Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ đã lỗi thời

Báo cáo nhân quyền của Hòa Kỳ phải chăng vẫn cứ theo lối cũ là lấy thông tin từ những thiểu số người Việt lưu vong hoặc một nhóm nhỏ những người có thái độ bất mãn, chống đối Nhà nước, chống chế độ ở Việt Nam?

Ngày 24/5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố “Báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới năm 2011” đề cập vấn đề này của nhiều quốc gia khác nhau.

Đối với Việt Nam, trong khi có ghi nhận những thành tựu quan trọng trong việc đảm bảo quyền con người thì Báo cáo này vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin sai lệch về tình hình thực thi quyền con người ở Việt Nam.

Đây là việc làm thật đáng tiếc trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã có những tiến triển nhiều mặt. Hai nước tiếp tục trao đổi thường xuyên về các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có vấn đề quyền con người.

Việc duy trì đối thoại trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng và tôn trọng lẫn nhau đã góp phần tăng cường hiểu biết và thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển vì lợi ích chung.

Cách đây không lâu, vào 2 ngày trung tuần tháng 11/2011, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc đối thoại nhân quyền. Tại đó, hai bên đã trao đổi một cách cởi mở, thẳng thắn, sâu rộng về những vấn đề cùng quan tâm, trong đó có vấn đề tự do tôn giáo, tự do bày tỏ chính kiến, xây dựng Nhà nước pháp quyền, quyền lao động, phân biệt chủng tộc, thực hiện các cam kết quốc tế về nhân quyền, cũng như khả năng hợp tác trong lĩnh vực này.

Tại đó, phía Việt Nam đã thông tin về những thành tựu trong việc đảm bảo các quyền con người, đặc biệt là thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng dân chủ, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, sự phát triển lớn mạnh, đa dạng, vai trò tích cực của báo chí trên các lĩnh vực đời sống xã hội, và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của người dân.

Việt Nam cũng đã thẳng thắn trao đổi, làm rõ sự thật về những thông tin sai lệch, không phản ánh đúng tình hình thực tế ở trong nước… Ấy vậy mà, khi thu thập thông tin về tình hình này của Việt Nam, phía Mỹ vẫn cứ cố tình căn cứ vào những thông tin không chính xác, những thông tin mang dụng ý xấu để quy kết Việt Nam về quyền con người, về tôn giáo hoặc về tự do báo chí. Việc làm này đi ngược lại nguyện vọng chung của nhân dân hai nước về việc xây dựng quan hệ tốt đẹp và cùng nhau phát triển.

Trong nhiều hoạt động ngoại giao, trong những cuộc tiếp xúc song phương, thậm chí từng tổ chức những chuyến tham quan nhiều địa phương của Việt Nam cho các khách quốc tế, Việt Nam đã góp phần khẳng định rằng: Tại Việt Nam, các quyền tự do cơ bản của người dân được quy định cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật và được đảm bảo trên thực tế.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc đảm bảo quyền con người trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Người dân Việt Nam tham gia đầy đủ và tích cực vào mọi mặt của đời sống xã hội. Quyền con người được đảm bảo và phát huy. Đấy là nhân tố quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội, đưa đến thành công của công cuộc đổi mới ở Việt Nam.

Còn với những trường hợp vi phạm pháp luật thì ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy thôi, đều phải bị xử lý và xử lý nghiêm khắc. Việt Nam là một Nhà nước pháp quyền, tại Việt Nam, các hành vi vi phạm pháp luật được xử lý theo đúng các quy định của pháp luật, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị.

Vậy tại sao Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn cứ “khư khư” cách làm đã trở nên lỗi thời là dùng “Báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới” để quy kết quốc gia này, thể chế kia về vấn đề nhân quyền, về tự do tôn giáo hay tự do ngôn luận, tự do báo chí?

Phải chăng, đó là bởi các nhà soạn thảo báo cáo vẫn cứ theo một cái lối rất cũ là lấy thông tin từ những thiểu số người Việt lưu vong hoặc một nhóm nhỏ những người có thái độ bất mãn, chống đối Nhà nước, chống chế độ ở Việt Nam?

Mà như thế, việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra “Báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới” với những nhận xét không khách quan về Việt Nam có thể khẳng định như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị rằng: “Đó là những nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin sai lệch về tình hình thực thi quyền con người ở Việt Nam”. Cái cách ấy đã quá lỗi thời, chẳng nên duy trì mãi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên