APEC 19 – Vì sự tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững

Trong 2 ngày làm việc, những vấn đề của thế giới, của khu vực đã được trao đổi rất thẳng thắn và cụ thể.

Sau 2 ngày làm việc, Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 19 (APEC-19) đã kết thúc và ra tuyên bố chung, trong đó “cam kết đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi mong manh”. Đâu là cơ sở để các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC đưa ra cam kết này?

Một trong những cơ sở đầu tiên, có thể coi là khá thuyết phục để các nhà lãnh đạo đưa ra cam kết này là, trong 2 ngày làm việc, những vấn đề của thế giới, của khu vực đã được trao đổi rất thẳng thắn và cụ thể. Qua đó, đại diện của các quốc gia thành viên APEC đều nhận thức được rằng, đã đến lúc cần phải triển khai những bước đi cụ thể nhằm xây dựng một nền kinh tế khu vực thống nhất, thông qua các nỗ lực chung để gắn kết các nền kinh tế và thị trường vì mục tiêu tất cả cùng có lợi.

Một trong những vấn đề lớn của toàn cầu mà nhân loại đang phải đối mặt là biến đổi khí hậu, gây không ít thảm họa lớn nhỏ trong nhiều năm gần đây, và còn đe dọa mang đến một bức tranh thế giới ảm đạm trong tương lai. Chính hậu họa nhãn tiền này đã khiến các nhà lãnh đạo APEC nhất trí thúc đẩy các nỗ lực vì “tăng trưởng xanh”, an ninh năng lượng, hợp tác trong lĩnh vực pháp quy và nhiều vấn đề khác.

Lãnh đạo các nền kinh tế APEC chụp ảnh kỷ niệm chung (Ảnh: AFP)

Nỗ lực vì “tăng trưởng xanh” được cụ thể hóa bằng việc, các nhà lãnh đạo nhất trí sẽ cắt giảm thuế quan đối với các chủng loại hàng hóa thân thiện với môi trường, xuống dưới mức 5% trước năm 2015.

Cùng với đó, việc thúc đẩy tự do hóa thương mại là yếu tố quan trọng đối với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu cũng trở thành một trong những “mục tiêu lớn” mà tham dự Diễn đàn lần này, các nhà lãnh đạo APEC nhất trí phải thúc đẩy mạnh mẽ.

Bởi vậy, bên cạnh Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 19, Cuộc họp cấp cao các thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) thu hút sự chú ý của dư luận chung, như một hướng đi thiết thực nhất cho mục tiêu này.

Tại cuộc họp cấp cao TPP lần thứ 2, tiếp theo cuộc họp đầu tiên tại Nhật Bản hồi tháng 11/2010, 9 nước thành viên của TPP gồm Australia, Brunei, Chile, New Zealand, Malaysia, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đã thông qua “Tuyên bố của các nhà lãnh đạo thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương”, khẳng định đàm phán đã đạt thỏa thuận về khung tổng thể của Hiệp định.

Đây được coi như một bước quan trọng, tiến tới một khung pháp lý cho Hiệp định TPP, có thể được hoàn thành vào đầu năm 2012. Các nhà lãnh đạo quốc gia thành viên TPP đã lên tiếng lý giải cho những ưu việt của mô hình này rằng, với một nhóm nước có giao dịch thương mại hàng năm với Mỹ khoảng 200 tỷ USD, sẽ có lợi cho tất cả các nước tham gia vì có thể thúc đẩy thương mại, tạo ra nhiều sản phẩm hơn cho khách hàng và tạo các việc làm mới; TPP là con đường phát triển mới, an toàn cho các nền kinh tế APEC trong bối cảnh châu Âu ngập trong đống nợ.

Ngay Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, quốc gia chưa tham gia Hiệp định TPP, cũng phải lên tiếng ủng hộ một mục tiêu dài hạn đàm phán về một khu vực tự do thương mại trong khu vực, mà có thể trong tương lai bao gồm tất cả các thành viên APEC. Việc Nhật Bản ngay trước thềm Hội nghị quyết định tham gia TPP cũng là một minh chứng thuyết phục cho cơ chế mới trong hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương.

Việt Nam đã, đang và tiếp tục có những nỗ lực to lớn để hội nhập sâu rộng hơn và đóng góp thiết thực hơn trong khuôn khổ hợp tác khu vực này. Tham dự Diễn đàn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong một bài phát biểu, đã nhấn mạnh APEC với những nỗ lực tăng cường hợp tác, thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế và phát triển bền vững… có vai trò hết sức quan trọng đối với nhiều nước đang hội nhập sâu rộng vào quốc tế và khu vực, trong đó có Việt Nam.

Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho tiến trình gia tăng hợp tác và liên kết kinh tế khu vực, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư ngày càng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh doanh nghiệp nước ngoài là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của kinh tế Việt Nam, trong quá khứ cũng như hiện tại và tương lai.

Chủ tịch Trương Tấn Sang đề nghị các thành viên APEC, cũng như TPP, cùng nhau nỗ lực bảo đảm tiến trình đàm phán hướng tới một Hiệp định cân bằng, thực sự đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của tất cả các thành viên; chú trọng thỏa đáng nguyên tắc “vì sự phát triển”, hợp tác nâng cao năng lực và quan tâm đầy đủ trình độ phát triển khác nhau cũng như tính đa dạng của các thành viên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên