An sinh cho người nghèo

Cuộc chiến chống đói nghèo hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức mới gay gắt hơn trước.

Tiếp tục những thành tựu ấn tượng về xóa đói giảm nghèo những năm 90 của thế kỷ trước, trong vòng 5 năm trở lại đây (từ 2005 - 2010), tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm từ 22% xuống còn 9,45%. Tuy nhiên, theo công bố mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay cả nước vẫn còn hơn 3 triệu hộ gia đình thuộc diện nghèo và khoảng 1,6 triệu hộ thuộc diện cận nghèo. Để mỗi năm giảm được 2% hộ nghèo, cần phải có một quyết tâm rất lớn.  

Nghèo theo chuẩn mới là những hộ gia đình có thu nhập bình quân dưới 400.000 đồng/người/tháng (ở nông thôn) và dưới 500.000 đồng/người/tháng (ở thành thị). Căn cứ vào chuẩn này và nếu tính cả số hộ cận nghèo, hiện cả nước vẫn còn khoảng 22% số hộ gia đình cần được quan tâm đặc biệt.

Khác với trước đây, cuộc chiến chống đói nghèo hiện nay đứng trước nhiều thách thức mới gay gắt hơn trước.

Trước hết, trong điều kiện lạm phát liên tục tăng cao trong mấy năm gần đây, đặc biệt là 5 tháng đầu năm nay, mức thu nhập thực tế của các hộ nghèo đang giảm theo tốc độ gia tăng của giá cả. Nếu lạm phát không được kiểm soát tốt, nguy cơ người nghèo sẽ nghèo thêm và những người cận nghèo sẽ rơi vào nghèo túng là rất lớn.

Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, trong giai đoạn từ năm 2004 - 2010, mỗi năm thực tế cả nước chỉ giảm khoảng 1,25% số hộ nghèo. Điều đó cho thấy tốc độ giảm nghèo đang chậm hơn so với trước đây,  mặc dù nền kinh tế trong giai đoạn này vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá.

Người nghèo, với thu nhập rất thấp, phải dành phần lớn trang trải cho cuộc sống hàng ngày mà không có khả năng đầu tư chiều sâu cho tương lai của mình, tức là đầu tư vào chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo… Cũng bởi thế họ khó mà tận dụng được những cơ hội tốt về công ăn, việc làm, nguy cơ bị tụt hậu lại so với sự phát triển chung của xã hội càng lớn hơn.

Để giảm nghèo bền vững, bên cạnh các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát nhằm hạn chế những tổn thương trực tiếp, tức thời đến người nghèo, rất cần phải có một sự nhận diện chính xác người nghèo là ai, họ ở đâu, họ đang cần những gì để thoát khỏi nghèo đói.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 80 về giảm nghèo giai đoạn 2011-2020. Mục tiêu đặt ra là mỗi năm cả nước giảm 2% hộ nghèo, nâng thu nhập bình quân của người nghèo tăng lên 3,5 lần so với hiện nay. Theo đó, sẽ vừa có những chính sách giảm nghèo chung, vừa có những chính sách đặc thù. Các chính sách chung là hỗ trợ người nghèo về: sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập; giáo dục và đào tạo; y tế và dinh dưỡng; nhà ở; các dịch vụ trợ giúp pháp lý và hưởng thụ văn hóa thông tin.

Bên cạnh đó, còn các chính sách đặc thù hướng vào nhóm người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, ở những vùng đặc biệt khó khăn. Nói cách khác, các chính sách giảm nghèo đã được thiết kế bài bản và toàn diện hơn trước đây, hứa hẹn có thể xử lý được các thách thức đang đặt ra để giảm nghèo bền vững.

Tuy vậy, vẫn cần nhấn mạnh đến những chính sách thuộc nhóm an sinh xã hội cho người nghèo.

Khi ra mỗi quyết định hay một chính sách mới, rất cần phải tính toán xem nó sẽ tác động ra sao đến người nghèo, biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến họ như thế nào, từ đó, thiết kế và ban hành đồng bộ “cả gói” chính sách, tránh những cú sốc về xã hội. Việc Chính phủ quyết định tăng giá điện, đi kèm với chính sách hỗ trợ về giá điện cho các hộ nghèo như vừa rồi, là một ví dụ tốt cần tiếp tục phát huy.

Tính nhân văn của mỗi chế độ thể hiện rõ nhất thông qua sự quan tâm đến nhóm người nghèo khó nhất.

Có lẽ biện pháp triệt để nhất để xóa sạch đói nghèo đó là phải đạt đến một sự tăng trưởng thực sự công bằng, nơi mọi thành viên trong xã hội đều được chia sẻ xứng đáng các thành quả phát triển. Điều này biểu hiện cụ thể ở việc phân chia lợi nhuận giữa giới chủ và những công nhân trong các doanh nghiệp, giữa người nông dân với các thương gia ở khâu phân phối, tiêu thụ nông sản, ở việc quản lý, phân phối và sử dụng các nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia như nguồn nước, đất đai, khoảng sản…

Đạt đến sự phát triển bền vững như vậy, nghèo đói, bất công sẽ được thay thế bằng hạnh phúc và thịnh vượng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên