“Báo động đỏ” về văn hóa thần tượng

Khi một bạn trẻ có thể quỳ xuống hôn... ghế ngồi của một ngôi sao ca nhạc, được coi là thần tượng, thì đúng là bạn trẻ đó không còn biết thế nào là danh dự và thể diện của bản thân nữa.

Thần tượng là biểu hiện của sự say mê, hâm mộ đến mức tôn thờ, trong đa số các trường hợp được cụ thể hóa vào từng cá thể, nhân vật, nhóm nhân vật nào đó. Sống có thần tượng là một nét văn hóa phổ biến, nhất là đối với các bạn trẻ. Tuy nhiên, giống như cảm xúc thẩm mỹ dễ hòa vào ảo ảnh, thần tượng cũng rất gần với ảo tưởng, nếu như các bạn trẻ không có bộ lọc tốt và không được hỗ trợ để điểu chỉnh, kiểm soát bản thân. Trong trường hợp đó, văn hóa thần tượng lẽ ra mang hạnh phúc đến cho người hâm mộ, thì ngược lại, chỉ còn là bất hạnh.

Đáng buồn là nhiều sinh viên, học sinh hiện nay thờ ơ trước các buổi sinh hoạt ngoại khoá, những chuyến đi thăm người nghèo, trẻ em khuyết tật hay các hoạt động tình nguyện khác, nhưng lại sẵn sàng bỏ cả việc học hành để tham gia các diễn đàn bảo vệ thần tượng của mình. Không ít bạn còn sẵn sàng ẩu đả trực tiếp để làm việc này.

Khó mà tưởng tượng nổi, vì sao mà một bạn gái học lớp 11 sẵn sàng làm cả những việc chưa nên làm và chưa được phép làm, để đổi lấy vé xem đêm diễn của ban nhạc thần tượng Super Junior. Thế nên gần đây dư luận cũng không lấy gì làm ngạc nhiên, vì đã nghe quen rồi, về việc một ca sĩ nổi tiếng ở trong nước cưỡng hiếp nữ sinh hâm mộ mình.

Hay trong đại nhạc hội do ban nhạc Big Bang trình diễn ở thành phố Hồ Chí Minh, các bạn trẻ hâm mộ cuồng nhiệt đua nhau gào thét, thậm chí vừa khóc lóc thảm thiết vừa gọi tên thần tượng. Hậu quả là sự chen lấn, xô đẩy, dẫm đạp lên nhau làm hàng trăm bạn trẻ kiệt sức ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu.

Những bạn trẻ này sẵn sàng nghỉ học để chầu trực được gặp thần tượng (Ảnh: Năm Châu)

Thêm một ví dụ nữa, tuy không gọi là thần tượng nhưng cũng có nguy cơ lệch lạc trượt đà, đó là cách thể hiện sự hâm mộ của các cổ động viên đội bóng đá Sông Lam Nghệ An vừa rồi ở thành phố Hồ Chí Minh. Cổ vũ đội bóng quê hương là điều tốt đẹp, nhưng núp danh tình yêu bóng đá để la hét, dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ, đốt pháo sáng, bấm còi inh ỏi... làm ảnh hưởng đến giao thông và nếp sống văn minh đô thị thì thật đáng lên án.

Thực ra, mỗi ca sĩ, ban nhạc hay đội bóng nào đó đều mong muốn có nhiều người hâm mộ, nhưng chắc chắn không ai muốn vì sự cổ vũ, yêu mến cuồng nhiệt ấy mà làm ảnh hưởng hay tổn thương đến người khác. Càng không thần tượng nào muốn các bạn trẻ phải mất ăn mất ngủ, hay bỏ cả học hành, công việc để thể hiện sự hâm mộ. Bởi khi đó, hành động của các bạn không còn là sự hâm mộ nữa, mà đã trượt đà, biến thái, trong nhiều trường hợp rất khó hình dung đó là hành động của một người bình thường. Chẳng hạn như có bạn đã tự tử khi thần tượng của mình lập gia đình, hay không đoạt giải trong một cuộc thi nào đó.

Ngoài sự say mê cuồng nhiệt đến mù quáng của các bạn trẻ, thì trong sự bất bình thường đã đến mức báo động đỏ này còn có lỗi của người lớn. Trước hết, các bậc phụ huynh cần quan tâm sát sao hơn đến con em mình, bởi ngày nay các em có rất nhiều kênh và dễ dàng tiếp nhận mọi loại thông tin, có cái hay cái dở, có cả gió lành và gió độc. Từng gia đình nên thường xuyên nhìn lại và điều chỉnh cách giáo dục, đừng quá chiều chuộng hoặc thiếu quan tâm rồi khi các em trượt đà lại đổ tại xã hội.

Cùng với gia đình là nhà trường, với trách nhiệm định hướng cho học sinh sinh viên, tạo sân chơi lành mạnh cho các em, vừa tiếp cận được với thế giới bên ngoài, vừa giữ được bản sắc văn hóa truyền thống. Mà giáo dục trước hết là làm gương. Và văn hóa bắt đầu từ lời nói.

Khi có vị tiến sĩ vừa giảng bài vừa văng tục, thì cũng chẳng có gì khó hiểu về kết quả thăm dò có đến 90% bạn trẻ ủng hộ vị tiến sĩ ấy. Ai cấm các bạn lấy thầy giáo, lấy người lớn làm thần tượng?

Bên cạnh gia đình và nhà trường, trong phần lỗi của người lớn còn có sự phát triển bùng nổ đến mức khó kiểm soát của công nghệ lăng-xê, quảng cáo thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhiều kênh truyền hình thường xuyên phát phim Hàn Quốc cũng như các chương trình ca nhạc nước ngoài mà thiếu sự chọn lọc nội dung và cân bằng về liều lượng.

Tuổi các em chưa đủ nhận thức và trải nghiệm để sàng lọc điều tốt điều xấu, cái nên làm và cái không nên làm. Vậy nên, người lớn cần trợ giúp các em điều chỉnh, kiểm soát bản thân, để các em không bị ảo ảnh làm cho mù quáng, không thần tượng hóa quá đà để rơi vào ảo tưởng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên