7 ngày qua: Sau động đất, Nhật Bản đối mặt với mối lo phóng xạ

VOVNEWS điểm lại những vấn đề được cho là tâm điểm chú ý ở trong nước và trên thế giới

  • Sau động đất sóng thần, Nhật Bản đối mặt với mối lo chất phóng xạ

Tuần qua, Nhật Bản trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi chứng kiến liên tiếp 2 đợt thiên tai từ động đất cho đến sóng thần hôm 11/3. Trận động đất lớn nhất trong vòng 140 năm qua có cường độ lên tới 8,9 độ ríchte đã gây ra hỏa hoạn, lở đất và sóng thần ở nhiều nơi thuộc miền Bắc Nhật Bản. Tính đến ngày 13/3, số người thiệt mạng và mất tích đã tăng lên con số gần 2.000 người tại 10 tỉnh.

Trận động đất kinh hoàng này không chỉ gây thiệt hại nặng nề về người và của mà còn đang gây ra mối lo mới lớn hơn. Đó là sự cố nổ  tại hai nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Fukushima.

Thông tin mới nhất VOVNEWS nhận được từ PV thường trú tại Tokyo, thanh nhiên liệu hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima có khả năng đang phân rã.

Hiện tại, Nhật Bản đã cho mở rộng phạm vi sơ tán đối với người dân trong khu vực xung quanh 2 Nhà máy này từ 10km lên 20 km.

Hãng thông tấn Kyodo (Nhật Bản) sáng 13/3 đưa tin đã có 22 người ở gần các nhà máy hạt nhân tại tỉnh Fukushima bị phơi nhiễm phóng xạ. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Edano xác nhận, mức độ phóng xạ trong nhà máy đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay và vượt quá mức cho phép. Hệ thống làm mát của một lò phản ứng khác đang ngừng hoạt động và có nguy cơ xảy ra một vụ nổ.

Hình ảnh vụ nổ tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1

Ngày 12/3, Cơ quan An toàn hạt nhân Pháp cũng đã đưa ra lời cảnh báo rằng gió tự nhiên có thể sẽ thổi chất bẩn phóng xạ từ vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra khắp Thái Bình Dương và như vậy sẽ "rất nghiêm trọng".

Đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình xác nhận, tính đến 22h ngày 12/3 (giờ địa phương), chưa có trường hợp thương vong nào sau thảm họa trên. Hiện Đại sứ quán đang tiếp tục cập nhật tình hình thông qua nhiều kênh khác nhau.

Trước đó, đất nước này phải chứng kiến cả một biến động lớn trên chính trường. Chỉ trong 1 tuần cả Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan lẫn cựu ngoại trưởng Seiji Maehara đều thừa nhận dính vào vụ bê bối nhận tiền tài trợ chính trị.

  • Đưa toàn bộ lao động tại Libya về nước an toàn

Trong tuần qua, thế giới tiếp tục chứng kiến những diễn biến mới về tình hình căng thẳng tại Libya, đặc biệt là cuộc sơ tán khổng lồ công dân các nước khỏi Libya sang các nước láng giềng như Tunisia và Ai Cập.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, 5 đoàn công tác đã được cử sang 5 khu vực có đông lao động Việt Nam di chuyển sang và nhanh chóng tổ chức đưa lao động về nước an toàn.

Tính đến hết ngày 9/3, 8.795 lao động Việt Nam đã về Việt Nam an toàn. Hiện nay, còn 1.079 lao động đang trở về Việt Nam bằng tàu biển. Đối với 292 lao động Việt Nam sơ tán sang Algeria, dự kiến, trong ngày 13/3, chuyến bay của Hãng hàng không Việt Nam sẽ đưa họ về đến sân bay Nội Bài. 

  • Quân đội sẽ tham gia đưa Rùa Hồ Gươm lên chữa bệnh

Có một miếng rách ở luới quây khá to ở lần vây bắt trước

UBND Thành phố Hà Nội cho biết, sau lần bắt rùa Hồ Gươm vào ngày 8/3 vừa qua không thành, hiện lực lượng đảm nhiệm công việc này đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho lần bắt thứ hai dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tuần sau. Ngoài việc thiết kế lại lưới, phương thức bắt cũng có sự thay đổi so với lần trước.

Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Chủ tịch Tập đoàn thương mại KAT, người phụ trách đội đánh bắt rùa Hồ Gươm cho biết, lực lượng bắt rùa lần này có thể lên tới 70 người và dự kiến có sự tham gia của một đơn vị quân đội.

Về tấm lưới sẽ được dùng cho lần bắt tới, ông Khôi khẳng định, lưới do công ty ông chế tạo sẽ là loại lưới rất dày, có xuất xứ từ Nhật Bản và sẽ hoàn thiện trong tuần này

  • Ngừng giao dịch USD chợ đen - để không là hiệu quả tức thời

Vấn đề thời sự trong tuần xuất hiện ở hầu hết các mặt báo được người dân và doanh nghiệp rất quan tâm, đó là sự trầm lắng của thị trường ngoại tệ và giá USD giảm nhẹ. Tín hiệu tích cực này xuất phát từ những động thái siết chặt quản lý của Bộ Công an, NHNN khi thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ. Nhưng rõ ràng, dù tín hiệu này là tích cực thì đây vẫn chỉ là giải pháp tình thế, và cần thêm những giải pháp khác kết hợp để tiến đến chấm dứt thị trường ngoại tệ chợ đen, chấm dứt tình trạng hai tỷ giá và chống đô la hoá nền kinh tế.

Và điều quan trọng, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính VAFI: “Gốc của vấn đề là giải quyết tốt, nhanh, thuận lợi nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, trong đó có đi du học, đi chữa bệnh và nhiều nhu cầu chính đáng khác. Bên cạnh đó, biện pháp quan trọng là để người dân tin vào tiền đồng Việt Nam. Nghĩa là có cơ chế đảm bảo người dân giữ tiền Việt Nam sẽ đạt được bảo toàn. Nếu không giải quyết được cái gốc của vấn đề này, người dân sẽ vẫn tìm đến các biện pháp trú ẩn khác ngoài tiền đồng hoặc có những giao dịch ngầm”.

  • Cấm giao dịch vàng miếng- huy động thế nào?

Cùng với việc siết chặt quản lý ngoại hối, thông tin cấm giao dịch vàng miếng trên thị trường tự do cũng đang rất thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư cũng như người dân. Nhiều người đặt câu hỏi: Vậy có thể huy động vàng miếng ở thị trường tự do ra sao trong trường hợp cấm giao dịch, vì không dễ gì người dân bán vàng miếng cho ngân hàng khi tâm lý bảo toàn vốn đã tồn tại từ lâu?

Tại nhiều nước trong khu vực và thế giới, tiền nhàn rỗi chỉ gửi ngân hàng và đầu tư chứng khoán, chứ không tích trữ ngoại tệ, vàng hay đổ vào bất động sản. Nhờ đó, luồng vốn đổ vào ngân hàng nhiều hơn, có lợi cho nền kinh tế bởi vốn dồi dào hơn.

Tuy nhiên, đề xuất phải có lộ trình là vì một thời gian dài, chúng ta quản lý không chặt, đã dẫn đến thói quen niêm yết giá, mua – bán, giao dịch, sử dụng ngoại tệ phổ biến trong dân. Nay khó có thể nói xoá là xoá ngay được.

Đây là một chủ trương đúng và cần thiết. Song điểm cần lưu ý là trước lạm phát, tỷ giá biến động, thì phải có biện pháp đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền. Nếu tiền đồng bất ổn, thì người dân sẽ lo lắng về sự mất giá của tiền cũng như tài sản của họ, và sẽ tìm những nơi trú ẩn khác./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên