ASEAN vững mạnh, liên kết chặt chẽ và phát triển bền vững

ASEAN sẽ vững mạnh trên cả ba trụ cột là: chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.

Sau hai ngày làm việc khẩn trương và tích cực, ngày 4/4, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 20 đã bế mạc sau khi đạt được các kết quả quan trọng.  Những gì diễn ra và đạt được tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần này càng cho thấy, quyết tâm của tất cả các quốc gia thành viên trong việc thực hiện một mục tiêu chung là vì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác phát triển ở khu vực. Chủ đề “ASEAN: Một Cộng đồng, một Vận mệnh” của Hội nghị cũng chính là quyết tâm của tất cả các quốc gia thành viên.

Những diễn biến phức tạp của thế giới, của khu vực - từ những điểm nóng xung đột đến những nguy cơ của biến đổi khí hậu, hay hệ lụy của khủng hoảng kinh tế, tài chính… khiến các quốc gia thành viên ASEAN hiểu và mong đợi hơn ai hết một môi trường hòa bình, ổn định để cùng nhau phát triển. Cũng chính bởi vậy, các nhà lãnh đạo ASEAN đều thống nhất cho rằng: ASEAN cần tiếp tục các nỗ lực hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển chung ở khu vực.

Thiết thân và “sát sườn” nhất là những vấn đề của khu vực đã được các nhà lãnh đạo thảo luận khá cặn kẽ để đi đến một tinh thần đồng thuận rằng, ASEAN cần tăng cường đoàn kết và quyết tâm đẩy mạnh việc hiện thực hóa lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN, “ASEAN cần phát huy vai trò trung tâm ở khu vực” vì các mục tiêu đã đề ra, nhất là trong bối cảnh khu vực đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng, tác động trực tiếp đến Hiệp hội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tại Phnom Penh ngày 3/4 (Ảnh: TTXVN)

Và để vai trò trung tâm được phát huy những công cụ và cơ chế hợp tác, đã từng được các quốc gia dày công vun đắp cần phải được phát huy. Đó là Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, là Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng...

Để không bị động trong mọi tình huống, các nhà lãnh đạo ASEAN đều ý thức được rằng, ASEAN cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác ứng phó với các thách thức đang nổi lên ở khu vực, kể cả các vấn đề an ninh phi truyền thống. Những quan hệ đối ngoại của ASEAN thông qua các khuôn khổ đối thoại và hợp tác, cũng được lãnh đạo các nước ASEAN nhất trí cần tiếp tục tăng cường.

Và như thế, những mục tiêu đã đặt ra từ nhiều hội nghị cấp cao trước đang đưa cộng đồng ASEAN tiến dần về đích. Phía trước đang là “Một cộng đồng, một vận mệnh” mà ở đó ASEAN sẽ vững mạnh trên cả ba trụ cột là: chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội; ASEAN sẽ tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển để xây dựng cho được một cộng đồng vững mạnh, liên kết chặt chẽ và phát triển bền vững vào năm 2015.

Để làm được như thế, lãnh đạo các nước ASEAN đều nhất trí chỉ đạo: phải đẩy nhanh tiến độ đạt được các chỉ tiêu đã đề ra, phát huy vai trò của các cơ quan điều phối và giám sát triển khai các thỏa thuận của ASEAN…, vai trò trung tâm của ASEAN cần phải được duy trì trong bối cảnh tăng cường hợp tác và định hướng cấu trúc khu vực. Để đạt được mục tiêu ấy, ASEAN tiếp tục khuyến khích các đối tác tham gia hợp tác xây dựng và đóng góp tích cực vào các mục tiêu chung, thiết thực hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, cũng như ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra.

Những thách thức đang đặt ra rất cần sự đồng thuận của các thành viên ASEAN để vượt qua. Điều đó được thể hiện khá rõ ở Hội nghị cấp cao lần này khi bàn về các vấn đề lớn, nhỏ, mới nảy sinh hoặc đã tồn tại lâu nay của khu vực, của thế giới. Các đại biểu đã rất nhất trí khi bày tỏ thái độ hoan nghênh kết quả bầu cử bổ sung ngày 1/4/2012 của Myanma và yêu cầu sớm dỡ bỏ cấm vận đối với quốc gia thành viên trẻ này.

Các đại biểu đồng tình khẳng định lại lập trường của ASEAN, ủng hộ Bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định và không có vũ khí hạt nhân, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và sớm nối lại đàm phán 6 bên. Vấn đề Biển Đông cũng nhận được sự đồng thuận, khi Hội nghị nhấn mạnh việc bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông rất cần một tinh thần chung là các bên liên quan cần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế; bảo đảm tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng một bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tiếp tục phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, đoàn cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị lần này, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu, đã có những đóng góp quan trọng ở cả Hội nghị Cấp cao và các Hội nghị cấp Bộ trưởng, trên các trọng tâm ưu tiên của ASEAN và khu vực, cũng như vào việc tăng cường đoàn kết ASEAN. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có phát biểu và đề xuất quan trọng về những vấn đề trọng tâm của Hội nghị.

Và như thế, tinh thần về “ASEAN: Một cộng đồng, một vận mệnh” đã thực sự đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao của các quốc gia thành viên, góp phần quan trọng làm cho chặng đường tới tương lai tốt đẹp của ASEAN đang dần ngắn lại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên