80 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Bản lĩnh của một Đảng vì dân

80 năm tôi luyện trong thử thách đấu tranh cách mạng, giành và giữ chính quyền, thống nhất đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị của mình bằng thực tiễn sinh động.

80 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân giành nhiều thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử to lớn. Mỗi thắng lợi ấy, không chỉ ghi dấu ấn của tinh thần đoàn kết, tập trung trí tuệ và sức mạnh toàn dân tộc mà còn thể hiện rõ bản lĩnh chính trị của Đảng trong mọi hoàn cảnh.

Ai cũng biết những sự kiện lịch sử, những thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong suốt 80 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công lập nên nhà nước Cộng hoà dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đem lại độc lập, tự do cho nhân dân. Cả dân tộc vùng lên đánh thắng thực dân Pháp, làm nên một Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội.

Đặc biệt, công cuộc đổi mới gần 25 năm qua đã đem lại sự đổi thay trên tất cả các lĩnh vực; đời sống nhân dân không ngừng cải thiện; uy tín Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng.

Làm nên những sự kiện và thành tựu ấy là do sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó cũng chính là bản lĩnh của Đảng được thử thách trong các thời kỳ cách mạng, mà có những khi như “ngàn cân treo sợi tóc”.

  Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm hỏi bà con vùng lũ Phú Yên

Theo các nhà nghiên cứu, trong lịch sử xây dựng và phát triển 80 năm qua, Đảng ta đã hai lần dùng chữ “hiểm nghèo” để nói đến tình thế khẩn thiết, đến sứ mệnh trọng đại của mình. Lần thứ nhất vào những năm 1945 - 1946 (thời điểm trước và sau khi giành chính quyền cách mạng). Lần thứ hai sau đó đúng 40 năm (năm 1986) khi cả nước thống nhất, xây dựng Chủ nghĩa xã hội được 10 năm. Vượt qua những “tình thế hiểm nghèo” ấy là minh chứng sinh động về bản lĩnh chính trị kiên cường và trí tuệ sáng tạo của Đảng ta.

Phó Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Lê Mậu Hãn, một trong những nhà nghiên cứu và giảng dạy lịch sử hàng đầu ở Việt Nam đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu về những thời khắc “hiểm nghèo” của Đảng ta. Ông đã rút ra một nhận xét khoa học rằng: “Đảng ta đã có những sai lầm tả khuynh, giáo điều. Nhưng quan trọng hơn là Đảng sớm nhận ra sai lầm, khuyết điểm, nhìn thẳng vào sự thật để đổi mới. Đó là bản lĩnh kiên cường của Đảng để vượt qua “hiểm nghèo”. Bản lĩnh ấy thể hiện bằng nghị quyết Đại hội lần thứ VI năm 1986 của Đảng”.

Phó Giáo sư Lê Mậu Hãn phân tích: “Thực tế chúng ta đã khủng hoảng. Đặt ra vấn đề trong hoàn cảnh ấy, Đảng quyết định công cuộc đổi mới, đổi mới hay là chết. Mà đổi mới ấy điều quan trọng là kế thừa những truyền thống tốt đẹp trước đó, đặc biệt là tư tưởng kế thừa từ Đại hội 2 của Đảng. Đại hội lần thứ 6 quyết định đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế... đó chính là bản lĩnh của chúng ta, không sợ sai, sai thì sửa...”.

Vượt qua “hiểm nghèo” để tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng ta nhận được sự đồng thuận, đồng lòng của toàn dân, nhưng cũng gặp phải nhiều thử thách ghê gớm: Công cuộc đổi mới là tự tìm tòi, không rập khuôn, vừa làm vừa học vừa rút kinh nghiệm. Trong thời kỳ đầu đổi mới, mỗi quyết định của Đảng đưa ra không được phép mắc sai lầm vì kết quả của các quyết định đó liên quan trực tiếp tới sự tồn vong của chế độ, vận mệnh của dân tộc và của Đảng.

Giáo sư - Tiến sĩ Đào Hữu Tiến, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh phân tích, thời điểm cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô rơi vào khủng hoảng, sau đó sụp đổ, đã làm mất đi sự ủng hộ truyền thống đối với Việt Nam. Cùng với đó là bao vây cấm vận; lạm phát ở mức ba con số đã khiến nước ta gặp khó khăn mọi bề. Trong khi đó, các thế lực thù địch liên tục tuyên truyền phản động, kêu gọi Việt Nam từ bỏ con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội. Nhưng chính thời điểm ấy, Đảng ta khẳng định đường lối nhất quán: Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội; tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới. Đó là bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng.

GS-TS Đào Hữu Tiến nhấn mạnh: “Khi Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, các thế lực kêu gọi chúng ta từ bỏ con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng chúng ta giữ vững bản lĩnh, kiên trì theo đuổi mục tiêu và mô hình xã hội đầy tính nhân văn này. Đảng CSVN được nhân dân và lịch sử ủng hộ và đã thể hiện sự kiên định của mình là đúng đắn...”.

Thành tựu gần 25 đổi mới đã khẳng định ý chí cách mạng kiên cường và bản lĩnh cách mạng của Đảng. Về kinh tế, cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi cuộc khủng hoảng tài chính khu vực lan rộng, suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra trong 2 năm qua, Việt Nam là một trong số ít quốc gia nhanh chóng vượt qua và vẫn đạt mức tăng trưởng khá, xã hội ổn định. Đó chính là sự đồng thuận, đồng lòng của toàn dân và sự lãnh đạo đúng đắn, bản lĩnh chính trị của Đảng.

Nguyên nhân sâu xa và trực tiếp của những thành công đó, là sự thuận chiều của “ý Đảng, lòng dân” như nghiên cứu của PGS-TS Ngô Quang Minh, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh: “Nguyên nhân là sức sống kỳ diệu của người dân Việt Nam dễ ứng  phó. Chỉ cần 1 chủ trương của đảng là lập tức người dân đón nhận. Ví dụ như khoán 10, khoán 100. Đây là cơ may của người dân Việt Nam...”.

80 năm tôi luyện trong thử thách đấu tranh cách mạng, giành và giữ chính quyền, đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị của mình bằng thực tiễn sinh động. Thực tiễn ấy được toàn dân ghi nhận, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Bản lĩnh vững vàng ấy sẽ tiếp tục cùng toàn dân tộc vượt qua những khó khăn, thách thức, những thời điểm “hiểm nghèo” để “xây dựng một đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” sánh vai với các nước tiên tiến trên thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên