An toàn trong sử dụng điện
Vụ việc một học sinh lớp 4 mới đây bị điện rò rỉ từ trạm rút tiền tự động ATM giật chết một lần nữa cho thấy vấn đề an toàn lưới điện, an toàn trong sử dụng điện chưa được quan tâm đúng mức. Vấn đề này càng trở nên cấp thiết hơn khi chuẩn bị vào mùa mưa bão.
Bao giờ mới hết những cái bẫy chết người?
Cái chết thương tâm của cháu học sinh lớp 4 làm cả ngành ngân hàng và ngành điện bừng tỉnh, phối hợp cùng nhau kiểm tra, ra soát lại khoảng 10.000 điểm đặt máy ATM và 35.000 điểm chấp nhận thẻ trong cả nước. Sự an toàn trong sử dụng điện ở những nơi này liên quan đến hàng chục triệu người đang sử dụng thẻ thanh toán đã được các ngân hàng phát hành.
Kết quả sơ bộ cho thấy khoảng 10% số máy ATM có hiện tượng rò gỉ điện ở các mức độ khác nhau, vì các nguyên nhân khác nhau. Những chỗ này ngay lập tức đã được phong toả để đến khi đảm bảo thực sự an toàn mới được đưa vào sử dụng. Cho dù đã muộn, nhưng cách làm của ngân hàng và ngành điện sau vụ việc này ít nhất cũng làm cho khách hàng an tâm hơn.
Không giống như vụ việc xảy ra hồi tháng 7 năm ngoái ở bể bơi Lạch Tray - Hải Phòng, được lí giải là do nhân viên sử dụng máy bơm vô ý để điện rò gỉ ra bể bơi khi vẫn còn khoảng 2 chục học sinh đang bơi trong đó. Vụ này tuy không gây chết người nhưng sau đó cũng chẳng thấy cơ quan chức năng nào rà soát xem cả nước đang có bao nhiêu bể bơi, an toàn sử dụng điện ở những nơi ấy ra sao, hoặc có làm nhưng không muốn công bố rộng rãi.
Ngay ở TP HCM, tháng 4/2009 dây điện đứt giật chết một phụ nữ đang đi trên đường, cuối tháng 8 là vụ một cột đèn chiếu sáng rò gỉ điện giật chết cháu bé 13 tuổi. Đại biểu của dân bức xúc mang ra chất vấn tại Hội đồng Nhân dân thành phố, nhưng rồi cứ đùn đẩy, chẳng đơn vị, cá nhân nào chịu trách nhiệm cụ thể. Cho dù đây thực sự là trách nhiệm của chính ngành điện về an toàn lưới điện, chứ không phải do người sử dụng điện như ngân hàng hay đơn vị quản lí bể bơi.
Tai nạn khi đã xảy ra rồi, nhất là tai nạn thương tâm chết người, thì có truy ra trách nhiệm cụ thể cũng không còn kịp nữa. Vì vậy, theo chúng tôi, trước hết là ngành điện, các cơ quan, gia đình, cá nhân sử dụng điện, và cả chính quyền địa phương cần làm tốt chức trách của mình trong việc đảm bảo an toàn lưới điện, an toàn sử dụng điện.
Trách nhiệm cần tăng thêm một mức khi chuẩn bị vào mùa mưa bão, đồng thời phải thực hiện thường xuyên hơn. Bởi vì những vụ việc tương tự năm nào cũng xảy ra, nhất là ở những đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng,.... Mất an toàn nhất là các trạm biến áp, đường dây hạ thế bị ngập nước, càng ngập lâu càng nguy hiểm. Rồi các cột điện đang phải oằn mình gánh hàng búi dây rợ vừa là truyền tải điện vừa là đường viễn thông, những khu nhà dân vi phạm hành lang an toàn điện, các công trình xây dựng,... Rồi khi mưa to gió lớn làm cột điện nghiêng, cây đổ cành gãy, mái tôn, chậu hoa, cột ăng-ten,... bay ra vướng vào đường điện.
Để đảm bảo an toàn, về phía ngành điện, cùng với việc phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức diễn tập với tình huống sự cố và địa bàn cụ thể, cần làm tốt kế hoạch duy tu thường xuyên, đại tu, sửa chữa lớn. Nơi nào cần thay đường dây lớn hơn, cần vệ sinh sứ, thay sứ bị rạn, nơi nào có thể hạ ngầm đường dây,... Có nơi làm theo kế hoạch, có nơi tiềm ẩn sự mất an toàn cần ưu tiên làm ngay trước mùa mưa bão.
Những nơi sử dụng điện công cộng như các cột đèn chiếu sáng, trụ sở các cơ quan, công sở, các điểm đặt máy ATM,... cũng cần được kiểm tra, ra soát cụ thể, không để tình trạng đấu nối cẩu thả, mất an toàn, khắc phục ngay tình trạng ổ điện ở quá gần mặt đất mà không có nắp đậy, dây rợ và công tắc rối tung, gắn thiết bị tự động ngắt điện khi mất an toàn...
Đây là trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị sử dụng điện, nhưng cần được sự phối hợp về chuyên môn của ngành điện. Đối với từng gia đình và cá nhân cũng vậy. Khi mưa bão to, sấm chớp mạnh cần tắt ti-vi, tháo ăng-ten để tránh bị sét đánh dẫn điện, không để máy bơm bị ngập trong nước, những chỗ dây điện ở ngoài trời cần đổ keo cách điện thay cho băng dính, loại bỏ ốc vít bằng sắt nẹp dây lại với nhau,...
An toàn nói chung, và an toàn sử dụng điện nói riêng là nhu cầu của mọi người, nó nằm ở cấp độ ưu tiên. Các ngành kinh tế, các cơ quan, công sở và từng gia đình là khách hàng của ngành điện. Sản phẩm điện năng phải được cung cấp cùng với hướng dẫn sử dụng an toàn và mạng lưới phân phối đảm bảo sự an toàn đó. Đặc thù này của năng lượng điện khiến ngành điện không thể chỉ vận động, tuyên truyền để khách hàng trở nên thông thái, mà cần nâng cao trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn lưới điện, phối hợp thường xuyên với khách hàng để đảm bảo an toàn trong sử dụng điện./.