Bài 2: Bài học cho cả nước giàu và nước nghèo
Sự sụp đổ của hai nền kinh tế từng được coi là những hình mẫu tăng trưởng của châu Âu là những bài học nhỡn tiền đối với tất cả các nước, bất kể là giàu hay nghèo. Thế giới, trong đó có Việt Nam, có thể học được gì từ đây?
>> Bài 1: Châu Âu và nỗi lo vỡ nợ
Hiện nay, tất cả các quốc gia trên thế giới đều đang duy trì một mức nợ nước ngoài nhất định. Thế nhưng, tình trạng khủng hoảng nợ công tại châu Âu lại khiến nỗi lo sợ vỡ nợ như vết dầu loang lan nhanh ra hầu khắp các khu vực.
Dù đều gọi là vỡ nợ công, nhưng hai trường hợp Hy Lạp và Ireland xuất phát từ những nguyên nhân rất khác nhau: tại Hy Lạp, “thủ phạm” là những số liệu được làm giả để đối phó với các điều kiện khắt khe của Liên minh châu Âu; Còn tại Ireland là hệ thống ngân hàng quá yếu kém lại không được kiểm soát tốt. Châu Âu cũng đang lo ngại về nguy cơ phá sản ở một số nền kinh tế khác như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia... Nợ công của các quốc gia này đang ở mức báo động mặc dù các Chính phủ luôn luôn chấn an dư luận rằng họ vẫn đang kiểm soát tốt tình hình.
Kiểm soát mức nợ phù hợp với nền kinh tế
Vay nợ để đầu tư cho tăng trưởng kinh tế là điều bình thường. Tuy vậy, nợ bao nhiêu là an toàn lại là một bài toán khó giải. Nợ hơn 100% GDP đã đủ làm sập nền kinh tế Hy Lạp nhưng nợ 200% GDP như Nhật Bản lại vẫn chưa bị coi là nguy hiểm.
Theo nhà báo người Đức David Froje, bài học lớn nhất mà thế giới rút ra từ cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, là bất kỳ nền kinh tế nào, nếu lơ là quản lý, đều có thể sụp đổ vì nợ nần: “Tình hình châu Âu rất khác biệt, mọi quốc gia trên thế giới đều khác biệt không thể dập khuôn các mô hình phát triển. Vấn đề rút ra ở đây là không nên tiêu quá nhiều, nhưng bao nhiêu là quá nhiều thì mỗi trường hợp một khác. Nhớ lại cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á xảy ra năm 1997 khi Thái Lan chỉ có khoản nợ khoảng 15% GDP. Do đó, nói rằng không chi tiêu nhiều là tránh xa được khủng hoảng là không đúng. Trong lịch sử, nước Đức cũng từng phải tiêu rất nhiều, vấn đề là phải luôn ý thức và kiểm soát mức nợ phù hợp với nền kinh tế của mình”.
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, thế giới cần rút ra từ cuộc khủng hoảng nợ công bài học rất đời thường, rất “con người” là phải cẩn trọng trong chi tiêu: “Bài học lớn nhất là phải chi tiêu một cách căn cơ. Đó là bài học gắn với từng người, từng doanh nghiệp và với một quốc gia cũng thế. Thứ hai là tìm mọi cách để các khoản chi tiêu của mình có hiệu quả để lấy lại nguồn thu cho việc trả nợ. Cũng có người nói cách cực đoan là thu được bao nhiêu thì nên chi ngần đó hoặc ít hơn. Chuyện đó hoàn toàn đúng về dài hạn nhưng cũng có lúc có hoàn cảnh, có cơ hội thì không dại gì không vay để phát triển. Nên mấu chốt vẫn là quản trị tốt, sử dụng đồng tiền vay hiệu quả”.
Đối với các quốc gia giàu có, những nước mà thế giới cứ ngỡ không bao giờ phải rơi vào thảm cảnh khốn cùng của một con nợ, bài học lớn nhất là đừng quá ảo tưởng về sức mạnh quốc gia. Dĩ nhiên không phải Chính phủ Hy Lạp hay Ireland không lường trước được hậu quả của những khoản nợ, nhưng chính tâm lý ảo tưởng đã dẫn đến vay nợ tràn lan, đầu tư quá trớn. Cũng vì ảo tưởng mà lơ là quản lý và thiếu kiểm soát kinh tế vĩ mô. Thái độ thiếu trách nhiệm của những người lãnh đọa không chỉ khiến các thế hệ con cháu phải oằn lưng trả nợ, mà ngay lập tức các nước này đã phải cầu viện các khoản cứu trợ với điều kiện ngặt nghèo từ Liên minh châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế. Như vậy, họ cũng đã đánh mất “chủ quyền tài chính quốc gia”.
Qua đây, châu Âu, vốn luôn tự hào là những thể chế minh bạch, cho phép người dân có thể giám sát mọi hoạt động của chính quyền, lại phải học thêm bài học về tăng cường minh bạch. Nhiều chính phủ đã không làm tròn trách nhiệm trong chi tiêu những đồng tiền thuế của người dân một cách hợp lý và minh bạch. Và thiếu sự minh bạch ấy, các cơ quan có vai trò giám sát như Quốc hội, các tổ chức xã hội, công chúng... không có đủ thông tin và không thẻ phản biện, hành động kịp thời.
Ông Nguyễn Cảnh Cường- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Bộ Công Thương phân tích: “Khủng hoảng nợ công đến do chính phủ không minh bạch các số liệu, chính phủ cố gắng vẽ nên bức tranh sáng, màu hồng về tình trạng ngân sách về những chính sách sắp ban hành để khắc phục những khó khăn về ngân sách hay vấn đề kinh tế vĩ mô thì hiệu lực của những chính sách đó sẽ bị hạn chế nhiều”.
Nhà báo David Froje nói thêm về những gì nước Đức- nền kinh tế được xem là an toàn nhất Châu Âu hiện nay- đang làm để quản lý nợ công: “Mỗi năm, ít nhiều chính phủ Đức phải công bố với Quốc hội đã tiêu bao nhiêu trong năm qua và sẽ tiêu bao nhiêu cho năm tới. Tôi biết là về nguyên tắc, ở nhiều nước khác cũng tương tự. Để kiểm soát tốt tình hình, vai trò giám sát của các cơ quan độc lập với chính phủ vô cùng quan trọng. Ngoài Quốc hội, ở Đức, còn có các nhóm lợi ích, yêu cầu chính phủ không được tạo thêm nhiều khoản nợ để rồi người dân phải đóng thuế cao để trả nợ ấy. Các tổ chức phi chính phủ ở Đức cũng hoạt động mạnh trong vấn đề này, chính họ đã tạo ra một chiếc đồng hồ đếm nợ để công khai cho người dân”.
Kinh nghiệm cho các nước đang phát triển
Đúng là tai hoạ vỡ nợ mà Hy Lạp và Ireland đang gánh chịu là điều cả thế giới không ai mong muốn. Nhưng trong cái hoạ có cái may. “Cái may” trước hết với chính các nước gặp nạn là họ vẫn còn đường thoát ra khủng hoảng; với các nước mấp mé bờ vực vỡ nợ thì “may” là có ít nhất 2 vết xe đổ để tránh ra tìm đường khác. Còn những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đâu là kinh nghiệm rút ra?
Bài toán chi tiêu vốn không dễ với các nước giàu, lại càng khó với các nước đang phát triển có nền kinh tế hạn chế. Không thể vì mục tiêu phát triển trước mắt mà thiếu tính toán về dài hạn. Sự sụp đổ của nền kinh tế Argentina - quốc gia từng được Quỹ Tiền tệ quốc tế ngợi ca là một hình mẫu tăng trưởng- cảnh báo các nước đang phát triển về hiểm hoạ do phát triển “quá nóng”, đầu tư tràn lan, thiếu tính toán.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh phân tích: “Chúng ta phải thấy rõ, mục tiêu phát triển là đem lại phồn vinh hạnh phúc cho người dân, không phải tốc độ tăng trưởng cao. Tăng trưởng cao dẫn đến nợ nần là hoàn toàn sai lầm và không nên đặt ra tăng trưởng cao với bất kỳ giá nào. Thứ 2, không thể đổi tăng trưởng cao với mất ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ 3, Không thể tạo mô hình tăng trưởng không có sự điều chỉnh dựa vào thực tế tiến bộ khoa học công nghệ, tình hình cạnh tranh hội nhập trên thế giới, không có mô hình nào đúng vĩnh viễn. Chúng ta phải tìm ra mô hình sáng tạo, phù hợp, không nên bám vào những giáo điều xưa cũ.”
Đối với Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh yêu cầu đầu tiên về cẩn trọng trong chi tiêu ngân sách: “Khủng hoảng nợ công ở Châu Âu là bài học rất tốt cho Việt Nam. Chẳng vui gì câu chuyện này, nhưng tôi cho rằng phải rất chú ý giám sát hệ thống tài chính tiền tệ, nghiêm trong chính sách tài khoá- tức là ngân sách. Chúng ta đã bội chi ngân sách quá dài. Mặc dù vẫn dưới mức nguy hiểm nhưng cũng cảnh báo chúng ta phải cẩn thận, nếu vượt qua ngưỡng đó thì gay go bởi kinh tế của chúng ta còn yếu. Vì vậy phải quản lý nợ công rất chặt chẽ.”
Vấn đề mấu chốt đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, là phải vay mượn, nhất là vay vốn nước ngoài dưới nhiều hình thức, thì mới có nguồn đầu tư cho tăng trưởng. Do đó, không lúc nào được lãng quên vấn đề sử dụng vốn vay sao cho hiệu quả, bởi đó là những đồng tiền vay mượn, phải trả lãi và đến hạn sẽ phải trả nợ.
TS Vũ Quang Việt, chuyên viên của LHQ về lĩnh vực thông tin kinh tế nói về bài học này: “Vay vốn để phát triển là rất lợi ích. Vấn đề đặt ra là sử dụng nó như thế nào, có hiệu quả hay không. Phải xem món nợ đó có gây nóng cho nền kinh tế, chẳng hạn như tạo ra lạm phát, tạo ra những vấn đề khác hay không. Phải suy xét vay mượn ở chỗ nào và làm như thế nào có lợi nhất”.
Chuyên gia Nguyễn Quang A thì nhấn mạnh, các nước đang phát triển cần thận trọng đến từng đồng vốn vay, kể cả đó có là viện trợ phát triển chính thức (ODA)- loại cho vay nước ngoài được xem là ưu đãi nhất hiện nay: “ODA là những khoản vay chứ không phải viện trợ cho không, thường có thời hạn dài 30-40 năm, lãi suất thấp vài phần trăm một năm, lại được ân hạn. Đó là nguồn lực tốt cho phát triển, nhưng rất cân nhắc vì những khoản vay ấy cho vay có điều kiện, phải dùng nhà thầu, mua hàng, sử dụng tư vấn của họ. Nhiều khi với những điều kiện đó các khoản chi tiêu có thể bị vống lên. Do đó không thể chỉ nhìn những mặt tốt của ODA mà không cẩn trọng.”
Thông thường, vốn vay nước ngoài được các nước đang phát triển đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng để tạo đà cho tăng trưởng. Nhưng phải có sự tính toán, cân đối giữa chính các dự án cơ sở hạ tầng. TS Vũ Quang Việt nói thêm: “Đầu tư vào hạ tầng cơ sở phải đặt ra vấn đề là nó có làm cho chi phí sản xuất của những người trong khu vực giảm đi hay không, phải tính toán xem có lợi cho doanh nghiệp hay không. Nếu dùng nợ công để phát triển thì xây xong phải tạo ra công ăn việc làm, tạo lợi nhuận, chứ không thể để những đầu tư đó không làm tăng năng suất sản xuất cho nền kinh tế, không tạo ra cái gì cho hoạt động kinh tế.”
Cuối cùng, một bài học lớn phải được rút ra trong suốt quá trình quản lý, ngăn chặn bùng nổ nợ công, cho đến giải quyết hậu quả trong trường hợp vỡ nợ... là bài học “Tự lực cánh sinh”, tự mình làm, tự mình chịu, khi ấy sẽ biết quý và thận trọng từng đồng tiền trong chi tiêu.
Theo nhà phân tích Nguyễn Quang A, châu Âu đã kịp thời khi lập quỹ cứu trợ cho Hy Lạp, Ireland và dự phòng có thể một vài nước thành viên khác. Đối với các nước ngoài khu vực sử dụng đồng euro, có thể sẽ cảm thấy đôi chút “bất an” khi không có một quỹ tương tự đỡ đằng sau, nhưng từ một góc nhìn khác, đó lại là một cái may: “Vì sợ hiệu ứng domini nên Châu Âu đã phải lập quỹ cứu trợ, tránh sự lây lan sụp đổ sang các nước khác, nhưng cũng lại tạo ra sự ỷ lại của một số nước nào đó. Không có quan hệ với những tổ chức như thế, biết rằng không có ai đứng ra cứu vớt mình đấy có thể là một lợi thế. Kinh tế học đã nghiên cứu ràng buộc ngân sách mềm, là tâm lý, điều kiện bên ngoài, điều kiện môi trường làm doanh nghiệp nghĩ rằng mình có vấn đề gì đấy sẽ có ai cứu, trợ giúp, giống hệt đứa trẻ con của bố mẹ giàu, ỷ lại có khó khăn gì cũng có bố mẹ giúp, như thế dễ trở thành đứa con hư, thế gọi là ràng buộc ngân sách mềm. Còn lại là ràng buộc ngân sách cứng, tức là tự lực cánh sinh. Đó là một lý do vì sao các doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả hơn các doanh nghiệp quốc doanh. Và đối với một quốc gia cũng như vậy, nếu họ nghĩ rằng nếu mình có vấn đề gì thì có IMF, có nước này nước kia cứu trợ, lúc đấy sẽ sinh ra tính ỷ lại và hiệu quả chi tiêu cũng kém.” ./.
Bài 3: Nguy cơ và những khuyến cáo với Việt Nam