Bài 1: Làm thế nào để người dân vào cuộc?
Muốn được nhân dân tin tưởng, nghe và làm theo, mỗi đoàn thể phải lấy lợi ích của nhân dân, của bà con làm lợi ích của chính mình.
Có nhiều ý kiến nói rằng, Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới (NTM) khi triển khai gặp trở ngại, đó là do sự ỷ lại của người dân vào Nhà nước. Thực tế đó, theo nghiên cứu của chúng tôi, là do 2 nguyên nhân: Một là, người dân chưa hiểu hoặc chưa tin vào Chương trình; hai là, người dân đã quen trông chờ vào sự “ban ơn” của nhiều dự án từ trước đến nay.
Trở ngại từ đâu?
Nguyên nhân chưa tin, chưa hiểu chương trình, nếu lỗi của dân một, thì lỗi của chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội mười. Hiện nay, ở nông thôn có 5 đoàn thể chính trị - xã hội. Nhưng hoạt động của các cơ quan đoàn thể này còn nặng về tính chất nội bộ đoàn thể của giới mình, chưa có tác động tích cực thường xuyên đến các mặt đời sống và sản xuất của đông đảo người dân. Chính quyền ở hầu hết các nơi còn sự vụ hành chính, có khoảng cách nhất định với dân. Khoảng cách đó càng xa hơn, khi phần lớn (nếu không nói là tất cả) cán bộ xã có cuộc sống khá lên nhanh chóng, mà chưa hẳn họ đã tài giỏi hơn bà con về các mặt lao động, sản xuất, kinh doanh.
Nội dung tuyên truyền ở thôn xã không được cải thiện, vẫn xơ cứng, nghèo nàn. Tôi đã bỏ nhiều thời gian để theo dõi không ít chương trình phát thanh ở một số xã. Thấy nội dung về sản xuất rất ít, nếu có thì cũng đọc lại tin trên báo, hoặc thông báo từ trên gửi về. Điều đó là cần thiết. Nhưng điều quan trọng hơn, thiết thực hơn, là hướng dẫn cho người dân ở xã mình cần làm gì cụ thể trên đồng ruộng quê mình, cho thôn xóm mình thì lại thiếu.
Mục phát thanh mà tôi thường được nghe là các bài tràng giang đại hải không thiết thực về một ngày kỷ niệm nào đó, một phong trào nào đó, hoặc thông báo của xã về các khoản đóng góp, nộp thuế, thông báo tin buồn, tin vui... Nội dung như thế không gây chú ý, không hấp dẫn ai.
Nhân dân ngại họp hành cũng do cung cách và nội dung họp nhàm chán, mất thời giờ đã diễn ra lâu nay. Rốt cuộc, đoàn thể chính trị nào “khép kín” đoàn thể đó, nói riêng cho đoàn thể mình nghe. Đấy là chưa nói đến việc chưa dễ huy động đủ số lượng hội viên của từng đoàn thể đi họp.
Xuất phát từ lợi ích của dân
Muốn cải thiện tình hình này, muốn để đoàn thể được nhân dân tin tưởng, nghe và làm theo, thiết nghĩ mỗi đoàn thể phải lấy lợi ích của nhân dân, của bà con làm lợi ích của chính mình. Thực tế, các đoàn thể mới chỉ làm được một nhiệm vụ, là động viên người dân đi vào con đường mà chính quyền đã định sẵn, không cần biết con đường đó có thật đáp ứng đúng nguyện vọng người dân hay không. Nếu con đường đó là công bằng, là trong sáng thì người dân sẵn lòng nghe và làm theo, nhưng ngược lại dân khó chấp nhận.
Ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng BCĐ Trung ương Chương trình Xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới: “Muốn Chương trình thành công nhất thiết phải có sự vào cuộc của nhân dân, phải có sức dân, phải có phong trào hưởng ứng của nhân dân. Người dân phải được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, được hưởng lợi; các dự án, các công trình phải do người dân chọn lựa và phải đến với hộ dân, đến với thôn, ấp”. |
Chẳng hạn, không riêng ở nước ta, mà ở thế giới đâu cũng thế, muốn công nghiệp hóa, muốn phát triển đô thị, phát triển kinh tế, xã hội, đều phải lấy đất, và có cơ chế đền bù thỏa đáng. Nhưng ở ta, nông dân - tiếng là chủ thể đất đai, ruộng đồng - hiếm có quyền bàn thảo phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Quyền đó thuộc về chủ đầu tư và chính quyền, và phần lớn quyết định thuộc về nhà đầu tư.
Khi Vinashin phát triển rầm rộ, lấy 220 ha bờ xôi ruộng mật của bà con nông dân xã Lai Vu (huyện Kim Thành - Hải Dương), các đoàn thể ra sức vận động nông dân giao ruộng cho Tập đoàn này, hứa hẹn đây sẽ là cơ hội công nghiệp hóa - hiện đại hóa quê hương, đưa đời sống người dân "lên tiên". Ngay sau đó, nhà đầu tư chớp nhoáng cho xe chở cát lấp cánh đồng đang vào vụ gặt. Bà con kéo đến ngăn cản việc làm này, đòi hỏi có chính sách đền bù thỏa đáng, liền bị xử lý. Bao năm trôi qua, Vinashin vẫn để hoang hóa nhiều diện tích, cỏ ngập đầu ở những nơi đã khởi công nhưng ruột rỗng tuếch. Bây giờ trắng đen về một thứ tập đoàn công nghiệp tàu thủy “hổ giấy” đã bị phơi bày, nhưng nỗi đau của nông dân thì vẫn còn đó…
Còn nguyên nhân người dân có thói quen ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, đúng là một thực tế. Chúng ta thường nói rất hay rằng: “Giúp con cá không bằng giúp cái cần câu”. Nhưng khi thực hiện, hầu hết các dự án của Nhà nước lại vẫn quen đường mòn “cầm tay chỉ việc” cho nông dân. Đây là sự khác biệt cơ bản giữa các dự án Nhà nước với các dự án của các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong và ngoài nước.
Các dự án phi chính phủ thường không nhiều tiền, nhưng lại có hiệu quả. bởi vì thông qua dự án, họ đã thay đổi nhận thức của người dân, không phải bao cấp vốn cho người dân, mà dùng dự án “làm mồi” để người dân phát huy nội lực của mình. Các dự án của Nhà nước thường nhiều tiền, nhưng làm ngược lại, nên người dân thường hưởng một cách thụ động. Chẳng riêng người dân, mà chính quyền địa phương và những người dính đến dự án cũng được “hưởng”, cũng “ỷ lại”.
Bởi thế, cần có sự chuyển biến về phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân, trước hết và trên hết là sự tự vận động của chính quyền và các đoàn thể, không biến cơ quan đoàn thể thành cơ quan hành chính, bộ máy hành chính cồng kềnh xa dân và xa thực tế./.