7 ngày qua: Tàu Trung Quốc lại vi phạm chủ quyền Việt Nam

Tàu cá Trung Quốc cố tình vi phạm chủ quyền Việt Nam; vấn đề Biển Đông được nêu tại ARF; Châu Âu thiệt hại nghiêm trọng về tài chính do vi khuẩn E.coli… là những sự kiện nổi bật

Tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng

Vào lúc 6h ngày 9/6/2011, trong khi tàu Viking II do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuê đang tiến hành thu nổ địa chấn 3D lô 136/03 (tọa độ 6o 47,5’ Bắc và 109o 17,5’ Đông) tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam, thì tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 62226 được sự yểm trợ của hai tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 311 và 303 đã chạy ngang qua mũi tàu Viking II sau đó đổi hướng và gia tăng tốc độ.

Mặc dù phía Việt Nam đã phát pháo hiệu cảnh báo nhưng tàu 62226 vẫn cố tình lao vào tuyến cáp khảo sát của tàu Viking II và bộ phận cắt cáp chuyên dụng của tàu 62226 đã mắc vào tuyến cáp của tàu Viking II, làm cho tàu Viking II không thể hoạt động bình thường. Tiếp đó, hai tàu ngư chính 311 và 303 cùng với nhiều tàu cá khác của Trung Quốc đã vào giải cứu cho tàu 62226.

Hình ảnh tàu Trung Quốc vi phạm lãnh hải Việt Nam, cố tình cắt cáp tàu Viking II sáng 9/6
(Nguồn: petrotimes.vn)

Hành động nói trên của các tàu cá và tàu ngư chính Trung Quốc là hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng, đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đi ngược lại nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước về việc duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông.

Đáng chú ý là vụ việc nói trên xảy ra ngay sau vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 tại lô 148 thuộc thềm lục địa của Việt Nam ngày 26/5 vừa qua, làm cho tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng.

Hòa bình biển Đông gắn liền với các nước khu vực

Tại Hội nghị Chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 8 diễn ra ngày 8/6, ở Indonesia, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh, vấn đề Biển Đông và sông Mekong không phải của riêng những nước trực tiếp có biển hay sông Mekong hoặc những nước có lợi ích trực tiếp gắn liền mà là của tất cả các nước trong khu vực.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định lập trường của Việt Nam về Biển Đông và sông Mekong, coi đây là những vấn đề hết sức hệ trọng, có thể gây hệ lụy lâu dài nếu không được giải quyết. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh vấn đề Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình đa phương, trên cơ sở tuân thủ Công ước LHQ năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS 1982), thực hiện tốt Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cố gắng tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong thời gian sớm nhất.

Liên quan đến vấn đề biển Đông, trước đó, ngày 5/6, tại Đối thoại Shangri-La 10, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh có bài phát biểu quan trọng với chủ đề “Ứng phó với các thách thức an ninh biển mới”. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nêu rõ: Tình hình Biển Đông nhìn chung vẫn ổn định, nhưng đôi khi vẫn xảy ra các va chạm, gây lo ngại cho các quốc gia ven biển, gần đây nhất là vụ ngày 26/5/2011, tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam bị cắt cáp thăm dò khi đang hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, gây lo ngại đến việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông cũng như khu vực và trên thế giới.

Việt Nam đã kiên trì giải quyết vụ việc trên bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế và nguyên tắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông và giữ mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng. Việt Nam luôn coi an ninh quốc gia của mình gắn liền với an ninh khu vực và thế giới…

Vẫn có 34 triệu người đang phải sống chung với HIV/AIDS

Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) khoá 65 vừa khai mạc Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS nhằm kiểm điểm những tiến bộ cùng những thách thức đối với cuộc chiến chống HIV/AIDS suốt 30 năm qua và định hướng những phản ứng toàn cầu trong tương lai đối với căn bệnh thế kỷ này trong 5 năm tới.

Hơn 30 người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ cùng 3.000 đại diện các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, xã hội dân sự, các đối tác phát triển, bệnh nhân HIV/AIDS trên khắp thế giới đã tham dự hội nghị. Phái đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng dẫn đầu tham dự hội nghị.

Tại hội nghị này, các nước thành viên LHQ cần thông qua Tuyên bố mới để khẳng định tiếp tục các cam kết hiện hành cùng các cam kết hành động định hướng các phản ứng toàn cầu sau cuộc chiến chống HIV/AIDS suốt 30 năm qua và 10 năm sau Phiên họp đặc biệt của ĐHĐ LHQ về HIV/AIDS năm 2001, cũng như Tuyên bố chính trị ký năm 2006, trong đó các nước thành viên LHQ cam kết phổ cập việc tiếp cận ngăn chặn, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhân HIV/AIDS.

Thời gian qua, 20 nước trên thế giới đã phổ cập tiếp cận các dịch vụ ngăn chặn lây truyền virus HIV/AIDS từ mẹ sang con. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS mới trên toàn cầu đã giảm 25% trong 10 năm qua; số người tử vong vì HIV/AIDS đã giảm 20% trong 5 năm qua và 6,6 triệu người ở các nước thu nhập thấp và trung bình đã được tiếp cận các liệu pháp điều trị HIV/AIDS. Tại khu vực châu Phi, số ca nhiễm HIV đã giảm từ 2,2 triệu người trong năm 2001 xuống còn 1,8 triệu người trong năm 2009. Số người chết vì các căn bệnh liên quan đến AIDS tại khu vực hạ Sahara đã giảm 25% kể từ năm 2005. Tuy nhiên, bất chấp những thành tựu chống HIV/AIDS, hiện vẫn có 34 triệu người trên toàn cầu đang phải sống chung với HIV/AIDS, cao hơn bất cứ thời điểm nào trong 30 năm qua.

Ở Việt Nam thời gian qua đã bước đầu khống chế được tốc độ tăng tỷ lệ nhiễm HIV, con số nhiễm HIV mới phát hiện liên tục giảm trong 3 năm trở lại đây. Số phụ nữ có thai được điều trị dự phòng lây truyền mẹ-con đã tăng 4 lần so với cách đây 5 năm. Tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị bằng các phương pháp mới đã được tăng lên.

Trong 20 năm qua, Việt Nam đã kiên trì thực hiện tuyên truyền giáo dục về phòng chống HIV/AIDS; xây dựng chiến lược quốc gia về phòng chống HIV/AIDS, kết hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội quốc gia. Việt Nam đang xây dựng chiến lược phòng chống HIV/AIDS cho giai đoạn mới. Đây là một trong những chương trình trọng điểm nhằm phát triển xã hội bền vững của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015, ưu tiên tập trung các nguồn lực để thực hiện mục tiêu quốc gia cũng như các mục tiêu Tiếp cận phổ cập và sáng kiến mới của LHQ là “Không còn các ca nhiễm mới, không còn kỳ thị và phân biệt đối xử, không còn các ca tử vong vì AIDS”…

Môi trường Việt Nam có những diễn biến phức tạp

Báo cáo môi trường Quốc gia năm 2010 đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường công bố sáng 10/6. Báo cáo gồm 10 chương tập trung đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế-xã hội và những tác động đối với môi trường; vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, sự cố môi trường và nguy cơ gây sức ép đối với môi trường; đánh giá hiện trạng, diễn biến môi trường đất, nước, không khí, chất thải rắn, đa dạng sinh học…

Theo Báo cáo này, trong giai đoạn 2006-2010, môi trường Việt Nam đã có những diễn biến phức tạp, tập trung vào 5 vấn đề bức xúc chính: ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng; Đa dạng sinh học suy giảm nghiêm trọng; An ninh môi trường bị đe dọa; Quản lý môi trường còn nhiều bất cập; Vai trò của cộng đồng chưa được huy động đúng mức. Vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, sự cố môi trường có xu thế gia tăng trong năm gần đây càng khiến cho vấn đề môi trường Việt Nam ngày càng nhiều thách thức.

Chưa hiểu đầy đủ về xây dựng nông thôn mới

Sáng 6/6, Ban chỉ đạo Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới họp báo giới thiệu Thông tư liên tịch số 26 giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800 ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020.

Sau gần 1 năm triển khai chương trình, đến nay các tỉnh, thành đã thành lập được Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, thành lập Văn phòng điều phối - Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo… Tuy nhiên, thực tế kiểm tra đánh giá cho thấy, đại bộ phận cán bộ các cấp và người dân nông thôn còn chưa hiểu đầy đủ về các nội dung xây dựng nông thôn mới.

Nguyên nhân do Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình phát triển nông thôn tổng hợp với nhiều nội dung lớn, nguyên tắc, phương pháp cách làm, cơ chế chính sách có nhiều đổi mới so với trước nhưng công tác tuyên truyền, tập huấn đến người dân và đội ngũ cán bộ vận hành còn ít và chưa xứng tầm…

Đến nay cả nước đã có 38 trên 63 tỉnh, thành phê duyệt kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 và đã triển khai nhiều nội dung xây dựng nông thôn mới.

Châu Âu thiệt hại nghiêm trọng do vi khuẩn E.coli

Tâm lý lo ngại của người tiêu dùng đối với dịch khuẩn E.coli đang gây thiệt hại nặng cho ngành nông nghiệp châu Âu. Sau những lời cáo buộc của nhà chức trách Đức rằng dưa chuột Tây Ban Nha là nguồn gốc gây đợt bùng phát khuẩn E.coli gây nhiễm trùng đường ruột ở Đức và châu Âu, nhiều nông dân Tây Ban Nha, đặc biệt là những người trồng rau và hoa quả bị thiệt hại nghiêm trọng về tài chính. Nhiều vụ dưa chuột, cà chua có nguy cơ không bán được.

Chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm khuẩn E.coli ở Đức

Theo những người nông dân Tây Ban Nha, ước tính thiệt hại khoảng 200 triệu Euro. Cuộc khủng hoảng này thực sự đã tác động sâu sắc tới đời sống của người nông dân ở Tây Ban Nha.

Không riêng Tây Ban Nha, nhiều người trồng rau châu Âu cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. Hiệp hội rau của Pháp đã tiến hành một cuộc biểu tình trên khắp thủ đô Paris nhằm phản đối những cáo buộc không có bằng chứng về sản phẩm nông sản.

Hai tuần kể từ sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên, vi khuẩn gây tiêu chảy xuất huyết E.coli đến nay đã làm 25 người thiệt mạng. Ngoài ra còn có 2.300 người phải nhập viện tại 14 quốc gia thành viên EU…

NATO kéo dài chiến dịch quân sự tại Lybia

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen

Tại cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ngày 8/6 tại Brussel (Bỉ), các Bộ trưởng Quốc phòng khối này ra tuyên bố khẳng định sẽ tiếp tục hiện diện tại Lybia "chừng nào còn thấy cần thiết", cũng như cung cấp những phương tiện cần thiết cho chiến dịch quân sự chống lại các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Gaddafi.

Tuyên bố cũng kêu gọi 28 nước thành viên NATO tăng các khoản đóng góp bổ sung và chia sẻ gánh nặng thực hiện chiến dịch.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cũng khẳng định NATO quyết định sẽ kéo dài chiến dịch quân sự tại Lybia thêm 90 ngày kể từ tháng tới.

Hiện chỉ có 8 trong số 28 nước thành viên NATO tham gia chiến dịch quân sự tại Lybia./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên