7 ngày qua: Sĩ tử nô nức trẩy kinh
Chuẩn bị cho kỳ thi đại học; khắc phục hậu quả bão số 2; diễn biến của phiên toà xét xử các thủ lĩnh Khmer đỏ… là những vấn đề được dư luận quan tâm
Khởi động thị trường phát điện cạnh tranh
Bắt đầu từ 1/7, thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm chính thức đi vào hoạt động. Theo đó, với tổng công suất đặt dự kiến 22.878MW, sẽ có khoảng 62% trong số này được trực tiếp chào giá trên thị trường. Số còn lại không chào giá, không tham gia hoặc được Công ty mua bán điện (thuộc EVN) chào giá thay.
Trong giai đoạn đầu tiên, các doanh nghiệp phát điện, bên mua điện của Tập Đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tập dượt các kỹ năng, thao tác trong quá trình tính toán, chào giá bán điện ra thị trường và thanh toán. Ở giai đoạn này, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan vận hành thị trường điện nhưng không có thanh toán thực. Chính vì vậy, giai đoạn thí điểm sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến giá điện và doanh thu của các NM tham gia thị trường điện.
Tuy thị trường đã khởi động nhưng các đơn vị tham gia thị trường vẫn đang đối mặt với hàng loạt vướng mắc khó giải quyết trong ngày một, ngày hai. Từ mô hình tổ chức chưa tách bạch được các khâu phát điện, truyền tải và phân phối; Hệ thống điện còn thiếu nguồn, việc đầu tư nguồn điện và lưới điện đều chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; Từ hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh…
Tổng điều tra nông nghiệp nông thôn và thuỷ sản
Bắt đầu từ 1/7, cuộc tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thuỷ sản đã được tiến hành. Cuộc tổng điều tra nhằm đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như từng địa phương; Đánh giá kết quả thực hiện một số nội dung trong các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; Xây dựng cơ sở dữ liệu của khu vực nông nghiệp và nông thôn, phục vụ nghiên cứu chuyên sâu…
Trong ngày 1/7, 4 đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương đã có mặt tại 4 khu vực trên toàn quốc để kiểm tra, chỉ đạo cuộc tổng điều tra. Mặc dù cuộc tổng điều tra diễn ra vào đúng thời điểm bà con nông dân đang vào vụ thu hoạch lúa, nhưng các hộ gia đình đều tạo điều kiện cung cấp thông tin đầy đủ cho các điều tra viên.
Cuộc tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thuỷ sản sẽ kết thúc vào ngày 30/7/2011.
Thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học
Trong 2 ngày cuối tuần, hàng vạn thí sinh và người nhà đã đổ về Hà Nội để chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp đến. Để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc, trật tự, an toàn và đúng quy chế, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các bộ, ngành: công an, giao thông vận tải, y tế; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; các Tập đoàn Điện lực, Bưu chính Viễn thông… cùng phối hợp.
Hướng dẫn về địa điểm thi và tư vấn nơi thuê trọ thuận tiện cho thí sinh cụ thể qua bản đồ |
Bộ GD-ĐT đã gửi công điện khẩn nhắc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh các học viện, các trường ĐH, CĐ cần chuẩn bị phương án đảm bảo tốt kỳ thi tuyển sinh năm 2011.
Để hỗ trợ cho các thí sinh, trong những ngày này, hơn 2.000 thanh niên, sinh viên tình nguyện được huy động có mặt tại tất cả các bến tàu, bến xe để trợ giúp thí sinh.
Thêm 8 Luật có hiệu lực từ 1/7
Ngày 1/7/2011, một ngày khá đặc biệt khi có tới 8 bộ luật cùng một lúc có hiệu lực thực thi gồm Luật thi hành án hình sự, Luật Thanh tra, Luật Tố tụng hành chính, Luật Khoáng sản, Luật Chứng khoán sửa đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật An toàn thực phẩm. Trong số 8 Luật này, có 2 bộ luật khá quan trọng, được người dân đặc biệt quan tâm đó là, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật An toàn vệ sinh thực phẩm.
Người tiêu dùng sẽ được bảo vệ khi Luật có hiệu lực (Ảnh: VnExpress) |
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật An toàn vệ sinh thực phẩm có hiệu lực từ 1/7 được xây dựng với tinh thần: lấy người dân làm trọng, trong đó có nét mới đáng chú ý nhất là khi thực hiện khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và miễn tạm ứng án phí…
Các quy định này được kỳ vọng sẽ khuyến khích người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi của mình một cách tích cực và hiệu quả hơn. Tất nhiên, cùng với đó là quy trình giải quyết khiếu nại cần được xây dựng thật sự tinh giản hơn, gọn nhẹ hơn để người tiêu dùng thuận lợi hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình và điều quan trọng cần làm đầu tiên đó là tuyên truyền cho người tiêu dùng hiểu, ý thức được những quyền của mình đúng theo Luật.
Bão số 2 gây hậu quả nặng nề
Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, bão số 2 đã làm 17 người chết. Số người bị thương là 64 người, trong đó riêng Hải Phòng có tới 60 người bị thương. Hiện nay vẫn còn 6 người mất tích ở Yên Bái và Nghệ An.
Bão số 2 gây thiệt hại nặng nề tại Thuỷ Nguyên, Hải Phòng (Ảnh: Báo Hải Phòng) |
Bão số 2 cũng làm 2.677 ngôi nhà bị hư hỏng, nhiều phòng học bị đổ, trôi, lúa và hoa màu bị hư hại.
Một vấn đề được dư luận đặt ra trong những ngày qua là vì sao, một cơn bão không lớn, nhưng con số người chết lại khá cao? Điều bất bình thường là số người chết do sét đánh lên đến 12 người. Điều bất thường nữa là, mặc dù đã cảnh báo trước nhưng số người chết do lũ ống, lũ quét ở Yên Bái, nơi bão không trực tiếp đổ bộ vào vẫn xảy ra.
Chúng ta có thể tránh được những cái chết đau lòng như vừa qua hay không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Lý do là vì cơn bão này đã có dự báo và cảnh báo từ khá sớm. Nếu cẩn trọng hơn, có lẽ sẽ không có quá nhiều cái chết vô lý và thương tâm như vậy.
Không thể vì bão lũ liên tiếp xảy ra, năm nào cũng vậy, các biện pháp chuẩn bị đối phó, các văn bản chỉ đạo, các thông tin lặp đi lặp lại liên tục mà xem thường, thờ ơ. Mỗi người dân, từng cơ quan, cán bộ có trách nhiệm từ Trung ương đến cơ sở phải hết sức chú ý diễn biến của tình hình, thông tin kịp thời cho nhau, chuẩn bị cẩn thận, chu đáo để có thể ứng phó kịp thời.
Cần phải hành động để xóa bỏ thực tế đau lòng là: sau mỗi trận bão chúng ta lại phải đếm số người chết và mất tích. Nói cách khác, cần phải hành động để bão, lũ không thể là những kẻ giết người đương nhiên được.
IMF có Tổng giám đốc mới
Ngày 28/6, Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde đã chính thức được bầu làm Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế( IMF). Chiến thắng của bà Lagarde trước Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico Agustin Carstens trong cuộc đua tới vị trí đứng đầu của một trong những định chế tài chính lớn nhất thế giới dường như đã được dự đoán trước.
Bà Christine Lagarde (giữa) là nữ Tổng giám đốc đầu tiên trong lịch sử IMF (Ảnh: AFP) |
Bà Lagarde, 55 tuổi, hiện là Bộ trưởng Tài chính Pháp, sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm của mình từ ngày 5/7 tới. Trước khi nhận vị trí này, bà cũng là nữ bộ trưởng Tài chính đầu tiên và duy nhất trong nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), đồng thời là nữ Chủ tịch đầu tiên của hãng luật danh tiếng Baker & McKenzie.
Sau khi tiếp nhận “ghế nóng” được người đồng hương Dominique Strauss-Kahn để lại, nhiệm vụ trước mắt của bà Lagarde chính là giải quyết dứt điểm khủng hoảng nợ châu Âu. Lâu dài hơn, nữ Tổng giám đốc này cần chèo lái con thuyền IMF trước đòi hỏi cân bằng giữa nhu cầu phát triển nhanh của các nền kinh tế mới nổi với việc phục hồi kinh tế của các nước lớn.
Nhiệm vụ này cũng được xem là một phần nguyên nhân khiến giới chức IMF quyết định lựa chọn bà Lagarde, người được biết đến như một nhà thương thuyết tài ba trong khủng hoảng tài chính. Việc Bộ trưởng tài chính Pháp lên nắm quyền cũng được xem như một sự duy trì truyền thống "châu Âu" tại vị trí đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Báo động đạo đức nghề bảo vệ
Ngày 23/6/2011, bảo vệ Lê Tuấn Minh của Công ty TNHH Giai Đức đóng tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, mặc dù không biết lái xe nhưng đã lái xe lao vào các công nhân đang đình công, làm 1 người thiệt mạng, 6 người khác bị thương… Vụ việc đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác đào tạo bảo vệ và việc sử dụng đội ngũ này trong các hoạt động xã hội.
Bảo vệ Lê Tuấn Minh hiện đang bị tạm giam |
Thực tế hiện này cho thấy, đã có nhiều vi phạm quy định về kinh doanh loại hình dịch vụ bảo vệ. Doanh nghiệp không có giấy đăng ký kinh doanh theo quy định, sử dụng công cụ hỗ trợ không có giấy phép, tuyển dụng nhân viên bảo vệ không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn, nhiều công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ tự đào tạo nhân viên, thay vì phải gửi nhân viên đi đào tạo tại các trường công an nhân dân như luật định… là vi phạm phổ biến. Những lỗi vi phạm ấy là nguyên nhân đưa tới chất lượng nhân viên bảo vệ thấp, thiếu trình độ và văn hoá ứng xử.
Các thủ lĩnh Khmer Đỏ tiếp tục chối tội
Ngày 27/6, Campuchia đã đưa 4 lãnh đạo cấp cao của Khmer Đỏ ra xét xử tại thủ đô Phnom Penh vì những cáo buộc tội diệt chủng và nhiều tội ác khác.
Các bị cáo Nuon Chea, Ieng Sary, Ieng Thirith và Khieu Samphan. (Ảnh: AFP) |
4 bị cáo được đưa ra xét xử trong phiên tòa đầu tiên của “Hồ sơ số 002” bao gồm Nuon Chea là nhân vật số hai sau Pol Pot, Ieng Sary làm Bộ trưởng Ngoại giao, Ieng Thirith (vợ Ieng Sary) làm Bộ trưởng Xã hội, còn Khieu Samphan làm Chủ tịch nước dưới thời Khmer Đỏ. 4 người này bị cáo buộc các tội danh diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và nhiều tội danh khác liên quan tới cái chết của một phần tư dân số Campuchia trong thời gian tồn tại 3 năm 8 tháng 20 ngày của chế độ Khmer Đỏ.
Phiên tòa này rất quan trọng, vì nó được kỳ vọng có thể giúp tìm lại công lý cho những người đã chết và cả những người may mắn sống sót dưới thời cai trị của Khmer Đỏ. Tuy nhiên, sau 4 ngày xét xử, trong tất cả các phát biểu của mình tại phiên tòa, 4 bị cáo đều phủ nhận trách nhiệm của mình đối với các cáo buộc và tuyên bố vô tội. Bên cạnh đó, thái độ bất hợp tác của các bị cáo khi nhiều lần rời khỏi phòng xử án giữa lúc phiên tòa đang diễn ra, đã gây bức xúc cho những người tham dự và theo dõi quá trình xét xử.
Từ khi Tòa án Xét xử Tội ác Khmer Đỏ ở Campuchia bắt đầu các bước chuẩn bị cho việc xét xử Hồ sơ 002, đã có 100.000 lượt người dân Campuchia và quốc tế đến trụ sở Tòa án tìm hiểu thông tin, tham gia các buổi điều trần, dự triển lãm về quá trình xét xử và tội ác của Khmer Đỏ.
Kết thúc 4 ngày xét xử của phiên toà đầu tiên, Tòa án đã thông qua danh sách cuối cùng gồm 1.092 nhân chứng của các bên, chuẩn bị cho phiên xét xử thực chất có thể bắt đầu vào cuối tháng 8 hoặc trong tháng 9 tới.
Chống tội phạm bị giang hồ truy sát
Cũng trong tuần qua, dư luận cả nước đã bày tỏ sự bức xúc trước việc anh Nguyễn Tăng Tiên, “hiệp sĩ” thuộc Đội phòng chống tội phạm phường An Bình, thị xã Dĩ An (Bình Dương) bị giang hồ truy sát.
“Hiệp sĩ” Nguyễn Tăng Tiên đang được điều trị tại Trạm y tế công an tỉnh Bình Dương (Ảnh: Dân trí) |
Theo anh Tiên, nhóm côn đồ truy sát anh chính là các nghi can mà anh và các đồng nghiệp cùng công an phường An Bình đã bắt giữ trước đó. 6 nghi can này cùng tang vật được đưa về trụ sở công an phường. Sau khi lập hồ sơ ban đầu, tối cùng ngày, Công an phường An Bình đã bàn giao họ cho đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an thị xã Dĩ An xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, đến khuya, cả 6 người được thả về và dẫn đến vụ trả thù trên.
Sau khi báo chí và công luận lên tiếng, chiều 28/6, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích” để phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, các đối tượng chém anh Tiên vẫn chưa bị bắt, chỉ duy nhất tên Vũ Đức Tuấn (Tuấn "chó"), nghi vấn số một đã bị tạm giữ để đấu tranh làm rõ tung tích băng nhóm bịt mặt chém anh Tiên vào rạng sáng 27/6.
Về câu hỏi mà dư luận đặt ra là liệu có khuất tất gì khi 6 đối tượng bị bắt giữ rồi lại được thả ra dẫn đến vụ truy sát anh Tiên, sáng 30/6, công an tỉnh Bình Dương tổ chức buổi họp mặt báo chí. Tại đây, Thượng tá Nguyễn Hoàng Thao - Phó giám đốc công an tỉnh Bình khẳng định sẽ kiên quyết xử lý nếu phát hiện sai phạm trong quá trình điều tra vụ án./.