Báo chí và văn hóa

Báo chí không đơn thuần làm công việc chuyển tải văn hóa một cách thụ động mà phải chủ động sàng lọc khi quảng bá văn hóa đại chúng, không tiếp tay cho những hành vi phản cảm trong hoạt động văn hóa nghệ thuật...

(Bài tham luận của nhà báo Phan Quang tại Hội thảo về Văn hóa truyền thông trong thời kỳ hội nhập , Hà Nội, 22/2/2012)

1. Cho đến nay, hai từ văn hóa có đến vài trăm định nghĩa, tùy góc tiếp cận của mỗi người; định nghĩa nào cũng đúng và cũng có mặt chưa bao quát. Vì vậy cần thống nhất trước với nhau, văn hóa chúng ta đề cập ở đây là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh của phát triển, biểu hiện trong cuộc sống bằng nhiều hình thái và qua nhiều hoạt động, ở đó con người giữ vị trí chủ đạo và trung tâm. Xã hội chúng ta kiến tạo là xã hội xã hội chủ nghĩa nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do dân làm chủ, với nền kinh tế phát triển cao, văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc.

Về báo chí cũng có nhiều cách hiểu, cái chung nhất được mọi người chấp nhận là, nói báo chí là nói thông điệp. Thông điệp mang tin tức, tư tưởng, quan điểm… của người, thể hiện qua lời, chữ, tiếng, hình… hoặc riêng rẻ hoặc liên kết bằng công nghệ. Nhà báo chuyển thông điệp đến công chúng bằng phương tiện truyền thông. Truyền thông không chỉ là công cụ vật chất, là công nghệ và kỹ thuật, truyền thông trước hết là người. Thông điệp báo chí vì vậy có thể cao quý, nhân văn, phục vụ lợi ích cộng đồng, cũng có thể thông tục, phi văn hóa, phi đạo đức, phục vụ lợi ích nhóm và tham vọng kinh tế-chính trị của họ. Trong thời đại toàn cầu hóa, do nhiều yếu tố đan xen, ranh giới trong nội dung thông điệp không rõ nét như trước song chẳng bao giờ biến mất hoàn toàn.

2. Văn hóa có từ khi hình thành xã hội loài người. Báo chí mới ra đời bốn, năm trăm lại đây. Nó lớn mạnh nhanh, cống hiến nhiều cho phát triển, nghiễm nhiên trở thành một bộ phận cấu thành văn hóa, đồng thời là phương tiện thực thi, quảng bá văn hóa. Một minh chứng về mối quan hệ qua lại giữa báo chí và văn hóa ở nước ta là vai trò của báo chí trong sự khẳng định, lan tỏa và hoàn thiện chữ quốc ngữ.

Chữ quốc ngữ vốn được các giáo sĩ phương Tây dùng mẫu tự la tinh ghi lại khoảng ba, bốn trăm năm về trước, khi họ đặt chân đến nước ta truyền đạo Thiên chúa. Trong ba trăm năm, nó tồn tại phạm vi hẹp, chủ yếu trong Nhà thờ, chức sắc của Giáo hội và một số con chiên. Thực dân Pháp chiếm nước ta, sau khi thất bại trong ý đồ dùng chữ Hán hoặc tiếng Pháp làm phương tiện củng cố nền thống trị và truyền bá văn minh của họ, đã tìm đến chữ quốc ngữ.

Ý đồ này chắc chắn bị nhân dân ta gạt bỏ nếu không có sự trùng hợp lịch sử: các chí sĩ Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 trong quá trình tìm lối đưa dân tộc thoát khỏi lầm than, đã sớm nhận ra chữ quốc ngữ là văn tự dễ học, tiện dùng, có thể làm phương tiện mở mang dân trí, tự lực tự cường, tiến tới lật đổ ách ngoại xâm. Ở Bắc Kỳ, các chí sĩ Đông Kinh nghĩa thục khẳng định: “Phàm người trong nước đi học, nên lấy chữ quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên”(1). Ở Trung Kỳ, tiến sĩ Trần Qúy Cáp cùng một số chí sĩ lãnh đạo phong trào chống thuế và duy tân, trước khi bị thực dân Pháp hành hình cụ có lời kêu gọi tâm huyết: “Chữ quốc ngữ là hồn trong nước/ Phải đem ra tính trước dân ta…”(2). Sớm hơn, tại Nam Kỳ, các học giả Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của… cho dù quan điểm chính trị của họ có chỗ đáng bàn, là những người sử dụng sớm nhất chữ quốc ngữ. Trương Vĩnh Ký chủ bút đầu tiên của tờ báo tiếng Việt đầu tiên: Gia Định báo (1864). Huỳnh Tịnh Của tác giả bộ Đại Nam quốc âm tự vị. Các nhà trí thức “tân học” thuộc thế hệ tiếp đó ở Bắc Hà được giao nắm nhiều phương tiện ngôn luận với mục đích truyền bá “Âu Tây tư tưởng” hay “nền văn minh Thái Tây” thì đương nhiên dùng chữ quốc ngữ. Song song với chủ trương xuất bản báo chí tiếng Việt, nhà cầm quyền Pháp, do nhu cầu đào tạo người nguồn nhân lực bản xứ, mở rộng hệ thống “trường tiểu học kiêm bị Pháp Việt” dạy trẻ học tiếng Việt và tiếng Pháp. Các nhà khoa bảng “cựu học” thời ấy muốn làm việc trong guồng máy hành chính của Nam triều nhất thiết phải biết ít nhiều chữ quốc ngữ. Các chí sĩ trực tiếp đương đầu với thực dân lần lượt hy sinh, chịu bắt bớ lưu đày hoặc sống trong trốn tránh thì đã có nhiều người khác xuất thân từ những thành phần xã hội rất khác nhau như Lương Khắc Ninh, Trần Chánh Chiếu, Diệp Văn Cương, Nguyễn An Ninh, Phan Kế Bính, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Hữu Tiến, Phan Đăng Lưu, Trần Huy Liệu, …thông qua báo chí tiếng Việt non trẻ, cùng khẳng định vai trò chữ quốc ngữ trong đời sống tinh thần của dân tộc. Cụ Phan Bội Châu sau khi tránh được án tử hình nhờ cuộc đấu tranh của nhân dân cả nước ta, bị Pháp đưa về giam lỏng tại Huế. Dưới bút danh Hàn Mạn Tử cụ đã giúp học giả Đào Duy Anh hiệu đính hai bộ từ điển Hán Việt từ điểnPháp Việt từ điển do ông soạn với tâm nguyện góp phần khắc phục tình trạng “chữ Hán nhường địa vị cho chữ Pháp (trong khi) Việt ngữ vẫn cứ ở địa vị thấp hèn”(3). Nhờ sự trùng hợp nói trên, chữ quốc ngữ thông qua báo chí và học đường, đã lan tỏa nhanh. Sau chừng ba thập niên, đến đầu những năm 1920 cụ Nghè Ngô Đức Kế từ nhà tù Côn đảo trở về, trong một bài luận chiến phản bác quan điểm của Phạm Quỳnh về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và dân tộc, đã có cơ sở để khẳng định: “Các nhà tân học, cựu học đều biết rằng muốn khai thông phong khí cho dễ, truyền bá văn minh cho mau, thì phải dùng chữ mình, viết chữ mình”(4).

Báo chí là phương tiện đầu tiên chuyển tải văn học Việt Nam hiện đại. Chữ quốc ngữ trở thành công cụ truyền bá học thuật, văn hóa, kể cả văn hóa nước ngoài, khởi đầu từ khoa học xã hội đi đến khoa học tự nhiên và công nghệ. Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước quyết định dùng tiếng Việt dạy các bậc học từ vỡ lòng đến đại học, vị thế chữ quốc ngữ càng được nâng cao. Báo chí cách mạng ra đời, đã du nhập nhiều thuật ngữ chính trị, kinh tế, triết học, xã hội học… chưa có trong tiếng ta, làm giàu ngôn ngữ Việt.

Lấy chữ quốc ngữ làm phương tiện biểu đạt, báo chí góp phần hiện đại hóa và thống nhất tiếng Việt theo những chuẩn mực chung, nâng cao dân trí ngoài học đường và sau học đường. Ngôn ngữ thống nhất là điều kiện để thống nhất dân tộc, đoàn kết toàn dân, bảo đảm toàn vẹn chủ quyền cùng bản sắc văn hóa. Dân trí được nâng cao là tiền đề của mọi tiến bộ, đổi thay, trong đó có tiến bộ, đổi thay của văn hóa và báo chí. Dân trí tăng lên có công của báo chí; đổi lại, nhờ thêm người có học vấn, độc giả tiềm năng phát triển về số lượng và trình độ, báo chí quốc ngữ càng có điều kiện khởi sắc. Tác động qua lại ấy minh chứng chức năng và cống hiến của báo chí và của chữ quốc ngữ vào văn hiến Việt Nam, trong khi văn hiến Việt Nam là bình sữa, là cái nôi nuôi dưỡng báo chí, là năng lượng tiếp sức sống cho chữ quốc ngữ. Thực tế ấy càng khẳng định vị thế, vai trò của báo chí trên tư cách bộ phận cấu thành văn hóa.

3. Với sứ mệnh như vừa nói ở trên, báo chí hiện diện trên mọi lĩnh vực, có cống hiến lớn vào sự nghiệp chung của dân tộc, bao gồm sự nghiệp xây dựng, phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc.

Điều đặc biệt đáng nhấn mạnh là, trong khi các loại hình văn hóa đều thông qua cách tác nghiệp riêng của ngành để “làm văn hóa” hoặc tự lưu, thì duy nhất có báo chí vừa làm sứ mệnh được giao trên tư cách bộ phận cấu thành văn hóa, vừa chung tay chung sức cùng các loại hình văn hóa khác thực hành sứ mệnh của họ, góp phần quảng bá, đưa chúng lan tỏa nhanh, rộng trong nhân dân. Thời đại hậu công nghiệp, vai trò và tác động của báo chí với tư cách phương tiện thực thi văn hóa càng to lớn, càng hữu hiệu nhờ ở thế mạnh ít lĩnh vực nào sánh được với nó, thể hiện ở sự tăng tiến đột biến về tốc độ, số lượng, chất lượng và khả năng tương tác đa chiều.

Ở nước ta, “sân khấu truyền thanh” từ lâu là hình thức đưa nghệ thuật kịch trường đến với công chúng không qua sàn diễn. Trong hoàn cảnh chiến tranh, đất nước bị chia cắt, giao lưu trở ngại, bộ môn báo chí-nghệ thuật này được nhân dân nồng nhiệt đón chờ. Màn ảnh truyền hình ngày nay không chỉ chiếu phim điện ảnh mà còn có, và ngày một nhiều hơn, những bộ phim mang tính đại chúng do truyền hình sản xuất; cũng như không bằng lòng đơn thuần phản ánh, tường thuật các chương trình âm nhạc, vũ đạo, điện ảnh… của người khác mà còn đứng ra tự mình sáng tạo, dàn dựng nhiều tác phẩm nghệ thuật theo phong cách đặc thù của truyền thông. Thực tế ấy đặt ra hai yêu cầu, nhằm cùng một mục đích: văn hóa nhận rõ vai trò, tác dụng của báo chí, truyền thông và chủ động phối hợp với báo chí, trong khi báo chí phấn đấu nâng cao hàm lượng văn hóa các sản phẩm của mình.

Đây không phải là chuyện riêng ở nước ta. Phương Tây biết vận dụng sức mạnh của thông tin đại chúng sớm hơn ta nhiều, từ đó xây dựng nên nền văn hóa đại chúng của họ. Từ thông tin đại chúng kiến tạo văn hóa đại chúng là một dấu ấn đậm nét trong lịch sử văn minh phương Tây đương đại.

Văn hóa đại chúng không đồng nhất với văn hóa dân gian. Văn hóa dân gian là do dân gian sáng tạo và được dân gian chấp nhận, văn hóa đại chúng do thiểu số làm ra và tìm cách phổ cập trong đại chúng. Nếu văn hóa dân gian tồn tại tự nhiên như ánh trăng thì văn hóa đại chúng lóe lên những tia chớp hào quang có thể sáng trong khoảnh khắc tương đối, có thể lụi tàn ngay, nhường cho những tia chớp khác được cho là tân kỳ hơn, cuốn hút hơn, ăn khách hơn. Văn hóa đại chúng thay đổi theo thị hiếu tựa thời trang thay đổi theo mùa, lúc nào cũng có vẻ mới cho dù có trường hợp chỉ là sự tân trang cái cũ, rượu cũ bình mới, mang lại cho công nghiệp văn hóa-truyền thông lợi nhuận khổng lồ. Văn hóa đại chúng có thể tác động tốt đẹp vào đời sống tinh thần người dân, cũng có thể gây hệ lụy đáng tiếc cho xã hội (5). Báo chí, truyền thông vì vậy không đơn thuần làm công việc chuyển tải văn hóa một cách thụ động mà phải chủ động sàng lọc khi quảng bá văn hóa đại chúng, không tiếp tay cho những hành vi phản cảm trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, và hết sức thận trọng cân nhắc khi tự mình đứng ra làm sản phẩm văn hóa phục vụ cộng đồng.   

4. Bác Hồ dạy: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến người làm báo chí”. Báo chí là văn hóa thì tất nhiên đòi hỏi người làm báo phải có văn hóa, nhà báo  coi tác nghiệp của mình là hoạt động văn hóa. Chắc không mấy ai dám vỗ ngực xưng mình là “nhà văn hóa”, tuy nhiên về thực chất, có văn hóa là yêu cầu quán xuyến cuộc đời nghề nghiệp của bất kỳ ai dấn thân vào nghề báo, viết văn hay làm nghệ thuật.

Nói “nhà báo - nhà văn hóa” là nói đến tố chất văn hóa nơi người làm báo. Tố chất văn hóa hiểu theo nghĩa nhân văn, không đơn thuần biểu hiện bằng tri thức, học vị, cống hiến, tài hoa… cho dù đấy là những phẩm cách không thể thiếu. Căn bản văn hóa của con người không hẳn do tư chất bẩm sinh, do cái “gen” di truyền trong cơ thể. Văn hóa của con người kết tinh từ truyền thống văn hiến của dân tộc, chất lượng giáo dục mà ta thụ hưởng từ gia đình, học đường, xã hội và cuộc sống. Có thể coi văn hóa là tập đại thành của quá trình học tập, tích lũy, rèn luyện cả về kiến thức, trí tuệ, tinh thần, phẩm chất... Nhà báo “ăn đong” khó trở thành người có văn hóa thâm hậu.

Văn hóa của người làm báo thể hiện ở thái độ đối với tổ quốc, xã hội, tâm linh…, ở cách ứng xử với thiên nhiên, môi trường, đồng nghiệp, đồng bào…, cả với đối phương khi cần. Do nhu cầu nghề nghiệp, nhà báo hòa nhập giới thượng lưu mà không lấy thế làm sang, sống chung với lớp người nghèo khó thậm chí bị coi là hạ đẳng trong xã hội mà không tiêm nhiễm những thói hư tật xấu của một số nào trong đó. Từ khi ra đời, đội ngũ báo chí ta có rất nhiều gương sáng người cầm bút hiên ngang khí phách trước kẻ thù, cùng anh chiến sĩ xung kích lên tuyến lửa không chút ngại ngần, cho dù biết lát nữa mình có thể nằm lại vĩnh viễn nơi đây, những người ấy lại dễ tuôn nước mắt trước những mảnh đời bất hạnh. Không thể gọi là có văn hóa những ai vô cảm trước nỗi đau của đồng bào, đồng loại, ra ngoài thì phong nhã hào hoa, về nhà dở thói côn đồ với vợ con, thô bạo với hàng xóm, dửng dưng trước biến đổi khí hậu, mải mê chạy theo đồng tiền và danh vọng mà bon chen, chụp giật, xâm phạm đời tư người khác, không ngại ngùng tung ra công chúng những sản phẩm chất lượng kém thậm chí độc hại, miễn là có tiền, nổi tiếng. “Nghề báo có thể đưa người ta đến bất kỳ đâu, cái quan trọng là biết dừng lại khi cần”, người xưa từng nói.

Trong công việc, tố chất văn hóa người làm báo thể hiện bằng đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo có văn hóa tôn trọng luật pháp, tuân thủ các quy ước của cộng đồng.

Tố chất văn hóa của người làm báo, hàm lượng văn hóa trong sản phẩm  truyền thông hiện lên mặt báo, màn hình qua âm thanh, màu sắc, công nghệ, kỹ xảo… Tuy nhiên sẽ sai lầm nếu đồng nhất tác phẩm báo chí ăn khách nhất thời nhờ thủ thuật, nhờ hợp thị hiếu một bộ phận nào đó trong cư dân, với tác phẩm có lượng văn hóa hàm súc bên trong, cũng như không nhất thiết nhà báo nổi danh nào cũng là người văn hóa cao.

Văn hóa báo chí biểu hiện cuối cùng ở hiệu quả xã hội của từng tác phẩm, ở cống hiến của người làm báo qua cả cuộc đời tác nghiệp của họ, ở dấu ấn dài lâu của từng cơ quan báo chí, truyền thông vào tiến trình phát triển xã hội. Mối quan hệ văn hóa-báo chí thường tiềm ẩn, song đấy lại là cái âm thầm khắc họa nhân cách nhà báo chân chính, phân biệt họ với những kẻ lợi dụng báo chí vì mục đích tầm thường; là nhân tố kiến tạo bản sắc của cơ quan báo chí, truyền thông, phân biệt chúng với các thứ từ xưa đã bị coi là “lá cải”,  là điều kiện hun đúc, kết tinh nên thực chất của nền báo chí quốc gia.


1 Văn minh tân học sách (1907), bản dịch của Đặng Thai Mai.
2 Văn thơ yêu nước đầu thế kỷ XX, Nxb Khoa học xã hội, 1991.
3 Đào Duy Anh, trích bài Tựa bộ Pháp Việt từ điển (thoạt đầu có tên là Pháp Việt Hán từ điển).
4 Tạp chí Hữu Thanh, Hà Nội, 1924.
5 Cương lĩnh tranh cử tổng thống của Thủ tướng Nga Putin vừa công bố tháng 1-2012  có 4 điểm, điểm 1 viết: “… Chúng ta sẽ không cho phép các sản phẩm văn hóa đại chúng rẻ tiền làm tê liệt sức khỏe đạo đức và tinh thần của con em chúng ta, và sẽ hỗ trợ để tạo ra và thúc đẩy các chương trình văn hóa trong nước có chất lượng.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên