Sản phẩm công nghiệp xuất khẩu:

Bao giờ hết lấy công… làm lãi

Một sản phẩm công nghiệp ra đời trên cơ sở nguyên liệu nhập khẩu, công nghệ nhập khẩu, mẫu mã cũng nhập khẩu... chỉ có nguồn nhân công giá rẻ, thì khó có thể đạt giá trị gia tăng cao được.

Kim ngạch tăng, lợi nhuận vẫn thấp

Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay, các loại sản phẩm công nghiệp ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2005, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 32 tỷ USD, thì nhóm sản phẩm công nghiệp chỉ mới chiếm 40%; năm 2006, trong tổng số kim ngạch 40 tỷ USD, nhóm mặt hàng này đã vươn lên 55% và năm 2007, trong tổng kim ngạch 58 tỷ USD, sản phẩm công nghiệp đã chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Năm 2009, mặc dù tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu, nhưng sản phẩm công nghiệp xuất khẩu vẫn tăng mạnh, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Một số mặt hàng đã vượt qua ngưỡng 1 tỷ USD như dầu thô, may mặc, giày da, đồ gỗ, điện tử, đóng tàu... Mức độ tăng trưởng xuất khẩu của các nhóm sản phẩm công nghiệp hàng năm tăng từ 15 - 20% là một tín hiệu đáng mừng của các ngành công nghiệp ở Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế của các nhóm mặt hàng này, ai cũng có thể dễ dàng nhận ra một điều, đó là tăng trưởng mạnh, thậm chí tăng trưởng “nóng” nhưng lợi nhuận thấp, thiếu tính bền vững. Nếu không có những bước điều chỉnh đầu tư hợp lý, thì không chỉ hiện tại mà tương lai gần, Việt Nam vẫn chỉ là xưởng gia công lắp ráp, là bãi thải công nghiệp của thế giới hội nhập. Bởi đa số các sản phẩm công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam đều là sản phẩm gia công, lắp ráp như: dệt may, giày da, đồ gỗ, điện tử, đóng tàu... Thậm chí một số mặt hàng xuất khẩu khó khăn, tiêu thụ nội địa là chính cũng nằm trong tình trạng này như: ô tô, xe máy, máy tính... tỷ lệ nội địa hoá chưa đạt được 10%.

Chính vì gia công lắp ráp nên lợi nhuận tính trên đầu sản phẩm rất thấp. Đơn cử như giày da, may mặc hai mặt hàng có tổng kim ngạch xuất khẩu cao, thu hút hàng triệu lao động trong cả nước, nhưng chủ yếu là gia công, còn nguyên liệu, mẫu mã, phụ kiện đều nhập khẩu từ bên ngoài. Với hơn 80% nguyên liệu, phụ kiện nhập khẩu đã làm cho chi phí sản xuất lên cao, lợi nhuận đạt được rất thấp so với chi phí đầu tư. Tương tự như vậy, ngành chế biến đồ gỗ, mỗi năm đạt kim ngạch xuất khẩu từ 2,5 - 3 tỷ USD với chỉ số tăng trưởng rất cao 30-35%/năm, nhưng hơn 2/3 là nguyên liệu nhập khẩu. Hơn 2.000 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chế biến đồ gỗ trong cả nước, nhưng chưa có một doanh nghiệp nào chủ động được nguồn nguyên liệu và hầu như không có một doanh nghiệp, cơ sở nào xây dựng được nguồn nguyên liệu tại chỗ của mình. Đây có lẽ là một nghịch lý  đối với Việt Nam, một đất nước có nguồn đất đai dồi dào, nguồn lâm sản phong phú, nguồn lao động nông nghiệp chiếm hơn 70% dân số của cả nước.

Công nghiệp điện tử cũng vậy, mỗi năm kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD, nhưng chủ yếu là ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; các doanh nghiệp trong nước với tiềm lực tài chính, công nghệ, nhân lực hạn hẹp, chỉ an phận làm tốt khâu gia công lắp ráp.

Không thể mãi duy trì “nền công nghiệp làm thuê”

Một sản phẩm công nghiệp ra đời trên cơ sở nguyên liệu nhập khẩu, công nghệ nhập khẩu, mẫu mã cũng nhập khẩu... chỉ có nguồn nhân công giá rẻ, thì khó có thể đạt giá trị gia tăng cao được. Có lẽ vì thế, mà nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rất xác đáng rằng: nền công nghiệp Việt Nam đang ở dạng thấp nhất trong chuỗi phân công lao động quốc tế, lấy nhập siêu làm nguồn sống... Thậm chí, một số ngành còn sống nhờ vào sự bảo hộ của nhà nước, “móc túi” người tiêu dùng nội địa, sống lay lắt...

Đây cũng là một trong rất nhiều nguyên nhân chủ yếu làm cho nền kinh tế Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu ở mức cao. Năm 2001 nhập siêu 1,9 tỷ USD thì năm 2003 là 5,1 tỷ USD, năm 2004 nhập siêu 5,5 tỷ USD, thì năm 2007 đã lên trên 6 tỷ USD.  Chúng ta không phủ nhận những tác dụng tích cực ban đầu của nền công nghiệp gia công lắp ráp, trong điều kiện nguồn lực đầu tư của nước ta còn có hạn: tận dụng được nguồn lao động giá rẻ, tạo được nhiều việc làm có thu nhập, chi phí đầu tư thấp, thu hồi vốn nhanh... Nhưng về lâu dài vẫn chỉ là nền công nghiệp “làm thuê”, thiếu ổn định, giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc phần lớn vào thị trường bên ngoài, rủi ro lớn khi giá nguyên liệu biến động, rào cản thương mại được dựng lên, bảo hộ trong nước bị dở bỏ. Minh chứng rõ nhất cho vấn đề này trong thời gian qua là ngành dệt may, giày da, thủy sản... trước biến động bất thường của nguồn nguyên liệu và các vụ kiện bán phá giá từ đối tác nước ngoài. Đặc biệt khi Chính phủ ban hành Nghị định 55 dỡ bỏ một phần hỗ trợ, thì các ngành này rơi vào vòng lao đao, năng lực sản xuất kinh doanh sụt giảm. Đây là thách thức lớn nhất của các ngành công nghiệp nước ta trước biển lớn WTO hiện nay.

Để khắc phục thực trạng sản xuất kinh doanh theo kiểu “lấy công làm lãi” trong một thời gian ngắn quả không dễ. Bởi trong cơ cấu công nghiệp, để có một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều khâu như, nghiên cứu, thiết kế, triển khai, quản trị thương hiệu, sản xuất, lắp ráp...thậm chí có sản phẩm phải mất hàng năm, hàng chục năm trời mới ra được với thị trường. Chúng ta may mắn hơn đi tắt, đón đầu được công nghệ tiên tiến, nhưng không vì thế mà an phận bỏ qua nhiều khâu có giá trị gia tăng cao trong sản xuất công nghiệp, nhất là các sản phẩm công nghiệp phụ trợ. Lắp ráp gia công là khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi phân công lao động công nghiệp, ta đang tập trung nguồn đầu tư, lao động vào khâu này thực chất là chỉ lấy công làm lãi. Vì thế, đã đến lúc chúng ta cần có một cái nhìn nghiêm túc khách quan về chỗ đứng của nền công nghiệp, đừng tự ru ngủ mình với những kết quả đã đạt được bằng những con số tăng trưởng mà lợi nhuận thực chất không phải của mình. Để từ đó có những định hướng, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng tập trung chuyên sâu vào các khâu có giá trị gia tăng cao mà nước ta có tiềm năng thế mạnh, giảm bớt tình trạng đầu tư vào gia công lắp ráp theo kiểu phong trào như hiện nay.

Trong đó các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đóng vai trò quyết định trong việc nghiên cứu, triển khai, sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm của mình. Trên cơ sở hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển các vùng, miền, phù hợp cho phát triển các loại hình công nghiệp có tiềm năng lợi thế cạnh tranh. Tránh tình trạng đầu tư tràn lan, tỉnh nào cũng có đủ các loại nhà máy may mặc, giày da đến xi măng, sắt thép, chế biến nông, lâm, thủy sản, lắp ráp ô tô, xe máy... nhưng sản phẩm không có sức cạnh tranh trên thị trường.

Các doanh nghiệp phải là đầu tàu chủ lực trong việc gắn sản xuất với nghiên cứu khoa học, nâng cao hàm lượng chất xám cho mỗi sản phẩm (đây có lẽ là khâu yếu nhất của các doanh nghiệp hiện nay). Nếu không sản phẩm công nghiệp của Việt Nam mãi vẫn chỉ là những sản phẩm ăn theo, lấy công làm lãi của một nền công nghiệp làm thuê./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên