Ai giúp “cò” bệnh viện sống khỏe?
VOV.VN -Cò bệnh viện có đất sống là nhờ vào sự móc ngoặc với các bác sĩ, vào sự sợ sệt, lo lắng… của bệnh nhân mỗi khi đến bệnh viện.
Mới đây, Bệnh viện K đã phải mời công an vào cuộc để dẹp “cò” đang hoạt động ở cổng bệnh viện này. Lãnh đạo Bệnh viện K cho biết, đây không phải là lần đầu phát hiện “cò” lừa người bệnh mà trước đây đã từng có nhưng mỗi lần ra quân dẹp thì nạn “cò” tạm lắng, sau đó một thời gian lại rộ lên.
Những người được cho là "cò mồi" ở cổng Bệnh viện K Trung ương, đang được công an làm sáng tỏ. |
Có một đặc điểm chung dễ nhận biết nơi “cò” hoạt động thường là những bệnh viện lớn có khá đông bệnh nhân. Tại các bệnh viện này, tình trạng quá tải trầm trọng, bệnh nhân chờ đợi lâu nên nôn nóng, cộng với tâm lý e ngại bị y bác sĩ làm khó... Nắm bắt được tâm lý này, các “cò” bắt, chèo kéo bệnh nhân từ ngoài cổng hoặc vào trong BV lôi kéo bệnh nhân ra ngoài để khám chữa bệnh. Nhiều bệnh nhân, trong cơn bĩ cực bệnh tật, không thể kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi đến lượt khám chữa bệnh trong bệnh viện đã bị cò lôi kéo để làm các xét nghiệm, thậm chí là móc túi, trộm cắp tài sản của người bệnh. Mặc dù, các bệnh viện đều thông báo trên loa hoặc dán cảnh báo ở các bảng tin nhưng dường như cũng không ngăn được các thủ đoạn tinh vi của “cò”. Bởi “cò” thì đầy mình kinh nghiệm lôi kéo bệnh nhân, còn người bệnh, đến viện lần đầu, lơ ngơ là bị cò “chăn” ngay.
Chuyện “cò” lộng hành không còn lạ ở các bệnh viện lớn trên cả nước. Bao nhiêu năm qua, những đối tượng này gây rắc rối, khó chịu cho những người đến bệnh viện khám chữa bệnh nhưng vì sao lại không thể dẹp triệt để được? Lý do đơn giản vì vẫn còn đất sống thì “cò” vẫn tồn tại. Đó chính là sự móc nối với các y, bác sĩ trong bệnh viện. Thêm vào đó là cách ứng xử của nhiều y bác sĩ trong các bệnh viện khiến người bệnh và người nhà bệnh nhân e dè, lo sợ. Vào bệnh viện thì phải “nhất thân, nhì quen” nếu không sẽ bị mắng, bị hạch sách đủ trò, nghĩ đến đã thấy ớn.
Thêm vào đó, nhiều bệnh viện có qui trình khám chữa bệnh rối rắm, khó hiểu, dù có nhân viên đứng hướng dẫn nhưng người bệnh vẫn không tự tin để tự mình đến các “cửa” để khám bệnh nên họ lại nương nhờ “cò”.
Dẹp “cò” không phải chỉ bằng ý chí của cơ quan quản lý, của lực lượng bảo vệ, cảnh sát mà phải từ gốc rễ của vấn đề. Chỉ khi nào mọi cánh cửa đều đóng với các dịch vụ “cửa sau”, “đi đêm”, cơ hội khám chữa bệnh trong bệnh viện công bằng, mọi bệnh nhân đều được đối xử như nhau thì cò mới hết đất sống. Còn nếu y bác sĩ vẫn đối xử với bệnh nhân theo kiểu ban ơn, phải có quà cáp, phong bì lót tay thì mới được chăm sóc, cứu chữa tận tình và những bác sĩ này không chăm chăm lo cho các phòng khám vệ tinh của mình thì “cò” sẽ vẫn còn đất sống.
Các lãnh đạo bệnh viện, thay vì mời công an đến dẹp “cò” ở bệnh viện thì hãy tìm cách quản trị bệnh viện của mình thật tốt, để mỗi cán bộ, nhân viên y tế có thể phát huy tối đa năng lực, sở trường, cải thiện thu nhập chính đáng. Chứ như hiện nay, bác sĩ làm việc rất vất vả, mệt nhọc nhưng họ vẫn kêu lương thấp, không đủ sống. Nhưng thử rà soát lại xem, có mấy ai làm bác sĩ ở những bệnh viện trung tâm mà phải sống nghèo khổ không? Rõ ràng, một nghịch lý là lương thấp – cán bộ giàu; vậy giàu ấy lấy đâu ra?
Những mặt trái trong các bệnh viện các nhà quản lý ngành y tế “nắm lòng bàn tay” nhưng vấn đề là quyết tâm của cả hệ thống đến đâu. Ở cấp độ quản lý vĩ mô, các nhà quản lý có thể đưa ra các giải pháp cứng rắn, khoa học nhưng ở cơ sở, tại các bệnh viện, nếu họ không đồng lòng hưởng ứng, không quyết tâm thực hiện, thì mọi hô hào cũng chỉ nằm trên giấy mà thôi./.