường phía trước nhà thờ.
Những người tổ chức biểu tình thì khẳng định ít nhất 5.000 người đã cùng nhau xuống đường. Các cuộc biểu tình nhỏ hơn hôm qua cũng xảy ra tại các thành phố khác của vương quốc Anh như Bristol, Birmingham, Glasgow và Edinburgh.
Cuộc biểu tình này là một phần trong phong trào tuần hành được tổ chức trên toàn cầu, nhằm kêu gọi các chính trị gia lắng nghe người dân, thay vì chỉ lắng nghe các ông chủ ngân hàng.
Cuộc biểu tình ở London và một số thành phố khác còn nổ ra trong bối cảnh cả châu Âu rúng động với những vụ biểu tình tương tự ở Đức, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và đặc biệt là Italy, nơi các cuộc tuần hành tại thủ đô Rome đã biến thành bạo loạn làm ít nhất 70 người bị thương. Tại Australia, hơn 100 người bị cảnh sát bắt giữ.
Ở châu Á, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra ở Hong Kong, Đài Bắc, Seoul và nhiều thành phố khác.
Trong khi EU tìm cách giải cứu, Hy Lạp lại "cháy" trong đình công
Cuộc tổng tình công kéo dài hai ngày (19- 20/10) tại Hy Lạp khiến các hoạt động bị ngừng trệ, và tạo sức ép lớn với quốc hội cũng như chính phủ nước này. Những người biểu tình ném bom xăng về phía cảnh sát chống bạo động. Khoảng 70.000 người đã đổ về Quảng trường Syntagma gần tòa nhà Quốc hội.
Cảnh sát chống bạo động Hy Lạp phải dùng hơi cay và biện pháp trấn áp mạnh khác với người biểu tình quá khích.
Đây là phản ứng của người dân trước các kế hoạch đang được thảo luận trong quốc hội Hy Lạp về việc cắt giảm hàng nghìn việc làm và tăng thuế.
Chính phủ Hy Lạp cho rằng các biện pháp trên là cần thiết để duy trì nền kinh tế đất nước đang khốn đốn. Chính sách thắt lưng buộc bụng được Hy Lạp thực thi dưới sức ép của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nhằm làm giảm thâm hụt ngân sách và tránh nguy cơ khai màn một cuộc khủng hoảng của khu vực đồng Euro.
Trong khi đó, tại Bỉ, ngày 23/10, Hội nghị cấp cao EU diễn ra để thảo luận các biện pháp cứu Hy Lạp, bơm thêm vốn cho các ngân hàng, tăng khả năng can thiệp của Quỹ bình ổn Tài chính châu Âu (FESF), điều hành kinh tế châu Âu và thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên theo các nhà phân tích kinh tế, cuộc họp không phải là điểm chốt cho cuộc khủng hoảng nợ đã kéo dài 18 tháng qua.
Mưa lũ chia cắt miền Trung, gây thiệt hại nặng nề ở ĐBSCL
Tính đến nay, mưa lũ ở miền Trung đã làm 9 người chết, 4 người mất tích, 14 người bị thương, hàng chục ngàn ngôi nhà còn chìm sâu trong nước; hơn 5.000 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, hư hại.
Theo Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn miền Trung - Tây Nguyên, mưa lũ đã làm gần 87.000 nhà ngập, trong đó có hàng nghìn căn bị sập và hư hỏng do ngâm dài ngày trong nước.
Hiện, các tỉnh miền Trung đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ và cứu trợ người dân vùng thiên tai.
Tại đồng bằng sông Cửu Long, tính đến ngày 17/10/2011, lũ đã làm 48 người chết. 80.730 nhà bị ngập nước, 21.451 ha lúa bị ngập úng, đê bao, bờ bao bị sạt lở 1.455,7 km và 1.294 km đường giao thông nông thôn bị ngập.
Hiện các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Tác phẩm của Đài TNVN được trao giải quốc tế
"Tiếng máy xay ngô và tiếng Kèn lá gọi bạn tình” của hai phóng viên Đài TNVN đã được trao giải Đồng trong Giải thưởng Phát thanh Quốc tế lần thứ 23.
Tối 20/10, tại Paris, Hiệp hội Phát thanh và Truyền hình Quốc tế (URTI) tiến hành trao giải cho tác phẩm tiêu biểu.
Tại lễ trao giải thưởng, các đại biểu đã cùng lắng nghe đoạn trích tác phẩm “Tiếng máy xay ngô và tiếng Kèn lá gọi bạn tình”, với tiếng Kèn lá độc đáo truyền thống của người Mông. Tác phẩm của hai phóng viên Đài TNVN Ngô Thiệu Phong và Giàng Xeo Pùa được ban giám khảo Giải thưởng Phát thanh Quốc tế lần thứ 23 đánh giá cao cả về nội dung, chất lượng kỹ thuật tốt và tạo hiệu ứng âm thanh mạnh cho người nghe.
Giải thưởng của URTI là giải thưởng phát thanh và truyền hình đầu tiên ở quy mô quốc tế dành cho tất cả các nước, kể cả không phải thành viên của Hiệp hội. Năm nay, giải có chủ đề “Nghèo đói” với tổng cộng 105 tác phẩm phát thanh của 45 quốc gia tham dự. Giải nhất năm nay được trao cho tác phẩm “Những đứa trẻ đường phố” của đài Khorso Rasooli, Iran. Giải nhì thuộc về Đài Phát thanh Pháp./.