Khủng hoảng nợ công thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

Bài 1: Châu Âu và nỗi lo vỡ nợ

Nợ công giống như một căn bệnh truyền nhiễm ngày càng lan rộng ra khắp châu Âu, làm các nền kinh tế châu Âu điêu đứng.

LTS: Cuộc khủng hoảng nợ công đang giáng những “đòn chí mạng” vào các nền kinh tế châu Âu. Nước đầu tiên bị khủng hoảng nợ tấn công là Hy Lạp, rồi tới Ireland và hiện nay, nhiều quốc gia như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia... cũng đang có nguy cơ lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Trước đó nhiều nước đang phát triển, trong đó có Argentina cũng lâm vào khủng hoảng nợ, còn ở châu Á, năm 1997 cuộc khủng hoàng tài chính đã xảy ra bắt đầu từ cảnh nợ nần của Thái Lan.

Nguyên nhân nào khiến các nền kinh tế phát triển của châu Âu cũng lún sâu vào khủng hoảng nợ và đâu là bài học rút ra đối với những nước phát triển, những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam?

Chúng tôi sẽ cùng quý vị và các bạn đi tìm lời giải cho những vấn đề này với loạt bài “Khủng hoảng nợ công thế giới và kinh nghiệm Việt Nam”.

Những ngày này, nói về nợ công, thường có sự nhầm lẫn nợ công với nợ chính phủ. Song thực tế, khái niệm “nợ công” được hiểu rộng hơn. TS Vũ Quang Việt, Chuyên viên về thông tin kinh tế của Liên Hiệp Quốc định nghĩa: Theo tiêu chuẩn quốc tế do Liên Hợp Quốc và các cơ quan quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới hay các cơ quan khác thì quy định nợ công là nợ của chính phủ, nợ của doanh nghiệp nhà nước dù là được bảo lãnh hay không, nợ bảo lãnh thì cái đó là định nghĩa của nợ công.”

Như vậy, hiểu một cách nôm na, nợ công bao gồm tất cả những món nợ mà Nhà nước sẽ phải có trách nhiệm, dù ít dù nhiều, để trả, chứ không chỉ là những khoản nợ chính thức mà Nhà nước đi vay. Do đó, nợ công cũng bao gồm cả những khoản nợ tiềm tàng như tiền trợ cấp hưu trí, các khoản bảo hiểm xã hội mà Chính phủ sẽ phải chi trả, hay nợ của doanh nghiệp quốc doanh được Nhà nước bảo trợ. Để dễ hình dung quy mô của nợ công, người ta thường đo xem khoản nợ này bằng bao nhiêu phần trăm so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Vào cuối năm ngoái, Hy Lạp đã khiến châu Âu và thế giới choáng váng khi công bố khoản nợ công lên tới 115% GDP và mức thâm hụt ngân sách 12,7% GDP- cao gấp 4 lần mức cho phép của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Sau một thời gian gắng gượng, đến tháng 4/2010, Hy Lạp buộc phải cầu cứu EU và IMF để thoát khỏi tình trạng vỡ nợ. Với gói giải cứu 110 tỷ euro nhận được trong vòng 3 năm, Hy Lạp đã giải quyết được khó khăn trước mắt, có tiền để trả các khoản nợ đáo hạn trong năm nay và đầu năm tới.

Châu Âu còn “chưa kịp thở” sau vụ cứu trợ Hy Lạp thì sau vài tháng, “căn bệnh nợ nần” đã lan tới Ireland. Từ một đất nước được mệnh danh là “Con hổ tăng trưởng vùng Celtic" trong thập niên 1990, Ireland giờ trở thành quốc gia kiệt quệ về ngân sách sau khi phải cứu hệ thống ngân hàng của mình do sụp đổ bong bóng nhà đất. Một lần nữa, EU và IMF lại phải mở hầu bao cho gói cứu trợ Ireland trị giá 85 tỷ USD.

Xem ra, những nỗ lực của châu Âu nhằm ngăn chặn sự lây lan của cơn bạo bệnh nợ công vẫn chưa đem lại kết quả. Còn nhiều nước thành viên khác trong EU đang có nguy cơ đi theo vết xe đổ của Hy Lạp và Ireland, đó là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia... với mức nợ công đều xấp xỉ 100% GDP.

Với các đầu tàu kinh tế của châu Âu như Anh, Pháp, Đức, tình hình cũng không mấy khả quan khi mức thâm hụt ngân sách đều gấp 3-4 lần mức trần cho phép. Từ giữa năm nay, Pháp và Đức cũng đã phải lên kế hoạch thắt chặt chi tiêu để hạn chế thâm thủng ngân sách.

Nhận định về thực trạng nợ công của các nước châu Âu, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói: “Châu Âu đang rung chuyển về vấn đề nợ công. Cuộc khủng hoảng này thể hiện qua mấy kênh. Thứ nhất là Bội chi ngân sách quá cao, nghĩa là tiêu quá mức làm ra. Của các nước Hy Lạp, Ireland tiêu gấp 3-4 lần tiêu chuẩn châu Âu đạt ra là 3%. Bg nhiều nước là >10%. Thì đây là vấn nạn của các nước. Đã bội chi thì phải vay. Nhưng đi vay thì quá năng lực thanh toán của mình. Tiền vay là yếu tố thứ 2 đẩy các nước vào khủng hoảng. Thứ 3 là bất ổn của hệ thống ngân hàng. 3 thứ cộng lại tạo nên khủng hoảng và đây là bức tranh chung của châu Âu”.

Như vậy, những gì đang diễn ra cho thấy một thực tế rằng, nhiều quốc gia châu Âu hiện là con nợ với các khoản tiền vay khổng lồ, vượt quá khả năng chi trả và châu Âu không dễ gì kiểm soát được cuộc khủng hoảng nợ này.

Tìm nguồn để trị tận gốc

Ngay sau khi khủng hoảng nợ bùng phát tại Hy Lạp, người ta đã nghĩ tới việc phải tìm ra nguồn gốc của vấn đề để có thể trị tận gốc căn bệnh này.

Có lẽ là không khó để nhận ra những lý do đẩy các nước châu Âu tới bờ vực vỡ nợ, đó là sự vung tay quá trán, sự thiếu minh bạch và cơ chế quản lý thiếu hiệu quả. Tuy nhiên, các nước châu Âu biết bệnh mà không trị được bệnh và hậu quả của tình trạng nợ nần chồng chất không chỉ tác động tiêu cực tới châu Âu mà còn ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.

Trên thực tế, quá trình diễn ra nợ công không phải trong thời gian ngắn mà là cả một quá trình dài. Nhiều năm trước đây, châu Âu đã duy trì chế độ phúc lợi xã hội rất hào phóng, chăm sóc tốt cho người dân. Khi nền kinh tế phát triển ổn định, nguồn ngân sách dồi dào thì các chính sách này được thực hiện dễ dàng. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ bùng phát vào năm 2008 đã dẫn tới những biến động không mong muốn, nhiều nền kinh tế châu Âu tăng trưởng âm và mặc dù cơn bão tài chính đã đi qua nhưng sự phục hồi của các nền kinh tế vẫn hết sức chậm chạp và mong manh.

Trong khi đó, các nước châu Âu với thói quen hưởng thụ của mình thì tiếp tục “bóc ngắn cắn dài”. Ngân sách của chính phủ giờ đây không còn có thể đáp ứng được nhu cầu chi cho những chương trình phúc lợi như trước nữa, nhưng thay vì phải thay đổi chính sách để phù hợp với tình hình, thì các chính phủ ra sức đi vay để bù đắp cho các khoản thiếu hụt. Điều này cũng là dễ hiểu khi mọi chính phủ đều lo ngại những bước điều chỉnh chính sách theo hướng hà khắc hơn sẽ nhận được phản ứng của người dân và dẫn tới những rủi ro về chính trị.

Ông Nguyễn Cảnh Cường Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thị trường châu Âu- Bộ Công thương nói: “Thông thường thì ít đảng, ít chính phủ sẵn lòng gánh rủi ro chính trị khi điều chỉnh chính sách không hợp lòng dân. Tình hình đó khiến nhiều chính phủ EU cố gắng trì hoãn thay đổi chính sách, cố gắng xào nấu các báo cáo về tình hình kinh tế và thu chi ngân sách theo một chiều hướng tương đối phổ biến để đạt được 1 bức tranh đẹp, bức tranh có nhiều gam sáng hơn là gam xám để tạo thuận lợi cho hoạt động của chính phủ, tạo thuận lợi cho kết quả bầu cử mà họ mong muốn. Tình hình đó lại chịu tác động tiêu cực của kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến cho đến 1 thời điểm, 1 số nước thành viên như Hy Lạp không thể nào che đậy được, không có tiền để thực hiện cam kết về phúc lợi xã hội với người dân và đặt nền kinh tế của mình trên bờ vực phá sản và khi đến tình trạng đó rồi thì không có cách nào khác là phải nói thật, phải kêu cứu”.

Có thể thấy, sự lạm chi của các chính phủ châu Âu, mà điển hình là Hy Lạp đã đi kèm với sự thiếu minh bạch về ngân sách. Người dân Hy Lạp đã ảo tưởng trong một thời gian dài về “sức khoẻ” của nền kinh tế đất nước và sự thật chỉ được phơi bày khi quốc gia này ở bên bờ vực phá sản. Chính sự bưng bít của chính phủ đã khiến vấn đề nợ công như một cái nhọt bọc đến ngày sẽ vỡ.

Theo các chuyên gia kinh tế, bản chất của nợ công không phải xấu bởi mọi chính phủ đều cần các khoản vay để tăng nguồn đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển. Song vấn đề là quản lý việc chi tiêu thế nào cho hiệu quả và có đủ khả năng thanh toán nợ mới là điều cần bàn.

Từ thực tế của Hy Lạp, chuyên gia nghiên cứu kinh tế Lê Đăng Doanh nói rằng: “Họ đã vung tay quá trán. Đầu tư kém hiệu quả, ví dụ Hy Lạp đầu tư cho các công trình Olympic và không thu hồi được. Thứ hai là quản lý kém hiệu quả, tham nhũng, bộ máy cồng kềnh”.

Nếu như Hy Lạp suy sụp vì những lý do lạm chi, tham nhũng, đầu tư kém hiệu quả thì Ireland lại được đặt trong một hoàn cảnh khác. Ông Lenivi, Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu chiến lược của Phần Lan nhận định: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng Ireland là hệ thống ngân hàng yếu kém, nhà nước phải cứu trợ quá nhiều cho khu vực ngân hàng. Vấn đề là phải làm sao không được buông lỏng quản lý để hệ thống kinh tế phải hoạt động hiệu quả”.

Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Irelan không đơn thuần là những yếu kém về mặt tài chính mà còn là tình trạng bất ổn nghiêm trọng trên thị trường nhà đất. Đây là hậu quả của một thời gian dài kiểm soát tín dụng quá lỏng lẻo khiến bong bóng bất động sản phình to. Chỉ trong 10 năm, giá nhà nhảy vọt lên gần gấp 4 lần. Sau khi thị trường nhà đất sụp đổ do khủng hoảng tài chính thì tổng mức thua lỗ của các ngân hàng Ireland đã lên tới 50% GDP.

Nhìn vào nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng nợ ở Hy Lạp và Ai len có thể không giống nhau song tại sao châu Âu lại lo ngại về một hiệu ứng lan truyền trong vấn đề này? Có thể nói rằng, điểm chung của Hy Lạp và Ireland là cùng chơi chung trên 1 sân- đó là khu vực đồng euro.

Nhà báo người Đức David Froje giải thích: “Đó không phải là vấn đề chính bởi thông thường khi bạn có 1 khoản nợ, điều mà bạn làm là có thể vay thêm hoặc nếu bạn có một khoản nợ lớn của quốc gia thì bạn sẽ có thể dùng 1 vài cách như làm sụt giá đồng tiền của mình hoặc phát hành thêm tiền, hoặc những biện pháp tương tự. Nhưng vấn đề trong trường hợp này là các quốc gia châu Âu không thể sử dụng các biện pháp đó, không thể in thêm tiền bởi họ không tự kiểm soát đồng tiền của mình”.

Điều mà nhà báo David Froje vừa nói cho thấy Hy Lạp hay Irelan khi đã là thành viên của khu vực đồng euro, họ không thể thực hiện cái cách mà một số quốc gia khác trên thế giới có thể làm để tự cứu mình, đó là in thêm tiền để trả nợ, kể cả chấp nhận lạm phát. Không tự giải quyết được khó khăn nhưng lại không muốn EU can thiệp- những ngại ngần về thể chế cũng là nguyên nhân khiến các nước này cứ giấu mãi cái kim trong bọc. Và EU sợ rằng, điều này sẽ tiếp diễn đối với các quốc gia thành viên khác thành hiệu ứng domino, khiến EU không đủ sức gánh đỡ sức nặng của cuộc khủng hoảng này.

Không dễ giải quyết trong “một sớm, một chiều”.

Rõ ràng, một khi nợ công không được kiểm soát chặt chẽ và điều chỉnh kịp thời thì việc lâm vào khủng hoảng nợ là điều không tránh khỏi và nó kéo theo những hậu quả nặng nề, không dễ giải quyết trong “một sớm, một chiều”.

Trước tiên, phải nói tới những tác động trực tiếp đối với các quốc gia mắc nợ. Hậu quả của nợ công đã làm đảo lộn nền kinh tế, chính trị của các nước này. Để nhận được gói giải cứu của EU và IMF, Hy Lạp trước đó đã phải cam kết hàng loạt biện pháp cắt giảm ngân sách ngặt nghèo: cắt thâm hụt ngân sách xuống dưới 4% vào năm 2014 so với mức 13,7% năm 2009, giảm lương thưởng, hưu trí của công chức, tăng thuế giá trị gia tăng, tăng thuế một số mặt hàng tiêu dùng, tư hữu hóa một số ngành nhà nước, giảm đầu tư công, chống trốn thuế...

Chính sách thắt lưng buộc bụng này đã tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ ở Hy Lạp, bởi những người nghèo, những người yếu thế trong xã hội là những người bị tác động mạnh nhất từ chính sách cắt giảm phúc lợi, cắt giảm chi tiêu của chính phủ.

Tình cảnh của Ireland cũng vậy, sự thay đổi đột ngột trong chính sách phúc lợi đang khiến người dân hết sức bất bình. Ngay cả với những nước chưa thực sự rơi vào khủng hoảng nợ như Italia hay Pháp thì chính phủ cũng phải đối mặt với làn sóng biểu tình rộng khắp khi điều chỉnh chính sách thuế và chế độ hưu trí.

Ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ phân tích: “Chắc chắn châu Âu buộc phải giảm chi tiêu công xuống, mà chi tiêu công của các nước này một phần không nhỏ hướng vào phúc lợi xã hội, mà cắt giảm phúc lợi thì ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và từ đó dẫn đến những bất ổn chính trị xã hội mà chúng ta đang chứng kiến ở rất nhiều nước. Thứ hai nó làm yếu nền kinh tế các nước này, đồng thời làm suy yếu nền kinh tế của EU- một trong những thực thể đóng vai trò quan trọng nhất của thế giới”.

Suy giảm niềm tin đối với các nhà đầu tư

Chắc chắn rằng, châu Âu và khu vực đồng euro sẽ không khỏi chịu hệ luỵ khi Hy Lạp và Ireland là quốc gia thành viên. Mặc dù EU đã ra sức chứng tỏ vai trò điều hành của mình, không để xảy ra thảm hoạ tài chính đối với Hy Lạp hay Ireland, song điều đó không có nghĩa là vấn đề đã kết thúc. Sự mất lòng tin của người dân và của nhà đầu tư mới đối với các nền kinh tế châu Âu cũng như đối với đồng euro khiến đồng tiền này sụt giá mới là vấn đề nghiêm trọng. Điều đó có thể dẫn tới một đợt tháo chạy với quy mô lớn trên thị trường trái phiếu và cổ phiếu các ngân hàng khu vực châu Âu và gây hiệu ứng sụp đổ hàng loạt ở các nền kinh tế khác.

Ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng: “Ngoài vấn đề về ngân sách, ảnh hưởng về tài chính, tiền tệ thì có một ảnh hưởng bao trùm và có thể kéo dài, đó là ảnh hưởng đến niềm tin của người dân và của nhà đầu tư. Nền kinh tế hiện đại như ngày nay, một nền kinh tế mà các hoạt động kinh tế thể hiện thông qua các dòng chảy vốn, chịu ảnh hưởng lớn vào niềm tin. Tôi cho rằng khi lòng tin của nhà đầu tư giảm sút thì phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới có thể khôi phục được và điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến tăng trưởng trung hạn và dài hạn của nền kinh tế. Lòng tin của người tiêu dùng cũng quan trọng không kém. Người tiêu dùng giảm sút lòng tin đối với đồng nội tệ hay chính sách công của chính phủ thì hành vi tiêu dùng, hành vi tiết kiệm hay hành vi đầu tư của họ cũng bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực”.

Bên cạnh đó, việc EU phải nhờ tới sự hỗ trợ của IMF trong cả 2 lần cứu trợ cũng là sự “mất mặt” đối với châu lục vốn luôn tự hào về tiềm lực kinh tế của mình. Ngoài việc gây bất ổn đối với kinh tế, chính trị xã hội, nợ công châu Âu còn có nguy cơ làm chia rẽ trong nội bộ EU. Lẽ dĩ nhiên, một số nền kinh tế còn đang được coi là “cứu cánh” cho châu Âu như Đức sẽ chẳng vui vẻ gì khi phải bỏ ra những khoản tiền không nhỏ để lấp vào những lỗ hổng ngân sách của những người láng giềng khi mà bản thân nước Đức cũng đang phải gồng mình trước những khó khăn thời kỳ hậu khủng hoảng.

Vì châu Âu là một trong những thực thể quan trọng của thế giới nên cuộc khủng hoảng nợ làm suy yếu châu Âu cũng sẽ khiến cho quá trình phục hồi sau khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu chậm lại. Chính sách cắt giảm chi tiêu của các chính phủ châu Âu sẽ khiến cho các nước xuất khẩu vào châu Âu gặp khó khăn hơn. Các nhà đầu tư trên thế giới coi vàng như một cách dự trữ an toàn trước nguy cơ khủng hoảng nợ công châu Âu khiến cho giá vàng tăng mạnh, trong khi thị trường chứng khoán thì lại sụt giảm nghiêm trọng.

Tất cả những yếu tố này khiến bức tranh kinh tế của thế giới trở nên ảm đạm hơn. Thậm chí, có nhiều ý kiến cho rằng, “khủng hoảng kép” có thể diễn ra khi sự tiết kiệm chi tiêu bóp nghẹt sự phục hồi yếu ớt của các nền kinh tế hiện nay.

Kinh tế Việt Nam đã hội nhập khá sâu vào kinh tế thế giới nên cũng không tránh khỏi những tác động từ vấn đề nợ công châu Âu và sẽ khó khăn hơn trong xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng như những tác động về tỉ giá, giá vàng... Như vậy, cuộc khủng hoảng nợ công bắt đầu từ Hy Lập và Ireland đã để lại vết thương lớn không chỉ cho các nước này mà còn cho nền kinh tế EU, cũng như toàn thế giới. Điều mà các nước còn lại ở châu Âu và các quốc gia khác trên thế giới không thể chậm trễ hơn đó là nhìn ra những bài học về quản lý và sử dụng nợ công có hiệu quả./.

Bài 2: Bài học cho cả nước giàu và nước nghèo

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên