Ba mong… giảm

Tuần qua có 3 vấn đề và sự kiện khác nhau nhưng dư luận cùng chung một mong muốn… giảm: giá cả lương thực, thực phẩm, giá xăng và lãi suất

Câu chuyện thứ nhất là cả tuần qua, các bà nội chợ lại một phen hoảng hốt khi ra chợ cái gì cũng tăng, rau, thịt, cá , trứng… đều tăng mạnh, có thứ gấp đôi, đặc biệt thịt lợn tăng từng ngày. Bóng ma lạm phát dường như đang quay trở lại bắt đầu bằng hàng lương thực thực phẩm, những mặt hàng trong rổ hàng hóa khi tính toán chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Giá thịt lợn tăng mạnh tại Hà Nội (Ảnh Dân trí)

Liên tục có những phân tích lý giải khác nhau về nguyên nhân. Nhận định cung đang thiếu xem ra có lý khi hàng loạt thông tin đăng tải câu chuyện thương nhân Trung Quốc đến tận hang cùng ngõ hẻm ở nhiều tỉnh, thành phố để thu mua các loại nông lâm sản với số lượng lớn, giá cao… Thương lái Trung Quốc mua hàng hóa từ Bắc đến Nam, mua từ sắn lát, cao su, hạt tiêu, gạo, thịt lợn, thuỷ sản... đến các loại nông sản theo mùa vụ, như vải Lục Ngạn và trứng muối, đậu xanh... cho vụ Trung thu tới.

Một câu hỏi đặt ra: nguyên liệu chảy về Trung Quốc lợi hay hại? Vẫn còn nhiều ý kiến phân tích khác nhau và chưa ngã ngũ cho vấn đề này, chỉ có điều dễ thấy là chính sự lỏng lẻo, không đồng bộ, thiếu sự phối kết hợp giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp Việt Nam là yếu tố thuận lợi giúp người Trung Quốc dễ dàng đạt được mục đích của mình.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Ánh, Chuyên gia Viện Nghiên cứu khoa học thị trường tài chính, Bộ Tài chính, nhận định: nhãn tiền là nông dân được hưởng lợi nhờ giá cao, nhưng cũng thấy ngay là doanh nghiệp trong nước bỗng dưng bị nẫng mất nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Không chỉ có thế, việc thu gom của thương lái Trung Quốc chính là nguyên nhân làm hụt nguồn cung hàng hóa cho nhu cầu trong nước, khiến giá cả các mặt hàng này tăng đột ngột trong tuần qua.

“Thương nhân Trung Quốc thu mua nhiều hàng đã khoét sâu hơn sự mất cân đối cung cầu. Chỉ số giá tháng 6 cho thấy, thực phẩm dẫn đầu về chỉ số tăng, chính vì thế trọng tâm của 6 tháng cuối năm là điều hành để chặn đà tăng của giá thực phẩm”- Ông Ánh bình luận.

Câu chuyện kinh tế thứ 2 cũng đáng bàn khi tuần qua dư luận đặt câu hỏi: Giá xăng dầu thế giới giảm, vì sao trong nước không giảm? Câu chuyện giá xăng thế giới giảm đã từng được đề cập vào tháng trước khi giá nhập khẩu dầu tháng 5 giảm gần 8% so với tháng 4. Chính lãnh đạo của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thừa nhận: Petrolimex và một số doanh nghiệp khác bắt đầu có lãi, nhất là mặt hàng dầu lãi khá lớn.

Giá xăng dầu thế giới giảm, vì sao trong nước không giảm? (Ảnh Dân trí)

Dư luận còn nhớ, khi đó thay cho việc giảm giá Bộ Tài chính đã ưu tiên việc tăng thuế nhập dầu từ 0% lên mức 5%. Vậy mà tính đến thời điểm tháng 7 này, các chuyên gia thống kê tiếp tục cho thấy, giá xăng nhập khẩu trong tháng 6 đã giảm tiếp gần 8%, vẫn chưa thấy doanh nghiệp xăng dầu nào tuyên bố giảm giá xăng cho dân được nhờ. Yêu cầu này càng cấp thiết trong bối cảnh, lạm phát tăng và quyết tâm nỗ lực của Chính phủ trong việc tìm mọi cách chống lạm phát.

Đặt vấn đề như thế, Chuyên gia về giá cả, Phó GS-TS Ngô Trí Long cho rằng, tính minh bạch trong việc kinh doanh xăng dầu đang ngày càng giảm đi, ảnh hưởng đến quyền lợi của đa số người dân: “Trong xu thế hiện nay để Petrolimex định giá là không khách quan và không đúng theo qui luật vì doanh nghiệp này chiếm 60% thị phần, như vậy là độc quyền rồi. Cho nên trong bối cảnh hiện nay, giảm giá xăng dầu và buộc doanh nghiệp này giảm giá là cần thiết, vì không chỉ phù hợp với khách quan mà còn có tác động lớn đối với các hoạt động khác của nền kinh tế”.

Câu chuyện thứ 3 cũng đáng chú ý khi hầu hết trong các diễn đàn, cuộc họp tuần qua, nhất là cuộc họp giao ban xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm của Bộ Công thương, nhiều doanh nghiệp đều than trời vì lãi suất quá cao, khi có lúc, có thời điểm phải vay lãi suất lên tới 22- 25%/ năm. Doanh nghiệp kêu lãi suất cao, làm ăn không có lãi, khó tổn tại, mong muốn kiến nghị làm sao nhanh chóng giảm lãi suất để phục hồi sản xuất.

Có thời điểm doanh nghiệp phải vay với lãi suất đến 25%

Nhận định về vấn đề này, Thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia Nguyễn Thị Mùi nói: “Chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước với chủ trương giảm lãi suất để giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế, trong bối cảnh “dư địa” tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm còn khá, tăng cung tiền tệ 6 tháng cuối năm cũng khá, thì rõ ràng những động thái như vậy là sẽ có thể giảm được lãi suất trong những tháng tới. Tất nhiên, giảm lãi suất ngay xuống 15- 16% là khó khăn vì phải có độ trễ lãi suất, và lạm phát còn cao”.

Doanh nghiệp kêu lãi suất cao trong khi không ít nhà hoạch định chính sách lại lo lắng vì nếu nới sớm chính sách tiền tệ, trong đó có chuyện hạ lãi suất nhanh, có thể vòng xoáy lạm phát sẽ quay trở lại. Bài học xương máu của việc điều chỉnh sớm chính sách tài chính – tiền tệ thời năm 2008- 2009 khiến cho hiệu quả của việc điều hành không đạt như mong muốn. Rõ ràng, những bất ổn của kinh tế vĩ mô còn đó cần phải sớm có biện pháp khắc phục./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên