Ba vấn đề “đặt hàng” với Đại hội Nhà báo Việt Nam
Việc bàn bạc thảo luận về những thách thức, những khiếm khuyết của báo chí trong thời gian qua để tìm hướng phát triển mạnh mẽ hơn, là những đòi hỏi báo chí cả nước đặt hàng cho Đại hội lần thứ IX, Hội Nhà báo Việt Nam
Đại hội lần thứ IX, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ diễn ra từ 10 – 12/8, Đại hội có nhiệm vụ đánh giá các hoạt động báo chí và tổng kết công tác của Hội những năm qua; khẳng định và biểu dương các thành tựu và đóng góp của báo chí Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam đối với sự nghiệp đổi mới đất nước; chỉ ra những yếu kém khuyết điểm trong hoạt động báo chí cũng như hoạt động của các cấp Hội; xác định phương hướng nhiệm vụ và các giải pháp nâng cao chất lượng báo chí trong thời gian tới và bầu ra một Ban Chấp hành mới xứng tầm với nhiệm vụ của báo chí Việt Nam trong 5 năm tới.
Sự trưởng thành, vai trò và đóng góp của báo chí Việt Nam với đời sống chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội, nói cách khác là với sự phát triển của đất nước là rất rõ rệt, đến mức từng công dân bình thường đều có thể nhận thấy được. Tuy vậy, thành tựu càng lớn thì sức ép càng nhiều và sự kỳ vọng của các tầng lớp xã hội vào báo chí cũng ngày càng lớn hơn. Cũng bởi vậy và với đặc trưng của nghề này, có lẽ nội dung chính của Đại hội Hội Nhà báo chính là bàn bạc thảo luận về những thách thức, những khiếm khuyết của báo chí để tìm hướng phát triển mạnh mẽ hơn.
Có thể khẳng định báo chí Việt Nam không bị tụt hậu so với tốc độ phát triển của truyền thông thế giới. Với một hệ thống đông đảo, phong phú và đa dạng cả báo viết, báo hình, phát thanh và báo điện tử, về công nghệ và phương tiện, chúng ta không hề thua kém thế giới. Tuy vậy, nếu mỗi sáng thức dậy, cùng lúc cầm nhiều tờ báo lớn trên tay, vào các trang mạng điện tử lớn, xem và nghe các chương trình truyền hình và phát thanh… công chúng không khỏi có cảm giác về sự trùng lặp về rất nhiều nội dung, tin tức, góc nhìn…
Tuy chưa đến mức đơn điệu, nhưng sự trùng lặp khá nhiều và phổ biến như vậy đang đặt ra vấn đề thực sự đối với năng lực sáng tạo, năng lực phát hiện vấn đề của các nhà báo và cơ quan báo chí. Nếu mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí không tìm cách bứt phá để giải quyết bất cập này thì có lẽ chúng ta chưa cần đến số lượng đầu báo nhiều như hiện tại. Mổ xẻ nguyên nhân của thực trạng này, thảo luận sâu hơn về vấn đề qui hoạch lại hệ thống báo chí cả nước, do vậy, không chỉ là một chủ đề của riêng giới báo chí.
Vấn đề thứ hai là tư duy quản lý và điều hành báo chí trong thời đại bùng nổ thông tin và khoa học công nghệ. Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển như vũ bão của Internet. Không chỉ các cơ quan báo chí chính thống đang tìm môi trường phát triển trên mạng, các trang nhật ký cá nhân, các mạng tin tức nước ngoài cũng nhanh chóng chiếm lĩnh không gian mạng để thông tin. Nếu hệ thống báo chí chính thống cứ giữ cung cách thông tin tuyên truyền thụ động, quá trông chờ vào sự chỉ đạo, thì nguy cơ bị chia sẻ công chúng thậm chí mất dần công chúng là rõ rệt. Như vậy, chúng ta cũng khó mà hóa giải và phản bác hiệu quả những thông tin độc hại, những giọng điệu chống phá tinh vi của các thế lực thù địch với sự nghiệp đổi mới.
Thách thức mới này đòi hỏi một cung cách quản lý, điều hành báo chí mới. Có lẽ giải pháp quan trọng nhất là phải phát huy cao độ tính chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng nhà báo, từng cơ quan báo chí. Bên cạnh phương tiện và kỹ năng làm báo, điều cần thiết hơn lúc này là nâng cao bản lĩnh chính trị của mỗi người làm báo, để họ luôn tường thuật với mục đích duy nhất là vì lợi ích của quốc gia và dân tộc.
Vấn đề thứ ba là hình thành một cơ chế bảo vệ hiệu quả hơn quyền hành nghề hợp pháp của các nhà báo. Hiện tượng hành hung, cản trở, đe dọa các nhà báo tác nghiệp trong thời gian vừa qua đã ở mức lo ngại. Đáng lo ngại hơn nữa là thái độ bất hợp tác với báo chí của nhiều tổ chức, các nhân, thậm chí là một bộ phận không nhỏ các quan chức Nhà nước. Thực tế này đang gây khó khăn cho hoạt động nghiệp vụ của nhà báo và tất cả các cơ quan báo chí.
Sở dĩ có tình trạng này là do luật pháp về báo chí và quyền được thông tin của người dân còn chưa đầy đủ và chưa có cơ chế đủ mạnh để đảm bảo được thực thi nghiêm túc. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật báo chí, Luật về tiếp cận thông tin… cần có các giải pháp bảo vệ hữu hiệu hơn quyền hành nghề hợp pháp của các nhà báo. Việc hình thành một cơ quan chuyên trách về lĩnh vực này trong Hội Nhà báo là cần thiết.
Đây cũng là một vấn đề nóng mà giới báo chí cả nước đặt hàng cho Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam./.