Bài 4: Lý giải của các chuyên gia kinh tế quốc tế
Phần lớn các chuyên gia kinh tế quốc tế đều cho rằng công tác quản lý nợ công của Việt Nam hiện nay vẫn giữ được mức an toàn với ngưỡng nợ công cho phép. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta cần có một chiến lược quản lý nợ công trung và dài hạn.
>> Bài 3: Nguy cơ và những khuyến cáo với Việt Nam
>> Bài 2: Bài học cho cả nước giàu và nước nghèo
>> Bài 1: Châu Âu và nỗi lo vỡ nợ
Theo Đại sứ Thuỵ Điển Staffan Herrstrom, để “giữ” được mức nợ công an toàn, Việt Nam cần xác định rõ những bước đi cụ thể trong lĩnh vực tài chính công. Dẫn trường hợp của Thuỵ Điển, Đại sứ Staffan Herrstrom phân tích: “Tôi muốn đề cập vấn đề này với tư cách là đại diện cho một quốc gia đã từng chịu ảnh hưởng trầm trọng của nợ công từ thập kỷ 90. Trong thời điểm ấy, mức nợ công của Thuỵ Điển vượt ngưỡng và khiến nền kinh tế của chúng tôi lao đao. Từ bài học ấy, theo tôi, để giải quyết vấn đề nợ công, có 3 vấn đề cần đặt ra. Thứ nhất, các nguyên tắc tài chính phải được xây dựng trên các chính sách tốt, luật chơi và ngân sách phải công khai minh bạch. Thứ 2, phải có khung quy chế trong vấn đề giám sát thường xuyện và hệ thống giám sát tài chính độc lập. Thứ 3, liên quan đến việc minh bạch hoá và thảo luận công khai về quản lý tài chính, Nhà nước và chính các doanh nghiệp tư nhân phải xây dựng được một cơ chế giám sát thảm hoạ”.
Không chỉ có Đại sứ Thuỵ Điển, nhiều nhà kinh tế quốc tế cũng nhất trí rằng để tránh “vết xe đổ” tại châu Âu, vấn đề minh bạch hoá khoản vay phải được chú trọng hàng đầu. Chẳng hạn trong một số khoản vay cấu thành nợ công, phải làm rõ nợ chính phủ, nợ do Chính phủ bảo lãnh, nợ của Doanh nghiệp nhà nước; hoặc phải kiểm toán để kiểm soát được nợ vay đã được các doanh nghiệp sử dụng ra sao…
Theo ông James Anderson, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới WB, để có thể minh bạch hoá, Việt Nam cần sớm có một hệ thống giám sát độc lập: “Điều quan trọng là hệ thống giám sát sự minh bạch liên quan đến các hoạt động vay nợ và sử dụng khoản vay. Trong đó tình trạng tham nhũng cũng có thể coi là một cách khiến nợ thêm trầm trọng. Ví dụ một doanh nghiệp hối lộ để có thể giảm được số tiền nộp thuế cho Nhà nước sẽ góp phần làm trầm trọng thêm mức nợ công mà nhà nước phải chi trả. Hoặc trong lĩnh vực đất đai, việc quản lý không tốt để lạm phát giá đất đai, từ đó kéo theo giá nguyên vật liệu tăng, giá đầu tư cơ sở hạ tầng tăng…cũng là những nguyên nhân gián tiếp khiến nợ công tăng. Vì thế, rất cần phải có một hệ thống giám sát độc lập trong lĩnh vực đất đai hoặc trong các lĩnh vực khác”.
Việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường các cơ chế giám sát sẽ giúp chúng ta phát huy hiệu quả của việc sự dụng nợ cho tăng trưởng kinh tế và hạn chế rủi ro. Các chuyên gia kinh tế quốc tế cũng cho rằng, Việt Nam phải nghĩ đến việc tái cấu trúc nền kinh tế để giải quyết vấn đề nhập siêu; và cùng với đó điều chỉnh lại cơ cấu các ngành nghề để tăng cường quản lý vốn vay. Ngân hàng là một ví dụ. Ông Ashok Sud – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu EuroCham, đồng thời là Tổng Giám đốc Standard Chartered Bank (Anh) tại Việt Nam khuyến cáo: “Thực tế cho thấy nguồn vốn của một số ngân hàng gia tăng, nhưng cũng có một số ngân hàng thiếu hụt nguồn vốn, dẫn đến việc sử dụng nguồn vốn không hợp lý. Theo tôi, có khá nhiều vấn đề, trong đó có việc đề xuất vốn cho ngành ngân hàng, từ đó chuyển dịch ngành ngân hàng. Thứ 2 là có một nghịch lý: gia tăng nguồn vốn ngân hàng, nhưng sử dụng nguồn vốn lại không hiệu quả. Vấn đề đặt ra lộ trình sử dụng vốn như thế nào để tăng hiệu quả của các ngân hàng và dòng vốn xuất phát từ đây? Đối với các ngân hàng, cần lãm rõ hơn việc triển khai các nguồn vốn.”
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cần thêm nhiều nguồn vốn để xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng. Việc vay các nguồn vốn đầu tư sẽ là điều tất yếu, nhưng từ cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu, Việt nam sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm.
Ông Benedict Bingham, Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF tại Việt Nam nhận định: “Việt Nam sẽ có nhu cầu đầu tư rất nhiều trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng: cảng, đường bộ, đường sắt, viễn thông, năng lượng và các cơ sở hạ tầng “mềm” khác của nền kinh tế như giáo dục, y tế, dân số. Ngoài việc lựa chọn đầu tư có “kỷ luật”, tôi nghĩ rằng chính phủ Việt nam thấy rõ không ai có thể làm mọi điều chỉ nhờ các khoản nợ. Vì vậy mà họ sẽ phải xem xét tính đến nhiều yếu tố khác. Qua đó, tự giải phóng các nguồn lực để đầu tư vào những ưu tiên hàng đầu như tăng trưởng bền vững và các cơ sở hạ tầng”.
Một khi đã đi vay thì phải trả nợ, và tiền vay nếu không được sử dụng hiệu quả hoặc bị xà xẻo do tham nhũng, tiêu cực thì gánh nặng nợ nần sẽ làm oằn lưng thế hệ tương lai.
Một biểu hiện đáng lo là hệ số ICOR (thước đo về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) nói chung của nền kinh tế Việt Nam đã cao đến mức báo động, đến năm nay hệ số này đã lên đến 8, cao hơn 2,5 lần so với mức lý tưởng mà một số định chế tài chính quốc tế khuyến nghị. Đáng chú ý trong lĩnh vực chi tiêu công, hệ số ICOR là 12.
Năm ngoái, tổng mức trả nợ của Chính phủ đã là hơn 1,1 tỷ USD. Con số này sẽ còn tăng lên, năm sau cao hơn năm trước. Mặc dù đến nay, nợ nước ngoài vẫn ở mức an toàn nhưng cần phải làm cho xã hội thấm thía rằng, chúng ta sẽ phải trả nợ để có được tăng trưởng và thịnh vượng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh: Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực chống tham nhũng, coi đó như một trong những công việc khẩn cấp của Chính phủ; tăng cường dân chủ và cởi mở xã hội; đồng thời đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng tăng trưởng bền vững.
Cam kết của Thủ tướng là những giải pháp vừa cấp thiết vừa lâu dài.
Ngoài tăng cường hiệu lực quản lý, sử dụng vốn ODA của các cơ quan Nhà nước thì việc minh bạch hóa, có cơ chế cụ thể để nhân dân và xã hội giám sát được các công trình sử dụng vốn ODA, chính là biện pháp giúp nguồn vốn này được sử dụng hợp lý và hiệu quả nhất. Làm cho mỗi đồng vốn vay trở thành một viên gạch kiến thiết tương lai chứ không phải là gánh nặng cho hậu thế, do vậy, không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà là của toàn xã hội./.