7,2 tỷ đồng bồi thường "án oan" ông Nguyễn Thanh Chấn: Đồng tiền nước mắt
Số tiền 7,2 tỷ đồng bồi thường cho 10 năm tù oan của ông Chấn là những đồng tiền xương máu. Nhưng số tiền ấy cũng từ mồ hôi, nước mắt của dân mà ra
10 năm tù oan, đau đớn, nhục nhã, thậm chí ông Chấn nhiều lần muốn tự tử, thì 7,2 tỉ đồng mà ông được bồi thường quả đúng là đồng tiền xương máu.
Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Chấn trong ngày được Tòa phúc thẩm xin lỗi công khai |
10 năm tù oan, đau đớn, nhục nhã, thậm chí quẫn trí vì quá uất ức mà ông Chấn nhiều lần muốn tự tử, thì 7,2 tỉ đồng mà ông được bồi thường quả đúng là đồng tiền xương máu.
Tiền bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn cũng như nhiều người bị tù oan sai khác lấy từ đâu là câu hỏi của dư luận, và câu trả lời là tiền ngân sách. Ba năm qua, có 71 trường hợp oan sai (được phát hiện), thế thì Nhà nước bồi thường một khoản tiền không nhỏ. Rồi đây, còn những vụ đang ở ngưỡng cửa oan sai như Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Hồ Duy Hải (Long An), Hàn Đức Long (Bắc Giang)…, nếu chứng minh oan sai thì phải bồi thường. Lại móc tiền ngân sách ra để trả nợ cho cái sai của các cơ quan tố tụng.
Tiền ngân sách từ đâu ra vậy? Đó là tiền thuế của dân, tiền tài nguyên của đất nước. Để có được đồng tiền đó, cũng thấm đẫm mồ hôi nước mắt của dân. Những công nhân vắt kiệt sức mình trên các công trường, những ngư dân bám ngư trường đối mặt với hiểm nguy giữa biển cả, những nông phu quần quật trên đồng lúa, nương rẫy. Bất cứ đồng tiền nào của họ làm ra cũng là mồ hôi nước mắt, thậm chí cả máu.
Đồng tiền đó đem trả lương cho những cán bộ điều tra, kiểm sát, quan tòa để bảo vệ công lý, bảo vệ công lý chính là bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ. Nhưng một số cán bộ chấp pháp phạm pháp, điều tra, kiểm sát, xét xử oan sai, gây họa cho dân, gây hại cho nước. Họ gây hại, gây họa xong, thì lại lấy đồng tiền xương máu của dân ra để khắc phục hậu quả. Thế là quá ngang trái, quá bất công. Bồi thường oan sai bằng một sự oan nghiệt khác. Đó là gây oan cho đồng tiền của dân.
Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước quy định người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại, nhưng đã có ai liên quan đến tất cả các vụ án oan sai rút tiền túi ra đồng nào để bồi thường chưa? Những kẻ gây ra án oan sai nhưng không thực hiện trách nhiệm bồi thường thì luật đặt ra để làm gì, quả là phí tiền của dân đã bỏ ra để sản xuất luật.
Không chỉ phí tiền của dân, mà nguy hiểm chính là ở chỗ cán bộ của các cơ quan tố tụng không sợ luật, nhờn luật. Còn tình trạng gây ra oan sai có Nhà nước bồi thường thì sẽ còn nhiều án oan sai./.