Bài 3: Nguy cơ và những khuyến cáo với Việt Nam
Thực trạng nợ công của Việt Nam ra sao? Chúng ta đang đứng trước những nguy cơ nào? Việt Nam cần làm gì để tránh “vết xe đổ” từ bài học của Ireland và Hy Lạp?
>> Bài 2: Bài học cho cả nước giàu và nước nghèo
>> Bài 1: Châu Âu và nỗi lo vỡ nợ
Theo báo cáo của Chính phủ công bố đầu tháng 10, nợ công năm nay ước sẽ lên tới 52,6% GDP, trong đó nợ nước ngoài chiếm 38,8% GDP. Chính phủ dự kiến nợ công trong năm 2011 sẽ là 57,1% GDP, cao hơn gần 5% so với năm nay. Nếu tính bình quân đầu người, thì mỗi người Việt Nam gánh 578,65 USD nợ công. Và theo mức dự báo của Chính phủ đưa ra trong năm 2011, thì chắc chắn số nợ công bình quân chia theo đầu người sẽ không dừng ở mức hơn 578 USD như hiện nay.
Nói như vậy để thấy rằng, nợ công của Việt nam đang tăng và mỗi công dân đều có quyền lợi và cả trách nhiệm từ các khoản vay của Nhà nước. Dẫu các chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng, ngưỡng nợ công hơn 50% GDP của Việt nam là có thể chấp nhận được, nhưng Việt Nam không thể chủ quan. Thực tế cho thấy ngưỡng nợ hay quy mô nợ chỉ là điều kiện cần thiết để hạn chế các nguy cơ về ngân sách có thể xảy ra.
Vậy, thực chất ngưỡng nợ công hơn 52% có đủ đảm bảo độ an toàn? Đây cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng về lý thuyết mức nợ công của Việt Nam “không có vấn đề gì” nhưng Việt Nam phải tính tới “phần chìm của tảng băng”, tức là những khoản nợ ngầm, các khoản nợ ngân hàng, nợ doanh nghiệp của Nhà nước vay mà Chính phủ phải bảo lãnh. Đây là những yếu tố tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với kinh tế Việt Nam, nếu Việt Nam “lơ là”.
Chia sẻ quan điểm này, ông Alex Warren – Rodriguez, chuyên gia Kinh tế trưởng của Chương trình phát triển liên hợp quốc UNDP tại Việt Nam cho rằng nếu chỉ vào ngưỡng nợ công tính trên GDP là chưa đủ. Bởi Việt Nam chưa thể dự báo được những điều sẽ xảy ra, mà cần phải có một “thước đo chuẩn” từ các nền kinh tế khác có hoàn cảnh và điều kiện kinh tế tương tự. Dẫn ví dụ từ trường hợp của Argentina, một quốc gia dù có mức nợ công dưới 60% và ngân sách tài chính khá tốt, nhưng vẫn xảy ra khủng hoảng nợ, chuyên gia Alex Warren – Rodriguez phân tích: “Điều quan trọng là chúng ta phải giám sát được thực trạng kinh tế vĩ mô. Nợ công và nợ tư xuất phát từ tình hình tài chính, dựa trên tình hình kinh tế Việt Nam, thế giới. Do đó cần mở rộng cách thức suy nghĩ và hiểu về nợ và phân tích nợ. Khi đó, mới dự đoán được tình huống nợ có thể xảy ra. Ví dụ việc tăng thuế, có tác động tốt đến tài chính công hiện tại, nhưng cũng ảnh hưởng đến khả năng bền vững của tài chính công về dài hạn. Trường hợp của Argentina, trong những năm 90 của thế kỷ trước, các cơ quan của Chính phủ Argentina, họ đưa ra chính sách tài chính công rất tốt, như thâm hụt ngân sách dưới 3%, nợ công tính trên GDP dưới 60%, lạm phát thấp, và Argentina cũng là nước giàu. Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi chỉ trong 3 – 4 năm, rủi rõ đã xảy ra ảnh hưởng đến tài chính công của Argentina, dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ ở nước này. Đây là những ví dụ cho ta thấy tình hình chỉ thay đổi rất nhanh”.
Một yếu tố nữa Việt Nam cần lưu ý là những tác động xấu đối với thế giới trong trường hợp rủi ro xảy ra. Câu chuyện Vinashin là một ví dụ. Hàng trăm triệu USD vốn trái phiếu quốc tế được huy động và chuyển cho tập đoàn này vay lại. Tuy nhiên, việc sử dụng vốn chưa hiệu quả, sự vỡ nợ của Vinashin đã đặt ra câu hỏi về lòng tin của các nhà đầu tư quốc tế với môi trường kinh doanh Việt Nam.
Cuối tháng 11 vừa qua, trang web của Bloomberg dẫn các nguồn tin từ công ty tư vấn tài chính Moody có trụ sở tại Mỹ cho biết, nợ xấu của Vinashin cũng ảnh hưởng xấu đến các ngân hàng Việt Nam.
Từ trường hợp đơn lẻ của Vinashin, chúng ta thấy được là chuyện quản trị nợ. Nợ không phải là xấu, nhưng cần phải tính toán đến đến hai yếu tố: hiệu quả từ những đồng vốn vay và hệ quả lâu dài nếu không giải quyết được dứt điểm vấn đề nợ. Những gì Hy Lạp, Ireland đang trải qua sẽ có thể xảy ra ở bất cứ quốc gia nào. Chủ nợ rất dễ biến thành con nợ nếu không kịp thời điều chỉnh lối “ứng xử” với công nợ và tầm nhìn trong đầu tư.
Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, chuyên gia nghiên cứu về tình hình kinh tế thế giới nhận định: “Vấn đề quản trị nợ đối với các doanh nghiệp là một vấn đề khá là khó khăn. Đối với một quốc gia thì điều đó càng quan trọng hơn. Có rất nhiều quy tắc về an toàn tài chính được đặt ra với các nước về vấn đề ngân hàng, ngân sách, về mức nợ công nói chung. Tuy nhiên người ta rất dễ dàng vứt bỏ những quy tắc đặt ra khi có những mối lợi hoặc trong trường hợp khẩn cấp. Các nước đã nợ đến hạn thì phải trả. Đối với những nước như Việt Nam cần phải có dòng vốn quốc tế, dòng vốn đầu tư nước ngoài để phát triển. Điều đấy dẫn đến nợ quốc gia luôn hiện hữu. Chúng ta phải dũng cảm đối mặt với những khoản nợ này một khi nó vượt quá giới hạn cho phép. Tôi không thể nói được một mức nợ như thế nào thì phù hợp với một quốc gia, chỉ biết rằng việc trả nợ lãi và trả nợ gốc nó phải tương xứng với dòng vốn đi vào quốc gia đó. Đó mới là nợ lành mạnh”.
Rõ ràng cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu đã và đang đặt ra nhiều vấn đề, mà tăng cường quản trị công, quản lý nguồn vốn vay mới chỉ là một góc nhìn. Ông Benedict Bingham, Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF tại Việt Nam cho rằng có 3 bài học mà các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam cần rút ra từ câu chuyện của Hy Lạp và Ireland: “Tôi nghĩ có 3 bài học đặt ra cho Việt Nam. Thứ nhất là cần sử dụng các khoản đầu tư công hiệu quả. Nếu bạn muốn vay tiền đầu tư vào lĩnh vực công, bạn phải chắc chắn rằng đầu tư này có hiệu quả và giải quyết các nhu cầu thực sự của nền kinh tế. Thứ 2 là một vấn đề hơi vĩ mô. Đó là mức thâm hụt ngân sách so với nợ công. Ở trường hợp của Việt Nam, thâm hụt ngân sách của Chính phủ tăng khá mạnh tổng thể lên tới hơn 9% GDP năm ngoái. Tôi nghĩ rằng phải giảm được thâm hụt ngân sách đến một mức độ chấp nhận được. Điều thứ ba cần được thực hiện từ khủng hoảng Hy Lạp và Ireland là chính phủ nên tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bởi chỉ có tăng trưởng mới có thể chống được rủi ro và khủng hoảng”./.
Bài 4: Lý giải của các chuyên gia kinh tế quốc tế