Bán xăng “bẩn”: Thu lợi trên tính mạng người!
Không phải vô cớ mà mọi người đặt nhiều nghi vấn về chất lượng xăng khi nhiều cửa hàng xăng “bẩn” bị phanh phui
Sau một thời gian ngắn nhưng đã xảy ra quá nhiều vụ nổ xe máy, ô tô xe máy ở nhiều nơi trong cả nước. Các vụ cháy nổ không chỉ gây thiệt hại về tài sản và còn gây nguy hiểm đến tính mạng con người, có nhiều người đã bị bỏng nặng do cháy xe máy, thậm chí có vụ đã cướp đi sinh mạng của một thai phụ và cháu bé 4 tuổi.
Nhiều nghi vấn được đặt ra xung quanh các vụ cháy nổ, nhưng nghi vấn lớn vẫn tập trung vào chất lượng xăng.
Nhiều chuyên gia về ô tô, xe máy cũng nhận định, ngoài các nguyên nhân làm xe máy cháy nổ như chập điện, người sử dụng gắn thêm các thiết bị làm thay đổi kết cấu tạo của xe thì một trong những nguyên nhân chủ yếu gây cháy nổ là xăng kém chất lượng. Các động cơ xe máy, ô tô đời mới đòi hỏi xăng phải có chỉ số octan cao. Khi xăng không đảm bảo, chỉ số octan thấp sẽ gây kích nổ động cơ, cháy các chi tiết dẫn đến hỏng máy, piston...
Mới đây, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Bộ KH&CN) đã thông báo kết quả kiểm tra, khảo sát chất lượng xăng ở nhiều cây xăng trong cả nước, Cục cũng đã phát hiện ra hàng loạt cây xăng không đạt chất lượng. Cụ thể, 9 cửa hàng thuộc huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân, quận 12 (TP HCM) không đạt về trị số octan.
Trong một thông báo hỏa tốc mới đây, Cục này vừa phát hiện cửa hàng xăng dầu Mai Dịch, thuộc Công ty Cổ phần sản xuất dịch vụ xuất khẩu Từ Liêm (đường Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nội) có xăng không chì RON92 không đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, xăng của cửa hàng xăng dầu Mai Dịch còn có hàm lượng metanol chiến 15,3% thể tích (đây là nguyên nhân làm cho hàm lượng ô xy cao), hàm lượng nước 366ppm.
Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng đã lấy các mẫu xăng tại một số cây xăng ở tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Đà Nẵng-nơi mà chủ nhân các xe đã đổ xăng trước khi xe bị cháy để đưa đi kiểm tra, kiểm nghiệm. Kết luận của Cục khẳng định những mẫu xăng này đều đạt chất lượng theo tiêu chuẩn cho phép, không có acetone và metanol.
Tuy vậy, kết luận trên chưa làm dư luân vơi đi mối lo cháy nổ xe máy. Hầu hết các xe cháy nổ đều để lại hiện trường là đống tro tàn. Khi hình ảnh, thông tin về xe cháy nhan nhản trên các phương tiện thông tin thì cơ quan này mới vào cuộc, lấy mẫu xăng ở các cây xăng mà nạn nhân đã đổ xăng trước khi xe cháy. Từng ấy thời gian cũng để các cây xăng cố tình gian dối tẩu tán hết hàng. Vậy thì mẫu xăng mà Cục lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đưa đi kiểm nghiệm liệu còn chính xác?
Trong khi chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân gây cháy, nổ xe máy, nhiều doanh nghiệp trong lúc theo dõi động thái của các cơ quan chức năng cũng đã lên tiếng khẳng định không kinh doanh xăng “bẩn”. Nhưng sự thể thế nào, thì chỉ có doanh nghiệp ấy mới biết.
Kể cả khi việc kinh doanh xăng “bẩn” của các doanh nghiệp này bị phanh phui, thì họ cũng chỉ chịu một mức phạt khá tượng trưng so với tiền lời mà họ kiếm được.
Khi chưa có kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng về nguyên nhân gây cháy xe máy, ô tô, đồng nghĩa với nguy cơ cháy nổ xe máy, ô tô vẫn còn. Và chúng ta sẽ còn phải chứng kiến những hậu quả nặng nề mà nó gây ra cho con người, thậm chí là những cái chết thương tâm.
Cũng không phải vô cớ mà mọi người đặt nhiều nghi vấn về chất lượng xăng. Để hạn chế những hậu quả đau lòng do cháy nổ xe máy gây ra, rất cần nỗ lực của nhiều phía, trong đó có cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Phải làm cho họ biết giữ chữ “tín” của doanh nghiệp, trước tiên là bằng các chế tài nghiêm khắc với các doanh nghiệp vi phạm và thái độ cương quyết tẩy chay của khách hàng./..